- Chị ơi!…
Chỉ gọi được thế thôi
Anh chiến sĩ đưa đường bỗng thấy nghẹn lời
Không làm sao anh còn nói nổi:
Chị đặt hoa nhầm rồi
Mộ anh ấy ở bên tay trái
Chỉ có một vòng hoa chị mang từ quê lại
Hoa viếng mộ bên này đã có chúng tôi!
- Chị hiểu ý em rồi
Xin cho chị đặt hoa bên mộ đó
Cả cánh rừng chỉ có hai ngôi mộ
Viếng mộ anh, có chị đến đây rồi!
Trần Ninh Hồ
Trần Trung bình:
Trần Ninh Hồ đặt cho bài thơ mình một cái tên giản dị - Viếng Chồng. Thi phẩm này của anh, có cách cấu tứ cũng thật tự nhiên như chính hơi thở đời thường. Ấy là tiếng gọi và lời đáp. Sự giản dị đời thường như những tháng năm chiến đấu, hy sinh cùng mất mát. Đấy là hiện thực mà những người dân Việt mãi mãi khắc cốt ghi tâm. Những tháng năm cả nước, toàn dân dấn thân hết mình cho sự sống còn của độc lập, tự do – sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
Cấu tứ được nhà thơ triển khai bằng đối thoại của anh chiến sĩ – một người đồng đội với một người vợ từ quê xa đến viếng chồng, giữa một cánh rừng mênh mông, vời vợi và xa xôi.
“Anh chiến sĩ đưa đường” cất lên tiếng gọi. Gọi mà cũng là lời nhắc nhở người vợ tới thăm chồng. Người vợ ấy mang theo vòng hoa “từ quê lại”. thế mà, oái oăm thay – tình cảm chồng vợ chẳng biết có gì xui khiến mà chị lại đặt nhầm chỗ. “Anh chiến sĩ đưa đường”, trước tình cảnh trông thấy, thổn thức đến “nghẹn lời”, cũng là một lẽ đương nhiên. Tình huống “nhầm rồi”, tất trào lên cảm xúc:
“- Chị ơi!…
Chị đặt hoa nhầm rồi
Mộ anh ấy ở bên tay trái
Chỉ có một vòng hoa chị mang từ quê lại
Hoa viếng mộ bên này đã có chúng tôi!”
Thương yêu, xa xót dồn nén trong lời gọi, cũng là lời trần tình của người chiến sĩ. Anh chiến sĩ nghẹn lời bởi những xúc động trong tình thương đồng đội. Anh càng nghẹn ngào từ trong lời nhắc nhở người vợ ở quê xa đến thăm người quá cố. Người vợ thương chồng, đau thương từ trong mất mát của mình mà nâng niu, mà trân trọng” vòng hoa chị mang từ quê lại”. Vòng hoa viếng chồng. Vòng hoa giãi bày. Vòng hoa thương nhớ.
Nếu những tiếng gọi, cũng là những lời trần tình của người đồng đội chất chứa bao băn khoăn, day dứt thì sự hồi âm trong lời đáp của quả phụ tới viếng chồng lại bình thản, rành rọt bấy nhiêu:
“- Chị hiểu ý em rồi
Xin cho chị đặt hoa bên mộ đó
Cả cánh rừng chỉ có hai ngôi mộ
Viếng mộ anh, có chị đến đây rồi!”
Ta chợt nghe trong lời đáp bình dị và cũng rất đỗi chân thành ấy, bùng nỗ bao ý tình ấm áp, thiêng liêng của một người chị, một người vợ. Và, cao hơn – một người phị nữ hiện hữu ở một tầm cao vọng của nhận thức và tình cảm.
Bởi người phụ nữ bình thường và cao quý ấy đâu có nhầm khi đặt vòng hoa “mang từ quê lại” lên mộ của người chiến sĩ khác.
Bởi lời chị cắt nghĩa rất đỗi phân mình và cũng chan chứa ân tình:
“Xin cho chị đặt hoa bên mộ đó
Cả cánh rừng chỉ có hai ngôi mộ
Viếng mộ anh, có chị đến đây rồi!”
Bởi những lời lẽ đó chị đang nói với anh “anh chiến sĩ đưa đường” hay cũng đang trao gửi tiếng tâm tư thổn thức, nén vào trong với người chồng đã khuất, với người mãi yêu thương của lòng mình.
Và tự lời đáp thành tâm ấy, chính chị đã trở thành Đóa-Hoa-Riêng, nghiêng xuống bên mộ chồng. Chị chính là đóa hoa thơm thảo, ấm nồng và thiêng liêng của nghĩa tình phu phụ.