Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Lại đạo văn

Văn Công Hùng
Thứ ba ngày 6 tháng 11 năm 2012 8:15 PM

Mình phát hiện sự việc từ trưa qua, mail và điện thoại cho một biên tập viên của báo ấy, bạn ấy bảo dã trao đổi với trưởng ban thời sự, là nơi tổ chức bài đạo ấy và liên hệ với tác giả ngay. Mình hẹn là nếu đến sáng nay mà tác giả đạo văn không liên lạc với mình thì mình sẽ công bố cho toàn dân biết. Sáng nay vẫn không thấy động tĩnh gì nên mình phải công bố thôi...
Người đạo là tác giả BÙI HỮU CƯỜNG.

Đây là bài báo của Bùi Hữu Cường đăng trên báo Sức khỏe và Đời sống chủ nhật, số 177 ngày 4/11/2012 (LINK Ở ĐÂY). Mình hay cộng tác với báo này và đang cộng tác với mục "Đi và ngẫm" nên thi thoảng đọc để xem gu của báo để viết mà không bị  hỏng. Đến khi đọc bài "Thương nhớ Kơ Nia" thì quái, sao cứ giống văn của mình thế này. Cẩn thận, lôi bài của mình ra đối chiếu, huhu, "nó" cóp của mình dư lày (Em Tố Lan của báo SKĐS mail cho mình bảo: ngoài cóp ý chi tiết thì tác giả còn cóp nguyên từng đoạn văn, liều quá).

Mình cóp bài của Bùi Hữu Cường ra word rồi bôi xanh những đoạn văn của mình mà tác giả cop không xin phép và bôi đỏ những đoạn tác giả xin phép (là trích trong ngoặc hoặc có nhắc đến VCH cho phải phép) để bạn đọc so sánh xem bài của anh ta còn gì nhé. Và nói luôn là mình chưa hề quen biết gì với anh chàng này (chắc là anh chàng) nhưng anh ta cứ xưng xưng lôi mình ra dẫn như mình là bạn bè thân thiết lắm ấy.


(SKDS) - Một loài cây vốn vô danh, mọc nhiều ở vùng đất Tây Nguyên bất khuất, bỗng một ngày trở thành biểu tượng của Tây Nguyên. Cây kơnia đã rất nổi tiếng. Nó được trồng trong khuôn viên Tỉnh ủy Gia Lai, trụ sở UBND tỉnh Gia Lai, trong khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai - Kon Tum. Nó được chuyển ra Hà Nội trồng ở Lăng Bác, ở Khu di tích Ðá Chông, ở Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ðại học An ninh, ra cả Ðền Hùng... Ấy vậy mà giờ đây, biểu tượng ấy đang dần vắng bóng trên đất Tây Nguyên.
Hồn kơnia
Anh bạn từ Hà Nội trong chuyến công tác cùng tôi lên Gia Lai hồ hởi: “Cây kơnia là cây gì nhỉ?” Tôi giật mình, rồi bằng tất cả vốn liếng ít ỏi hơn 5 năm sống ở đất Tây Nguyên, tôi giải thích cho anh về loài cây là biểu tượng của đất và người Tây Nguyên.

 

Tôi nói với anh rằng đó vốn dĩ là một loài cây vô danh, mọc nhiều ở Tây Nguyên. Một loài cây mọc cô độc giữa những bãi đất trống, hay trên các sườn đồi dốc. Đó là một loại cây có sức sống rất mãnh liệt, quanh năm xanh tốt, hầu như không bao giờ thấy nó rụng lá, bất chấp khô hạn, mưa dầm. Ấy là bởi kơnia là cây rễ cọc, dáng vút cao, tán hình trứng, ít rụng lá và sống rất dai, chịu được hạn. Nhà văn Nguyên Ngọc có nói về loài cây này: “Kơnia là một loại cây cô độc. Cho đến một ngày, có một người đến và hình như trong một lúc, một giây phút xuất thần, đánh thức nó dậy, từ trăm ngàn cây cỏ vô danh trở thành bất tử, trở thành biểu tượng của một thời chia cắt và thương nhớ Bắc - Nam. Người nghệ sĩ đã đánh thức dậy, đã “sinh ra” cho chúng ta cây kơnia là Ngọc Anh”.
Trong bài hát bóng cây kơnia, có câu: “Rễ mi uống nước đâu/uống nước nguồn miền Bắc...” đấy là nhà thơ Văn Công Hùng tếu táo trong cái óc hài hước của người đã ở Tây Nguyên đấy. Ông bảo muốn biết về cái gốc rễ của loài cây này thì cứ ra bờ Hồ Gươm, đào xuống, thấy cái rễ nào dài vươn tới từ hướng Nam thì đích thị là rễ cây kơnia. Ấy là nghịch mà suy diễn ra một cách vui vậy thôi.

