TNc: Nhân bài viết về mạng của anh Trần Xuân An, chủ trang cũng chen vào thông báo đôi câu: Trang Trannhuong.com ngoài những hợp đồng mua tên miền, thuê máy chủ, trang TNc đã đăng kí bản quyền tại Trung tâm Quyền tác giả văn học VN. Mới đây TNc đã hoàn tất việc báo cáo tên miền quốc tế với Bộ TT&TT và nhận được thông báo hợp lệ. http://thongbaotenmien.vn/jsp/whoisResult.jsp
Một ý kiến nhỏ về việc xác định các từ ngữ để gọi các loại điểm mạng …
TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ TỰ LẬP, CÓ HAY CHƯA?
Bao giờ cũng thế, trước sự xuất hiện các thực thể mới (hiện tượng, sự vật mới), chúng ta cần động não để tìm từ ngữ nhằm gọi tên chúng cho thật thích đáng. Khi tìm từ ngữ mới, đặc biệt là thuật ngữ mới (1), cũng rất cần tôn trọng tính trong sáng, tính thuần Việt của tiếng Việt.
Và ai cũng ngầm hiểu, khi sử dụng từ ngữ, có nhiều lí do, khiến người ta phải “lách”. Dĩ nhiên, “lách” là không tốt. Vậy nên, rất cần tường minh.
Một số điểm mạng vi tính toàn cầu hiện nay ở nước ta như Trần Nhương, Văn chương Việt, Phong Điệp, Lê Thiếu Nhơn, Bô-xit Việt Nam, Anh Ba Sàm (Xàm?), Lục bát, Tôn vinh văn hóa đọc… và còn khá nhiều điểm mạng khác của các Việt kiều cũng ở tầm mức tượng tự, như Sách hiếm, Chuyển Luân, Chim Việt Cành Nam…, khiến chúng ta lúng túng không biết gọi bằng danh từ gì cho đúng. Chẳng lẽ cũng gọi là web-site, web-blog? Và các người chủ trương, các tác giả viết trên đó đều là blogger? Chưa thấy xuất hiện từ websiter? Như thế, vừa không thích đáng, vừa chứng tỏ ta thiếu sự động não để sáng tạo các cụm từ mới để dịch ra tiếng Việt và để sử dụng chăng? Thậm chí, có người sẽ bảo, ở nước ngoài thực tiễn cuộc sống xã hội vẫn vượt trước các viện hàn lâm ngôn ngữ và các viện lập pháp cũng bị thực tiễn xã hội vượt qua.
Để khỏi lúng túng về từ ngữ, tôi gọi chung các điểm mạng vi tính toàn cầu của các cá nhân tự sáng lập (chủ sở hữu) và tự điều hành (chủ biên), có tầm mức hoạt động tương tự như các tạp chí điện tử nhà nước (2) ở nước ta, là tạp chí điện tử tự lập (hay tự lực); còn các điểm mạng vi tính toàn cầu chủ yếu đăng bài của cá nhân người chủ trương, gọi chung là điểm mạng vi tính toàn cầu tự lập (hay tự lực, và lược bớt từ tự lập hay tự lực thì người ta cũng hiểu với nội hàm ý nghĩa như thế). Cũng cần nói thêm, các tạp chí điện tử tự lập, các điểm mạng vi tính toàn cầu tự lập mặc dù không có giấy phép nhưng vẫn hoàn toàn hợp pháp (căn cứ vào Thông tư 07/2008/TT.-BTTTT. của Bộ Thông tin & Truyền thông).
Có người sẽ bảo, xét trong phạm vi lãnh thổ nước ta, như vậy là vi phạm luật báo chí hiện hành, vì hiện tại, làm gì có báo, tạp chí điện tử tùy nghi cập nhật hay định kì hoàn toàn tự do, tự lập, tồn tại một cách chính danh! Nhục lắm, phải “chui”, phải núp dưới một danh từ khác! Do đó, về từ ngữ, phải “lách” thôi. Chỉ được gọi chung là điểm mạng vi tính toàn cầu (web-site, web-blog).
Nhưng ai “lách” kệ họ, tôi không “lách”. Tôi hi vọng nhiều người khác cũng không “lách”, để xã hội quen dần, Nhà nước quen dần.
Cũng cần tỉnh táo nhận ra, việc xác định danh xưng thích đáng cho các điểm mạng là cần thiết. Nhưng cũng đưa đến ít ra là hai tình huống: 1. danh xưng quá mức so với thực trạng sẽ làm lố bịch hóa; 2. danh xưng dưới tầm so với thực trạng sẽ khiến xã hội bất bình.
23-5 HB10
______________________
(1) Thuật ngữ có nội hàm chặt chẽ và có tính đơn nghĩa, cố định. Hiện nay có nhiều người sử dụng từ “thuật ngữ” không chính xác.
(2) Tạp chí điện tử nhà nước: Tạp chí điện tử của Nhà nước hay của tổ chức chính trị, xã hội hay văn hóa, tôn giáo hoặc nghề nghiệp nào đó, do Nhà nước chính thức quản lí, có giấy phép của Bộ Thông tin & Truyền thông.
Tài liệu xem thêm:
1) http: // mic. gov. vn/ uploads_file/DOC/2009/07/241235564.doc
2) http: / /phapluattp. vn/ 237958p0c1021/ thong-tu-quan-ly-blog-ca-nhan-nam-dieu-cam-doi-voi-blogger.htm