Dương Kiều Minh
Tham Luận Tham Dự Hội Thảo “20 Năm Thơ Đổi Mới”
Bản chất của sáng tạo là luôn luôn đổi khác. Dù là sáng tạo khoa học – kỹ thuật hay văn học – nghệ thuật, hoặc các sáng tạo khác trong đời sống và xã hội. Nếu là sáng tạo thì phải tạo ra, mang đến một cái gì đổi thay, khác biệt so với cái trước đó. Đương nhiên, sản phẩm của sáng tạo chỉ có thể phát huy khi sản phẩm đó đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của con người và xã hội của thời đại đó. Mặc nhiên, có nhiều sáng tạo thuộc lĩnh vực tinh thần và một số ngành khoa học lý thuyết khi ra đời vấp phải khá nhiều sự chống cự quyết liệt của thời đại đó. Do lớp vỏ thói quen của nhận thức của thời đại đó được bao bọc nhiều lớp quá dày và cứng, nên không thể tiếp nhận được cái ánh sáng quá mới mẻ mạnh mẽ của sáng tạo làm choáng ngợp. Trở ngược theo tiến trình của lịch sử nhân loại, ta thấy có nhiều sáng tạo đã bị ruồng bỏ chà đạp và trầm luân trong thời đại của nó, nhưng những sáng tạo đó không bị triệt tiêu, và nó tiếp tục được đón nhận trong ánh sáng rực rỡ ở chân trời của một thời đại khác.
Bản chất của sáng tạo là luôn luôn có sứ mệnh làm mới nhận thức và cảm xúc của con người trong hiệu quả và trong vẻ đẹp.
Thi ca là một lĩnh vực của hoạt động tinh thần, một hoạt động mang tính sáng tạo và thuộc về sáng tạo. Có người đã mạnh dạn định nghĩa thi ca là sáng tạo, định nghĩa này về thực chất không có gì thái quá. Thi ca là sáng tạo, và sáng tạo là làm mới. Vì vậy, tôi hướng cái nhìn của tôi với những suy tưởng mang tính gợi ý về thi ca và sự vận hành của thi pháp.
*
Có những thời đại ở vào những khu vực khác nhau trên thế giới, thi ca đã được thăng hoa và kết tinh sáng tạo với những hình thức kết cấu thơ mẫu mực. Bằng sự kết thành của những hình thức thơ mới này, nó đã tạo ra vẻ đẹp đặc biệt cho sự chiêm ngưỡng không ngừng của những thời đại tiếp theo nó. Chẳng hạn như Trung Hoa sáng tạo ra thể thơ Đường luật, Nhật Bản với Hai-Kư, và một số thể thơ của châu Âu,…
Rõ ràng là chỉ những thời đại đó, với những con người sinh ra trong thời đại đó, mới sáng tạo ra được những hình thức thơ mẫu mực và kỳ diệu này. Và, ngẫu nhiên hình thức thơ đó đã tạo ra những quy tắc vàng có tính hướng dẫn thực tiễn đối với sáng tạo thơ ca. Những thế hệ tiếp nối trong sự ngưỡng mộ đã không ngừng sáng tác những bài thơ theo những quy tắc vàng mà các bậc tiền bối đã để lại. Nhưng, các sáng tác sau đó dù có xuất sắc đến đâu thì ánh sáng từ vẻ đẹp của các tác phẩm thơ của họ cũng yếu dần đi và mờ nhạt so với những sáng tác thơ của những thời đại trước. Điều này, không hẳn là do các nhà thơ các thời đại sau suy giảm về tài năng hoặc nỗ lực thi ca, mà theo đó hạn chế bất khả giải của các nhà thơ thời đại sau phạm vào, nó nằm ở điều cốt yếu đó là sự đòi hỏi của thể chất thơ ca là phải luôn đổi khác, mới mẻ, thoát khỏi quán tính thói quen về cảm xúc và cách tiếp cận thế giới.
Về bản chất, thể chất của nghệ thuật là tự do. Tự do có thể được coi là yếu tính của nghệ thuật. Thi ca là một lĩnh vực của nghệ thuật đòi hỏi cái yếu tính tự do cấp thiết và gắt gao hơn nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác. Bởi công cụ của nó chính là ngôn từ, mà ngôn từ nguyên uỷ của nó luôn luôn phải mang chứa tính xã hội. Sự áp đặt mang tính xã hội đã được cài sẵn trong mã gen của ngôn từ ngay từ khi nó mới ra đời.
