Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Từ lòng trắc ẩn về số phận người

Nhà thơ Lê Hoài Nguyên
Thứ bẩy ngày 3 tháng 11 năm 2012 7:52 AM

Tháng 12 năm 1990 Lê Tri Kỷ viết truyện ngắn “Giấy chứng nhận cho quỷ dữ”.

 

Nhân vật kể chuyện là Lê Huy, cán bộ Công an cao cấp đang sống ở Hà Nội, một buổi sáng, hết sức ngạc nhiên vì người khách lạ đột ngột bước vào nhà.

Người khách có một vẻ rất đặc biệt:

Một bộ quần áo bộ đội bạc màu thường bày bán ở các sạp đồ cũ chợ Giời. Một khung người gầy đét xương to vai rộng, để lộ hai bàn tay sần sùi u khớp. Một màu da mặt tai tái, những nếp nhăn ưu tư như đã cố tật trên nền trán. Thoạt nhìn, khách có vẻ là một người lao động mắc phải nỗi khốn đốn kinh niên… Thế nhưng, lời ăn tiếng nói nghiêm chỉnh, đôi khi lấp lánh trí tuệ, cử chỉ lịch thiệp mà vẫn giản dị lại nói lên một con người có văn hóa và từng trải…

Chủ nhà còn đang lúng túng thì con người này khơi dậy cho ông cái mối tình quê bấy lâu nay đã nhạt nhòa.

Nhà tôi ở phía Bắc cồn Đống chớ mô? Anh còn nhớ cái cồn ấy không, bên bờ sông Thạch Hãn đoạn chảy qua làng An Cư, cái gò đất nho nhỏ ngay phía trước mặt lăng Quận Tường ấy… Tôi cho rằng ven biển hai huyện Triệu Phong và Gio Linh thì phong cảnh nơi đó là đẹp nhất Quảng Trị! Bốn mươi năm xa nó rồi mà tôi còn nhớ như in cả cái lối mòn vắt ngang qua cồn.

Thời con nít, tôi thích đứng trên cồn trông xuống phía Cửa Việt. Sông nước ở đó sao mà mênh mông rứa. Hai bên bờ ngút tầm mắt, là các làng Tường Vân, Hà Tây, Phố Hội với cơ man nào là lũy tre, bãi lưới, vạn chài rộn ràng tấp nập thâu đêm suốt ngày theo con cá, vại mắm.

Mạch truyện đang êm ả, nỗi xúc động về tình quê hương của Lê Huy bỗng rẽ ngoặt tưởng như bị vật sắc nhọn cứa đúng vào một vết thương đã thành sẹo khi nghe người khách lạ nhắc tới trận càn “Tổng lùng” mùa hè năm 1948 tại vùng biển hai huyện Triệu Phong và Gio Linh.

Đó là một trận càn khủng khiếp nhất đời Lê Huy. Trận ấy lại do chính tên Lới, nguyên là phó Công an xã đã đầu hàng chỉ điểm cho địch từ năm ngoái dẫn Tây về làng nhận mặt cán bộ, chỉ hầm bí mật. Lê Huy thoát chết nhờ bỏ hầm chui vào giữa đống rơm trong khi hầm bị đào, em gái bị hãm hiếp.

Thế mà người khách lạ mặt lại xưng tên là Nguyễn Viết Lới, kẻ mà Lê Huy đã tìm mọi cách để bắt được hắn lập hồ sơ truy tố luôn và sau đó hắn đã bị tòa án Quân sự Bình Trị Thiên kết án tử hình, cho áp giải ra trại giam của Khu Bốn đóng tại vùng tự do Nghệ Tĩnh chờ tòa án quân sự cấp trên y án. Tuy vậy, sau đó vài tháng, trên đường ra Việt Bắc nhận công tác mới, Lê Huy đã ghé qua trại giam, gặp Lới rà soát lại nhiều vấn đề, động lòng trắc ẩn, bàn với Công an khu xin giảm án cho hắn. Hồi mới bị bắt Lới béo trắng, phù phì nhờ bơ sữa Tây nuôi, còn bây giờ hắn tàn tạ già cỗi. Không còn tí gì để Lê Huy nhớ lại một tên chỉ điểm vườn hạ đẳng. Điều lạ lùng là, Lới lại có cử chỉ chững chạc lịch sự, lời ăn tiếng nói khúc chiết, đậm chất thứ tư duy biện chứng quen thuộc của những cán bộ chính trị từng trải, tinh thông sách vở.

