Ngày 22/10/2012, tại ấp Đá Biên, xã Thạnh Hóa, huyện Thạnh Phước, tỉnh Long An, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) phối hợp với UBND tỉnh Long An và Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 207 long trọng tổ chức lễ khánh thành Khu tưởng niệm liệt sỹ Trung đoàn 207, Quân khu 8. Đây là công trình có sự đóng góp công sức và tiền của của các cơ quan đoàn thể tỉnh Long An, chính quyền và nhân dân huyện Thạnh Hóa, bạn bè, đồng đội, thân nhân gia đình liệt sỹ cùng với nguồn tài trợ 5 tỷ đồng từ VietinBank…
…Bắt đầu là một câu chuyện từ một bài báo của nhà văn Vũ Ngọc Tiến viết về một ngôi miếu thờ đơn sơ có cái tên “Bắc Bỏ” với nhan đề Ngôi miếu thờ “Những thành hoàng làng đội mũ cối” ,đăng trên web của nhà thơ Trần Nhương. Nhà báo Dương Đức Quảng (Nguyên Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí Văn phòng Chính phủ, tác gỉả của tập thơ “Một chút” và các tập sách “Tiếng tụng kinh trong ngôi nhà vị tướng”, “Trầm luân nào có chừa ai”… đã hết sức xúc động khi vào website của nhà thơ Trần Nhương đọc bài báo này.Từng là một nhà báo nhiều năm sống chết trong chiến tranh, ông rất xúc động trước tấm lòng của bà con nhân dân ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An – những người đã lập nên ngôi miếu nhỏ để tưởng nhớ hơn 200 liệt sỹ Trung đoàn 207, Quân khu 8 hy sinh tại đây, như tấm lòng của người dân Nam Bộ với các chiến sỹ quê Hưng yên,Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang,Thái Bình…từng là sinh viên các trường đại học Thủy Lợi, Bách Khoa,Xây dựng Hà Nội vào Nam chiến đấu.. Qua bài viết này, ông thấu hiểu được nguyện vọng tha thiết của nhân dân ấp Đá Biên, thân nhân các liệt sỹ và tập thể cựu chiến binh Trung đoàn 207 là muốn xây một ngôi miếu Bắc Bỏ thật đàng hoàng để tưởng nhớ các liệt sĩ mà thân xác của họ đã tan rữa vào bãi tràm ngập nước, xương cốt trôi dạt quanh mảnh đất Đá Biên đói nghèo …
Và rồi, với cương vị của một Trưởng ban Thông tin Truyền thông của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và với tư cách của một nhà báo, nhà báo Dương Đức Quảng đã viết một lá tâm thư gửi tới Tiến sĩ Phạm Huy Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank đề nghị VietinBank tài trợ xây dựng Đền Thờ hoặc một Nhà bia thật đàng hoàng, xứng đáng là một công trình tưởng niệm và ghi danh các liệt sĩ Trung đoàn 207 tại ấp Đá Biên. Ngay khi nhận được lá thư, là một người người chí nghĩa chí tình, ông Phạm Huy Hùng đã lập tức chấp thuận và giao cho Công đoàn VietinBank cũng như các đơn vị và cá nhân hữu quan thực hiện tài trợ cho công trình tưởng niệm này, với số tiền là 5 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống. Khi biết quyết định này, những người lính trong Ban liên lạc Trung đoàn 207 xúc động đến rớm nước mắt. Thế là ước mong bấy lâu của bà con nhân dân ấp Đá Biên, thân nhân các liệt sỹ và tập thể Cựu chiến binh Trung đoàn 207 về một Khu tưởng niệm liệt sỹ đàng hoàng hơn, to đẹp hơn miếu Bắc Bỏ năm xưa đã trở thành hiện thực. Đúng vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác 19/5 năm nay, công trình chính thức được khởi công xây dựng trên diện tích gần 5.000 m2, gồm các hạng mục: nhà văn bia, nhà thờ và khu phụ trợ phía sau nhà thờ…có sự tham gia của nhiều người vốn là cựu chiến binh của trung đoàn 207..
