Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THƯ TRẢ LỜI ANH NGUYỄN HUY CANH

Phạm Quang Trung
Thứ bẩy ngày 26 tháng 2 năm 2011 9:52 PM
 
Đà Lạt, thứ bẩy ngày 26 tháng hai năm 2011
Anh Nguyễn Huy Canh kính mến!
Thưa anh,
Tôi đã đọc kỹ và suy nghĩ nghiêm túc về nội dung bức thư ngỏ anh nhờ mạng trannhuong.com gửi đến tôi vào ngày 24/ 02/ 2011. Bức thư ngắn thôi nhưng gợi lên nhiều điều rất đáng suy ngẫm nên tôi quyết định viết thư phúc đáp anh ngay. Song phải tới hôm nay, nghĩa là sau hai ngày kể từ khi được đọc thư anh, tôi mới có điều kiện trả lời được. Rất mong anh thông cảm, tôi còn đương nhiệm, không có nhiều thì giờ, chứ không hề có ý xem nhẹ nhận xét của bất kỳ ai cả. Vì xem đây là một dịp may không dễ có, nên tôi muốn qua diễn đàn mở của nhà văn đáng kính Trần Nhương, trao đôi sâu rộng thêm về một số vấn đề hệ trọng mà bức thư của anh đặt ra hoặc gợi ra. Để thực hiện một ý định như vậy, dẫu chỉ ở một mức độ vừa phải, thư của tôi buộc phải viết hơi dài. Tự xem là người biết điều, tôi chỉ là “bạn bè góp cổ phần” thôi mà, không thể quá lạm dụng lòng tốt của ông chủ mạng nổi tiếng là bao dung này được. Vậy nên, tôi xin phép công bố tại đây Phần 1 trong nội dung thư gửi tới anh - Phần trực tiếp liên quan tới cuộc tranh luận văn chương mà anh và tôi cùng quan tâm. Do không biết địa chỉ email, tôi không thể chuyển toàn bộ thư phúc đáp thẳng tới anh được. Cảm phiền anh cùng những độc giả quan tâm ghé thăm trang nhà của tôi theo tên miền  pqtrung.com, hoặc tên Phạm Quang Trung ngay cửa Liên kết của trannhuong.com, tới mục Vấn đề hôm nay vào cuối ngày mai (27/02) để có thể đọc toàn bộ bức thư này.
  Trước hết, xin được thành thật cảm ơn anh về sự quan tâm tới nội dung bài trả lời nhà thơ Trần Mạnh Hảo của tôi. Mong anh chớ nghĩ đó là câu nói cửa miệng cho đúng phép xã giao, mặc dầu, trong hoàn cảnh tương tự, người đời vẫn thường có thói quen ứng xử như vậy, nhằm bộc lộ chất văn hóa tối thiểu của con người mà không e sợ gì tới sự bẻ bai này nọ cả. Tôi cảm ơn anh vì một lý do phải được xem là chính đáng, ít nhiều liên quan tới câu chuyện giữa chúng ta. Chẳng là, như anh biết đấy, xã hội Việt Nam ta đang trong giai đoạn chuyển mình đầy nhức nhối vì quá ư phức tạp. Cái được là nhiều mà cái giá phải trả không phải là ít và trầm trọng. Đáng nói hơn cả là nhiều người dường như chỉ biết lao vào thỏa mãn những nhu cầu vật chất lớn nhỏ, bằng mọi cách và bằng mọi giá. Đến nỗi, bao giá trị đạo đức tinh thần tốt đẹp được cha ông ta ngàn đời nay trân