Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HƯƠNG SƠN TẠP CHÍ, CUỐN SÁCH VỊNH KIỀU ĐỘC ĐÁO

Đỗ Quốc Bảo
Thứ tư ngày 26 tháng 5 năm 2010 7:45 PM
 

 Hương Sơn cư sĩ Nguyễn Hữu Khanh (1875-1946), quê ở làng Ngái (nay thuộc xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) là “bậc túc nho thời cận đại”, “nhà nho tài hoa lãng mạn” nhưng tên tuổi, sự nghiệp còn ít được giới thiệu. Sinh thời, cụ sống đạm bạc bằng nghề dạy học, thích ngao du sơn thuỷ, vui thú điền viên, giữ đức khiêm nhường. Trong sáng tác văn học, cụ sở trường về thi ca quốc âm. Danh nhân văn hoá Nguyễn Tử Siêu (1887-1965) đánh giá: “Giọng thơ của cụ rất điêu luyện, tình tứ, đọc lên khiến người ta có một cái cảm tưởng như pha ấm chè sen, ngồi bên cạnh một bông hoa biết nói, hoặc gẩy cây đàn cầm sắt, dưới vừng giăng bạc khi mới vượt khỏi ngọn ngô đồng”. Khi Tiến sĩ Ngô Đức Kế (1878-1929), hiệu Tập Xuyên, lập “Giác quần thư xã”, phổ biến “tân thư” ở Hà Nội thì Nguyễn Hữu Khanh trở thành môn khách, thành viên nòng cốt, được tôn là bậc “đại bút”.
 
 cuốn sách quý hơn 50 năm nằm dưới ... chân bát hương

  Nhân kỷ niệm 60 năm ngày mất của Hương Sơn cư sĩ Nguyễn Hữu Khanh (29-7-1946/2006), các ông Nguyễn Tam Sơn và Nguyễn Xuân Điềm (đều là cháu nội của cụ Nguyễn Hữu Khanh) đã công bố bản viết tay “Hương Sơn tạp chí” viết năm Giáp Tuất (1922) của cụ Khanh, đồng thời giới thiệu cuốn sách “Hương Sơn tạp chí và giai thoại”. Cuốn sách tập hợp, giới thiệu các bài thơ theo đúng thứ tự trong nguyên bản chữ Nôm viết tay của cụ Nguyễn Hữu Khanh. Phần phiên âm chữ quốc ngữ, viết năm 1940, là của danh nhân văn hoá Nguyễn Tử Siêu, cháu gọi cụ Nguyễn Hữu Khanh là bác) và các cụ Bùi Cận (năm nay 81 tuổi, nguyên Đại tá quân đội), Nguyễn Hữu Khác (hiện 76 tuổi, thầy thuốc, giỏi chữ Hán, quê ở Thạch Thất), Tạ Đăng Viêm (hiện 81 tuổi, nguyên trưởng phòng giáo dục huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây).
Điều đáng nói nhất: Bản viết tay “Hương Sơn tạp chí ” là tập hợp các bài thơ vịnh tất cả các nhân vật trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Nguyễn Hữu Khanh đã lấy ngay các chữ trong Kiều để vịnh các nhân vật; do đó, có thể coi đây là một cách thức, một góc độ tiếp cận Truyện Kiều để thêm hiểu, thêm yêu kiệt tác văn chương này.
          Ông Nguyễn Xuân Điềm (sinh năm 1942, nhà giáo nghỉ hưu), cho biết: Trước đây, gia đình chỉ biết là cụ Khanh có những bài thơ vịnh Kiều nhưng chưa bao giờ được cụ cho xem toàn văn. Hầu hết các bài được cụ đọc cho người nhà và bạn bè nghe, người thuộc nhiều nhất cũng chỉ được trên dưới chục bài. Đến khi cụ Khanh và cụ Siêu mất, vẫn không ai biết về “Hương Sơn tạp chí”. Khoảng năm 1994-1995, khi dọn dẹp bàn thờ nhà cụ giáo Nghiêm Thiện Giảng (1915-1994, là em ruột của mẹ ông Điềm), phát hiện một cuốn vở dưới chân bát hương, ông Điềm cho là đã “bắt được vàng”. Trước đây, chúng ta mới chỉ được biết về cụ Nguyễn Hữu Khanh qua một số tư liệu ít ỏi trong các cuốn sách: “Chân dung kẻ sĩ” (NXB Văn nghệ Tp HCM, 1988); “Giai thoại văn học VN” (NXB Văn hoá HN, 1988), “Kho tàng giai thoại văn học VN” (NXB Văn hoá, 1994) còn với “Hương Sơn tạp chí”, lần đầu tiên chúng ta có được bản viết tay của chính tác giả. Có một chi tiết đáng lưu ý: Bản viết tay các bài vịnh Kiều của cụ Khanh dùng loại giấy đã viết một mặt, loại giấy học trò dùng để chép bài những năm đầu TK XX và cho dù đã nằm hơn 50 năm dưới chân bát hương trên bàn thờ nhưng cuốn vở vẫn còn nguyên vẹn. Ông Điềm cho biết, khi có bản viết tay “Hương Sơn tạp chí”, trình độ chữ Hán của ông còn rất yếu, chữ Nôm cũng biết chưa nhiều, ông phải nỗ lực bổ túc để đọc trực tiếp văn bản mặc dù đã có bản quốc ngữ của cụ Siêu kèm theo phần chữ Hán của cụ Khanh. Vậy là sau hơn 10 năm, ông Điềm và ông Sơn (sinh năm 1948, Nhà giáo ưu tú, hiện là trưởng phòng giáo dục huyện Thường Tín, Hà Tây) mới cho công bố bản viết tay “Hương Sơn tạp chí” và giới thiệu “Hương Sơn tạp chí và giai thoại” do hai ông sưu tầm, biên soạn. Mới đây, ông Sơn lại bổ sung thêm nhiều tư liệu quý.
 một tổng tập vịnh Kiều
 