Qua tự thuật của Lới, Lê Huy biết sau khi được giảm án xuống chung thân Lới quyết chí cải tạo, năm nào cũng đạt tiêu chuẩn thi đua của phạm nhân. Sau hơn mười năm, Lới đạt thợ mộc bậc 7, được giao phụ trách xưởng mộc của trại. Học chính trị thì y theo đuổi hết cả chương trình trung cấp đến nỗi giám thị không còn ai dạy cho y học cao hơn đành tự học thêm bằng các loại sách trong thư viện của trại. Về văn hóa y được cấp bằng tốt nghiệp cấp III, tự học được tiếng Pháp. Sau hai mươi ba năm tức một vạn ngày thụ án, y được phóng thích năm 1971, kịp lấy một người vợ già, sinh được hai đứa con rồi đành buông tay bất lực cho dòng đời cuốn đi trong khốn khổ và cô đơn, không còn cách chi ra thoát.

Nghề mộc bậc 7 mà không mần răng tìm ra một chỗ làm ổn định, đến nơi nào cũng chỉ được vài tuần hay vài tháng đầu, tới khi phải trình cái giấy ra tù thì ở đâu người ta cũng tìm cách đuổi khéo mình bằng những lời lẽ phân ưu không để ai nghi ngờ cái tình thật… Kiếm đủ miếng ăn hàng ngày cho bà vợ già và hai đứa con đang tuổi đi học quả là một gánh nặng quá sức mình đó, thưa ông!

Cuối cùng, lý do cuộc gặp đã rõ, Lới muốn xin Lê Huy tờ giấy chứng nhận có làm gián điệp cho Pháp và bị kết án tử hình. Lới cho biết cách đây chừng một tháng do đóng tủ cho một ông vụ trưởng ở Bộ Ngoại giao, được ông thông cảm bày cho cách để tự cứu mình. Chính phủ Pháp đang truy hoàn lương cho những viên chức cũ đã từng phục vụ cho bộ máy cai trị của Pháp tại Đông Dương. Ông có thể giúp cho Lới truy hoàn số lương từ ngày bị “đối phương” bắt năm 1950 cho tới bây giờ…

Thế là Nguyễn Viết Lới đi tìm Lê Huy… Lê Huy không phải không biết những việc như thế này đang xảy ra. Câu chuyện cũng dễ hiểu và rõ ràng. Nhưng ông bị hẫng hụt vì bản thân mình đang bị rơi vào một tình thế rất éo le. Có gì như một sự đổ vỡ của nhiều điều xưa nay như là chân lý… Thế là hết phân biệt địch ta, thù bạn, nhục vinh. Thế là thiện ác, công với tội, thưởng với phạt đổi ghế cho nhau trên diễn đàn công lý…

Tất nhiên là với bản năng chính trị của người cán bộ Công an, Lê Huy đã nổi giận thật sự, mạt sát người đồng hương khốn khổ, Lới bỏ ra về với thái độ kiêu hãnh không cần cầu xin lần thứ hai.

Lòng trắc ẩn không để Lê Huy thờ ơ, ông quyết phải tìm hiểu sự việc vì hiểu rằng lúc ấy ở miền Bắc chủ nghĩa lý lịch ám ảnh người ta như thế nào. Ông đã tìm thấy một nửa sự thật khác, còn tàn nhẫn hơn…

Khi được ra trại, vì quê hương đang bị tạm chiếm, Lới tìm về một làng mộc nổi tiếng ở Thanh Oai, nơi có bác cả Lung, người dạy và truyền nghề cho Lới. Tại đây, Lới tham gia mọi công việc xã hội, không tính toán nề hà, giúp đỡ các gia đình neo đơn, giành được tình cảm của mọi người. Lới được cô phó chủ tịch, cháu của bác cả Lung, vợ liệt sĩ đã ba mươi lăm tuổi thương yêu. Người đàn bà này đã có một thời oanh liệt, đã cầm đầu một đội nữ thanh niên xung phong, chốt ở một nút giao thông trọng yếu chống trả bom đạn máy bay Mỹ, lập được nhiều chiến công, được kết nạp Đảng tại chiến trường, được đi báo cáo điển hình. Khi chồng hy sinh tại miền Nam, chị được điều về tuyến sau, vừa gánh công việc chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, vừa kiêm bí thư chi bộ thôn, đưa hợp tác xã từ yếu kém lên tiên tiến, được tín nhiệm bầu vào Đảng ủy xã, giữ chức phó chủ tịch xã lúc xấp xỉ tuổi ba mươi, chuẩn bị được đưa vào Ban chấp hành huyện ủy mới.