trọng giữ gìn và đề cao gần như bị họ xem thường, hạ thấp đến mức nhiều trí thức chân chính nặng lòng với đất nước đã phải không ít lần khẩn thiết rung chuông báo động. Trong tình cảnh vui ít buồn nhiều ấy mà vẫn còn những người khiêm tốn tự nhận có “trình độ phổ thông về nghệ thuật” như anh đã đến với văn chương, lại thẳng thắn cùng trao đổi bao vấn đề hệ trọng về văn chương - học thuật tưởng như cao diệu mà thực chất là thiết thực như vậy thì sao không đáng quý trọng cho được. Hơn thế, với tôi, đó còn là một bằng chứng thông thường mà hùng hồn nhất chứng tỏ ngọn lửa của nhân tính không ngừng âm thầm tỏa sáng, góp phần đẩy lùi bóng tối của mọi sự giả tạo, tầm thường, tráo trở và bất lương có nguy cơ ngày một làn tràn trong đời sống tinh thần của chúng ta. Chính điều này, chứ không phải những tư tưởng xã hội hay học thuật cao siêu này khác nảy sinh trong cuộc tranh luận văn chương đang diễn ra đã khiến tôi vững lòng tin vào lương tri của những con người tử tế, luôn biết cách vượt qua mọi trở ngại, cùng với cuộc sống đi về phía trước. Không, tôi không hề có ý nói cho hay đâu! Xin mạo muội trích ra đây một đoạn trong bức thư điện tử tôi vừa nhận được từ một bạn văn thân thiết đến từ Hà Nội để anh có thể phần nào chia sẻ với những dòng tâm sự chân thật vừa rồi của mình: “Đọc bài của bác, em lại thấy buồn da diết. Bạn bè đi đâu hết rồi? Anh em đi đâu hết rồi? Người tốt đi đâu hết rồi? Chả lẽ, thời kinh tế thị trường, người ta mải kiếm ăn nên không để ý đến việc khác? Chả lẽ con người bây giờ lại vô cảm với cái ác, cái nhố nhăng đến mức, cứ để nó mặc sức lộng hành? Nếu quả thật như vậy thì đời sống con người hiện đại đang suy đồi khủng khiếp mất rồi, anh ạ”. Có lẽ, cái nhìn của bạn tôi có phần u ám. Tôi không hoàn toàn nghĩ như thế đâu! Nhưng, cũng phải thấy tâm trạng và nhận xét của một người suốt đời chỉ biết xả thân vì những giá trị văn chương cao đẹp như bạn tôi cũng có ít nhiều cơ sở trong thực tế, phải không anh? Tôi thiển nghĩ, giá có dịp tiếp xúc với bức thư của người tự nhận là một bạn đọc bình thường như anh gửi cho tôi thì có lẽ cõi lòng nặng trĩu của nhà văn kia chắc sẽ nguôi ngoai đi phần nào. Tôi đã tin và mãi tin rằng, những người tốt, những điều tốt ở trên đời không bao giờ hết, cũng như những kẻ ác, điều ác dầu có được ngụy trang bằng vẻ ngoài tinh vi hay óng ả đến mức nào thì sớm muộn gì cũng bị phơi trần ra ánh sáng và bị công luận trừng trị bằng sự khinh bỉ đích đáng. Vâng, đó là lẽ trời và lẽ đời, không thể nào khác được!