 Mở đầu “Hương Sơn tạp chí” là bài vịnh Vương Viên Ngoại (4 câu):
   Gia tư nghĩ cũng bậc trung thường
   Tai biến xui nên sự lạ nhường
   Trời muốn lưu danh người hiếu nữ
   Oan khiên dắt lại mối tơ vương.
 Tiếp theo là các bài vịnh Vương Bà (4 câu); Vương Quan (4 câu). Đến Thuý Vân  thì tác giả dành hẳn 3 khổ thơ với 12 câu, mỗi khổ 4 câu. Bài sau đó, vịnh Thúy Kiều, có 8 câu liền, không chia khổ:
   Cũng đừng trách mệnh lẫn ghen tài
   Vì mối tơ tình buộc đấy thôi
   Mồ cỏ thương hoài con đĩ đượi
   Bóng hoa mê tít cậu đồ choai.
   Duyên đâu dắt lại lòng dan díu
   Oan nọ xui nên bước lạc loài
   Giữ ngọc gìn vàng ai dặn đó
   Mảnh tình đã sẻ khắp cho ai.
 Tiếp theo là các bài vịnh Đạm Tiên (4 khổ, tổng số16 câu); Kim Trọng (8 câu); Thằng bán tơ (4 câu); Chung Công (2 khổ, 8 câu); Mã Giám Sinh (8 câu); Tú Bà (8 câu); Sở Khanh (4 khổ, 20 câu-3 khổ đầu mỗi khổ có 4 câu, riêng khổ 4 gồm 8 câu); Mã Kiều (4 câu). Bài sau đó, vịnh Thúc Sinh, có 8 câu:
   Sớm đào tối mận những lân la
   Như thế vương chi sự nguyệt hoa
   Giọt lệ thương ai mang khóc mẹ
   Tấm lòng mê gái chẳng kinh cha
   Kẻ xuôi ngơ ngẩn trông người ngược
   Con ở bâng khuâng thẹn chủ nhà
   Đã vững tay co tay lại bó
   Trăm điều thôi chớ chắc vào ta.
 Các bài tiếp theo là: Thúc Ông (8 câu); Hoạn Thư (8 câu). Đến đây, xen vào một bài có tiêu đề là “Thúc Sinh sợ vợ” (8 câu), như một đoạn dừng để khắc sâu nhân vật khá đặc biệt này. Tiếp đó là bài vịnh Hoạn phu nhân (4 câu); Ưng Khuyển (8 câu); Quản gia (4 câu); Giác Duyên (4 câu); Bạc Bà (8 câu); Bạc Hạnh (4 câu). Bài sau đó, vịnh Từ Hải (2 khổ, 16 câu, mỗi khổ 8 câu):
   Lưỡi gươm mài choáng mặt phong trần
   Động địa kinh thiên chốn hải tần
   Trí dũng có thừa tay quốc sĩ
   Công danh cũng dám tiếng vương thần
   Năm năm trời bể nghiêng vì vợ
   Một gánh non sông nhẹ cái thân
   Tri kỷ chờ ai than thở đó
   Trong vòng sao vẫn đứng chôn chân.