Cuộc kiểm điểm luyến ái của cô phó chủ tịch xã xảy ra. Cuộc tranh luận xoay quanh câu hỏi: “Lới có còn là kẻ thù của cách mạng không?” Cô phó chủ tịch bảo rằng: “không còn”. Toàn Đảng ủy bảo “Vẫn còn nguyên”. Không bên nào chịu bên nào đành đưa điều lệ ra. Người đàn bà bị cách chức Đảng ủy viên và phó chủ tịch, chỉ còn giữ được danh hiệu Đảng viên.

Bất chấp mọi ngăn cản, hai người vẫn đăng ký kết hôn. Họ đẻ được hai đứa con, nhưng Lới mất hết các mối làm ăn trong xã, phải ra tận Hà Nội tìm việc làm thuê để nuôi vợ con. Gia đình họ suy kiệt dần, rơi vào cảnh cùng quẫn. May sao anh con trai của đời chồng cũ đã là thượng úy quân đội ra tay bênh vực cho rằng chuyện kết hôn với người tù tiến bộ là hết sức bình thường. Anh trước sau vẫn một lòng coi trọng Nguyễn Viết Lới, gọi Lới bằng chú, cư xử lễ phép, không những biết lắng nghe mà còn tuân phục những lời khuyên bảo đúng đắn của Lới.

Người đàn bà đau khổ chua chát nói với Lê Huy:

Bác cho rằng ông Lới nhà tôi vẫn là một tên giáp điệp? Thế thì hai mươi ba năm cầm giữ ông ấy trong trại các bác làm được việc gì? Các bác đẩy người ta đi lao động rồi dạy nghề làm gì? Bắt người ta trưa học, tối học, chủ nhật học, ngày lễ học, trời mưa ngồi nhà lại học để làm gì? Bày ra các trò thể thao văn nghệ thi đua, khen thưởng để mà làm gì, nếu các bác bắt một tên gián điệp vào tù lúc hai mươi tuổi, khi ra tù hắn gần năm mươi hắn vẫn y nguyên là một tên gián điệp?

Lê Huy ngồi im trước lý lẽ của người đàn bà thật là đơn giản:

Không, tôi không tin các bác xoàng như vậy, vì qua thực tế ông Lới nhà tôi, tôi hiểu các bác quả là những thợ rèn người cực kỳ tài giỏi, thế thì chỉ có điều là các bác không hiểu, không tin vào sự nghiệp đẹp đẽ của mình! Viên quặng ra khỏi lò thành thép là điều ai cũng thấy. Nhưng con người xấu ra khỏi thành người tốt không phải ai cũng chịu ngay vì nó còn bị bao nhiêu thứ lòng dạ hẹp hòi và đầu óc tối tăm của con người kéo lại!

Lê Huy không cãi lại được người đàn bà nhưng vẫn không nghĩ đến việc sẵn sàng ký cái giấy chứng nhận ma quỷ. Ông viện đến lý do vinh nhục, lý do nợ máu của người liệt sĩ, nhưng ông bị người đàn bà bác lại bằng chuyện những người vượt biên bỏ trốn đi nước ngoài đang trở về với cái vỏ “Việt kiều yêu nước” đổi đời vinh nhục, được đón rước trọng thể. Còn người con trai cả của bà thì nói: “Bác đã vô tình đưa ra vấn đề nợ máu, mẹ cháu thường rất sợ mỗi lần nghe đến nó. Đó là một thứ nợ không nên bao giờ tính chuyện vay trả. Ai cứ đi đòi những khoản nợ mắc từ thế kỷ trước của những con nợ như chú Lới thưa bác. Hai mươi ba năm mồ hôi và nước mắt trong các trại giam chưa đủ cho chú ấy chuộc lại cái nợ chú vay trong các trận càn đi theo sau chân lính Pháp sao? Nếu còn đòi thì còn vô số món nợ mới nguyên đấy. Bác có còn định đòi nợ hàng vạn tướng tá và chính khách ngụy hiện nay đang lưu vong ở Mỹ không? Nếu đòi thì dân tộc ta sẽ vĩnh viễn là một cơ thể chia cắt, chưa nói tới, điều bất công là họ cũng đang nhọc nhằn trả nợ cuộc sống xa quê hương cũng là nỗi đau ghê gớm lắm chứ?

