Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ THƠ THẠCH QUỲ ĐÃ TỪNG ĐẾN TẬN NƠI LÊ NIN ĐI ĐẦY ĐỂ …THĂM CON.

Tô Hoàng
Thứ ba ngày 25 tháng 5 năm 2010 5:29 AM
 
Mấy tháng nay trên trang TN.com đã có 2 bài của các tác giả Đàm Quỳnh Ngọc và Thái Dõan Hiểu viết về con người và tác phẩm của nhà thơ Thạch Quỳ. Tôi xin góp thêm một câu chuyện nhỏ về anh, mong cho bức chân dung nhà thơ xứ Nghệ này hòan chỉnh, sinh sắc hơn…
Trước khi được gặp và làm quen với Thạch Quỳ trong đợt sang Liên Xô dự lớp tập huấn 3 tháng tại Học viện Văn học Gorki ở Moskva, thú thật tôi chỉ biết tới anh vỏn vẹn qua hai câu thơ:
    Đất nơi đây đào nơi nào cũng đỏ,
 Đập đá ra có ánh lửa ngời...
Đâu đó từ cuối năm 1968 trở đi, máy bay Mỹ phong tỏa gắt gao đọan đường số 1 từ cầu Hàm rồng vào tới phà Bến Thủy. Lính tráng bổ xung cho chiến trường Bắc Quảng trị -Đường 9 hoặc vượt Trường Sơn vào các chiến trường sâu đành đi qua đường Bò Lăn, lên Thanh Chương, Đô lương, đến một trạm nào đó ở Nam Đàn thì nghỉ lại, chờ tới tối sẩm hôm sau đi tiếp. Qua một đêm bị xe lắc, ngủ gà ngủ vịt, khỏang 8giờ, 8 rưỡi sáng hôm sau chúng tôi bừng tỉnh trong tiếng lao xao họp chợ ngay phía bên kia bờ giậu. Những tiếng chào mời, mà cả, xen lẫn tiếng lợn kêu vịt cạc giữa thời buổi chiến tranh nghe sao như muốn níu kéo cánh lính chúng tôi trở về với cuộc đời thanh bình, yên ả đến vậy. Càng lạ lùng hơn tiếng chào mời, mà cả kia lại theo một đơn vị tiền tệ xa xưa hình như đã biến mất từ lâu: một tiền, một tiền rưỡi có bán không?... Nhào dậy khỏi võng, chạy ra sân định tìm tới giếng nước rửa mặt, đã nghe thấy tiếng cười tung tóe của các cô gái. Chao, con gái vùng này mới xinh làm sao? Áo nâu non sẻ tà để hở một mảng lườn  hồng hồng, săn chắc; mắt tròn đen thăm thẳm; đôi môi tươi tắn lúng liếng nụ cười ghẹo trêu ! Chạy ngược vào nhà, lấy gương ra soi. Đến lượt chúng tôi phá ra cười: Quần áo, mặt mũi, râu tóc thằng nào thằng nấy nhuộm sậm bụi đất đỏ ba dan! Thứ đất đỏ ấy, mãi những năm còn sống sót sau này mới hay là rất đặc trưng cho vùng Thanh Chương, Đô Lương. Chưa kịp định thần các cô gái xứ Nghệ dạn dĩ đã ào tới, kéo tay chúng tôi đến bên những chiếc giếng đá ong đáy sâu tun hút, múc những gàu nước mát lạnh gíup chúng tôi gội đầu, rửa mặt. “Đất đỏ xứ Nghệ rứa đó! Các anh đi đâu, ở đâu cũng đừng quên đất đỏ quê em nghe ..”. Các cô gái ríu ran. Hứa hẹn. Ghi vào sổ lưu niệm quê quán, địa chỉ của nhau. Để khi chiều tắt nắng đành bịn rịn, dùng dắng chia tay. Và cho tới khi tóc bạc, da mồi cũng không tìm được dịp may nào trở về nơi trú quân có những chiếc giếng đá ong, có phiên chợ buổi sáng kỳ lạ và những con đường đất đỏ, mỗi khi trời đổ mưa lòng đường đỏ sậm lại như một thân gỗ mới sẻ.. Đành bám lấy hai câu thơ của Thạch Quỳ mà tự làm dịu đi những nhung nhớ, tiếc nuối của một thời trai trẻ…
