TNc: Sau khi đưa bài SUY TƯỞNG VỀ THI CA VÀ SỰ VẬN HÀNH CỦA THI PHÁP của nhà thơ Dương Kiều Minh lên mạng thì tôi nhận được thư phản hồi của chị Đặng Thị Hảo. Tôi đã xin phép chị Hảo đưa thư lên coi đó là ý kiến trao đổi với Dương tiên sinh...
Thưa bác Trần Nhương,
Em Đặng Thị Hảo- một độc giả thường xuyên của trang trannhuong.com.Xin nhờ bác gửi mấy câu thơ lục bát chữ Hán sau cho bác Dương Kiều Minh - Tác giả bài SUY TƯỞNG VỀ THI CA VÀ SỰ VẬN HÀNH CỦA THI PHÁP để bác Minh được biết là văn học Trung đại VN có thơ lục bát chữ Hán, và Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) là một ví dụ:
Phụng sứ Yên kinh tổng ca là Tập thơ được sáng tác khi Nguyễn Huy Oánh làm Chánh sứ phái đoàn sứ bộ sang nhà Thanh vào các năm Ất Dậu, Bính Tuất (1765-1766) triều Lê Cảnh Hưng.Tên đầy đủ là Phụng sứ Yên kinh tổng ca tịnh nhật ký , nghĩa là ngoài bài Tổng ca ở đầu sách, còn 120 bài thơ chữ Hán kèm theo các lời dẫn ghi theo thể nhật ký hành trình từ Việt Nam sang Yên Kinh và ngược lại. Đáng chú ý là bài Tổng ca gồm 470 câu thơ lục bát chữ Hán... (Lại Văn Hùng):
Cảnh Hưng nhị thập thất niên
Tuế phùng Bính Tuất, nhật triền tưu thi.
Mã duy kỳ bí như ti,
Thu đạo uy trì ngã xuất ngã xa.
Ly câu thanh náo hành ca.
Triêu độ Nhị Hà, trú Ái Mộ thôn.
Thể thần dao ức hoàng ân,
Đinh ninh sổ ngữ, ôn tồn nhất chương
(...)
Có thể đọc 154 câu đầu của bài thơ lục bát đó do Lại Văn Hùng phiên âm, dịch nghĩa trong sách Tìm hiểu quan niệm và sự hình thành dòng văn trong văn học Việt Nam (thế kỷ XVIII-thế kỷ XIX). Trần Thị Băng Thanh-Lại văn Hùng chủ biên. NXB Hội nhà văn, Hà Nội, 2005; tr. 650-663. Hoặc đọc nguyên bản Phụng sứ Yên kinh tổng ca tại Thư viện Hán Nôm, ký hiệu A.373.
Thực ra trong bài viết của tác giả Kiều Minh còn vài chỗ em muốn trao đổi lại nhưng vì hiện quá bận nên thôi xin đành gác bút , hẹn bác ấy khi khác vậy.
Xin cảm ơn bác.