 Một cây kơnia hiếm hoi còn lại ở làng AL (xã Ia Mơ Nông, Chư Păh, Gia Lai), biểu tượng của Tây Nguyên bất khuất.

Có người bảo cây kơnia không mọc lung tung bao giờ, không mọc lẫn trong các loại cây khác. Nó mọc rất đều ở các khoảng đất trống, ở giữa đồng, khoảng cách là... để cho người đi bộ mệt thì lại có một cây. Ta đang ngồi ở gốc cây này, nếu đi bộ, bao giờ thấy mệt quá, nóng quá, thì lại sẽ có một cây kơnia nữa hiện ra cho ta bóng mát ngồi nghỉ. Điều đó chẳng có ai kiểm chứng bởi chẳng ai có thời gian để đi như thế. Nhưng chuyện cây kơnia phát tán giống của mình được là nhờ con người là điều có thật. Bởi người dân nơi đây thường lấy hạt của cây kơnia ăn thay cơm.
Nhà thơ Văn Công Hùng kể: “Không chỉ người Tây Nguyên, mà rất nhiều cán bộ người Kinh, ở thời điểm đói nhất trong chiến tranh và ở thời bao cấp, đã sống nhờ hạt kơnia này. Người dân bỏ hạt kơnia trong gùi, xuất phát từ nhà hoặc rẫy, nơi đều có các cây kơnia và đi, bao giờ đói thì ngồi lại đập hạt kơnia ăn. Những hạt rơi vãi hoặc khi đập bị văng ra mọc thành cây. Cứ thế, nó trở thành khoảng cách chuẩn của cái đói và cơn mệt để chở che cho con người chăng?!”.
Cây kơnia mang ý nghĩa tâm linh đối với người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Họ coi cây này là nơi trú ngụ của thần thánh, của vong linh những người đã khuất nên rất ít khi dám chặt phá chúng. Vì vậy, trên nương rẫy của đồng bào thường có các cây kơnia cổ thụ che bóng mát cho con người lúc nghỉ giải lao, nghỉ trưa. Theo nhiều tài liệu tôi tìm hiểu được, thì trong 100g nhân hạt chứa 67% chất dầu màu trắng hay vàng, mùi dễ chịu, ăn được. Bơ chế từ dầu này gọi là “cay cay, dika”, được dùng ở một số nước Đông Nam Á.
Ngoài ra, còn có 9% carbohydrat, 3,4% protein, các chất vô cơ như sắt 61,4mg, canxi 103,3mg, và vitamin 37mg. Vỏ cây và vỏ rễ dùng làm thuốc có thể thu hái quanh năm, rửa sạch, thái nhỏ, dùng tươi hay phơi khô để dùng dần. Nước chiết lá kơnia trong cồn có tác dụng kháng ký sinh trùng Plasmodium falciparum gây bệnh sốt rét. Trong đời sống người Tây Nguyên, người ta cũng biết dùng vỏ cây kơnia làm thuốc chữa sốt rét rừng và đầy bụng.
Nói về loài cây này, ông Nhữ Văn Vẻ - cán bộ Trung tâm giống cây trồng tỉnh Gia Lai cho biết, rễ cây kơnia rất dài, nếu cây cao 1m thì rễ đã là 1,5m, cây 2m thì rễ 3m. Đã có những cái hầm bí mật 3 tầng đều bám theo một cái rễ cọc của cây kơnia làm trụ. Nếu vô ý làm đứt rễ cọc, kơnia sẽ chết ngay và sẽ lộ hầm bí mật nên cán bộ ta cứ nương theo rễ cây mà đào hầm.
Kơnia là loại cây có sức sống rất mãnh liệt. Có khi cả khu rừng bị cháy hoặc chết vì bị rải chất độc dioxin thì kơnia vẫn xanh tốt như thường. Hiện nay cây kơnia to nhất ở Tây Nguyên có đường kính khoảng 1m, và nếu cưa sát gốc thì nó lại tiếp tục nảy mầm. Gỗ kơnia rất dẻo và cứng, khi cưa thường xuyên phải nhúng nước lưỡi cưa thì mới kéo nổi, tuy thế khi hạ xuống để một thời gian sẽ bị hà ăn rỗng ngay, cũng không hiểu tại sao.
“Ðược” ghi vào Sách Ðỏ

