Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐẶC SẢN HẢI PHÒNG

Lê Thanh Chung
Thứ ba ngày 25 tháng 5 năm 2010 7:45 PM
TNc: Thi thoảng ghé thăm nơi người guihuongchogio - người lính gac phía trời Tây vẫn thấy bài đều thì biết rằng tên lính gác vẫn bồng súng chưa mỏi tay. Hôm nay xin cái Đặc sản Hải Phòng về trang nhà cho vui. Đồng ý thì OK...

Hôm nay là ngày 13 tháng 5. Cách đây 55 năm, cha mẹ tôi đã theo đoàn quân từ Việt Bắc kéo về tiếp quản Thành phố, để rồi sáu năm sau, tôi sinh ra và trở thành con gái Hải Phòng.
Mỗi khi nghe giới thiệu tôi là đồng hương Tám Bính, bạn bè lần đầu gặp gỡ thường hay hỏi: Hải Phòng có đặc sản gì?. Tếu táo chuyện giời chuyện đất thì dễ, nhưng tự nhiên bị hỏi độp một câu như vậy đâm ra lúng túng. Đặc sản cũng có những chủng loại khác nhau và thay đổi tùy theo tiêu chí và gu của người đối thoại.
Những năm đầu thập niên tám mươi thế kỷ trước, bọn bạn trong khu nội trú góc trường Ba - nhà một gian chỉ biết đến Hải Phòng qua món mắm tôm rang tóp mỡ của mẹ tôi. Nửa đêm gà gáy, học ôn thi, bụng réo ầm ầm. Ra ruộng hái trộm ít ngọn khoai lang, đem hết các loại thư của tình yêu cũ ra đốt cũng được nồi canh rau không mỳ chính, nhưng thơm lừng mùi mắm tôm và lất phất vài váng mỡ phú quý.
Có năm kho hàng ở cảng bị cháy, Hải Phòng lại được biết đến với những súc vải nham nhở, ám khói. Mỗi lần về nhà lấy tiếp tế, lũ bạn cùng phòng lại dặn dò, nhắn nhủ: Cứ mang lên càng nhiều càng tốt. Thời bao cấp, mỗi năm được 4m vải. Mua vải cháy của Hải Phòng không phải xếp hàng, không bị trừ tiêu chuẩn tem phiếu, không xúm vào đầu cơ tích trữ mới lạ. Có vải, đứa nào cũng hì hụi cắt may, khâu vá. Nửa đêm còn che bóng điện lại khâu để khỏi ảnh hưởng đến giường bên cạnh. Quần, áo, túi xách, vỏ gối... hoa văn chen lẫn những vệt cháy dở dang.
Rồi Hải Phòng được biết đến với xe đạp mini, xe cup, tủ lạnh, tivi nhặt từ đống rác của các chàng thủy thủy viễn dương chuyến tuyến Nhật mang về. VOSCO (Công Ty vận tải Biển Việt Nam) như một sự đảm bảo bằng vàng cho các cuộc hôn nhân có yếu tố chân dài. Người ta tìm mọi cách để chen chân xuống tàu. Đi để cứu nhà; đi để đổi đời. Đang đường đường là một giảng viên đại học, nhưng nếu được xuống tàu làm Chief Toilet cũng cố gắng chạy lấy cái bằng A tiếng Anh để đi.
Tôi hỏi con gái: Đặc sản của Hải Phòng là gì? Không ngần ngại, nó trả lời ngay: con giá biển. Con bé bị dứt ra khỏi quê từ lúc bảy tuổi. Mỗi lần đưa con về nghỉ tết, nghỉ hè hoặc về thăm ông bà nội, hai mẹ con bao giờ cũng lê la chợ Ga, ăn nộm chân gà và giá biển. Những con giá xào với bột sánh sánh, vừa ăn vừa nhằn vỏ mà không thấy ngại. Chân giá trắng muốt được bà chủ để riêng, bốc vào bát theo cữ tay, chẳng bao giờ lỡ... Con trai tôi lại thích món ốc mút và ốc đĩa. Thằng bé quả quyết, đặc sản canh bánh đa đỏ của Hải Phòng đã bị mấy cô bán hàng ăn trong chợ Đống Đa cuỗm mất bí quyết.
Anh bạn tôi người Canada, một lần ngẫu hứng dồn hết cả tiền tiết kiệm quyết định đi tour một tháng qua ba nước: Việt Nam, Trung Quốc, và Thái Lan. Anh hỏi: HP quê mày có gì hay? Khó thật! Nếu để thăm chùa thì đi Chùa Thầy, chùa Hương; Nếu đi tắm biển, thì Đồ Sơn không phải là lựa chọn tối ưu. Đi Đồ Sơn đánh bạc lại càng không. Ra Vịnh Hạ Long thì có thể đăng ký tour ngay từ Hà Nội. Cát Bà thì cả chục năm nay tôi chưa có dịp quay lại, không biết ngoài đó có những hoạt động vui chơi, văn hóa gì. Bí quá, tôi bảo: Tao có ông bạn nhà văn rất tuyệt. Nhưng để lần sau đi cùng tao về VN, tao tình nguyện làm phiên dịch cho mày mới hay.
 