Một nhà thơ lừng lẫy của thời đại nhà Đường (Trung Hoa) là thi hào Lý Bạch, trong cuộc đời thế tục của mình ông đã dời khỏi vị trí ở hoàng cung để đổi lấy tự do. Những bài thơ hay nhất của Lý Bạch được dịch ra ở nước ta, có nhiều bài thơ kiệt xuất không viết theo thể thơ luật Đường, trong đó có những bài thơ mà ai đã từng đọc thơ Lý Bạch đều không thể bỏ qua, như bài “Tương tiến tửu” và bài “Thục đạo nan”. Những bài thơ này không được thực hiện bởi quy tắc vàng của hình thức thơ mẫu mực do chính thời đại đó đã tạo tác. Những bài htơ không viết theo thể thơ luật của Lý Bạch được vận hành theo dòng xả trôi tự do của cảm xúc, và nhịp điệu kết cấu của bài thơ được sinh ra trong sự hoà điệu đủ để chứa tải cái hứng khởi tràn đầy của nhà thơ trong khối tâm sự đan bện chằng chịt được dâng đặt giữa thiên nhiên trời đất và giữa lòng thiên hạ bao la. Nếu theo cách nhìn của ngày nay, thì đó là những bài thơ viết theo thể thơ mới không bị ràng buộc bởi những quy tắc quá chặt chẽ. Trong thời đại thi ca rực rỡ của Đường thi, nhiều kiệt tác còn lại đến nay được viết theo thể thơ cổ phong, một thể thơ khá tự do từ thời cổ của Trung Hoa. Như vậy cái mà người ta gọi thời đại Đường thi với cái ý chỉ về thơ Luật Đường, chỉ là rất tương đối mà thôi. Rõ ràng những kiệt tác còn đến nay của thời đại Đường thi không chỉ là thơ Luật Đường. Do vậy, cho thấy các hình thức thơ được tạo tác dù mẫu mực và sáng rỡ đến bao nhiêu cũng chỉ đủ làm nên cái rạng rỡ của sáng tạo thi ca thời đại đó và có thể toả rạng đến các thế kỷ sau – nhưng, đối với tiến trình vận hành của thi ca thì các hình thức có trước đều trở thành vật cản trong công cuộc vận hành không ngừng nghỉ của sáng tạo thế hệ tiếp theo.
Ở Việt Nam, thơ lục bát có thể trở thành hình thức thơ mẫu mực của những thời đại trước đây được không? Câu hỏi này đã có người đặt ra, và cũng đã có một số ý kiến từng khẳng định thơ lục bát không chỉ xuất hiện ở Việt Nam, mà nó có nguồn gốc từ một số nền văn hoá trong khu vực. Thực ra, điều này tôi không tường tận nên không dám lạm bàn. Cứ cho rằng thơ lục bát là chỉ có Việt Nam mới có thể thơ này, và rằng thể thơ này đã trở thành mẫu mực với những quy tắc vàng mà nó đã tạo ra trong những yêu cầu về vần, nhịp và kiến trúc câu thơ.
Có một điều chắc không phải tranh cãi nhiều lắm, là thơ lục bát – trong những thế kỷ trước chỉ xuất hiện dưới dạng chữ Nôm, thật khó tìm được một câu lục bát ở nước ta là một câu thơ dưới dạng chữ Hán. Đối với nhà nước phong kiến của Việt Nam, ít nhất là từ thế kỷ XIX trở về trước, ngôn ngữ được dùng trong các văn bản chính thức của nhà nước là chữ Hán (ngoại trừ một ít văn bản trong thời gian ngắn ngủi của triều đại hoàng đế Quang Trung).