Trong thư, anh bảo, khi đến với văn chương mình chỉ mới dừng ở “trình độ phổ thông”. Nếu có đúng như vậy đi chăng nữa thì cũng có sao đâu anh? Xưa nay, không có bất kỳ một chuyên gia văn học am hiểu nào lại xem thường vai trò cảm thụ của những độc giả bình thường cả đâu. Bởi một lẽ giản dị: nhà văn viết ra những tác phẩm giàu tâm huyết hướng đến ai nếu không phải cho chính họ? Xin chỉ nêu ra một dẫn dụ, đó là nhà nghiên cứu văn chương danh tiếng người Pháp G. Lanson (1857 - 1934). Trong Lời nói đầu cuốn Lịch sử văn học Pháp có tên Văn học không phải là đối tượng của nhận thức, ông đã viết những dòng chí lý thế này: “Văn học không phải là đối tượng để nhận thức: đó là sự thực hành, sự thưởng thức. Người ta không thể biết nó, không thể học nó, mà người ta thực hành nó, nuôi dưỡng và yêu mến nó” (Xin xem Phê bình văn học Pháp thế kỷ XX , Viện Văn học, Nxb Văn học, H. 1995, tr.73). Đối tượng gọi là “người ta” mà G. Lanson nói tới ở đây trước hết tuyệt nhiên không phải là các nhà nghiên cứu văn chương nghệ thuật như tôi mà là những độc giả biết hàng ngày nuôi dưỡng và nhân lên tình yêu với văn chương nghệ thuật như anh. Đấy là chưa nói, tôi không bao giờ dám nghĩ anh lại là người “ngoại đạo” cả. Đoạn thư sau của anh nhắc nhở tôi điều đó: “Đúng là, nghệ thuật hư cấu là quyền năng của nhà văn nhằm để xây dựng hình tượng văn học phản ánh một mảng của cuộc sống, của hiện thực lịch sử, nhằm làm cho bản chất của quá trình lịch sử (qua các sự kiện), bản chất của nhân vật... được lộ ra, sáng tỏ hơn trong tư duy của nhiều người mà trước đó nó còn lờ mờ, còn tản mạn”. Phải thừa nhận là so với mặt bằng chung của độc giả hiện giờ, không nhiều người có thể vươn tới tầm nhận thức về đặc thù của văn chương để có điều kiện nhận chân ra những giá trị nghệ thuật đích thực thường ẩn mình dưới những hình thức sáng tạo táo bạo được như anh đâu! Chưa hết, anh còn tỏ ra là một người đọc thông thái vì biết đùa cợt một cách ý nhị nữa kia. Đây là một giả định của anh: “Cứ theo mạch suy nghĩ của Phạm Quang Trung nếu ngày mai Sương nguyệt Minh có viết về một lãnh đạo hiện nay của ta như vậy thì không biết anh sẽ nói gì đây và Hội Nhà văn Việt Nam chắc phải trao nhiều giải nhất nữa!”. Dưới từng con chữ nóng hổi gợi nên nhiều mối liên tưởng thú vị của anh, tôi kịp nhận ra nụ cười tinh tế của một người từng trải với trái tim luôn mẫn cảm với đời.
Tuy nhiên, tôi coi trọng anh không chỉ bởi có vậy. Cái chính là do anh đã chuẩn bị sẵn cho mình một tâm thế tích cực giúp bản thân phần nào tránh xa được nguy cơ biến cuộc tranh luận đúng nghĩa thành sự cãi vã của những người không cùng ngôn ngữ, ở chỗ, anh đã cố gắng để hiểu người đối thoại cùng mình, dầu cũng chỉ ở một mức độ nhất định thôi. Anh viết rằng: “Cho dù, theo cách hiểu của anh (tức Phạm Quang Trung) - tôi nhấn mạnh, “Dị hương” như không hoàn toàn nói đến một Nguyễn Ánh có thực trong lịch sử…”. Vâng, đúng là từ “cách hiểu” như vậy mà tôi đứng ra bênh vực tác phẩm của Sương Nguyệt Minh, chứ hoàn toàn không phải vì truyện ngắn ấy nằm trong tập sách vừa được giải cao