Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

GẶP NGƯỜI ĐƯƠNG THỜI VÀ HẾT THỜI

Hiệu Minh
Thứ ba ngày 25 tháng 5 năm 2010 8:08 PM
 

Thầy Khoa trên VTV3 Người đương thời.
 
Hiệu Minh chưa bao giờ bàn về chuyện thầy Đỗ Việt Khoa chống tiêu cực trong thi cử và những bung xung quanh đó. Nhưng đọc tin gần đây về thầy Khoa “đương thời” thành “hết thời”, bỗng tự hỏi, không hiểu ngành giáo dục nước nhà đi về đâu trong những năm sắp tới.
Thầy Nguyễn Thiện Nhân cũng sang công tác khác, để lại một khoảng lặng trong bài ca về sự nghiệp trồng người.
Những người gặp thời
Khi bác Nguyễn Thiện Nhân cắp cặp từ TpHCM ra Hà Nội nhậm chức Bộ trưởng Bộ GD thì xảy ra vụ thầy giáo Đỗ Việt Khoa coi thi tại Hội đồng thi Trường THPT Phú Xuyên A. Ông giáo làng này dùng điện thoại di động quay video làm chứng cứ “tố cáo những gian lận thi cử, làm bùng lên dư luận xã hội bất bình và bức xúc trước những tiêu cực trong giáo dục nhiều năm đã ủ thành bệnh nan y” như “cô giáo” Kim Dung từng viết.
Như vậy cả hai đều gặp thời. Thầy Nhân “gặp” thầy Khoa trong một dịp hiếm có để bàn về cách “chống bệnh thành tích trong học tập và tiêu cực trong thi cử”, và “xây dựng một phương pháp học sáng tạo, thực chất, học là phải dùng được”, rồi “đổi mới phương pháp học tập theo xu hướng tiên tiến của thế giới”.
Còn thầy Khoa được báo chí tung hô, trở thành nổi tiếng, vì sau vụ đó, thầy Hiệu trưởng THPT Vân Tảo Từ Ngọc Lĩnh làm chủ tịch Hội đồng thi bị cách chức. Sở GD&ĐT Hà Tây (cũ) cử Phó phòng Giáo dục thường xuyên, thầy Lê Xuân Trung về làm hiệu trưởng trường Vân Tảo.
Bác Nhân gặp thời, bác Khoa gặp thời, bác Trung gặp thời, báo chí truyền thông gặp thời, chỉ có thầy Từ Ngọc Lĩnh bị “oan” nên…thất thời. Cả nước quay cóp không sao, mình trường ông Lĩnh chịu, hu hu.
Đến đương thời
Thầy Đỗ Việt Khoa đang từ một anh giáo làng bỗng nổi tiếng như cồn. Sau vụ PMU18 ngành truyền thông trải qua cơn sốc, nhà báo thiếu bài vở nên thi nhau hẹn gặp. VTV3 mời lên trò truyện trong mục “Người đương thời”. Người ta có cảm giác ngành Giáo dục đang chuyển mình.
Tuy nhiên, dân quanh làng bác Khoa ở không thích lắm. Học hành kiểu “thầy đọc trò ghi” rồi về nhà nhai lại “Rắn là một loài bò, sát không chân” thì không quay cóp làm sao qua được.
Thầy Trung và đồng nghiệp lại càng chán vì thầy Khoa không hiểu…thời cuộc. Chuyện gì đến đã đến. Thầy Lê Xuân Trung đã bị tố cáo nhiều sai phạm từ lạm thu, phạt học sinh nghỉ học.
 