Ta nhận thấy những trước tác và thi ca của các danh nhân các thời đại trước của nước ta để lại hầu hết là bằng chữ Hán, một số bài thơ chữ Nôm đều được viết chỉ coi như một cái thú chơi của riêng mình. Trong các đấng bậc văn chương thời trước, mấy ai ngang tàng hơn Cao Bá Quát, ông đã công khai coi thường cái triều đình lúc ông còn nhận miếng cơm manh áo từ nó, rồi ông đã cả gan tập hợp lực lượng tổ chức cả một cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình đó. Thế mà đối với chữ Nôm, trong bài tựa Truyện Hoa Tiên, Cao Bá Quát đã phải thốt lên: “Than ôi! Lấy Quốc ngữ làm văn chương, thì ta chưa dám, nhưng lấy văn chương mà coi Quốc ngữ thì ta có phần tán thành”. Như vậy, từ thế kỷ XIX trở về trước, thực tế chữ Nôm chỉ tồn tại trong dân gian. “Lấy Quốc ngữ làm văn chương”, đến Cao Bá Quát một con người dám lấy cuộc đời mình làm cột chống trời như vậy còn “chưa dám”, thì hỏi ai còn dám đây? Cho nên, dù các bậc danh gia về phê bình văn chương có bình phẩm siêu quần thế nào đi chăng nữa về Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, thì cá nhân tôi vẫn cho rằng hai câu thơ kết của Truyện Kiều mà Nguyễn Du đã viết, là ông viết thực lòng, thực tâm, chứ không có ý khiêm nhường và ngụ ý sâu sa gì cả. Đã đành, cốt truyện của Truyện Kiều là của Trung Quốc, căn cứ vào các văn bản chú giải “Truyện Kiều” của các học giả, các nhà nghiên cứu nước ta, thì tôi nhận thấy và nhiều người nhận thấy, có nhiều câu thơ lục bát vào bậc hay nhất của Truyện Kiều là dịch từ thơ Đường, Tống. Thiên tài của Nguyễn Du chính là sử dụng nhuần nhuyễn tài tình và biến hoá chữ Nôm trong câu thơ lục bát. Và, tại Truyện Kiều Nguyễn Du đã gửi gắm được tâm sự về thế cuộc rất khó nói của mình, khi trong thời đại đó không thể tìm được nơi và người để ông có thể bộc bạch giãi bày nỗi lòng và cảnh ngộ của mình. Giáo sư Phạm Thiều đã gọi ra một cái tên rất độc đáo để chỉ ra tâm trạng đặc trưng của thi hào Nguyễn Du, đó là “Tâm sự di thần”. Sự nghiệp sáng tác thơ trong suốt cuộc đời Nguyễn Du đã để lại trên 300 bài thơ viết bằng chữ Hán, đã thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan và những rung động cùng hứng khởi của ông về những gì tâm huyết nhất mà ông đã tiếp nhận được, đã suy tư trăn trở lúc đương thời. Với Truyện Kiều, và chữ Nôm, Nguyễn Du đã thực hiện được một công việc nằm ngoài ý chí của ông, như ông nói chỉ là “mua vui”. Đó chính là thế giới tự do của tâm tưởng, của tinh thần, ông đã bước vào mà không hay biết. Với chữ Nôm cùng với thể lục bát và tích truyện của Trung Hoa, ông hoàn toàn tự do thoát khỏi mọi giàng buộc, mọi quy ước và sự kiểm soát kiềm toả mà thời đại đã áp đặt lên nhận thức và tình cảm mọi cá nhân trong xã hội đó.
Nếu theo góc nhìn của thời hiện kim, thì Nguyễn Du viết Truyện Kiều hoàn toàn là một sự vượt rào khỏi những quy ước, những thói quen đang ngự trị của thời đại ông sống. Đó là một sự đổi mới, là bước ngoặt trong thi pháp thơ của ông. Điều này là hoàn toàn sáng rõ khi ta chú tâm nhìn ngắm lại toàn bộ những sáng tác thơ mà thi hào Nguyễn Du đã để lại đến hôm nay. Thực tình, sự đổi mới thi pháp thơ Nguyễn Du là một sự tình cờ vượt ra ngoài sự kiểm soát của nhà thơ. Sự tình cờ này đã để lại một kiệt tác thơ, một kỳ công về ngôn ngữ có một không hai của thơ ca Việt Nam.
*
Đổi mới là cách tân, tức là phải đổi thay đi, phải khác đi. Đổi đến đâu và đổi như thế nào, lại là câu chuyện dài dài không thể dăm câu ba điều mà tỏ rõ được. Điều tiên quyết của đổi mới là phải khác trước - đến với việc đổi mới không có cách gì có thể biện hộ để bỏ qua tiên đề này. Cải sang cái mới là đổi sang cái gì đó tốt đẹp hơn, hiệu quả hơn và phù hợp hơn với hiện tại. Đó thường là ao ước và nguyện vọng của những người đổi mới và công chúng hưởng ứng cái mới. Dù cái mới nhiều khi chưa hẳn đã tốt đẹp hơn cái trước nó, nhưng việc cải đổi sang cái mới luôn là nhu cầu tự thân của mọi sự vận hành trên thế gian. Nó được tiến diễn như một quy luật, tức là không có gì có thể ngăn trở được sự cải đổi này. Thế giới luôn đổi thay, đất nước hàng ngày thay đổi, nhận thức của con người trong xã hội luôn được nâng cao theo sự thăng tiến không ngừng của nền văn minh, không hà cớ gì mà thi ca lại không thay đổi.
Tôi không có ham muốn sẽ đề ra được những quy tắc nào đó của đổi mới thi ca, nhưng bằng trải nghiệm và suy ngẫm của cá nhân cho tôi những gợi ý rằng việc đổi mới thi ca ít nhất phải thực hiện được 3 điều sau:
1. Cảm xúc của sáng tác thơ phải cách biệt được cái nền cảm xúc của những sáng tác thơ trước đó. Phải tạo dựng được một nền cảm xúc, trường độ cảm xúc riêng biệt và mới mẻ.