*
Còn đây là lời nhà văn Vũ Ngọc Tiến kể lại về công việc thiêng liêng này:
… Vào một đêm mưa gió năm 1973, E207 được lệnh cấp tốc hành quân từ biên giới Căm Pu Chia về Đồng Tháp chuẩn bị đánh lớn. Cả Trung đoàn, trừ cán bộ khung còn hầu hết là lính sinh viên ĐH Xây dựng và một số ít của ĐH Bách khoa mới từ miền Bắc vào, chưa quen trận mạc nên gần sáng thì bị lạc vào rừng tràm non ngập nước thuộc ấp Đá Biên, huyện Thạnh Hóa. Vì thiếu kinh nghiệm ngụy trang trong lúc trú quân ở rừng tràm nên họ bị lộ. Đối phương liền huy động hai trận địa pháo bắn như vãi đạn, quây lính ta vào một vòng tròn rồi cho trực thăng và xe lội nước quần thảo tơi bời. Chỉ trong một ngày 8/9 âm lịch cầm cự với địch, khi thoát ra khỏi vòng vây đã có 291 chiến sĩ tử trận. Điều đau xót là giữa rừng ngập nước nên mấy ngày sau, tổ làm công tác tử sĩ chỉ có thể bó từng thi hài vào túi ni lông, buộc vào gốc tràm, chờ hết mùa nước sẽ nhờ du kích địa phương chôn cất, nhưng do hoàn cảnh chiến tranh mà việc chôn cất đã không thực hiện được. Hài cốt 291 liệt sĩ vì thế cứ theo sóng nước trôi dạt trong rừng tràm. Sau chiến tranh, dân ấp Đá Biên khẩn hoang làm ruộng thường gặp những bộ hài cốt liệt sĩ không còn nguyên vẹn và khá nhiều chiếc mũ cối của lính ta từ miền Bắc vào, chưa kịp đổi sang mũ tai bèo quân giải phóng. Đồn rằng hồn ma lính trẻ ngoài Bắc vào chết bỏ xác nơi rừng tràm rất thiêng, nhiều câu chuyện huyền hoặc đến kỳ lạ cứ lan truyền trong dân ấp Đá Biên nên hàng năm cứ đến ngày 8/9 âm lịch nhiều nhà thắp nhang cúng vái, gọi các linh hồn liệt sĩ là những Thành hoàng làng đội mũ cối. Khoảng năm 1991, ông Tư Tờ - một nông dân trong ấp đi làm đồng gặp 2 bộ hài cốt liệt sĩ không còn nguyên vẹn đã thắp nhang chôn cất cẩn thận. Ông khấn với vong linh các liệt sĩ khôn thiêng về phù trợ cho ông năm đó được mùa, đạt 500 giạ lúa thì sẽ cất một ngôi miếu thờ phụng, nhang khói quanh năm. Quả nhiên năm đó ông thu hoạch hơn 500 giạ lúa, nhưng vì mải làm ăn quên mất lời hứa nên con gái ông bỗng nhiên đổ bệnh, chữa chạy khắp nơi không khỏi. Ân hận vì đã thất hứa, ông một mình cặm cụi chặt tràm, đóng cừ, vật đất được một diện tích chừng 20 m2 để dựng ngôi miếu thờ đơn sơ lợp lá dừa nước, và một bệ xi măng đặt bát nhang. Chỉ thế thôi, nhưng con gái ông khỏi bệnh. Từ đó đã 20 năm ngôi miếu thành nơi dân ấp đi làm đồng ghé vào trú mưa, tránh nắng và hàng năm đến ngày 8/9 âm lịch họ lại rủ nhau làm giỗ, cúng các Thành hoàng làng đội mũ cối. Ngôi miếu từ đó có tên là miếu Bắc Bỏ…
Ngày 19 tháng chạp năm Tân Tỵ (2011), tôi đã cùng các anh Phan Xuân Thi, Phạm Văn Thông về thăm gia đình ông Tư Tờ, đi xuồng ra miếu Bắc Bỏ thắp nhang bái vọng anh linh các liệt sĩ tản mạn khắp rừng tràm ngập nước. Theo thời gian, mô đất giờ đã được dân địa phương bồi đắp thêm, rộng chừng 50 m2, mái nâng cao lợp tôn, bốn bề vẫn còn trống hoác. Lòng tôi trĩu nặng u buồn, liên tưởng đến phong trào xây dựng chùa miếu đang rầm rộ khắp cả nước, có công trình tiêu tốn hàng trăm tỷ, rồi các dinh cơ lộng lẫy xa hoa của các đại gia, quan chức ở miền Tây Nam Bộ có đầy trên mạng… Và tôi