Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Thử nêu một cách nghĩ khác về lương

Trung Sơn
Thứ sáu ngày 2 tháng 11 năm 2012 5:35 AM
TNc: Quốc hội đang bàn chuyện tăng lương, công dân Trung Sơn từ Huế gửi ra lời bàn này cũng là góp thêm "bách nhân bách kế" mà. Giá như bớt lãng phí, thất thoát, hình thức xa hoa thì tha hồ mà tăng lương, nhưng...

Những ngày gần đây, sau khi Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách NHà nước, năm 2013, Chính phủ không bố trí nguồn thực hiện chi cải cách tiền lương theo lộ trình, có tờ báo đã cho đây là thông tin gây “choáng váng”. Trước sức ép dư luận , trong phiên họp ngày 31/10, ông lại tuyên bố sẽ tăng 100.000 đồng/người từ tháng 7/2013. Đây chỉ là cách đối phó và tuyên bố cũng không rõ ràng. Tăng 100.000 đồng/người/tháng đồng loạt cho toàn bộ 8 triệu người hưởng lương ngân sách, khác hẳn tăng mức lương tối thiểu 100.000 đồng, rồi mỗi người cứ nhân tỷ lệ tăng với hệ số lương như các lần trước. (Riêng về điểm này, sẽ nói cụ thể ở phần dưới bài).
 Không chỉ lần này, chuyện tiền lương nhiều năm qua, hễ nêu lên, là thành đề tài “nóng”, làm tốn khá nhiều giấy mực, nhưng thực ra vấn đề không mới. Tựu trung, lần nào “âm thanh” chủ đạo cũng là tiếng kêu lương không đủ sống, sao Nhà nước cứ đắn đo, thập thò nhỏ giọt như bầu sữa sắp cạn vậy! Ai cũng thấy điều đó là đúng. Vậy vì sao tình hình kêu ca về lương cứ lặp lại? Có lẽ vì cái gốc về chuyện tiền lương ở nước ta chưa được đề cập đúng mức và chưa có biện pháp giải quyết.
Nói “chưa đúng mức”, tức là cũng có người đã đề cập đến. Gần nhất, trên báo "Tuổi trẻ" ngày 18/10, ông Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ Lượng Thương binh & Xã hội), sau khi cho rằng cần tăng lương, cũng đã nêu ý kiến “Muốn cải cách được thật sự tiền lương, cần tính đến chuyện cải cách, tinh giản bộ máy…”
Thực ra, ý kiến vừa dẫn cũng không có gì mới, Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định trong các văn kiện hàng chục năm nay rồi. Vậy thì lại phải đặt câu hỏi: Vậy thì sao không giải quyết được? Có lẽ cũng tương tự như việc chống tham nhũng, việc “cải cách” bế tắc chính vì chúng ta ngại nói đến cái gốc - nguyên nhân cơ bản của vấn đề.  Đó là chưa nói đến tình trạng các ngành, các địa phương, vì nể nang, vì muốn có chỗ ngồi cho người thân quen, đã bất chấp chủ trương “tinh giản” của Đảng và Nhà nước, đã “bày biện” ra cơ quan và và nhiều chức vụ mới; ông Nguyễn Hữu Dũng cũng đã “cảnh báo hiện tượng gần đây có xu hướng nở rộ việc các Vụ chuyển thành Cục, các Cục chuyển thành Tổng cục… sẽ phải thêm bộ máy, thêm văn phòng, lái xe, tiền lương…”
Về “cái gốc” mà công luận cũng như trên các diễn đàn công khai e ngại nói rõ, chúng ta thường thấy các diễn giả thay bằng một từ chung chung là “cơ chế”. Ở đây, nói riêng về tiền lương thì “cơ chế” chúng ta đang áp dụng, nếu tôi không nhầm – trên thế giới hiện nay, rất-rất ít nước còn thi hành: Đó là dùng ngân sách Nhà nước trả lương cho cả ba “bộ máy” khổng lồ là các cơ quan chính quyền các cấp, cơ quan Đảng các cấp và các Hội, đòan thể từ Trung ương cho đến Phường, xã. Cần nhận rõ, với một “cơ chế” như thế, cán bộ công chức phải hưởng lương thấp là điều tất nhiên, nhất là khi kinh tế chưa phát triển. Đó là chưa nói đến “đối tượng chính sách” (thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công v…v…) được hưởng lương từ ngân sách ở nước ta, có lẽ cũng vào loại lớn nhất thế giới.