nhất của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010. Thú thật với anh, trước nay, mặc dầu rất coi trọng Hội Nhà văn, tôi vẫn không thật sự đánh giá cao các giải thưởng hàng năm của Hội lắm đâu. Tôi nghĩ, trong quy trình và tiêu chuẩn xét giải hình như có sự trục trắc ở một hay vài khâu nào đấy. Bởi vậy, tôi đã bức xúc lên tiếng góp ý trong bài viết mới đây có tên Tôi xin có ý kiến! cũng đã đăng trên mạng trannhuong.com. Cái chủ yếu khiến tôi đứng ra bệnh vực Dị hương là vì bản thân tôi thấy nó hay một cách khác lạ. Chính vì sự khác lạ này trong bút pháp của Sương Nguyệt Minh mà một số người, hình như trong đó có anh, do chưa thật quen nên chưa thật hiểu để rồi chấp nhận nó. Tôi nhớ nhà triết học K. Marx có nói một câu rất thấm thía: muốn thưởng thức được nghệ thuật thì phải am hiểu nghệ thuật. Ở đây có lẽ những người phản bác Dị hương chưa hoàn toàn hiểu kiểu tự sự riêng của Sương Nguyệt Minh chăng? Nói một cách khác, tôi đã từ kinh nghiệm thẩm mỹ của chính tôi để tiếp nhận Dị hương, chứ không hề nghe theo ý kiến phẩm bình của bất cứ ai cả. Quy luật của tiếp nhận văn chương đích thực, theo tôi, luôn là vậy, yếu tố cá nhân bao giờ cũng mang tính quyết định. Chính nhà nghiên cứu người Pháp G. Lanson mà tôi có dịp nhắc tới ở trên cũng xuất phát từ sự mách bảo của bản thân để đưa ra những lời khuyên nhủ thấu lý như vậy. Ông bảo: “Tôi biết có những nhà toán học đi nhà hát hoặc đọc sách để giải trí, văn chương làm họ thích thú; chính họ lại có lý hơn nhiều nhà văn mà tôi cũng biết rất rõ, những nhà văn này không đọc mà mổ xẻ, họ tin rằng chỉ cần chuyển tất cả ấn phẩm họ có thành phích là xong … Chính vì vậy văn học là phương tiện trau dồi nội tâm; đó chính là chức năng đích thực của văn học” (Tài liệu đã dẫn, tr.73). Do vậy, dầu anh đã đọc “Dị hương” thì mong anh cho phép tôi chọn con đường cảm thụ riêng của mình, không thể nghe theo lời khuyên nhủ tôi tin là thành thực trong thư của anh rằng: “Là một trí thức có bằng cấp, tôi nghĩ anh Phạm Quang Trung (xin lỗi, tôi viết đầy đủ họ tên mà không viết tắt như anh) nên hiểu điều này: Trần Mạnh Hảo đã hoàn toàn đúng khi nói về ‘Dị hương’”. Anh Hảo nói là theo ý của anh ấy, theo cách hiểu của anh ấy, không phải là thứ chuẩn mực buộc tôi cũng như người khác phải răm rắp nghe theo. Thêm nữa, anh chưa biết đấy thôi, tôi vốn là kẻ khá “cứng đầu”. Trong sinh hoạt trí thức, một khi tôi đã tin, ai muốn bác bỏ niềm tin của tôi mà chưa đưa ra được đầy đủ những chứng lý thuyết phục chắc chắn thì khó lòng lay chuyển được tôi lắm. Vâng, tôi không dễ ngả nghiêng để rồi dễ ngả lòng nghe theo người khác được.