   Vương bá nghênh ngang một cõi đông
   Tay này ai đã dám tranh hùng
   Gồm hai văn võ trời ngang dọc
   Chia nửa giang sơn bể vẫy vùng
   Ngọn giáo Hoàng Sào chưa thuận mệnh
   Lá cờ tổng đốc dễ thành công
   Hưng vong thôi cũng cơ trời cả
   Đừng đổ thành nghiêng tại má hồng.
 Tiếp theo là bài vịnh Hồ Tôn Hiến (2 khổ, 16 câu); Thổ quan (2 khổ-khổ 1 có 8 câu, khổ 2 chỉ có 4 câu). Đến đây, lại có bài xen với tiêu đề “Kim Trọng- Thổ Quan hợp vịnh” gồm 8 câu (theo lí giải thì duyên của Thuý Kiều bắt đầu từ Kim Trọng và kết thúc ở Thổ Quan. Theo Kinh Dịch, hai chữ Kim-Thổ nằm trong ngũ hành và tương sinh với nhau; trong Kiều, hai nhân vật này ngẫu nhiên mà gặp (hay Nguyễn Du cố ý sắp xếp?). Đây là bài khá đặc sắc vì Nguyễn Hữu Khanh đã đưa cả Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ vào bài thơ (rải ra các dòng thơ):
 
 Kế tiếp là bài vịnh Tướng sĩ (thầy tướng, 4 câu); Đạo nhân (4 câu); Lưu giang (thây vô chủ- 4 câu); Đô Lão lại (4 câu); Tam Hợp đạo cô (4 câu). Đến đây lại có bài xen “Tướng sĩ, Đạo nhân, Tam Hợp hợp vịnh” (2 khổ, 8 câu) rồi đến bài Lôi Châu quan (4 câu); Lâm Tri quan (4 câu); Xuân Hoa-Thu Nguyệt (4 câu); Ngư phủ (4 câu); Kim thúc phụ (chú Kim Trọng, 4 câu); Kim lang đồng (chú nhỏ theo hầu Kim Trọng, 4 câu). Đến đây, có bài “ Kim Kiều hợp vịnh” (8 câu); rồi đến bài “Đơn vịnh Kiều” (4 câu). Như vậy, tác giả cũng có đến 12 câu vịnh Thuý Kiều, bằng số câu vịnh Thuý Vân. Nếu kể thêm 8 câu “Kim Kiều hợp vịnh” thì số lượng câu vịnh Thuý Kiều hơn số lượng câu vịnh Thuý Vân. ấy là chưa kể các câu khác, các bài khác ít nhiều cũng liên quan tới Thuý Kiều. Điều đó cho thấy: Tác giả tập thơ vịnh Kiều - Nguyễn Hữu Khanh - cũng như tác giả Truyện Kiều - Nguyễn Du - luôn  ưu ái dõi theo, cảm thương số phận nàng Kiều, điều mà người đọc, người nghe Truyện Kiều đồng cảm.
 Tiếp đó là bài “Diễn âm bài thơ ở đầu quyển Kiều” (8 câu);  Mụ mối bán Kiều (4 câu); Đàn Việt (4 câu); Trụ trì (sư Giác Duyên, 4 câu);  Hai người mách tin (8 câu). Đến đây lại là bài xen “Thúc Sinh mở hàng” (8 câu) rồi là bài ả hoàn (4 câu); Khách viễn phương (2 khổ, mỗi khổ 8 câu); Hoa nô (4 câu); Trạc Tuyền (8 câu). Cuối cùng là bài “Thuý Kiều tái hồi Kim Trọng” (8 câu):  
 Như vậy, “Hương Sơn tạp chí” với  52 bài đã vịnh 47 nhân vật Truyện Kiều. Bằng từ ngữ chọn lọc, cấu trúc chặt chẽ, ý tưởng sâu sắc, mỗi bài vịnh đã lột tả được nét chân dung, tâm tính chủ yếu của nhân vật; đồng thời bày tỏ được đánh giá của tác giả bài vịnh đối với từng nhân vật và tâm sự xã hội.