Ông bạn nhà văn tôi đem ra khoe khoang với anh chàng đang làm luận án tiến sỹ triết học vừa nhắc ở trên chính là Bùi Ngọc Tấn. Với tôi, ông như món đặc sản quà quê. Khi người ta pha trà lipton nhấm nháp Orion-Choco pie Thái Lan, Hàn quốc thì ông vẫn là người ủ ấm nước chè tươi, nhâm nhi kẹo lạc. Ở ông vừa có sự chân thật, chất phác của một bác nông dân, lại vừa có cái hỏm hỉnh, tinh nhanh của người thành phố. Ông sinh ra ở Hải Phòng, gặp nạn cũng ở đây và trở lại văn đàn cũng tại đây. Ai muốn biết về Hải Phòng thời bao cấp, xin mời hãy đọc Một thời để mất. Có lần tôi đã nói đùa với ông: Sau Nguyên Hồng, anh xứng đáng được gọi là nhà văn - Hải Phòng học. Chẳng phải nhờ vào hai tập Chuyện kể năm 2000 bị nghiền thành bột giấy mà ông trở thành nổi tiếng. Độc giả trong và ngoài nước còn biết đến ông bởi những câu chuyện rất nhân văn Viết về bè bạn, bởi tập truyện ngắn Những người chăn kiến sắp được tái bản, bởi Biển và chim bói cá đã có người xin ông cho phép dịch sang tiếng Pháp, và bởi nhiều bài báo ông viết để kiếm tiền tiêu tết nhưng rất có trách nhiệm và lương tâm. Tôi đã nhiều lần ghé lại căn phòng trên gác hai của ông. Chân dung bạn bè vẽ tặng ông treo kín các bức tường. Sách bạn văn tặng ông đựng kín các ngăn tủ - giá sách. Tôi có cảm giác như ông giống như một điểm nút giao thông. Mọi ngả đường đều đổ về đây, và cũng từ đây tỏa đi nhiều ngả. Bạn viết ở Sài gòn ra, Hà Nội xuống, từ Pháp, Mỹ, Nga về đều ghé Hải Phòng thăm ông. Cũng từ ông, bạn đọc lại được biết thêm nhiều nhà thơ, nhà văn, họa sĩ khác. Tôi tìm đọc Dạ Ngân, Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Duy cũng từ BNT. Và tôi được gặp gỡ với Dương Tường, lang thang một ngày ở Phủ Thành Chương với Phạm Xuân Nguyên cũng nhờ BNT.
Có lần tôi hỏi một anh bạn là nhà văn có số ở thành phố HCM: Hải Phòng, văn xuôi có những ai? Người đầu tiên anh bạn tôi nhắc đến tên cũng lại là Bùi Ngọc Tấn. Nếu bạn hỏi tôi đến HP nên đi đâu, tôi sẽ nói lên gác hai nhà số 10 Điện Biên Phủ. Và như đã rào trước đón sau ngay từ đầu bài viết, có thể gu của tôi không giống những người khác...
Nguồn:
http://guihuongchogio.vnweblogs.com/post/4523/230818