Bởi vậy, nếu được phép lưu ý anh, thì tôi cũng chỉ xin nêu một điểm thế này: cần hết sức tỉnh táo trong nhận xét, đánh giá về một tác phẩm nghệ thuật, anh Canh ạ. Nhất là chớ nên dễ dàng tin theo sự cảm nhận của người khác trong các cuộc tranh biện văn chương dầu họ là ai, tiếng tăm lẫy lừng đến đâu đi chăng nữa. Vì sao tôi nói vậy? Thưa anh, theo kinh nghiệm của tôi, trong mọi cuộc tranh luận, ngoài đời hay trong văn chương đều thế, cái Tâm của người tham dự bao giờ cũng là yếu tố quan trọng bậc nhất nếu không muốn nói là yếu tố quyết định. Tâm có sáng thì Trí mới sáng; Tâm - Trí sáng thì Con mắt mới sáng. Tâm - Trí – Con mắt có sáng thì thưởng ngoạn, đánh giá văn chương nghệ thuật mới ít khi bị lầm lạc. Còn nếu ngược lại thì chắc chắn chỉ dẫn tới những luẩn quẩn, vòng vo trong thế giới tư biện rối bời mà thôi! Đúng như một mê cung thật sự. Rối tới mức, rõ ràng mình là chủ nhân của nó, thế mà cuối cùng, có kỳ không, nó quay lại ám chính mình, khiến mình hóa thành tù nhân thảm thương của nó. Thế đấy, anh ạ. Ai từng trải qua đều thấy cái lĩnh vực này lạ lắm. Càng trải qua lâu càng thấy lạ, và vì vậy, càng thấy khó. Tôi xin nhắc lại, trong lãnh vực văn chương nghệ thuật, không ai có thể cảm nhận thay ai được đâu. Đáng tiếc là hình như anh và một vài người khác vô tình vi phạm cái lẽ thường hằng ấy trong cảm thụ nghệ thuật. Chẳng hạn, anh đã nương theo sự đánh giá của Trần Mạnh Hảo mà bảo rằng, nhà văn Sương Nguyệt Minh đã dựng lên hình tượng Nguyễn Ánh với “những ái ân, của quan hệ tình dục đời thường (tới mức dung tục, tởm nợm)”, khiến những bạn đọc bình thường như anh “cảm thấy như bị xúc phạm, lòng tự trọng dân tộc bị tổn thương”. Tuyệt nhiên tôi không thể nghe theo Trần Mạnh Hảo như anh để nghĩ vậy được. Đến giờ, tôi có thể dám cả quyết như đinh đóng cột rằng: anh Hảo đã hoàn toàn không hiểu hoặc hiểu không đúng tác giả “Dị hương”.
Chỉ xin nêu và phân tích một dẫn dụ điển hình này thôi. Trong bài “Dị hương”: Sao lại bịa chuyện bôi xấu vua Gia Long đến thế?, Trần Mạnh Hảo chỉ trích nhà văn Sương Nguyệt Minh như thế này: “Xin quý độc giả xem vài đoạn trích trong “Dị hương” mà Sương Nguyệt Minh đã phịa ra để bôi bẩn vị Hoàng đế đã có công thống nhất đất nước. Một Nguyến Ánh tàn bạo vô song, máu lạnh, giết người như ngóe, hở ra là chém, giết, say máu hơn cọp beo:“Ánh đưa một đường gươm. Chớp lóe sáng lên phạt ngang cổ thôn nữ. Máu đỏ phun lên như mạch nước ngầm hở miệng… Ánh lên đến đỉnh Ngọc Trản Sơn thì cũng kịp vung gươm phạt bay năm đầu thị nữ….”. Tôi cho rằng ở đây Trần Mạnh Hảo đã trích dẫn cắt xén, với ý đồ, nói thẳng ra, là xuyên tạc tác phẩm của Sương Nguyệt Minh. Chẳng lẽ Trần Mạnh Hảo không hề biết tới đoạn văn sau của truyện ngắn này:
“Đêm ấy, Ánh hạ lệnh neo thuyền rồng giữa sông Hương, bày trò hát múa. Nửa chừng cuộc vui, Ánh đã xao xuyến, thổn thức nhìn Ngọc Bình âu yếm lắm. Ánh cảm thấy có lỗi với nàng, than thở, ra chiều thương xót bọn cung nữ đã bị mình chém ngang cổ. Mỹ nhân nhìn Ánh, trìu mến cười hiền hậu, thưa:
“Ơn trời! Vương đã không phạt đầu đứa cung nữ nào của thiếp. Của đáng tội, chúng mất mái tóc dài cũng tiếc, nhưng được toàn thân. Chúa công không thấy chúng đang xúm quanh thiếp đấy sao”.
Ánh kinh ngạc lắm, chẳng hiểu mình đã làm gì với đám cung nữ. Dọc đường cầm gươm lên Ngọc Trản Sơn cứ hư thực tựa hồ như trong mơ vậy. Nhìn đám cung nữ xinh đẹp của Ngọc Bình, tóc đứa nào cũng bị phạt thả lòa xòe chấm vai, trông rất ngộ. Ánh cứ luôn miệng lẩm bẩm:
“Chả lẽ… chả lẽ… gươm của ta chưa vấy máu cung nữ”.
