Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Ca dao trong tuồng, cải lương

Trịnh Kim Thuấn
Chủ nhật ngày 4 tháng 11 năm 2012 7:28 PM

   Riêng tặng Dương Bửu Hoàng và Nhan Thị Mai

+ PHÁC HỌA VỀ CẢI LƯƠNG :  Miền Nam khoãng thời gian 1960 – 1975 có hai ông thầy tuồng (còn gọi là soạn giả) nổi tiếng  là HÀ TRIỀU – HOA PHƯỢNG . Hai ông nầy soạn rất nhiều tuồng cải lương, đa số là tuồng hay, ăn khách, cũng là hai người có số tuồng cải lương hay nhất trong năm, đoạt Giải THANH TÂM nhiều nhất (so với các soạn giả khác), thời ấy vàng ở miền Nam giá rất rẽ và nhiều, không hiểu tại sao Ban Giám Khảo không đặt tên cho giải thưởng nầy là HUY CHƯƠNG VÀNG nhỉ ?

Tôi còn nhớ : Lúc ấy còn học tiểu học và trung học, vì mê cải lương qua Radio và báo Tiếng Chuông, Tia Sáng (trang kịch trường – trương kịch tràng), được biết có hai loại tuồng của 2 soạn giả nầy là :

LOẠI PHÓNG TÁC : như Nửa Đời Hương Phấn từ tác phẩm Trà Hoa Nữ ; Trăng Rụng Bến Từ Châu từ tập truyện Kim Cổ Kỳ Quan – Chuyện Nàng Đổ Thập Nương của Trung Quốc ; Anh Hùng Xạ Điêu từ Anh Hùng Xạ Điêu của Kim Dung ; Chín Đường Tuyệt Kiếm từ Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung …..

LOẠI SÁNG TÁC : cũng nhiều , chỉ xin nhắc tuồng Tuyệt Tình Ca 1, vỡ tuồng nầy đã đưa đệ nhất danh ca ÚT TRÀ ÔN, cải lương chi bảo Bạch Tuyết cùng 2 soạn giả lên tuyệt đỉnh, hẳn quí vị đồng ý chứ !

+ TRỞ LẠI CA DAO :  Cốt truyện nầy hẳn mọi người đều biết, mà dân đờn ca tài tử từ ấp, xã, huyện, tỉnh …có thể thuộc lòng các bài bản trong vỡ tuồng. Nhắc sơ thôi, vì nó liên quan đến ca dao .

- Thầy giáo Hương đã có vợ rồi, tốt nghiệp Sư Phạm, được phân công về dạy học ở xã Tân Ngãi (nơi có cái chợ nhỏ tên là Trường An) – Vĩnh Long, dạy chung trường với cô giáo Lan. Lửa gần rơm , góp gạo ăn chung, có được 2 đứa con, đặt tên là Lê thị Trường An và Lê Long Hồ. Binh biến nổi lên, loạn lạc khắp nơi, dù rất thương chồng, cô giáo Lan phải ép lòng khuyên và đưa chồng  về thành, ở lại là toi mạng, nuốt lệ đưa chồng qua sông Mỹ Thuận về với vợ lớn. Qua cơn binh biến, sống đời lưu lạc đi tìm chồng … nuôi 2 con, sức khỏe suy sụp vì nhớ thương chồng, nghèo khổ … Cô giáo Lan ru con :

Ví dầu cầu ván đóng đinh.
Cầu tre lắt lẻo, gập ghình  khó đi.
Khó đi mẹ dắt con đi.
Con đi trường học, mẹ đi trường đời.

Hai câu sau là do soạn giả chế, chứ nguyên văn là :

Ví dầu cầu ván đóng đinh.
Cầu tre  lắt lẻo, gập ghình khó đi.
Khó đi mượn chén ăn cơm.
Mượn ly uống rượu, mượn  đờn kéo chơi.`

Theo tôi biết, thì từ ấy đến nay các bà mẹ, các chị khi ru con, ru em đều ru :      Khó đi mẹ dắt con đi.
           Con đi trường học, mẹ đi trường đời .

Nuôi 2 con cực khổ vô vàng, thế mà chị hàng xóm nở lòng nào ru con như thế nầy :
                               Gió đưa bụi chuối sau hè.
                               Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ .
                                                                                 Chua sót, cay đắng quá

Hòa bình trở lại, thế cuộc xoay vần, anh thầy giáo Hương năm nào nay đã trở thành Ông Cò Quận 9 (lúc ấy Sài Gòn chưa có Quận 9) , quyền uy có thừa, danh lợi cũng ổn, sau nhiều lần về Tân Ngãi cố tìm, nhưng vẫn không gặp lại người xưa . Ôi ! Cô giáo Lan, Lê thị Trường An, Lê Long Hồ … Bây giờ em ở đâu ? ? ?

Con trai lớn thì học hành chểnh mãng, thi hoài không đậu, vợ lớn thì bài bạc suốt ngày, nhưng khi rầy la thì bà trách , bắt bí :

                 Trồng trầu thì phải khai mương.
                 Làm trai hai vợ sao ông thương không đồng ?

Ông Cò Hương chỉ còn biết than thở : “ Ở đây tôi là người giữ gìn an ninh trật tự, mà mười mấy năm nay trong lòng tôi không có lúc nào được trật tự, an ninh …

Chuyện xưa … cũng không xưa lắm . Ngày nay vẫn có thể xảy ra, có thể lâm ly hơn … kể lể lại quí vị cùng xem : buồn cũng được, vui cũng được . Ai có vợ bé, vợ mọn vẫn phải hoan hô HÀ TRIỀU – HOA PHƯỢNG viết vỡ nầy quá tâm lý phải không quí vị ?

03/11/2012     TRỊNH KIM THUẤN