Thạch Quỳ lên lớp nghe các nhà giáo, nhà văn Nga thuyết trình đâu đó chưa đầy nửa tháng, anh bỗng ngỏ ý với lớp trưởng nhà thơ Lê Chí và phiên dịch viên là tôi muốn đi thăm người con trai đang lao động xuất khẩu đâu đó tận Sibêri .Anh đưa tôi xem chiếc phong bì ghi địa chỉ nơi làm việc của con trai anh. Tôi quen biết nhiều cánh lao động Việt nam xuất khẩu đang làm việc tại các vùng ngọai ô Moskva như Klin, Naghinxcơ.. hay xa hơn như Riadan, Togliatti..nhưng cái địa danh nơi con trai nhà thơ làm việc sao rất xa lạ, chưa từng nghe thấy bao giờ. Nhà thơ Lê Chí nhờ tôi tìm hiểu xem nơi đó xa gần, phương tiện đi lại ra sao? Buổi chiều tôi tìm xuống thư viện nhà trường,  không khó khăn gì tôi đã thu thập được một lượng thông tin dữ dằn. Điều đầu tiên cô thủ thư Nga cho biết thị trấn ấy ở cách Moskva khỏang 3500 hay 4000 cây số. Đi máy bay thì không kể làm gì, đáp tầu lửa chừng mất cả nửa tháng vừa đi vừa về. Cô gái Nga nheo nheo mắt cười cho biết điều thứ hai còn ghê gớm hơn: thị trấn ấychính là nơi xưa kia, dưới thời Sa Hòang, trước ngày Cách mạng tháng Mười bùng nổ, vị lãnh tụ của giai cấp vô sản Nga Vladimi Ilitch Lê nin đã từng bị đi đầy. Nhiều năm trôi qua, bây giờ tôi không còn nhớ đích xác tên cái thị trấn nằm giữa vùng băng tuyết heo hút Siberi, nhưng tôi đoan chắc với các bạn nó đã được ghi rành rõ trong cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô hoặc Tiểu sử Lênin! Nghe tôi báo tin ấy không chỉ đòan trưởng Lê Chí mà các đòan viên như Trung Trung Đỉnh, Chu Lai, Bế Kiến Quốc, Pờ Sảo mìn, Vũ Quần Phương, Trần Mạnh Hảo, Ngô Thị Kim Cúc…đều phát hỏang cả lên. Đường xá xa xôi cách trở như vậy, nhà thơ xứ Nghệ lại mới ra nước ngòai, mới đến nước Nga lần này là lần đầu, tiếng Nga hòan tòan không rành. Nhỡ anh lạc đường hoặc đau ốm, cảm mạo thì sao đây? Cũng không ai có thể bỏ dở chương trình tập huấn để tháp tùng anh cả. Còn chuyện nhờ vả nhà trường trợ giúp xem ra rất phiền phức, lôi thôi. Đòan trưởng Lê Chí nói với chúng tôi cùng xúm vào khuyên Thạch Quỳ mau gạt phắt dự định đó đi. Nghe vậy, Thạch Quỳ nổi quạu :
-Tau sang đây đi học là phụ, đi thăm con là chính-Thạch Quỳ thủng thẳng nhưng cương quyết -Bọn mi đặt vào địa vị tau mà coi- con làm ăn, luơng bổng ra răng, sống chết ra răng thằng cha không hay, liệu ngồi học chữ có vô đầu?
 Ai đó nhẩy vào cuộc:
-Đấy là nơi xưa kia cụ Lê Nin bị đi đầy, ông biết chứ ?
- Ông Lê Nin bị đi đầy ở đó đâu có chết mà vẫn trở về làm được cả một cuộc cách mạng.Bay dọa tau, tau nỏ sợ mô!
Cứ thế ! Nhà thơ không chịu thua ai.
 Ba ngày sau, Thạch Quỳ khoe Lê Chí và tôi tấm vé tầu anh đã mua. Anh kéo tôi ra một góc, móc túi trao cho tôi một tập vở học sinh. Tôi chưa biết chuyện gì xẩy ra, nhà thơ nói luôn:
-Sách XIN ĂN đây! Tau học tập bọn giặc lái Mỹ đó mà! Chương mục đã chia đàng hòang. Phía tiếng Việt tau đã ghi rành rõ, mi dịch cho tau qua tiếng Nga..