2. Cách nghĩ, cách tư duy, các mối quan tâm, nói chung là điểm nhìn của nhà thơ phải khác biệt với điểm nhìn trước đó về con người, về nghệ thuật và về thế giới.
3. Cách thức tiến hành bài thơ, hệ thống ngôn từ được huy động cũng phải khác biệt và mang cảm quan của thời đại, dù có thể là rất gián tiếp.
Còn một điều kiện nghe chừng có vẻ ngoại lệ, nhưng không thể bỏ qua, rằng để kết thành được 3 yếu tố trên trong một sáng tạo thơ mới, nhà thơ cần phải đạt đến sự tự do cao nhất về tâm thức và sự thuần khiết của hứng khởi thi ca. Nếu không, 3 yếu tố trên cũng chỉ tạo ra một cái vỏ của sự mới mà không mang theo một thể chất chứa đầy cường lực và năng lượng mới. Mang đến một thể chất mới của thi ca, thực sự là mục tiêu mà công cuộc cách tân nỗ lực tìm kiếm và cần phải đạt đến.
Trong một vài bài viết về thơ bạn bè gần đây, tôi có đề cập đến mối quan tâm về việc mới – cũ trong sáng tác thơ, cùng với sức hút đầy trường lực mang quán tính của thói quen dường như đã được định vị từ sáng tácthơ của các nhà thơ thế hệ trước. Đó là sức hút được tạo ra bởi những thói quen được hướng dẫn từ những cách cảm, cách nghĩ, điểm nhìn và phương pháp huy động vốn từ ngữ cùng việc kiến thiết của các sáng tác thơ của các nhà thơ thế hệ trước.
Quán tính của thói quen luôn tồn tại như là một sự mặc định trong suốt tiến trình vận động của sáng tạo thi ca. Để tách rời khỏi cái quán tính thói quen dường như đã được định vị là một công cuộc không bao giờ dễ dàng. Dù vô thức hay hữu thức thì hầu hết đều bị gục ngã quy phục trước quán tính thói quen. Về sức mạnh quán tính của thói quen, làm tôi sực nhớ đến ý kiến của một nhà tộc người học người Anh thế kỷ XIX, ông nói rằng “khi có một tập quán, một thói quen, hay một ý kiến nào đó lan ra khá rộng, dù tác động của những ảnh hưởng khác nhau đối với chúng có thể yếu đi, nhưng chúng vẫn tiếp tục truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chúng giống như một dòng chảy, một khi đã tạo ra được luồng lạch của nó thì tiếp tục chảy trong nhiều thế kỷ liền”.
Sự bền vững và loang rộng quán tính của thói quen từ các sáng tác thơ, có lẽ không kém phần bền bỉ và dai dẳng đối với các thế hệ tiếp nối, nhưng quả là tách rời nó thì luôn luôn là một thách thức đối với sáng tạo thi ca đối với những thế hệ kề cận.
Có một điểm có lẽ chỉ là dị biệt, chỉ xuất hiện trong môi trường sáng tác thơ của ta, đó là một dạng của yếu tố tâm lý không muốn người khác khác mình, từ việc nghĩ khác, cảm khác và đặc biệt là viết khác. Tâm lý này nhiều lúc đã tạo ra một bầu không khí chưa mấy thân thiện trong giao tiếp, trong trò chuyện, trong trao đổi và nhận xét đánh giá về văn chương. Ở một mức độ nào đó, nó có thể làm hạn chế, tiêu mòn và có khi thui chột sự nảy mầm của những cảm hứng sáng tạo thi ca mới. Yếu tố tâm lý này nếu cứ tiếp tục duy trì, nó sẽ giống như một thứ sương muối gió tây làm tê liệt những hạt giống mới nơi cánh rừng thi ca.
Bởi thi ca là sự kết tinh và nâng cao không ngừng của các nền văn hoá tiếp biến qua các thời đại, nó được sinh ra cùng với khát vọng của con người. Cảm hứng thi ca rất cần đến bầu không khí cởi mở thân thiện bên công việc khó khăn nhọc nhằn của việc tách vỏ bay vút lên trời cao của cảm hứng thi ca.
Sáng tạo thi ca mãi mãi là cuộc vận hành không ngừng nghỉ mang theo sự biến đổi thi pháp, với mục tiêu bù đắp những khiếm khuyết thiếu hụt về đời sống tinh thần trong tâm thức, tiềm thức và tâm hồn của con người giữa lòng thời đại chuyển động gấp gáp theo tiến trình phát triển của nền văn minh xã hội loài người./.
Hà Nội, 05/5/2010
DKM.