Theo lời nhà thơ Văn Công Hùng thì kơnia và dã quỳ hiện thân cho sức mạnh và vẻ đẹp Tây Nguyên. Thế mà ngay cả những người ở Tây Nguyên cũng chưa chắc đã thấy. Nhà thơ Văn Công Hùng chua chát: “Dã quỳ thì bị đẩy hết ra ngoại ô, còn kơnia cũng ngày càng hiếm!”. Tôi cùng anh bạn đi khắp phố thị Pleiku, phố thị Kon Tum nhưng rất hiếm khi thấy được bóng cây này trong thành phố.
Ở thành phố Buôn Ma Thuột, chỉ có cây kơnia cổ thụ nằm trong khuôn viên Nhà Văn hóa trung tâm của tỉnh, cách ngã 6 Ban Mê vài trăm mét. Tôi cũng không hiểu tại sao các công ty quản lý môi trường đô thị các tỉnh Tây Nguyên lại không tiến hành trồng kơnia trên các tuyến phố, bởi như đã nói, nó rất hợp với việc trồng trên phố như dáng thẳng đứng, có tán tròn, không rụng lá, rễ cọc rất sâu không ăn lên vỉa hè và phá đường, hoa như hoa xoan, màu tím phớt và rất thơm...
Tuy mang ý nghĩa tâm linh, nhưng cây kơnia cũng bị chặt phá nhiều, hiện đang ở vào diện nguy cấp. Sách Đỏ thế giới (1998) đã đưa loài này vào danh sách những loài bị đe dọa cần được bảo vệ. Ngày trước, thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp đâu đó một cây kơnia mọc chơ vơ bên đường hoặc cô độc giữa một đám rẫy. Và, bao giờ cũng thế, tôi sẽ reo lên một cách thích thú lẫn trìu mến. Không chỉ là biểu tượng của Tây Nguyên, kơnia đã có trong trái tim của hàng triệu người, dù có người chưa biết dáng hình kơnia cao thấp dọc ngang thế nào.
Dù đã rong ruổi dọc các xã, khu vực nổi tiếng nhiều loài cây này trên đất Gia Lai và Kon Tum, chúng tôi vẫn hiếm thấy những bóng kơnia ven đường. Tôi dẫn anh bạn đến nhà già làng Rơ Châm Bút (làng Al, xã Ia Mơ Nông, Chư Păh, Gia Lai) khi ngày đã chuyển màu chiều. Bên mái nhà sàn còn hiu hắt một cây kơnia duy nhất của làng. Già Bút trầm ngâm khi nghe hỏi về loài cây quá đỗi thân quen với người Tây Nguyên này: “Kơnia à, trước đây vùng này nhiều lắm, lớn chừng nào cũng có nhưng bây giờ thì hết rồi! Còn cây này thôi! Năm trước rẫy nhà già cũng có mấy cây to lắm, nhưng lúc thuê máy móc về xới rẫy, nó làm vướng nên nhà mình cưa mất rồi. Giờ chẳng rẫy nhà nào còn nữa đâu!”.
 
Bản báo in bài của BÙi Hữu Cường


Già Bút kể lại rằng trước đây, khi bà con phát rừng làm rẫy thường để lại những cây kơnia để lấy bóng mát. Các cây khác do ảnh hưởng đến cây trồng thì chặt hết đi, nhưng riêng kơnia vô hại nên để lại. Giờ thì cũng chặt hết rồi. Nghe câu chuyện của tôi với già làng, anh bạn làm bên văn hóa từ Hà Nội vào buồn buồn cúi mặt nhìn mông lung ra khoảng rừng trước mặt. Tôi biết anh đang mường tượng ra cảnh những bà mẹ địu con trên lưng trong những tháng ngày lao động trên nương, khi mỏi, thường đặt con dưới bóng mát kơnia.
Hoặc giữa buổi trưa nắng, chỉ cần ngơi nghỉ chốc lát dưới bóng loài cây này cũng tan đi mỏi mệt. Và ở đó, bao đời người đi qua, bao nhiêu em bé đã lớn lên dưới bóng mát kơnia. Hình bóng kơnia gắn với hình ảnh thương yêu của bao nhiêu bà mẹ Tây Nguyên. Có lẽ thế, mà kơnia trở nên thân thuộc, sẵn trong tiềm thức sâu xa của mỗi người con sinh ra và lớn lên giữa Tây Nguyên đại ngàn.
Trên đường về, anh bạn hát vu vơ mấy câu trong bài hát “Bóng cây kơnia”, tôi nghe mà thấy tiếc, anh bạn cũng tiếc vì muốn tìm kiếm một cây kơnia cổ thụ, tán rộng tỏa bóng mát để giới thiệu về biểu tượng của đất và người Tây Nguyên bất khuất với những người yêu quý Tây Nguyên, thương nhớ Tây Nguyên, nhưng chỉ tìm thấy sự nuối tiếc khôn nguôi...           

  Bài, ảnh: Bùi Hữu Cường


Các link bài của mình ở đây, ít nhất là ở 3 bài này, nếu có thời gian mời các bạn tham khảo. Bạn này cop từng đoạn hoặc cắt xén lấy ý nên nhiều ý rất lộn xộn.
http://www.vanconghung.com/2011/11/ko-nia-ai-biet-roi-thi-thoi.html

http://www.baogialai.com.vn/channel/1624/2009/03/1158479/
http://vanconghung.vnweblogs.com/print/1026/140227 
Nguồn Vanconghung blog