Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

SUY NGHĨ NHỎ VỀ XÂY DỰNG ĐƯỜNG SẮT CAO TỐC BẮC - NAM

Nguyễn Đăng Minh
Thứ hai ngày 24 tháng 5 năm 2010 5:15 PM
 
Đưa ra lý do dự đoán là vào năm 2020 thu nhập bình quân đầu người của nước ta vào khoảng 3000 đô la (tiền nước Mỹ). Như vậy, nền kinh tế phát triển nên cần đầu tư gần 60 tỷ đô la để xây dựng gần 2000 km đường sắt  đôi  và tầu chạy với tốc độ khoảng 300 km/h. Chúng ta nên xem xét lại việc đưa ra chỉ số thu nhập bình quân trên đầu người ở Việt Nam, bởi đặc thù nền kinh tế thị trường có màu sắc khác hẳn các nền kinh tế thị trường trên thế giới vì nền nông nghiệp kém phát triển tương ứng với số người nông dân nghèo quá lớn. Vì vậy, đưa ra con số thu nhập bình quân đầu người cao, càng cao thì càng cho thấy sự bất ổn trong xã hội bởi số người giầu tập trung ở đô thị thuộc về thiểu số mà đã có một lượng tài sản khổng lồ để bình quân cho số người nghèo chiếm đa số. Cho nên bình quân thu nhập đầu người ở nước ta, nếu ai đó ngộ nhận thì thực tế là một thảm họa vì hố ngăn cách người giầu và người nghèo quá sâu.
Trong gần 30 năm đổi mới nền kinh tế, phải thừa nhận trên thực tế ngành giao thông vận tải đã đi đầu trong quá trình chuyển đổi, vì thuộc lĩnh vực xây dựng cơ bản hạ tầng, nên đã đáp ứng được yêu cầu phát triển chung của nền kinh tế. Tuy vậy, còn nhiều bất cập trong quy hoạch mạng lưới giao thông, trong từng tiểu khu vực nhất là các đô thị lớn chưa tư duy tương xứng với tầm nhìn xa, do vậy nạn tắc đường, chất lượng xây dựng vẫn đang thường trực. Cũng do việc chạy đua khai thác kinh tế nên ngành đường sắt hầu như xóa bỏ các chuyến tầu chợ. Vì xóa bỏ một thói quen đi lại của nhân dân từ thời thuộc Pháp, cộng với thực tế mạng đường ô tô được cải tạo xây dựng mới ngày một nhiều; một lượng ô tô, xe máy nhập ngoại nở rộ nên việc dùng phương tiện đi lại bằng đường sắt là một hành động xa xỉ. Cho nên cần nghiên cứu tính toán lại toàn diện Dự án đường sắt cao tốc. Cần nghiên cứu kỹ về điểm bến đỗ toàn bộ của các ga hiện có cần thiết hay không? Vì công đoạn này rất quan trọng để người dân lựa chọn phương án đi lại. Còn chỉ là câu chuyện thay thế cho tầu nhanh Bắc – Nam bây giờ để cạnh tranh với vận tải hàng không thì vẫn thuộc về những hành khách có thu nhập cao và những hành khách được thanh toán tiền vé bằng ngân sách của nhà nước. Tiêu đề phục vụ nhân dân luôn là lời nói cửa miệng. Bên cạnh đó còn phải tính tới quỹ đất phải chiếm dụng mới phát sinh, khắc phục qua các vùng ngập lụt về mùa mưa bão ở miền Trung, tác động đến môi trường dân sinh,... Và, thực tế các dự án nói chung trong suốt thời gian của cơ chế thị trường đã bị thất thoát thì với con số đầu tư gần 60 tỷ đô la chắc chắn sẽ có tỷ lệ thất thoát đáng kể. Cho nên, với vị trí địa lý, thời tiết, nền kinh tế còn nghèo,… Thì cần suy nghĩ thấu đáo dựa trên cơ sở vật chất, con người vốn có của ngành đường sắt, chỉ nên dừng lại ở mức độ đầu tư nâng cấp cải tạo để nâng tốc độ chạy tàu ở mức 80km/h đến 100 km/h. Khắc phục toàn diện rủi do do thiên tai, do con người gây ra. Nếu có đường sắt cao tốc ở nước ta còn phụ thuộc rất nhiều vào nền kinh tế tăng trưởng cao, bền vững và vào thời điểm người nông dân có mức thu nhập ngang ngửa hoặc hơn các viên chức nhà nước thì lúc ấy mới khả thi!
Nguyễn Đăng Minh