Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LÀM THUÊ

Nguyễn Hữu Quý
Thứ ba ngày 25 tháng 5 năm 2010 6:39 PM

Cách đây gần 40 năm, từ thuở đang là học sinh học cấp II, đã hằn sâu trong tâm trí với các khái niệm: địa chủ, tiểu tư sản, làm thuê, bóc lột... sau đó, khi học lên cấp III trường huyện, vẫn mang nặng cái tư tưởng đó; vào thời điểm đó, chỉ cần mở một quán nước chè xanh, bán ba thứ lặt vặt có khi cũng bị xem như là “bóc lột” rồi!
Sau này, khi hết cấp III vào trường chuyên nghiệp, lại được học tiếp, nào là: giai cấp, đấu tranh giai cấp, các quy luật, các cặp phạm trù v.v.. còn nhớ mãi đến hôm nay “...sự thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập là nguyên nhân, là động lực để thúc đẩy sự tồn tại, phát triển của xã hội loài người...”; bây giờ nghĩ lại, toàn là những điều vớ vẩn, nhảm nhí!
Nói đến khái niệm “làm thuê”, cách đây hơn 10 năm, khi tôi còn làm đội trưởng thi công trên công trường nhà máy thủy điện Ia Ly thuộc tỉnh Gia Lai, có một lần, vào buổi tối, ngồi nói chuyện với một anh nông dân quê ở Hà Tĩnh, tuổi ngoài 50, anh nói, ngoài nhà chỉ có 3 sào ruộng cho 4 khẩu, thu nhập chả là bao, cho nên nông nhàn anh vào xin tôi để được “làm thuê” nhằm có đồng tiền công phụ giúp gia đình;
Tôi hỏi anh: anh hiểu như thế nào là “làm thuê”?; hỏi anh như vậy nhưng tôi cũng tự trả lời anh: em cũng là người đang đi làm thuê đây, em làm thuê cho công ty tức là cho nhà nước để em có lương; thế thì nếu ở nhà để làm “ông chủ” với 3 sào ruộng (sào trung bộ 500 m2/sào), một năm thu nhập 2 vụ, được khoảng 2 tấn lúa, tính ra tiền là 3,5 triệu đồng (tôi nhớ giá lúa thời điểm đó khoảng 1,7 triệu đồng/tấn), đó là sức lao động của cả nhà anh gồm 4 người; số tiền đó bằng khoảng 3 tháng tiền công ở đây, vậy thì anh thích làm “ông chủ” hay thích “làm thuê”? hỏi như vậy, nghĩa là đã có câu trả lời.
Ngày nay, khi về các vùng nông thôn, ta thấy toàn người già, phụ nữ và con trẻ, bởi vì hầu hết lực lượng lao động đã đến các thành phố tìm kiếm việc làm; rõ ràng, bộ mặt nông thôn thay đổi là do số tiền tích cóp được của lực lượng này gửi về, nào là xây dựng nhà ở gia đình, mua sắm các vật dụng điện tử, đóng góp để xây dựng điện, đường, trường, trạm v.v.. làm cho bộ mặt nông thôn ngày nay khác hẳn.
Thực tiễn hôm nay cho ta thấy, một trong các nguyên nhân chủ yếu gây bất ổn xã hội chính là “việc làm và thu nhập” (chưa nói đến sự chênh lệch bất bình đẳng về thu nhập giữa nông thôn, thành thị; giữa các vùng, miền; sự tha hóa của bộ máy công quyền, tình hình tham ô,  hối lộ; lợi ích nhóm... đang đưa nước ta đến bất ổn hiện nay); Để giải quyết tình trạng này, hiện nay nhà nước đang khuyến khích các thanh phần kinh tế thành lập các doanh nghiệp, nếu tôi nhớ không nhầm, nước ta đang phấn đấu đến năm 2015 cần có 500.000 doanh nghiệp.
Vậy thì đến hôm nay ta hiểu như thế nào là “làm thuê”? xem ra, mọi giá trị về nhận thức so với cách đây hơn nửa thế kỷ, thì hôm nay đang bị đảo lộn?
Nếu như xem sự cống hiến của một cá nhân đối với xã hội bình quân từ 25-30 năm, thì dân tộc ta đã có hơn 2 thế hệ, bị giáo dục sai so với bản chất của sự vận động khách quan;
Vấn đề là, thế hệ hôm nay, liệu chúng ta có giám nhìn thẳng vào sự thật này để thay đổi, hay vẫn là: “chủ nghĩa Mác-Lê Nin là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng”? để rồi, cả dân tộc ta đang bị lừa dối và tiếp tục bị lừa dối, trong khi kẻ thù đang từng ngày, từng giờ có âm mưu thôn tính, cướp đất, cướp biển của nhân dân ta.

 Bây giờ, khi tuổi đã lớn, sống trong thời đại thông tin toàn cầu, mới ngộ nhận ra, thúc đẩy xã hội loài người phát triển không phải là đấu tranh giai cấp gì cả, mà chính là giải phóng sức sáng tạo của con người, mà để có được điều đó thì phải có môi trường, môi trường đó chính là “DÂN CHỦ”.
Trên đây mới chỉ nói đến sự sai khác đối với khái niệm “làm thuê” theo dòng chảy của thời gian trên 50 năm, còn nhiều điều khác nữa, lĩnh vực khác nữa... cần được các nhà lý luận, nhà khoa học, chính trị gia... có lời giải mới có cơ may để thay đổi đất nước, thay đổi dân tộc.
Đã đến lúc, dân tộc VN phải tự cứu mình.
25.5.2010
Nguyễn Hữu Quý