Trong hoàn cảnh đất nước như thế và chúng ta đã chấp nhận một “cơ chế’ như thế, “kết luận” tất nhiên sẽ là: việc đòi hỏi có lương cao, đủ sống (nhất là với người có bậc lương thấp) là điều không tưởng. Nói cách khác, đã chấp nhận “Cơ chế” ấy thì với chiếc “bánh ngân sách” hạn hẹp, phải chấp nhận việc… bẻ vụn “chiếc bánh” để mọi người cùng hưởng! Còn để “cái cách” cái “cơ chế” ấy, trong điều kiện nước ta, nếu chưa thể thay đổi được cơ bản, thiết nghĩ, Bộ Chính trị và Quốc hội cần đề ra một lộ trình giải quyết từng bước, như thế mới mong có điều kiện để cải cái tiền lương thật sự.
Như vậy, trước tiếng kêu đòi tăng lương, không lẽ bó tay và “bóp bụng” như một công nhân đã nói? Không, vẫn có giải pháp - giải pháp đó, chính Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã “gợi ý” như sau: “Nói không tăng lương mà không hứa hẹn gì thì không nên. Có thể cắt bớt, tiết kiệm bớt các khoản chi khác để tăng lương, ít nhất là phải tăng cho một số đối tượng đang hưởng lương ở mức thấp..”  (Người trích dẫn nhấn mạnh.)
Thiết nghĩ rằng, trước mắt, đây là cách nhìn thực tế về nhiều mặt. Trước hết, đó là khả năng ngân sách hạn hẹp, muốn giải quyết dù chỉ phần nào khối lượng “nợ xấu” khổng lồ và cả triệu tỷ đồng bất động sản đang nằm chết cứng, đều phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ. Muốn tăng lương hàng loạt thì chỉ có cách in tiền, như thế lạm phát sẽ tăng. Mặt khác, kinh nghiệm những năm qua cũng cho thấy không thể trông chờ vào việc tiết kiệm khoản này khoản khác, cũng như việc chống lãng phí và tham nhũng hiệu quả thì sẽ có tiền để tăng lương. Điều này, trước đây nhiều người đã nói, nhưng tham nhũng và lãng phí thì vẫn ngày càng trầm trọng.  Cũng xin đừng nghĩ tăng lương sẽ đẩy lùi được tham nhũng, trừ khi lương tăng nhiều lần và công chức bị ràng buộc về pháp luật chặt chẽ như Xin-ga-po đến mức không dám tham nhũng. Và thực tế những năm qua, kẻ phạm tội tham nhũng hầu hết có mức lương cao ngất trời – hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu mỗi tháng! Một thực tế khác cũng cần nhận rõ: Việc tăng lương những năm qua, thực chất là bù tăng giá, bù lạm phát. Với thực tế này, việc tăng lương cho toàn bộ số người hưởng lương cùng một tỷ lệ như nhau là không công bằng. Điều này, ngay trong một buổi tiếp xúc cử tri trước cuộc bầu cử  Quốc hội năm ngoái, một cử tri là cựu chiến binh đã nêu ra. Có thể dẫn ra một ví dụ dễ thấy: Giả thử lương tối thiểu tăng từ 1,05 T lên 1,3T, tính gọn là tăng 20% thì một nhân viên lương 3 triệu sẽ được tăng 600.000 đồng, trong khi một người lương 8 triệu sẽ được tăng 1.600.000 đồng, tức gần gấp ba, mà một điều dễ thấy là mỗi người đều phải chịu đựng sự tăng giá các mặt hàng như nhau. Xin đừng đem câu thành ngữ “thuyền to thì sóng to” áp dụng vào đây, mà có khi ngược lại. Một đại tá, hay một cán bộ cấp Vụ (lương khoảng 8 triệu chẳng hạn) con cái đã trưởng thành, có khi chỉ phải “bù giá” ít hơn một nhân viên thường, lương thấp vì họ còn phải nuôi con ăn học. Đó là chỉ nói đến “lương cứng” và ai cũng biết “lậu” và “lộc” thì ít khi đến tay người lương thấp.
Theo cách này, tùy khả năng ngân sách, chỉ tăng lương cho những người có mức lương thấp – ví như từ 3 hay 4 triệu đồng/tháng trở xuống; cũng có cách khác là mỗi người hưởng lương được bù giá một mức như nhau… Như thế có thể sẽ giảm chi cho ngân sách hàng chục ngàn tỷ đồng. 
 Tôi tin rằng, hầu hết những người đang hưởng mức lương cao sẽ ủng hộ giải pháp này, vì thực tế, họ chưa đến nỗi phải “bóp bụng” và phần lớn họ là đảng viên, cán bộ có chức quyền, họ hiểu rõ với “cơ chế” trả lương cho cả 3 bộ máy khổng lồ như Việt Nam thì mức lương họ hưởng đã là “tối ưu” rồi; đó là chưa nói đến trách nhiệm của họ phải góp phần cùng Nhà nước giải quyết những khó khăn gay gắt hiện nay…
Trong khi việc tăng lương năm 2013 chưa có chủ trương dứt khoát, xin mạnh dạn nêu “một cách nghĩ khác”, để các đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan có thể tham khảo khi bàn việc phân bổ ngân sách năm 2013./.