càng xót xa nhớ người em trai liệt sĩ sinh viên ĐH Nông nghiệp hy sinh ở Quảng Nam và hàng nghìn liệt sĩ sinh viên khác bỏ mình nơi thành cổ Quảng Trị. Đêm tiễn ông công ông táo chầu giời (23 tháng chạp) giữa Sài Gòn, tôi ngồi viết bài “Ngôi miếu thờ những Thành hoàng làng đội mũ cối” mà ứa lệ gửi ra Hà Nội, đăng trên trannhuong.com. Tình cờ sáng 29 Tết, tôi nhận được điện thoại của anh Dương Đức Quảng - một phóng viên lão thành từng lăn lộn nhiều năm ở chiến trường Liên khu Năm. Anh nói đã đọc bài viết ấy, rất xúc động và xin số điện thoại của tôi qua chủ Web Trần Nhương. Bài viết đã được anh Quảng in ra giấy, chuyển cho ông Phạm Huy Hùng - Chủ tịch HĐQT VietinBank và nhận được lời hứa, Ngân hàng sẽ tài trợ toàn bộ kinh phí xây dựng một công trình thật hoành tráng, tưởng niệm các liệt sĩ Trung đoàn 207 thay cho ngôi miếu Bắc Bỏ đơn sơ của ông Tư Tờ trên ấp Đá Biên. Tôi bàng hoàng sung sướng, thầm cám ơn ông bạn già Trần Nhương đã chắp nối mối nhân duyên thiện nguyện này từ trang Web của mình. Hai chúng tôi hẹn nhau một tháng sau, nhằm ngày lễ tình nhân 14/2/2012 sẽ cùng Ban liên lạc cựu chiến binh E207 mang đủ 291 bông hồng vàng Đà Lạt về miếu Bắc Bỏ, thắp nhang cho các liệt sĩ sinh viên ngã xuống đất này giữa tuổi yêu đương đẹp nhất cho đất nước thống nhất, cho non sông thu về một mối. Sau đó, chúng tôi và đại diện Ngân hàng Vietinbank sẽ chính thức làm việc với UBND huyện Thạnh Hóa về Dự án đầu tư cho công trình Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 207, Quân khu 8. Thật vui vì cùng đi với chúng tôi hôm đó còn có ê kíp của người đẹp Thu Uyên của hai chương trình nổi tiếng trên VTV là “Như chưa hề có cuộc chia ly” và “Trở về từ ký ức”. Mọi người cũng rất cảm động khi chị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch công đoàn Vietinbank vừa xuống sân bay Tân Sơn Nhất, không kịp ăn sáng đã ngồi ô tô về thẳng Chi nhánh Long An, kèm ông GĐ Chi nhánh đi tiếp đến huyện Thạnh Hóa cùng dự họp bàn việc đầu tư xây dựng công trình. Tại cuộc họp này, thay mặt Vietinbank, chị Thanh Xuân thông báo Ngân hàng sẽ tài trợ đợt đầu cho huyện 3 tỷ đồng và giao nhiệm vụ cho Chi nhánh Long An trực tiếp theo dõi tiến độ, giải ngân kịp thời. Sau này, trong quá trình xây dựng, tổng tài trợ của Vietinbank đã nâng lên 5 tỷ đồng, ngoài ra còn có vốn quyên góp của Ban liên lạc E207 khoảng hơn 100 triệu và tiền quyên góp thiện nguyện khác của địa phương. Về phía địa phương, anh Mười Khôn – Phó Chủ tịch huyện cũng dứt khoát tuyên bố sẽ ra quyết định cấp 4.500 m2 đất rừng tràm cho việc xây dựng và thành lập Ban chỉ đạo Dự án gồm người của địa phương và của Ban liên lạc E207. Cuộc họp ngày 14/2/2012 sớm đi đến thống nhất, mọi người hạ quyết tâm sau một tháng hoàn tất thủ tục sẽ khởi công, đóng cừ, bơm cát tôn nền vào 19/5; đến ngày 27/7 sẽ kết thúc giai đoạn I, xây xong nhà bia tưởng niệm và đến ngày giỗ liệt sĩ 8/9 âm lịch tức ngày 22/10/2012 sẽ cơ bản hoàn thiện miếu thờ và các công trình phụ trợ đúng theo thiết kế để chính thức làm lễ khánh thành công trình. Từ Tp Hồ Chí Minh, kiến trúc sư Lê Hải đã hiến