Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đằng nào chúng nó cũng chết rồi

Hoài Giang
Thứ hai ngày 5 tháng 11 năm 2012 5:08 AM

 Rời ấp Đá Biên, tôi và Nguyễn Ngọc Lịch cùng vợ chồng Đặng Đắc Bằng trở lại Sài Gòn, một số anh em CCB khác (tất cả đều là lính sinh viên Đại học Xây dựng cùng nhập ngũ ngày 13 tháng 9 năm 1972 với các Liệt sỹ hy sinh tại Đá Biên) thực hiện chuyến đi dài ngày về chiến trường xưa gồm có các cặp vợ chồng Nguyễn Bá Sỹ, Nguyễn Phi Cảnh, Nguyễn Trọng Tình, Trần Hữu Phục, Lê Ngọc Hàm, Nguyễn Hữu Lương, Nguyễn Khắc Viễn... Tới Sài Gòn vợ chồng Bằng đáp xe đò đi Vũng Tàu thăm người thân, còn hai anh em tôi kiếm khách sạn tại phố Nguyễn Văn Đậu để nghỉ cho gần sân bay TSN.

            Tối đó ở lại Sài Gòn, Đào Thị Hoa KTT Cty TNHH Tích hợp hệ thống CMC Sài Gòn và Phạm Văn Thông mời cơm chúng tôi và Hiền Lương – Hiền Lương là người lính với bút danh “Một người em” trong blog Hoài Giang hiện đang trong quân ngũ với quân hàm Trung tá. Hiền Lương đã cất công về làng Vòng mua cốm và tìm hái cả một va ly hoa Sữa đem vào Đá Biên để dâng lên các Liệt sỹ cùng với Đất và Nước Hương Canh Vĩnh Phú mà chúng tôi đem vào. Phạm Văn Thông Quê ở Gia Lộc, Hải Dương, tốt nghiệp phổ thông, có giấy gọi vào học đại học Xây dựng nhưng tháng 4 năm 1972 Phạm Văn Thông xung phong nhập ngũ và được chọn làm lính đặc công. Thông lên đường vào Nam khi vừa tròn 18 tuổi, được điều về Trung đoàn 207 thuộc Quân khu 8. Sau giải phóng, Thông thi vào trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay hai cha con Thông sống tại thành phố Hồ Chí Minh, là chủ WEB E207 và là thành viên quan trọng trong Ban liên lạc Hội CCB E207.
          Chúng tôi ngồi bên nhau nói nhiều chuyện nhưng vẫn không ngoài chuyện lính, chuyện thằng đang sống và đứa đã chết. Nhậu xong chúng tôi chia tay nhau, Thông hẹn sáng mai sẽ đưa chúng tôi đi “giải ngố” ở Sài Gòn theo yêu cầu của tôi.
          Khách sạn mênh mông mà chẳng có mấy khách nên lại càng im ắng. Một đêm ngủ đẫy giấc vì đã thấm mệt và căng thẳng đủ mọi phương diện, hai anh em ngủ “không vẫy tai” tôi bảo Lịch.
          Thông tới KS đón Hiền Lương rồi đến đón chúng tôi. - Kế hoạch thay đổi – Thông nói – Mấy anh CCB 207  dưới Long An mời xuống đó chơi, các anh thấy thế nào?. Chúng tôi Ok! luôn.
          Xe đi đón Ba Thi rồi một mạch tiến về thành phố Tân An thủ phủ tỉnh Long An. Ba Thi quê Quảng Bình, tên thật là Phan Xuân Thi là sinh viên năm thứ nhất đại học Tổng hợp văn. Vào bộ đội những năm chiến tranh ác liệt, rời quân ngũ với quân hàm Trung tá, về làm Bí thư Đảng ủy Cục dự trữ quốc gia khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hiện là Trưởng Ban liên lạc Hội CCB E207.
          Phạm Văn Thông và Ba Thi là người đã từng đánh đấm ở địa bàn này nên cứ kể vanh vách về những địa danh đang diễn ra trước mắt chúng tôi.
