NGUYỄN TRỌNG TẠO: Cái chức Chủ tịch tưởng cứ bầu là xong, nhưng nghĩ bầu ai đây lại khó. Công tác cán bộ kể cả cán bộ hội hè mà “trên” cũng phải ém trước mới êm. Trệch cái là lôi thôi, khó dễ. Cái chức Chủ tịch hội VHNT Bà Rịa Vũng Tàu thì càng nhỏ, được bầu tại đại hội, tự dưng rơi vào Lê Huy Mậu làm cấp trên khó xử vì đâu có định cơ cấu thế. Vậy nên, phải mất hơn 3 tháng trên mới chuẩn y. Thế là mất toi 3 tháng được bầu rồi mà không được làm Chủ tịch!
Ở Tây (hay ở ta cũng vậy), muốn có chức này chức nọ thì phải vận động bầu cử. Tây thì ứng cử viên phải đưa ra chương trình hành động nhiệm kỳ. Ai hay thì được ủng hộ. Ta thì “chạy dây” “chạy mặt” – như một thế giới ngầm.
Nhưng cái hội Nhà Văn này thì hiểu nhau không khó. Văn chương dễ lộ. Hay dở dễ nhìn. Tốt xấu thì nó cũng là cái anh nhà văn đồng danh với nhau. Nhưng làm Chủ tịch phải là anh danh lớn, có oai với thiên hạ. Văn chương trọng tinh thần.
Nữa là cái anh phải biết việc, thạo việc, ham việc và thuyết phục trên dưới. Tỉ như cái việc đi xin tiền. Xin vài trăm đã khó, xin vài chục tỉ còn khó hơn. Làm Chủ tịch mà không làm được điều đó thì cả hội muốn chơi cũng chả có gì mà chơi. Lại rủa nhau ầm ĩ.
Lại phải biết đừng dại gia trưởng ôm hết việc của anh em cấp dưới. Làm thế chỉ tổ mệt mình mà anh em lại thêm thù oán vì chả còn việc gì làm. Vậy thì phải cái anh biết trọng tài, dám dùng tài, đúng người đúng việc. Chán nhất là lãnh đạo cứ nhằm mấy anh ba hoa bốc phét, rắn mặt mà dùng, vừa hỏng việc vừa mất uy tín bản thân.
Chủ tịch thì phải có đầu óc tổ chức giỏi. Nặn ra nhiều thứ không làm được gì lại càng mệt thêm. Hội chứ đâu phải “mặt trận” với nhau ban phẩm ban lộc cho oai. Cho nên, thu gọn tổ chức cho hiệu quả là điều cần thiết.
Nhiệm kỳ sắp hết, mấy vị chấp hành mới và trẻ cũng chưa thấy làm được gì nổi bật, chí ít là tác động ảnh hưởng đến tôi – một hội viên. Thì ra trẻ hay già đâu phải chuyện mâu thuẫn, chuyện khỏe yếu mà cốt lõi là anh muốn làm gì thực sự cho Hội, và hiệu quả thế nào.
Nếu tôi làm Chủ tịch, tôi chỉ lập 4 hội đồng chuyên môn: Văn, thơ, phê bình, dịch. Lập 3 ban: Hội viên, sáng tác, đối ngoại. Nhà văn thì ai mà chả thích đi đây đi đó cho phóng khoáng cái đầu, lại nạp thêm nhiều điện cho bình acquy sáng tạo. Tôi thấy hội viên thời nay ít quan tâm đến nghị quyết, cả nghị quyết TW về VHNT với họ cũng như ở đâu đâu trên giời. Giá cái nghị quyết đó nói đến ưu tiên làm cho mỗi nhà văn một cái nhà để sáng tác hay cho dân, chắc ai cũng tâm đắc đọc đến nát giấy. Vậy nên tạo điều kiện cho mọi nhà văn không được nhà được đất thì được đi. Giao lưu nhiều, với nhau, với xã hội, với toàn thế giới mới hay. Chứ nhiều ban quá chồng chéo lên cả Hội đồng như vừa qua chỉ thêm rối.
Nhưng tôi không làm Chủ tịch, tôi đang nghĩ nên bàu ai làm chủ tich. Từ Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam, Nguyễn Khoa Điềm, đến Nguyễn Hữu Thỉnh cũng nhiều công nhưng cũng nhiều mệt mỏi. Nhưng dạo này Nguyễn Hữu Thỉnh say việc và hiểu việc hơn. Hay mời anh làm tiếp khóa nữa? Có người nói Điều lệ quy định chỉ làm Chủ tịch hai khóa. Thì Điều lệ cũng do Đại hội thông qua chứ có ai định mãi thế đâu. Đại hội sau thay đổi Điều lệ Đại hội trước là chuyện thường. Nghĩ bầu Hữu Thỉnh làm “Chủ tịch trọn đời” thì cũng chả hại gì hòa bình thế giới.
Cái điều lo nhất lại cũng chưa hẳn là bầu ai làm Chủ tịch. Mà lo nhất là mấy tờ báo của Hội. Sao nó cứ “đến hẹn lại ra” bình tĩnh thế. Nó cứ mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm thế. Hình như báo chí của Hội Nhà Văn thời nay đổi mới công khai mà cứ như thời hoạt động bí mật, thậm thà thậm thụt, cứ tưởng chả sợ gì hóa ra cái gì cũng sợ. Đến các quầy báo lớn nhỏ thật khó thấy có các tờ báo, tạp chí của Hội. Đến như tờ báo điện tử “tam hóa” công nghiệp –hiện đại – cập nhật mang tên Hội Nhà Văn Việt Nam cũng vắng bài vắng khách như chùa bà Đanh. Nếu cần vài tỷ để cho tờ điện tử thành tờ xuất sắc chì chắc Hội cũng chả tiếc. Nhưng ôi thôi, viết báo đã khó, làm báo còn khó trăm nghìn. Chả thế mà sinh thời, nhà thơ Chế Lan Viên đã phát biểu trong hội nghị báo Văn Nghệ: “Nếu tôi ngủ 100 năm dậy thì báo Văn Nghệ nó vẫn nhợt nhạt như thế, như xác một người chết đuối”. Nghe độc quá. Nhưng ngẫm cũng là cái đau của ông Chế với tờ báo của giới mình.
“Chủ tịch trọn đời” hay Chủ tịch nhất thời, có ai nghĩ vậy không?
Nguyễn Trọng Tạo
Nguồn: nguyentrongtao.org