Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Không được đổ hết tội cho bão

Trần Nguyên Nam
Thứ bẩy ngày 3 tháng 11 năm 2012 6:22 AM

Sáng thứ ba (30/10/2012), sau khi tháp truyền hình đặt tại nội thành Nam Định bị gẫy đổ, báo Tuổi Trẻ đăng ý kiến của hai chuyên gia, ông Lê Huy Lộc (chuyên gia thiết kế kết cấu công trình đường dây tải điện, nguyên trưởng phong thiết kế mẫu viện Thiết kế điện) và ông Trương Mỹ (kỹ sư quản lý chất lượng hạ tầng mạng Gmobile). Cả hai chuyên gia đều thống nhất nhận định cần phải thẩm tra lại quy trình thiết kế và thi công tháp truyền hình “lớn nhất và hiện đại nhất miền Bắc” này (bài “Tháp truyền hình Nam Định không đạt chuẩn?”).
Tiếp đó, ngày 31/10/2012, báo Tuổi Trẻ lại đăng tiếp bài, khẳng định: “Tháp truyền hình đổ do không đúng chuẩn” – do có ý kiến của lãnh đạo Cục Giám định (Bộ Xây dựng): “cơ quan này đã kiểm tra hiện trường vụ đổ tháp ăngten của Đài PTTH Nam Định và đã có báo cáo sơ bộ gửi lãnh đạo Bộ Xây dựng. Theo đó, nhận định ban đầu là TẢI TRỌNG GIÓ của tháp được thiết kế không đúng với tiêu chuẩn”.
Trước đó, ông giám đốc đài PTTH Nam Định “khẳng định nguyên nhân xảy ra sự cố là do gió bão quá to, gió giật làm đổ cột tháp nên có thể kết luận được nguyên nhân như vậy. Việc có điều tra hay không, ông Tú cho rằng còn chờ sự chỉ đạo của tỉnh. Về việc có hay không một phần nguyên nhân do chất lượng công trình không đảm bảo, ông Tú khẳng định không phải. Ông Tú cho biết thiết bị của công trình được nhập từ Malaysia, toàn bộ đều nhập khẩu và đều đã được kiểm tra chất lượng” – bài “Tháp truyền hình Nam Định không đạt chuẩn?”. Đến chiều 30/10/2012, ông giám đốc đài PTTH NĐ lại “khẳng định việc nhập khẩu thiết bị đã được thẩm định đầy đủ”. Còn về thiết kế, ông Tú cho rằng “mua trọn gói từ Malaysia thì làm sao có thiết kế được” – bài “Tháp truyền hình đổ do không đúng chuẩn”. Thực tế thì đài PTTH NĐ không mua trực tiếp từ Malaysia mà “mua lại” của VTC. Về vấn đề mua đi bán lại này, ngài đại diện Cục giám định giải thích: “Do hình thức mua trọn gói nên không có kiểm định, thẩm định kết cấu, thiết kế. “Giống như mua một cái tivi, đã sản xuất thành sản phẩm rồi thì người mua không thể tự thẩm định được vật liệu, kết cấu thiết kế”. Còn đại diện cơ quan giám sát, ông Lê Phú Hải giám đốc nói: “đơn vị chỉ nhận giám sát thi công lắp đặt thiết bị theo bản vẽ lắp đặt đầy đủ. Ngoài ra, chủ đầu tư không cung cấp các thông tin khác về kỹ thuật, mức chịu đựng gió, động đất” – bài “Tháp truyền hình đổ do không đúng chuẩn”. Nghe các quan chức Nhà nước có trách nhiệm giải thích vậy, chả khác gì chuyện con trẻ nói đùa với nhau!
Là người có quá trình trực tiếp thiết kế một số trụ tháp cao, tôi xin nêu mấy ý kiến như sau:
Một là, nói do bão số 8 quá mạnh, cấp 11, 12… nên tháp đổ là hoàn toàn sai về mặt pháp lý. Cụ thể là:
1/ Bão số 8 có gió cấp 11, 12 là ở vùng bờ biển chứ không phải nội thành NĐ. Tháp lại đổ vào khoảng 20 giờ ngày 28/10/2012, là lúc nội thành chưa có gió lớn. Chỉ sau 21 giờ nhân dân nội thành NĐ mới thực sự cảm nhận được sức mạnh của cơn bão. Điều này thì cơ quan Khí tượng hoàn toàn có thể chứng minh. 
2/ Nhưng ngay cả khi bão nội thành đạt cấp 12 như ông giám đốc đài PHTH NĐ nói, thì theo TCVN 2737-1995, văn bản pháp quy hiện hành, Tháp này phải được thiết kế tính toán với cấp gió IV.B, nghĩa là Tháp phải chịu được lực gió tác động là 155 kg/cm2 (vận tốc khoảng 50m/s, tương đương gió cấp 15 – xem tại vnbaolut.com, bảng “CẤP GIÓ VÀ SÓNG”). Đấy là chưa kể, trong quy trình tính toán thiết kế, còn phải đưa thêm hai HỆ SỐ quan trọng là HỆ SỐ VƯỢT TẢI và HỆ SỐ AN TOÀN công trình. Nghĩa là ngay cả khi nội thành NĐ có gió bão cấp 15, giật trên cấp 15, tháp này vẫn phải đứng vững.
Hai là, ông giám đốc đài PTTH NĐ lúc thì “khẳng định việc nhập khẩu thiết bị đã được thẩm định đầy đủ”. Lúc lại nói “mua trọn gói từ Malaysia thì làm sao có thiết kế được”. Thế thì ông đã thẩm định trên cơ sở pháp lý nào?
Ba là, 50 tỉ đồng xây dựng tháp, đối với Nam Định, một tỉnh vẫn còn nhận trợ cấp thường xuyên của trung ương, thì đây không thể coi là “chuyện nhỏ”, không thể ví như “mua một cái ti-vi”. 
Tóm lại, bão số 8 tuy là một cơn bão khá lớn và cũng nhiều năm nay, Nam Định nói riêng và Miền Bắc nói chung vắng những cơn bão lớn như vậy, nên việc thiệt hại về người cà tài sản là điều không tránh khỏi. Nhưng nếu ai đó lại có ý ĐỔ HẾT MỌI TỘI LỖI cho gió bão, để trốn tránh phần trách nhiệm của mình đối với công quỹ, tiền thuế của dân, thì đấy lại là một tội ác. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ vấn đề này trước dân, không chỉ riêng dân Nam Định, mà dân cả nước.