          Tới Tân An, chúng tôi đến nhà anh Phan Xuân Diệu – Anh Diệu, anh Chinh đã ra tận ngoài ngõ đón chúng tôi - thì ra hai anh cũng là người Bắc, vậy mà tôi cứ ngỡ anh Diệu là dân Long An – anh Diệu quê Ninh Bình. Nói theo cách nói của Thông thì anh là người không cao, bụng bia chân nhỏ, lắm tài, chữa VTĐ rất giỏi, có thể nói giỏi vào loại nhất nhì Miền nên ... hơi ... kiêu, tính thẳng thắn không biết sợ ai, chỉ sợ lẽ phải nên khi về hưu chỉ đeo lon Thiếu tá mà thôi. Anh là lính cơ công của E207 hồi Đá Biên. Anh vào chiến đấu trong này từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Sau giải phóng gặp chị Liễu, hai người xây dựng gia đình tại Long An. Chị Liễu tốt nghiệp khoa Văn đại học sư phạm Hà Nội, vào dạy tại trường Cao đẳng sư phạm Long An từ năm 1976. Anh Diệu bây giờ đã sáu mươi sáu tuổi, còn chị vừa về hưu năm ngoái. Hai đứa con đi làm một trai một gái đều làm ở Sài Gòn. Cháu gái dạy trường Đại học Kiến trúc, cháu trai vào con đường kinh doanh chứ không theo con đường binh nghiệp của cha. Thông nói anh Diệu bảo hôm nay có cả vợ chồng anh Đặng Trung Chinh quê Hải Dương, trước ở Ban chính trị trung đoàn 207, vợ anh bây giờ cứ nhớ nhớ quên quên. Hai anh chị từ Bắc vào mang cả trăm lít rượu, phen này uống say – bỏ!
          Sau những cái bắt tay của màn chào hỏi rất lính. Anh Diệu mời chúng tôi về nhà. Nhà chỉ có hai vợ chồng già sống theo phong cách Bắc một nửa Nam một nửa - ấy là theo tôi nhận thấy như vậy. Anh chị có lương hưu, các con đều có công việc làm ổn định nên cuộc sống khá thoải mái. Anh Nguyễn Xuân Tích đang giúp vợ chồng anh Diệu làm cơm đãi khách. Anh Tích quê Hải Phòng, vào bộ đội là lính thông tin, nay phục viên sống tại Định Quán Đồng Nai về Đá Biên dự ngày giỗ đồng đội rồi đến Tân An chơi với gia đình anh Diệu. Anh Vũ Chí Nghiêm quê Hải Dương, xưa là chính trị viên trưởng C25 Đặc công E 207 – giờ là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty phát hành sách và thiết bị trường học tại thành phố Hải Dương tới khi chúng tôi chuẩn bị vào cuộc. Đợt này vào giỗ anh em hy sinh tại Đá Biên xong, anh Nghiêm sẽ lòng vòng bằng xe đò đi khắp nơi trên sông nước Miền Tây để thăm lại những nơi anh đã từng chiến đấu, thăm lại bà con đã từng cưu mang anh và đồng đội C25 đặc công của trung đoàn trong thời kỳ cam go nhất.
          Thấy tôi khoác máy ảnh, lại được Thông giới thiệu tùm lum nên anh Diệu tưởng tôi là nhà báo thật. Anh nói giọng tưng tửng: Thôi mà, thằng chết thì đã chết rồi, nhắc lại mà làm gì, hãy để cho chúng nó yên. Lo được cho chúng nó như ở Đá Biên là tốt rồi. Nghe anh nói và nhìn nét mặt anh tôi thấy như có điều gì nghèn nghẹn. Tôi nói với anh rằng tôi không phải là nhà báo như Thông nói, tôi chỉ là một thằng lính Tăng già sáu mươi ba tuổi mụ, từ Bắc vào đây để dự đám giỗ tập thể gần ba trăm anh em Liệt sỹ ở Đá Biên, trong đó có nhiều người là sinh viên Đại học Xây dựng cùng nhập ngũ với tôi bốn chục năm trước. Anh nhìn tôi cười – cũng lính hả?
          Mấy chục năm sống ở đất Long An, chị Liễu vợ anh Diệu xem ra vẫn nhớ những món ăn ngoài Bắc, chị khoe với chúng tôi món cá quả nấu với bông Điên điển, món cà muối và cả món lươn nấu chuối nữa. Đây không phải lần đầu tôi ăn bông Điên điển, hôm trước ăn sáng ở nhà anh Tư Tờ tôi đã rất lạ lẫm với món bông Điên điển bóp chua, ăn vào thấy ngon, thấy lạ, tôi chạnh lòng chợt nghĩ cây Điên điển này mọc lên từ đất và nước Đá Biên. Hỏi kỹ thì nghe mấy bà mấy chị nói cây nó từa tựa như cây Điền Thanh ngoài Bắc. Rồi trên đường từ cầu 79 Thạnh Hóa về Sài Gòn tôi thấy bà con bày bán bông Điên Điển ngay bên đường cùng với các loại rau khác.