 Chờ Thạch Quỳ đi khỏi, tôi lật từng trang cuốn vở tập học trò mà không khỏi bật cười. Cuốn tập được chia như một thứ tự điển, có những tiểu mục hẳn hoi, tên tiểu mục ghi bằng bút đỏ. Ví như: XUẤT XỨ, LẠC ĐƯỜNG, MẤT TIỀN -XIN ĂN, MẮC BỆNH. Dưới mỗi tiều mục là những dòng chữ Việt xếp thành hàng ngang, tôi sẽ giúp anh chuyển ngữ sang tiếng Nga. Ví như ở tiểu mục XUẤT XỨ. Tên: Thạch Quỳ. Công dân: Nước Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt nam. Nghề Nghiệp: Nhà thơ. Công tác: Hiện đang theo học khóa bồi dưỡng viết văn tại Viện văn học Gorki. Địa chỉ cần liên hệ: Thành phố Moskva. Đường phố…số nhà.. Điện thọai…Ví như tiểu mục MẤT TIỀN-XIN ĂN. Lý do xin ăn: bị mất sạch cả tiền. Đã chịu đói mấy… ngày. .Cám ơn đã nuôi sống tôi…ngày. Mua cho tôi tấm vé trở về Moskva và cung cấp cho tôi …ngày thực phẩm, nước uống.. Ví như ở tiểu mục MẮC BỆNH. Thấy người ớn lạnh, hâm hấp sốt. Tôi không mang theo nhiệt kế, hãy đo nhiệt độ cho tôi. Tôi bị đau bụng đã… ngày không khỏi. Tiền sử nghi bị lóet bờ cong dạ dày…
 Hôm sau khi trao lại cuốn tập vở cho nhà thơ, tôi sững người hỏi anh:
-Tôi dịch chuẩn cả rồi! Nhưng anh không biết tiếng Nga, sao anh phát âm nổi để người Nga hiểu ?
 Nhà thơ nạt nộ:
-Học hành chi cho lắm mà vẫn ngu rứa? Tau không cần đọc tiếng Nga của bọn bay. Cần nói điều gì, tau tìm câu tiếng Việt mà dùng ngón trỏ di ngang sang câu mi đã dịch qua tiếng Nga, người Nga khắc hiểu.
 Nói như cánh M.C bây giờ, tôi sẽ huơ tay cao trên đầu và reo vang: Vâng, với cuốn số tay ĂN XIN đó, Thạch Quỳ đã vượt qua cả một đọan đường rất dài, đã đi cắt ngang cả nước Nga mênh mông, để tìm tới cái thị trấn xa xôi ở vùng Sibêri tuyết trắng kia thăm cậu con trai.Mũ lông,thả cả hai dải che tai xuống, buộc chặt ở cầm;chiếc áo dạ màu nâu vừa cũ vừa đã sờn rách, không rõ nhà thơ mượn ở đâu, buông vạt lệt xệt chấm gót chân; chiếc balô lép kẹp lắc lẻo phía sau lưng, nom nhà thơ xứ Nghệ vừa giống một nhà truyền giáo Nga thế kỷ 16, vừa giống một gã mudic Nga nghèo đói đương đại, cứ thế lên tầu nhà thơ xứ Nghệ nhắm hướng Đông thẳng tiến! Một ngày, ba ngày, một tuần trôi qua vẫn biệt vô âm tín. Thuở đó chưa hề có điện thọai di động. Tàu chạy băng băng, chắc nhà thơ cũng khó tìm ra chòi bưu điện ở những ga xép trên đường mà nhắn tin cho chúng tôi. Hoặc anh đã quyết chí đi, việc thông báo anh đã đến đâu, khỏe hay bệnh-theo anh cũng là điều vô ích?
 Nói thành thật, khi chúng tôi hầu như quên bẵng sự hiện diện của Thạch Quỳ trong khóa học lần đó, nhà thơ bỗng sừng sững xuất hiện ngay trước mặt chúng tôi. Vẫn như một nhà truyền giáo hay một gã mudic song vui vẻ, tươi tắn, đầy tự tin, Thạch Quỳ lặp đi lặp lại chỉ một câu: “ Bọn bay thấy chưa! Có chết được mô ? ”.