Lê Huy không thể đầu hàng ngay trước lý lẽ và thực tế nhưng ông thấy dẫu có tiếp tục chống chọi ông cũng không đem lại điều gì tốt đẹp hơn cho cách mạng và cho cái gia đình tội nghiệp ấy và đã làm cái giấy chứng nhận ma quỷ cho Nguyễn Viết Lới.

Truyện đến đây vẫn chưa hết, chắc rằng nhiều người chưa đọc truyện này nên phải thuật lại hơi dài. Vì rằng với một dung lượng cuộc sống lớn, dồn nén, một quá trình lịch sử, một vấn đề xã hội quá phức tạp như thế, không thể tóm tắt trong vài ba dòng.

Truyện “Giấy chứng nhận cho quỷ dữ” còn có cái kết đầy bất ngờ và có hậu:

Ba năm sau, Lê Huy gặp lại Lới trong một xưởng mộc khang trang ở gần chợ Giời vẫn đinh ninh rằng trong đó có công sức thiện chí của mình góp vào, thì mới vỡ lẽ ra rằng cái giấy chứng nhận ma quỷ dạo nọ chỉ là sự lừa đảo của cái ông vụ trưởng Bộ Ngoại giao với cái giá chia đôi số tiền nếu được người Pháp chi trả. Còn cái xưởng này, do đổi mới, Lới cùng anh em bạn nghề tạo dựng nên. Anh đã thoát khỏi nghèo túng, còn đưa được vợ con về thăm làng cũ. Tình yêu quê hương của anh làm Lê Huy ấm áp.

Không phải chỉ trong truyện ngắn này, nhiều truyện ngắn khác cũng được Lê Tri Kỷ xây dựng trên những tình huống độc đáo độc nhất vô nhị, chỉ có một người thực sự làm nghề Công an mới hiểu được ngọn ngành. Hơn nữa cũng còn phải có một thái độ dũng cảm, trách nhiệm cao của người cầm bút mới dám đề cập đến những vấn đề rất tế nhị và rất chính trị như vậy, nhất là đứng trước một bước chuyển của đời sống, con người cần đoạn tuyệt với những tín điều cũ để thanh thản sống với một quan niệm cởi mở.

Nhân vật Lê Huy là kiểu nhân vật Công an quen thuộc của Lê Tri Kỷ. Đó là người từng trải, tinh thông nghiệp vụ nhưng không vội chủ quan hấp tấp tin vào bề ngoài của sự vật và con người. Tham vọng của anh là phải khám phá cho ra bản chất sự việc. Thiện ý ấy không phải bao giờ cũng suôn sẻ, có khi phải trả giá nhưng anh không chùn bước. Tại sao anh lại dấn thân như thế trong khi có thể không cần nhận thêm trách nhiệm về mình. Có lẽ đấy là một thiên tư hết sức cần có đối với một cán bộ thi hành pháp luật, bắt nguồn từ lòng trắc ẩn đối với số phận con người. Điều đó đã diễn ra như là một quá trình xung đột nội tâm gay gắt trong con người Lê Huy và anh đã tự thanh lọc mình để đi đến cái Chân, cái Nhân, cái Thiện, để cứu vớt một chút gì đấy cho sự đau khổ của đồng loại.

Trong truyện “Cái chết màu tro” ta còn gặp một tình huống rất điển hình cho nghề trinh sát. Một cán bộ điệp báo đã chui được vào cơ quan tình báo Pháp, phát hiện và trực tiếp chạm trán với đồng đội của mình ngoài vùng tự do đến xin đầu thú địch. Người cán bộ điệp báo phải tìm mọi cách bảo vệ vỏ bọc và xử lý khôn khéo trường hợp phản bội nguy hiểm này. Cuối cùng kẻ đầu thú bị lính Pháp bắt và bắn chết trên đường vào Hà Nội, đó là cái chết màu tro. Sau này các con anh ta lại xin người cán bộ điệp báo xác nhận lý lịch cha là liệt sĩ bị địch giết hại trên đường đi công tác như nhiều người trông thấy. Ta gặp ở đây, đoạn ưu tư, dằn vặt của anh: “Chưa lần nào tôi dám đặt bút ghi một lời chấp nhận như vậy, còn chứng nhận những điều có thật, thì tôi cũng không nỡ. Bắt đời sau phải gánh nặng cái gánh đời trước để lại là một chuyện bất công. Tôi hiểu vậy, nhưng làm sao tôi có thể biến một kẻ phản bội thành liệt sĩ mà không làm tủi nhục những liệt sĩ khác cũng ngay trong đội ngũ của Phong?”