          Tôi hỏi các anh về chuyện đánh đấm ngày xưa, rồi chuyện cuộc sống bây giờ. Nghe các anh kể, tôi lại như lạc vào miền miên man sông nước của vùng Đá Biên Thạnh Hóa. Ngồi bên tôi, anh Diệu nói như thầm thì chỉ cho tôi nghe mà thôi, cái giọng anh lúc này khác hẳn với câu nói ban đầu khi mới gặp. Tôi thấy ở anh một sự ngậm ngùi thương tiếc đến nao lòng và không chỉ có thế đâu trong anh còn có cả nỗi buồn đau da diết bởi lẽ ra việc đi tìm những anh em đã hy sinh phải được làm từ lâu lắm rồi, phải từ những năm đầu khi cuộc chiến kết thúc. Nếu ngày ấy làm được như thế thì đồng đội đã ngã xuống đâu đến nỗi phải như bây giờ: Thương chúng nó lắm, vẫn biết rằng đằng nào chúng nó cũng đã chết rồi, nhưng giá mà làm được sớm hơn thì thân xác chúng đâu phải đến nỗi nào. Thôi bây giờ cố gắng lo được như thế cho chúng nó cũng là tốt lắm rồi! Ôi cái “giá mà” ấy nghe sao mà buồn đến não lòng. Nghe anh Diệu nói tôi lại nghĩ về những lần tôi đi tìm anh trai tôi. Giá như mấy chục năm trước người ta công bố những hồ sơ về Liệt sỹ nằm trong những tủ lưu trữ của các đơn vị, các quân đoàn, sư đoàn, các Bộ chỉ huy quân sự huyện, tỉnh... để thân nhân các Liệt sỹ biết được mà đi tìm thì đâu đến nỗi phải lặn lội lần mò trong cái mặt trận phía Nam này. Và cho đến bây giờ chương trình truyền hình, phát thanh, báo chí vẫn thong thả đưa tin trong mục Nhắn tìm đồng đội: “Liệt sỹ... hy sinh tại mặt trận phía Nam. Ai biết phần mộ Liệt sỹ...ở đâu xin báo...” Tại sao đến bây giờ vẫn chưa lục tìm trong những kho lưu trữ ấy để mà thông báo cho thân nhân Liệt sỹ biết mà còn để gia đình Liệt sỹ phải cậy nhờ đi hỏi  Ai biết...!? thật là chua chát!
        
Chia tay anh chị Diệu và các anh CCB trung đoàn 207 ở Long An, tôi bỗng thấy lòng mình trống trải quá. Phạm Văn Thông như hiểu nỗi buồn trong tôi, anh mở đĩa CD thơ “Anh vẫn cười mãi mãi tuổi hai mươi” do Ban liên lạc bạn chiến đấu E207 quân khu 8 thực hiện. Tôi không ngờ Phan Xuân Thi có giọng ngâm thơ đầy truyền cảm đến vậy. Hỏi ra mới biết anh đang là nghệ sỹ ngâm thơ của đài Phát thanh Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, còn vợ anh là Dạ Lý phát thanh viên đài Long An. Trung tá Hiền Lương – thi sỹ Hiền Lương – là lớp đàn em sau chúng tôi nhiều lắm, nhưng không hiểu sao Hiền Lương lại rất sâu nặng với những người lính đã hy sinh. Hiền Lương có nhiều bài thơ viết về Đá Biên, viết về lớp cha anh đã mãi mãi ra đi, những câu thơ như cứa vào lòng người: ...Tìm chúng tôi đồng đội cứ về đây, thắp nỗi nhớ thương vào trời cao rộng, vào sóng nước ngời phù sa Đồng Tháp, chúng tôi sẽ về, hàng ngũ vẫn mênh mông...
          "Đằng nào chúng nó cũng chết rồi nhắc lại mà làm gì..." Vẫn biết là như thế anh Diệu ơi! Hiền Lương ơi! các bạn tôi ơi! nhưng làm sao mà quên được bạn bè và những người thân yêu đã ngã xuống cho đến bây giờ vẫn chưa biết nằm ở nơi nào!