Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THƯ GỬI ANH NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Nguyễn Nguyên Bình
Thứ sáu ngày 25 tháng 2 năm 2011 6:37 PM

TNc: Chị Nguyễn Nguyên Bình gửi đến trang TNc lá thư này nhờ công bố sau khi không thấy hồi âm. Với những ý kiến tâm huyết, xây dựng, TNc thấy cần phải cho lên trang nhà đẻ góp thêm tiếng nói với Tông bí thư. Xin giới thiệu với bạn đọc chị Nguyễn Nguyên Bình là con gái tướng Nguyễn Trọng Vinh, một cựu sinh viên đồng môn với TBT Nguyễn Phú Trọng.
 

Hà Nội ngày 03/02/2011.
Kính gửi: Anh Nguyễn Phú Trọng
 
Thưa anh,
Trong giờ phút đầu tiên của năm Tân Mão, tôi viết lá thư này. Theo phong tục xưa nay, đó là giờ khai bút thiêng liêng, vì vậy tôi mong được anh hiểu dưới đây là những lời tâm huyết nhất. Anh có ngạc nhiên vì tôi dám gọi ông Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Quốc hội là “anh” hay không? Có thể anh đã từng biết tôi nhưng nay không còn nhớ nữa. Còn tôi thì vẫn biết ngày xưa anh học trên tôi 2 lớp ở khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, khoa chúng ta sơ tán ở xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, Bắc Thái. (lúc đó trường ta lấy bí danh là T104-BC11C, lớp anh là E3, lớp tôi là E1). Vì học sơ tán, “nội trú 100%” nên nói chung sinh viên cả khoa đều quen biết nhau, có xa lạ gì đâu (về sau chắc hẳn là có các anh chị thành đạt lớn, nhiều việc quan trọng nên quên những người bình thường như chúng tôi, điều đó cũng chẳng có gì lạ và chẳng đáng trách gì đâu anh ạ). Vì là đồng môn với nhau, chỉ kém anh vài tuổi nên tôi xin mạn phép vẫn gọi anh là anh như trước đây; tôi nghe nói anh không quan cách, vẫn giữ tác phong giản dị gần người, có tờ báo còn đưa tin đã có lần anh đi xe máy về dự hội trường Nguyễn Gia Thiều, thăm hỏi các thày, bạn rất chan hòa khiêm tốn, như vậy chắc chắn anh không khó chịu khi đọc thư của tôi với tư cách một người đồng môn.
Thưa anh Trọng,
Tôi xin chúc mừng anh giờ đây đã trở thành Tổng bí thư của Đảng, đồng thời vẫn còn là Chủ tịch Quốc hội. Thời điểm này thật là hiếm hoi và quý báu. Với hai chức vụ tối quan trọng này, anh có thể làm được, quyết được những việc cực kỳ quan trọng đối với vận mệnh của Đất nước chúng ta. Có thể anh sẽ nói nguyên tắc của Đảng là lãnh đạo tập thể, cá nhân người đứng đầu mà quyết những việc lớn thì sẽ trở thành “độc đoán”? Thực tế cho thấy, vai trò người chủ trì quan trọng lắm, nhất là những năm gần đây. (Ai cũng thấy, trong các phiên họp Quốc hội, người chủ trì có thể gạt bỏ hay chấp nhận cho Quốc hội bàn thảo, biểu quyết những vấn đề quốc kế dân sinh quan trọng).
Tôi thấy anh thực sự có những điều kiện mà người khác khó có được, ví dụ hiện nay trong dư luận, dù là lề phải hay lề trái, ta hay “địch” đều chưa có ai đưa tin rằng anh bị dính những chuyện nợ nần khuất tất với người nước ngoài để họ có thể ép anh phải làm trái với quyền lợi của dân tộc của đất nước. Vì vậy, anh có đủ tự tin và đàng hoàng lãnh đạo Đảng, Quốc hội để quyết định những việc đúng với lòng mong mỏi của Nhân dân mà chả sợ ai sẽ tung ra những điều “bí mật” gì ảnh hưởng đến thanh danh của mình. (Chỉ tội vừa qua, dư luận trên mạng internet đã đưa tin một nhân vật quyền thế to lắm, ông ta nói đại ý là người nước ngoài có âm mưu dựng Nguyễn Phú Trọng lên làm Tổng bí thư. Đó là một sự xúc phạm to lớn, theo tôi anh có thể và cần phải công khai xử lý việc này để toàn dân được yên tâm).