tặng bản thiết kế rất công phu, chi tiết và tình nguyện cùng các anh trong Ban liên lạc E207 thường xuyên về kiểm tra chất lượng từng hạng mục, đôn đốc công việc, tháo gỡ mọi khó khăn về vốn và vật tư, kỹ thuật. Nhân dân ấp Đá Biên và các thôn xã quanh vùng sẵn lòng hiến tặng ngày công lao động, cây cảnh… Mới hay khi lòng người đã thuận thì Trời- Phật ủng hộ, mọi việc hanh thông. Tôi nhận được giấy mời của anh Mười Khôn dự lễ khánh thành đúng ngày 8/9 âm lịch mà lòng nghẹn ngào, vui khôn tả xiết. Rồi đây thân nhân và bạn học các liệt sĩ hai trường ĐH Xây dựng và Bách khoa HN có nơi chốn tìm về thắp nhang tưởng niệm, không phải bơ vơ tìm kiếm. Tận thẳm sâu tôi mong đây sẽ là công trình văn hóa tâm linh đa năng luôn ấm hơi người, vừa là nơi thờ cúng vừa là nơi bà con nông dân đi làm đồng nghỉ trưa, trú mưa tránh nắng, thanh thiếu niên trong vùng thường xuyên lui tới đọc sách, đờn ca tài tử những ngày nông nhàn hay lễ tết…
*
..Vâng, ngày 22 tháng 10 năm 2012, tức ngày 8 tháng 9 năm Nhâm Thìn, đúng ngày giỗ lần thứ 39 của các liệt sĩ, chúng tôi, gồm nhà thơ Trần Nhương, nhà văn-nhà báo Hữu Ước, nhà báo Dương Đức Quảng cùng nhiều cây bút tên tuổi khác của các báo, các đài phát thanh, truyền hình ở Trung ương, Hà Nội và nhiều tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã được về dự lễ khánh thành Khu tưởng niệm các liệt sỹ Trung đoàn 207 tại ấp Đá Biên, Thạnh Hóa, Long An.. Một không khí thiêng liêng, xúc động vô cùng. Ngay đêm 21/10, sau lễ rước di ảnh các liệt sỹ từ miếu thờ Bắc Bỏ trước đây về Đền thờ mới được xây dựng khang trang, trong khi ở thị trấn huyện Thạnh Hóa và các vùng lân cận hầu như trời quang mây tạnh, thì chỉ riêng ở ấp Đá Biên bỗng mưa gió vần vũ thảm thiết gần một giờ đồng hồ rồi tạnh hẳn…Và cũng ngay trong đêm ấy, biết bao dòng nước mắt thương nhơ các chiến sỹ trào tuôn, từ các đồng đội, từ những người dân làng,t ừ bà con họ hàng thân thiết của họ đã từ những làng quê miền bắc vào đây hương khói cho con em mình…
.. Nhưng thú thật ấn tượng với chúng tôi nhiều hơn cả lại chính là những dòng nước mắt của ông Phạm Huy Hùng-vị chủ tịch HĐQT một ngân hàng lớn, từng là Chủ tịch hiệp hội Ngân hàng các nước Đông nam Á. Cố gắng trấn tĩnh nói được đôi câu, ông lại nghẹn ngào. Nhất là khi ông nói về những người linh đã ngã xuống, về sự tri ân của chúng ta hôm nay với họ, về tấm lòng ân tình của người dân ấp Đá Biên đối với những người lính hy sinh…Ông chân tình bày tỏ: “Vietinbank đến với ấp Đá Biên bằng tất cả tấm lòng,và sự sẻ chia sâu sắc. VietinBank coi đây là trách nhiệm của mình, là hành động thể hiện lòng tri ân với các anh hùng liệt sỹ Trung đoàn 207. Việc làm này cũng thể hiện đúng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, bởi nếu không có sự hy sinh anh dũng của các anh, chúng ta không thể có được cuộc sống tự do, hạnh phúc ngày hôm nay. Chắc chắn rằng, nơi đây sẽ trở thành một Khu di tích lịch sử được bà con nhân dân trên cả nước biết đến và sẽ tới để được dâng nén hương thơm trước anh linh các anh hùng liệt sỹ, trước lòng hy sinh và sự anh dũng đã đi vào huyền thoại.”