Xin anh Canh và bạn đọc lưu ý tới thủ pháp kỳ ảo được Sương Nguyệt Minh chủ động sử dụng khá nhuần nhuyễn trong hai đoạn văn tôi vừa nêu. Đoạn văn thứ nhất mà Trần Mạnh Hảo dẫn ra chỉ là sự giả định - Tôi nhấn mạnh - tình huống, hành động của nhân vật. Còn đoạn văn thứ hai mà Trần Mạnh Hảo không dẫn - Tôi lưu ý - lại có ý nghĩa hé mở, lộ diện tình cảnh thực của nhân vật và câu chuyện. Cả hai đều nằm trong cấu trúc nghệ thuật hư hư thực thực hoàn chỉnh như một sinh thể sống động không chia cắt. Nếu tách chúng ra thì không bao giờ có thể hiểu nổi ý định nghệ thuật sâu xa của cây bút tài hoa đã viết ra nó. Do vậy, có thể dứt khoát khẳng định: trong “Dị hương”, Nguyễn Ánh không hề tàn bạo, hiếu sát như một vài người lầm tưởng. Qua đoạn văn sau thì ta hiểu rõ là ông có giết ai đâu. Nguyễn Ánh chỉ phạt năm mái tóc thôi mà! Từ đó, tôi hoàn toàn có cơ sở để đi tới kết luận không một chút hồ nghi là Trần Mạnh Hảo đã chủ ý cắt xén tác phẩm của nhà văn Sương Nguyệt Minh với ý đồ xuyên tạc khá tinh vi (dưới con mắt của người đọc dễ dãi và hời hợt), nói đúng là khá thô bạo (theo suy xét của những độc giả nghiêm chỉnh và kỹ tính). Bởi vì, tôi không nghĩ trình độ cảm thụ văn chương hiện đại của Trần Mạnh Hảo lại kém cỏi đến nhường ấy!
Qua điều tôi vừa phân tích, có thể dễ dàng nhận thấy mối quan hệ khăng khít giữa Tâm, Trí và Con mắt của người phê bình là như thế nào. Cũng như câu chuyện đầy ấn tượng xảy ra gần đây trong hoạt động truyền thông khi Chính phủ quyết định nâng giá điện bắt từ tháng ba năm 2011 sắp tới. Một cơ quan báo chí trong nước phỏng vấn chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan. Nội dung trả lời của bà Lan có hai điểm cơ bản, rất rành mạch, bổ sung lẫn nhau. Bà bảo, một mặt, việc nâng giá điện trong hoàn cảnh lạm phát tăng nhanh, giá dầu thế giới lên cao, nhằm bình ổn kinh tế vĩ mô là hoàn toàn có thể hiểu được. Nhưng, mặt khác, bà nhấn mạnh, việc đầu tư vào cung ứng nguồn điện, nhất là từ nguồn vốn nước ngoài không hoàn toàn tùy thuộc vào mức giá bán cho người tiêu dùng mà liên quan nhiều hơn tới cơ chế độc quyền của Tổng công ty Điện lực trong nước. Vì vậy, theo bà, cần đồng thời và tập trung tháo gỡ vấn đề then chốt sau nhiều thêm nữa. Tuy nhiên, một tờ báo trong nước, có lạ lùng không, đã chủ động cắt điểm cơ bản sau đi, chỉ nói tới điểm đầu một cách lệch lạc, khiến mọi người hiểu không đầy đủ, mà cũng có thể nói là không đúng, ý của chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam kia. Một lời phát biểu dưới hình thức nghị bàn kinh tế - xã hội còn thế huống hồ ở đây lại là một tác phẩm văn chương. Như vậy có thể thấy xem ra mọi chuyện đã quá rõ ràng! Rất mong anh suy nghĩ lại.
Thư đã quá dài. Tôi tạm dừng ở đây. Xin hẹn anh ở phần sau!

Kính thư!
Phạm Quang Trung