 Nhà thơ cho biết con trai anh khỏe mạnh, lương bổng hậu hĩ, ăn uống đầy đủ, lên 3 ký, không những không xin tiền bố mà còn gửi bố tiền để bố mua quà mang về cho mẹ, cho các em. Có ai đó cất tiếng hỏi, cả đọan đường đi, về có lúc nào anh cần phải dùng tới cuốn sổ XIN ĂN không, nhà thơ cười hơ hơ hồn nhiên, tay xua xua thủng thẳng kể cho chúng tôi nghe câu chuyện sau đây..
 Nằm cuộn tròn trên chiếc giường áp sát trần tầu một đêm và nửa ngày, nhà thơ bỗng cảm thấy phí thời gian, anh quyết định ngay trên tầu phải thâm nhập cuộc sống của dân Nga. Lợi dụng một lúc thuận tiện, anh nhẩy xuống sàn tầu, vỗ tay vào ngực mình kêu to: “ Việt Nam! Việt nam!”. Đám hành khách trong toa sững sờ một lát, chợt hiểu ra nhẩy cẫng lên hò reo: “ Viet nam ! Voina pobeda ! American go home!” ( Việt nam chiến thắng! Mỹ đã xéo về nước !”. sau những tiếng reo hò ấy, những bình rượu vốt ca ủ trong làn mây, bị cói được kéo ra. Cá muối, thịt xông khói, bơ miếng, hành lá, rau mùi.. được kéo ra..Ly cụng chan chát. Rượu chảy xuống bao tử ồng ộc. Thêm ly nữa, cao hứng nhà thơ xứ Nghệ đập tiếp vào ngực mình, thốt ra một chữ tiếng Nga khá chuẩn:”Poet” ( nhà thơ). Lập tức những tràng vỗ tay, những tiếng “Ura,ura”  rộ lên hưởng ứng.
Thạch Quỳ:
-Tau nỏ biết tiếng Nga, nhưng tau đọc thơ tau theo kiểu ông Maiacốpxki.Sợ chi mô! Nghĩa là vung tay ra, rút tay vào, ngửa mặt nhìn lên trời, cúi mặt nhìn xuống đất, tiến lên một bước, lùi lại môt bước. Đám hành khách Nga hiểu hết những điều thơ mình định nói. Cứ thế lu bù say ngày qua ngày, đêm qua đêm. Rượu vốtca và tuyết trắng vùng Sibêri, còn gì hài hòa, uyển chuyển hơn! Tốp hành khách này xuống ga, họ liền giới thiệu tau với tốp hành khách khác. Tầu tới ga, họ còn đưa tau tới tận nơi thằng con trai tau làm việc. Đi cũng tưng bừng, vui vẻ như thế. Mà về cũng vậy. Chẳng tốn cắc bạc nào!
 Câu chuyện trên xẩy ra vào những ngày đầu đông năm 1988. Mùa hè năm 2001, tôi được đi trong chuyến xuyên Việt với các văn nghệ sỹ tên tuổi do hãng Toyota tài trợ. Mười chiếc xe mới cóng thong dong từ Hà nội đưa chúng tôi lên thăm Nà lừa, thị xã Cao bằng, hồ Ba Bể, sau đó tiếp tục xuôi về qua Hà nội , rẽ vào thăm cố đô Hoa Lư, Nam đàn-quê Bác. Buổi chiều đòan dừng ở Vinh, Hội văn học nghệ thuật Nghệ an mở tiệc khỏan đãi khá thịnh sọan. Tôi nhận ngay ra bóng dáng cao gày cùng vẻ khắc khổ của Thạch Quỳ từ xa. Vốn ngại ngồi chung bàn với những tên tuổi văn chương quá nổi tiếng, tôi muốn tới bắt tay anh song lưỡng lự, chần chừ. Nhưng Thạch Quỳ đã nhận ra tôi, anh chạy tới xiết chặt tay tôi, thăm hỏi rối rít. Giữa chừng câu chuyện nhà thơ đột ngột hỏi tôi:
-Còn nhớ chuyến mình tới nơi ông Lênin đi đầy thăm thằng con năm sang Nga không ? Tôi gậtliền mấy cái . Anh vui vẻ tiếp lời- Thằng ấy bây chừ làm ăn khá lắm. Thành ông chủ rồi!
 Tôi chúc mừng Thạch Quỳ và trong đầu bỗng nhớ ngay tới hai câu thơ của anh về đất, về đá xứ Nghệ:
Đất nơi đây đào nơi nào cũng đỏ.
Đập đá ra có ánh lửa ngời…