Đêm 14/11/2008, hai bác bảo vệ THPT Vân Tảo là Trần Văn Xường và Nguyễn Văn Đông, không hiểu nghe ai xúi dại, xông vào nhà chửi bới và cướp máy ảnh của thầy giáo Khoa, một công cụ hành nghề thời chống tiêu cực khó khăn trăm bề.
Công an huyện Thường Tín tạm giam bác bảo vệ “nhẹ dạ” Trần Văn Xường vì hành vi cướp giật tài sản. Còn chiếc máy ảnh của thầy Khoa hỏng hoàn toàn do bị ném xuống mương nước cạnh trường.
Rồi vụ kiện chả đi đến đâu, “người đương thời” Đỗ Việt Khoa chẳng được bảo vệ đến cùng và hóa ra bị thất thế. Trường đá lên sở, sở đá lên bộ, bộ đá lại về trường. Mọi việc đâu vào đó. Chỉ có người đọc tin trên báo thở dài ngao ngán cho một cung cách làm ăn phi hệ thống.
Bộ trưởng GD đương thời làm được vài vụ động trời. Chính sách mới “chống tiêu cực trong thi cử” xuất hiện ngay cuối năm học 2007. Kết quả nhãn tiền. Chỉ tính riêng hệ trung học phổ thông kỳ thi lần một chỉ có 67,5% đỗ tốt nghiệp (thậm chí có trường không đỗ học sinh nào). Tổ chức thi lại cũng chỉ đạt 80,38%.
Học sinh, phụ huynh, giáo viên kêu thấu trời xanh vì trước đó toàn đạt trên 95% tốt nghiệp. Bây giờ thành tích đi bay, con cái trượt phổ thông biết đi về đâu để hội nhập.
Tuy thế, dư luận xã hội khá đồng tình và người ta đợi trong tương lai gần, nền GD trồng người sẽ biết gieo nhân vào mảnh đất nào cho nẩy mầm xanh. Bao hy vọng lại nhen nhóm về một tương lai tốt đẹp cho công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa, mà thiếu tố chất giáo dục, thì vẫn là anh nông dân với cái cầy trên thửa ruộng trong thế giới toàn cầu hóa.
Và hết thời nhưng chuông vẫn ngân nga
Bốn năm trôi qua như bóng câu bay ngoài cửa sổ. Nghe nói thầy Nhân đã thôi chức “đương thời” để chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới, quan trọng hơn.
Thầy Đỗ Việt Khoa chán đời nên quyết định từ chức anh giáo làng và thành người…hết thời.
Nhà báo Xuân Oanh của VNN “bỗng” nhớ ra thầy Văn Như Cương, hiệu trưởng trường tư nhân Lương Thế Vinh rất nổi tiếng. Giáo sư này từng hùng hồn tuyên bố “sẽ nhận thầy Đỗ Việt Khoa về làm việc nếu thầy gặp khó khăn” hồi năm 2007.
Khi hay tin thầy Khoa sẽ nghỉ việc, trao đổi với VietNamNet chiều 21/5/2010, vị giáo sư râu dài đến ngực này nói “bây giờ thì tôi không nhận thầy nữa vì nhận thức đã thay đổi”. Thầy Cương có lý khi nói về sự “đương thời” của thầy Khoa có vấn đề không bình thường.
Mọi sự đồn đoán cũng chỉ là đồn đoán. Người ngoài cuộc không thể biết trong chăn có rận hay không. Thôi đành biết vậy vì nhìn trên ảnh, râu thầy Cương chả quặp đi chút nào.
Chỉ biết thầy Nhân đã hết thời bên Giáo dục, thầy Khoa hết thời của anh giáo trường làng “thấp cổ bé họng”, thầy Cương và thầy Trung vẫn đương thời làm…hiệu trưởng.
Người ta đang tự hỏi, rồi ngành giáo dục sẽ đi về đâu sau khi chứng kiến những bi kịch trên. Lời thề đổi mới phương pháp học tập theo xu hướng tiên tiến của thế giới, rồi đào tạo 20 ngàn tiến sỹ, tăng học phí cho giáo dục bậc đại học, tăng trách nhiệm tự chủ tài chính cho các trường đại học, không hiểu bây giờ đang ở hang cá trê nào.
Bước chân quan trường của ai đó vẫn rong ruổi trên đường đời, để lại phía sau những thông điệp, mới nghe rất hay, nhưng quả là khó thực hiện.
Đừng trách thầy Cương “thất hứa” hay thầy Trung “giữ ghế”, vì miếng cơm manh áo ở đời thực quan trọng hơn cả sự nổi tiếng đương thời ảo trên VTV hay thế giới online. Đừng chê báo chí đưa tin theo kiểu tung hô. Không có nhà báo làm sao những thông điệp về thay đổi có thể tới hàng triệu người đọc.
Chả nên trách thầy Nhân, vì trong một cơ chế bùng nhùng, “mắc lưới” là phải thôi. Đừng trách thầy Khoa bỏ cuộc vì có lẽ thầy và gia đình hiểu đời cay đắng hơn ai vì con thầy từng bị chuyển trường, cả nhà bị đe dọa. Cách làm của thầy có thể gây tranh cãi, nhưng trái tim và bầu nhiệt huyết dành cho thế hệ tương lai khỏi bàn cãi. Những gì hai thầy để lại phía sau cho ngành giáo dục rất đáng quí, là tiếng chuông cảnh tỉnh “cần thay đổi tận gốc sự nghiệp trồng người” sẽ ngân nga không bao giờ dứt.
Du học 40 năm trước, tôi từng nghe tiếng kèn tây da diết Hejnał Mariacki bỗng bị ngắt quãng ở thành phố cổ Krakow (Balan) vang lên từng giờ từ trên nóc nhà thờ St. Mary’s Basilica.