Những tình huống như thế không phải là hiếm có trong đời sống hai cuộc kháng chiến, nhưng nó rất ít được chọn để thể hiện trong văn học. Chỉ có những người viết đã trải nghiệm nó mới viết đủ và yên tâm về điều mình nghĩ. Lê Tri Kỷ đã làm được việc đó, thoát ra khỏi cái công thức tường thuật vụ án để xử lý những vấn đề nhân văn sâu sắc hơn. Có thể nói, ông đã viết được một loại truyện ngắn về nghệ thuật thực sự là truyện ngắn và rất đặc biệt trong văn học nước nhà về một mảng hiện thực chìm khuất không thể không nói đến trong đó số phận những con người ở giữa ranh giới mỏng manh tội và tình, sự phạm tội và nỗi oan. Đọc truyện của ông người ta hiểu ra nghề Công an là một nghề rất khó khăn, một cuộc chiến đấu thực sự với kẻ thù, với tội phạm nhưng cũng là một nghề tiềm ẩn nhiều nỗi éo le, sự phân thân và nhiều giá trị cao quý, nhiều cơ hội cứu vớt con người, tạo điều kiện cho con người được sống tốt hơn.

Hình thái của lòng trắc ẩn với số phận con người được Lê Tri Kỷ khai thác dưới nhiều tình huống khác nhau. Khi thì sự cứu vớt kèm theo là sự im lặng, giữ bí mật cho một con người để người đó làm lại cuộc đời (truyện ngắn Bí mật cho mỗi cuộc đời). Có lúc nhận lấy trách nhiệm minh oan cho một người (truyện Máta Hari mới, Sức mạnh của cô đơn), một làng (truyện ngắn Làng bên sông) đã bị nhiều người hiểu lầm. Có lúc lại khuyên đồng nghiệp làm việc thiện trong một vụ án éo le mà nếu trừng phạt thì chỉ gây thêm bi kịch cho các đối tượng đã chịu sự trừng phạt của số mệnh và thời gian (truyện ngắn Hãy làm ngơ cho thủ phạm).

Với truyện Một phút làm người ông lại tìm thấy lòng trắc ẩn với số phận người ở chính kẻ phạm tội trước giờ bị xử tử hình. Một kẻ đã giết người bằng cách dìm xuống đầm nước ở Hải Dương. Đến vụ thứ tám thì một ông già đạp xích lô tham của lấy đồ vật của nạn nhân bỏ lại trên đường bị bắt oan và bị ép nhận giết người thay hắn. Con thú người biết sự việc trong nhà tù nhưng lặng im. Chỉ đến khi đứng trước cọc bắn, động lòng trắc ẩn về số phận và gia đình ông lão đạp xích lô hắn mới khai nhận vụ giết người thứ tám. Chứng kiến kẻ giết người thanh thản khi khai nhận tội ác không mặc cả một điều gì Lê Tri Kỷ đã đặt cho truyện một cái tên đẹp “Một phút làm người”.

Nhiều lần tôi đã tự hỏi cái gì làm nên lòng trắc ẩn đối với con người của Lê Tri Kỷ? Cũng nên nói thêm rằng không phải bất kỳ ai trong chúng ta không có lòng trắc ẩn đối với con người. Xã hội loài người còn tồn tại, còn có văn học nghệ thuật là nhờ có lòng trắc ẩn ấy. Có nhiều thứ lòng trắc ẩn nhưng ở Lê Tri Kỷ, cái lòng trắc ẩn thật độc đáo và riêng biệt, nó được đặt vào chỗ lúc số phận con người được quyết định bởi sự phán quyết về tội lỗi bằng pháp luật.