Cùng với gói đất và lọ nước được mang từ Hương Canh (Vĩnh Phúc-nơi những người lính sinh viên trường Đại học Xây dựng nhập ngũ từ mảnh đất này rồi lên đường vào Nam chiến đấu và hy sinh), là hoa quả để cúng kiếng, là nhang khói ngào ngạt hương trầm...Thật là xúc động đến với các anh, không chỉ có nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh Long An, huyện Thạnh Phước và các huyện lân cận, mà còn cả Trung tướng Nguyễn Hữu Ước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục xây dựng lực lượng Bộ Công An, Tổng Biên tập báo Công An Nhân dân.và rất nhiều các vị tướng, tá quân đội, các cựu chiến binh từ nhiều tỉnh thành trong cả nước. Đền thờ liệt sỹ này không chỉ trang nghiêm, đẹp đẽ, mà còn xứng tấm là một công trình Lịch sử - Văn hóa của địa phương. Chính vì lẽ này mà ngay trong buổi lễ khánh thành , Ủy ban Nhân dân tỉnh Long an đã quyết định trao Bằng di tích Lịch sử - Văn hòa cấp tinh cho Khu tưởng niệm và tặng Bằng khen cho tập thể VietinBank, cho TS Phạm Huy Hùng, nhà báo Dương Đức Quảng, bà Nguyễn thị Thanh xuân, các cựu chiến binh Phan Xuân Thi, Phạm Văn Thông đã có nhiều đống góp xây dựng Khu tưởng niệm ,đồng thời cũng là công trình văn hoá lịch sử của tỉnh…
(Cũng xin được nói thêm, bên cạnh việc đóng góp xây dựng Khu tưởng niệm này,những năm qua, VietinBank luôn là doanh nghiệp tiên phong cả nước trong công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo. VietinBank đã dành trên 2.500 tỷ đồng từ quỹ phúc lợi do 19.000 cán bộ, nhân viên đóng góp để hỗ trợ công tác an sinh xã hội tại khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước. Công tác đền ơn, đáp nghĩa, tri ân với các anh hùng liệt sỹ, gia đình chính sách, người có công với cách mạng luôn được VietinBank đặc biệt quan tâm và thực hiện. Hiện nay, VietinBank đang nhận chăm sóc và phụng dưỡng suốt đời 88 Mẹ Việt Nam anh hùng với mức phụng dưỡng 2 triệu đồng/tháng. VietinBank cũng thường xuyên thăm hỏi, trợ cấp một số đồng chí Thương binh nặng đang điều trị tại các trung tâm điều dưỡng thương binh. Đặc biệt, VietinBank cũng đã dành hàng trăm tỷ đồng để tôn tạo, nâng cấp và xây dựng trên 50 Nghĩa trang Liệt sỹ trong cả nước như: nghĩa trang Quốc gia Hàng Dương (Côn Đảo), Thành Cổ (Quảng Trị), Tân Biên (Tây Ninh), Điện Bàn (Quảng Nam), Đức Cơ (Gia Lai))…)
…Chia tay ấp Đá Biên ra về, ngồi trên chiếc ca nô lướt trên con nước Vàm Cỏ, ngắm nhìn những rừng đước bên đôi bờ sông, rồi đăm đắm ngắm nhìn gương mặt nhà thơ Trần Nhương, nhà báo Dương Đức Quảng đang ngổi bên, tôi chạnh nhớ tới nhà văn Vũ Ngọc Tiến bị đau chân không có mặt trong buổi lễ khánh thành công trình này. Tôi cũng là một người lính, cũng từng chinh chiến qua nhiều nẻo đường chiến tranh như các anh, nhưng chưa bao giờ tôi thấy các anh trẻ và đẹp như sáng thu này…
..Vàm Cỏ.Những rừng đước ngút ngàn. Những người lính đã tan vào cây cỏ. Những tấm lòng mãi mãi nhớ các anh. Một miễu nhỏ hương khói của người dân nghèo. Nhà tưởng niệm khang trang của nhiều tấm lòng góp sức. Những nhà văn, nhà báo không chỉ viết mà còn làm tất cả vì những người lính ra đi không trở lại.
Và những gương mắt trẻ đẹp xiết bao khi có những nghĩa cử đep…
Lê kim Yến-Trương Nguyên Việt