  những tư liệu quý

 ở phần khảo dị, sách giới thiệu một số bài thơ vịnh các nhân vật trong Truyện Kiều nhưng có phiên âm khác với các bài ở phần trên, do cụ Nguyễn Tử Siêu và cụ Nguyễn Trọng Huy truyền lại. Đó là các bài: Vương Quan (2 khổ, khổ 1 có 4 câu, khổ 2 có 8 câu); Thuý Kiều (2 khổ, khổ 1 có 8 câu, khổ 2 có 4 câu); Chung Công (2 khổ, mỗi khổ 4 câu); Mã Giám Sinh (8 câu); Tú Bà (8 câu); Sở Khanh (3 khổ, khổ 1 và khổ 2 mỗi khổ 4 câu, khổ 3 có 8 câu); Mã Kiều (4 câu); Thúc Sinh (8 câu); Thúc Ông (8 câu); Hoạn Thư (8 câu); Thúc sinh sợ vợ (8 câu); Ưng Khuyển (8 câu); Quản gia (4 câu); Giác Duyên (4 câu); Bạc Bà (8 câu); Bạc Hạnh (4 câu); Từ Hải (2 khổ, 16 câu); Hồ Tôn Hiến (2 khổ, 16 câu); Thổ quan (2 khổ, khổ 1 có 8 câu, khổ 2 có 4 câu); Tướng sĩ (4 câu); Đạo nhân (4 câu); Lưu giang (4 câu); Đô lại (4 câu); Tướng sĩ, Đạo Nhân, Tam Hợp hợp vịnh (4 câu); Quan Lôi châu (4 câu); Lâm Tri quan (4 câu); Xuân-Thu (4 câu); Ngư phủ (hai người, 4 câu); Kim Kiều hợp vịnh (8 câu). Kết thúc phần khảo dị là bài “Đơn vịnh Kiều”(4 câu).
 Sách giới thiệu thêm 5 bài vịnh Kiều: 1 bài của Nước ốc (bút danh của Nguyễn Văn Đạm, 1900-1971); 2 bài của Nguyễn Trọng Huy (1905-1977)- cả hai người này đều là con trai của cụ Khanh; cùng với 2 bài của cụ Nguyễn Tử Siêu. Đây là phần bổ sung rất cần thiết vì theo một văn nhân ở Vị Xuyên (Nam Định), bạn của cụ Nguyễn Tử Siêu, thì Hương Sơn cư sĩ Nguyễn Hữu Khanh còn “quên” không vịnh một nhân vật trong Kiều, đó là một “Người khách viễn phương” nữa. Văn nhân Vị Xuyên đã học theo cách của cụ Khanh mà vịnh nhân vật này rồi gửi bài cho cụ Siêu để bổ sung. Sau khi soát xét, cụ Siêu đã đồng tình với bạn. Đúng là trong Kiều còn có một “Người khách viễn phương”, người chỉ được nhắc thoáng qua nhưng lại có vai trò không nhỏ. Chính người này đã sắm sanh “nếp tử xe châu” để “vùi nông một nấm” cho nàng Đạm Tiên, tài sắc một thời nhưng khi “trâm gãy bình rơi” thì các công tôn vương tử, cùng phường Sở Khanh “tiếc lục tham hồng” đã lẩn trốn hết. Ba văn nhân Nguyễn Tử Siêu, Nguyễn Văn Đạm và Nguyễn Trọng Huy đã cùng hoạ lại bài vịnh khách viễn phương của tài tử đất Vị Xuyên, coi như thêm một nén tâm hương khóc cho Đạm Tiên, đồng thời bổ sung làm cho “Hương Sơn tạp chí” vịnh đầy đủ các nhân vật Truyện Kiều.
 Phần cuối sách là giai thoại và một số sáng tác khác của cụ Khanh.
 Việc công bố bản viết tay “Hương Sơn tạp chí” của Nguyễn Hữu Khanh, đồng thời giới thiệu cuốn sách “Hương Sơn tạp chí và giai thoại” giúp bạn đọc tiếp xúc với văn bản gốc, hoàn chỉnh cùng nhiều tư liệu mới được phát hiện; từ đó, có thêm cơ sở để nhìn nhận, đánh giá chân xác về tác giả, một tài năng văn học lớn, người đã góp phần làm rạng rỡ quê hương Hương Ngải, một làng khoa bảng có truyền thống văn hiến lâu đời của Thạch Thất, Hà Tây và của cả nước.
 Nguyễn Hữu Khanh là người đầu tiên và cho đến nay vẫn là người duy nhất có hẳn một cuốn sách đặc sắc vịnh đầy đủ các nhân vật trong Truyện Kiều. Đây là một tài liệu quý, rất bổ ích cho các nhà nghiên cứu văn học, nghiên cứu văn hoá, các nhà giáo và đông đảo bạn đọc./.