Có lẽ cái điều ấy nằm ở trong cuộc đời Lê Tri Kỷ, một cuộc đời không bằng phẳng và không suôn sẻ. Vừa mới sinh ra ông đã mồ côi mẹ, lớn lên nhờ sự nuôi dưỡng của ông ngoại. Hai mươi lăm tuổi, 1948 ông rời quê hương ra công tác ở Việt Bắc và mãi đến 25 năm sau, 1973 mới trở về làng cũ. Làng cũ đã tan hoang, chỉ còn lại những kỷ niệm của thời thơ ấu và nỗi đau đớn của một tấm lòng mắc nợ với quê hương.

Một tuổi thơ với nhiều gian truân và những va chạm của nghề nghiệp với thiên tư đã làm cái chất diệu vợi, u ẩn của con người Quảng Trị ở trong ông càng diệu vợi u ẩn hơn. Nhờ vậy, ông đã nhìn thấy ở các nguyên mẫu của mình, ở cõi người một cái gì đấy cực nhọc trong việc giữ gìn lương tri, bênh vực cái thiện, khuyến cáo cái ác, giữ gìn lòng tin ở từng sinh linh của cộng đồng.

Lê Tri Kỷ còn có một truyện ngắn không phải là xuất sắc nhưng theo tôi sâu sắc về ý tưởng, hàm chứa quan niệm triết học về con người rất kín đáo của ông. Đó là truyện ngắn “Không thiện không ác”.

Bút pháp của truyện giống như kiểu truyện ngắn đang thịnh hành hiện nay, tức là hiện đại, kết cấu đơn giản trên một chuyến đi của hai chàng trai và một cô gái. Đêm nhỡ đường họ phải ngủ lại trong một ngôi miếu ven sông. Cô gái nghe nhiều chuyện ma, sợ, bấu lấy chàng trai nhân vật “Tôi” để ngủ qua đêm. Nhưng họ đã đi qua một đêm huyền bí mà thánh thiện để rồi nhân vật “Tôi” nảy sinh ra ý nghĩ:

“Ngồi giữa ông Thiện và ông Ác là tôi, một thằng người nghĩa là không hoàn toàn thiện hay hoàn toàn ác như loài người vẫn mập mờ tự nhận. Nhưng dẫu cho đêm ấy, có những lúc cái năng lượng của tuổi hai mươi tôi tưởng như sắp nổ tỏa thành những trận mưa sao, thì cũng phải thừa nhận rằng con người vẫn có thể giữ cho mình thánh thiện được lắm chứ trong những cơn dữ dằn như vậy.”

Điều đáng nói là, ý nghĩ này không phải là thoáng qua mà nó đã trở thành một quan niệm trong cuộc sống, đã để lại dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời làm công an của nhân vật “Tôi” đến mức sau này mỗi khi trước một bị can lại được bốn con mắt ốc nhồi của ông Thiện ông Ác nhắc nhở: “Cẩn thận đấy, anh công an đa nghi ơi! Rất có thể họ cũng là người như anh hồi còn trẻ đấy!”

Trước đây, có một thời kỳ chúng ta có một quan niệm phổ biến về đời sống khá đơn giản, rạch ròi về sự đen trắng, về tội ác và sự lương thiện. Quan niệm này đã ảnh hưởng vào văn học nghệ thuật đến việc xây dựng tính cách nhân vật. Tuy vậy, không riêng với văn học nghệ thuật, quan niệm này còn ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực pháp luật và bảo vệ pháp luật.

Từ những năm 1970 và nhất là sau đổi mới, chúng ta đã tiến gần đến một quan niệm phản ánh đúng bản chất đời sống, bản chất con người, giúp cho chúng ta giải quyết được những vấn  đề quan trọng của một xã hội phát triển và bắt đầu làm mới các gương mặt nhân vật của văn học. Một số những ví dụ tôi muốn dẫn ra ở đây là các sự việc như: Hiện tượng ông Nguyễn Cao Kỳ, hiện tượng nhạc sĩ Phạm Duy về nước, các nhân vật người Việt trong phim truyện của Trần Anh Hùng, phim truyện của Đặng Nhật Minh…, trong các tiểu thuyết và truyện ngắn của Thái Bá Lợi, Bảo Ninh, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Việt Hà, Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái và lớp nhà văn trẻ hiện nay.

Tôi nghĩ, Lê Tri Kỷ đã sớm viết về các nhân vật công an và nhân vật tội phạm của ông theo một quan niệm như thế. Có thể, cũng vì thế mà ông đã thành công, đã tạo được sự đồng cảm, yêu mến trong lòng độc giả.

Nhân Chính 9-2006