Bùi Minh Trí cởi trần trên website bộ GD.

Theo dòng lịch sử, người thổi kèn xưa kia bị bắn tên trúng vào cổ khi ông tìm cách báo động quân địch xứ Mongolia của Thành Cát Tư Hãn đang tấn công thành phố. Hàng vạn người được cứu sống vì người lính dũng cảm này. Vì thế, tiếng kèn tiếp tục được thổi theo cách bị nghẹn lại cho đến hôm nay ở thành phố cổ có cung Vavel xinh đẹp dù đã sau cả ngàn năm.
“Tiếng kèn” Đỗ Việt Khoa từ miền đất hẻo lánh Vân Tảo nhằm chống tiêu cực trong giáo dục có thể bị nghẹn lại vì cơ chế. Với vài cá nhân có thể là thất bại, là mất mát, là hết thời như người lính thổi kèn thành Krakow.
Nhưng với số đông và dư luận báo chí xung trận, thì đó là bước tiếp theo. Thời vận của ngành này đã mở sang trang mới. Rồi một thầy cô khác sẽ bước theo Đỗ Việt Khoa như tiếng kèn Hejnał Mariacki tồn tại mãi với thời gian.
Viết tới đây tôi chợt nhớ ra cậu học trò “hacker” Bùi Minh Trí tấn công trang chủ của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cậu bé 17 tuổi dám cởi trần “làm Bộ trưởng Bộ GD” thay thầy Nhân trên trang web trong mấy ngày.
Phải chăng, cũng như các lãnh đạo ngành khác, vị đứng đầu Bộ với trọng trách trồng người đôi khi phải có tố chất “không còn gì để mất” như Bùi Minh Trí cởi trần online. Lúc đó mới mong sự thay đổi thật sự đến từ nhiều phía, giải phẫu được khối u đang có nguy cơ sang giai đoạn cuối của ngành Giáo dục.
Hiệu Minh. 23/05/2010
PS. Entry này như một lời gửi gắm chân thành tới thầy Khoa, thầy Nhân và tất cả những ai đồng tình, giúp khuấy động công cuộc cải cách Giáo dục. Khi con tầu đã chuyển bánh thì khó mà dừng lại được. Đó cũng là cách Blog HM nhìn về hiện tượng Đỗ Việt Khoa.
(Nguồn: blog Hiệu Minh)