Một việc mà toàn dân đang mong nhất, mà anh cũng đã tuyên bố sau khi nhận chức Tổng bí thư là “phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc”, anh  coi đó là vấn đề “chiến lược”. Quá đúng! Phải chăng muốn đoàn kết thì phải có dân chủ, phải để Dân được mở miệng, phải quan tâm giải quyết dứt điểm những vấn đề Dân thấy bức xúc và dư luận thắc mắc kéo dài như các vấn đề khai thác bô-xít Tây Nguyên, vấn đề biển Đông, vấn đề cho nước ngoài thuê đất trồng rừng ở những địa điển có nguy cơ đối với an ninh quốc phòng (ở đây, tôi xin nhắc lại là cho thuê đất rừng 50 năm chứ không phải bán đất rừng như một số cử tri đã nói thiếu chính xác khiến anh đã phản ứng mạnh: “Hiện nay, các tỉnh cho thuê đất rừng theo luật chứ không có chuyện bán đất giá rẻ”). Thực tế, từ kỳ họp thứ 7 đến kỳ họp thứ 8 Quốc hội vừa qua, vấn đề về cho thuê đất rừng đã không được lựa chọn để đưa vào chương trình giám sát. Mặc dù, anh đã nói với cử tri là “Quốc hội sẽ lựa chọn những nội dung thích đáng để đưa vào chương trình giám sát”. Như vậy chẳng lẽ vấn đề cho nước ngoài thuê  đất trồng rừng kia vốn được đông đảo cử tri quan tâm lại là nội dung không “thích đáng” ư?...
Có nhiều ý kiến trong nhân dân và của các cán bộ cao cấp trong Đảng, trong quân đội đã nêu nguyện vọng muốn dân chủ hóa xã hội và đoàn  kết toàn dân bằng cách trở lại với Hiến pháp năm 1946 do Bác Hồ trực tiếp cùng soạn thảo, hiến pháp đó cũng đã được toàn dân thừa nhận thông qua phúc quyết. liệu sự đúng – sai của các ý kiến đó có được Quốc hội, Đảng  cho thảo luận và trưng cầu ý kiến toàn dân không? Tôi nghĩ nếu Dân được hỏi ý kiến, nếu ý  kiến đa số đã tán thành các việc quan trọng của Đất nước rồi đem ra tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc thì đó là cách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân hữu hiệu và thiết thực nhất!
Bác Hồ đã từng nói rất sâu và rất kỹ về lòng yêu nước nồng nàn của Nhân dân Việt Nam, vậy giờ đây ta có thể hiểu muốn đáp ứng lòng yêu nước nồng nàn của Nhân dân (thể hiện qua việc giữ gìn an ninh quốc phòng, toàn vẹn lãnh thổ - bao gồm cả lãnh hải -, giữ gìn độc lập chủ quyền quốc gia) chính là một nội dung quan trọng nữa để thực hiện mục tiêu “phát huy sức mạnh đại đoàn kết Dân tộc” – mục tiêu này vốn cũng là mong muốn thiết tha của anh mà.
Anh Trọng ạ, một số điều tôi trình bày trên đây chẳng những là nguyện vọng của riêng tôi, một công dân, một cử tri (và cả là một cựu đảng viên), mà còn là nguyện vọng của nhiều bạn bè trong khoa Ngữ văn (thủa khoa ta còn sơ tán ở Vạn Thọ, Đại Từ - ngày nay chúng tôi thường gặp nhau) và của các thày cô giáo đáng kính của cả anh và tôi nữa đấy anh ạ.
Các thày cô dạy cả anh và tôi nay còn lại rất ít, chắc anh còn nhớ cô Sâm, cô Hạnh, thày Đính, thày Yên chứ? Các thày cô, dĩ nhiên rất lấy làm may mắn có một học trò là người làm to nhất nước. Khi nói chuyện với chúng tôi, các thày cô đều bày tỏ: “Mong Phú Trọng đừng làm gì khiến thày cô phải xấu hổ.” (Đáng tiếc khi tôi viết lá thư này cho anh thì thày Yên cũng vừa ra đi).
Thư đã qua dài, xin lỗi anh trước, nếu có ý gì khiến anh phật ý. Nhân dịp năm mới chúc anh luôn mạnh giỏi.

 Kính
Nguyễn Nguyên Bình
(một người đồng môn)
Điện thoại: 04. 39781121

Chú thích: Lá thư trên tôi viết vào lúc giao thừa (Tết vừa qua) nhưng mãi đến ngày mùng 7 Tết mới mua được tem để gửi. Tôi chờ mãi đến nay không thấy ai hồi âm, dù chỉ là một cú điện thoại do thư ký của Tổng bí thư gọi lại (vì tôi đã  ghi số điện thoại của mình trong thư mà). Tôi cho rằng thư của tôi đã bị thất lạc đâu đó trên dduwwofng nó đến tay Tổng bí thư. Vì thư không có nội dung gì riêng tư nên tôi muốn đưa lên mạng, hi vọng Tổng bí thư đọc được thư này từ trên mạng.