(Nhân đọc CHÉM DỊ HƯƠNG LÀ TRẦN MẠNH HẢO TỰ THIẾN VĂN HÓA ĐỌC đăng trên Trannhuong.com – ngày 21.02.2011)
Tôi đã đọc khá kỹ bài của ông Trần Ngọc Tuấn phản biện lại ông bài phê bình “Dị hương“ của ông Trần Mạnh Hảo. Tôi thấy ông Tuấn cũng khá công phu trong bài viết này. Vì chưa được xem “Dị hương“ nên tôi chưa thể bàn sâu được vào “cuộc trao đổi“ về văn chương của cả hai ông. Nhưng tôi thấy có những trao đổi “ngoài văn chương“ (chữ của ông Tuấn) cũng xuất hiện khá rõ nét trong bài viết của ông Trần Ngọc Tuấn!
Nếu so sánh giữa hai ông thì tôi với ông Tuấn là gần gũi hơn. Tôi đã từng gặp ông Tuấn hàng chục lần ở Đức. Còn ông Hảo thì tôi chưa hề quen và gặp lần nào. Cũng như ông Tuấn tôi cũng sống xa quê (tha hương), cũng quan tâm tới sinh hoạt về văn chương nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung. Nên thấy trên các diễn đàn có “Cuộc trao đổi về Hội thề và Dị hương trên Trannhuong.com“ (cuộc trao đổi mở). Đã khiến tôi rất chú ý. Mục tiêu của tôi để học hỏi cho mình là chính chứ không hề muốn tranh tụng, ăn thua gì mấy vụ... dễ gây ân oán này. Khi lĩnh vực phê bình văn học lại không thuộc sở trường của mình. Nhưng nay thấy người mình có quen biết (đã lâu) là Trần Ngọc Tuấn có hiện tượng trao đổi “ngoài văn chương“ hay tạm gọi là “bỏ bóng đá người“ (chữ của nhà văn Nguyễn Văn Thọ - Tôi đã có lần đọc được trên Trannhuong.com) thì tôi thấy cần phải lên tiếng.
Đó là đoạn như thế này:
“Nhiều người nói với tôi: Trần Mạnh Hảo cao ngạo khi được giới cầm bút ở hải ngoại lăng sê… tôi không tin, khi qua Mỹ được đọc “Ly Thân” của anh. Có người hỏi: ông thấy thế nào? Tôi trả lời: cũng là một cuộc “đấu tố thời cải cách văn chương” theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, nhưng thơ trong đó thì hay
(...)
Vào thời điểm đó, dù chưa một lần diện kiến tôi quý trọng anh biết dường nào. Nhưng sau này tôi thấy “tội nghiệp” cho anh khi “được” (các “chính khách” hải ngoại) tung anh lên tận mây xanh, họ gọi anh: nhà văn “Phản Tỉnh”, tôi cho đó là trò tháu cáy của kẻ thủ dâm chính trị.
Những kẻ hả hê một cách thớ lợ khi đưa tin trên báo: mất mùa bão lụt, nhân dân mình khổ sở, các hiện tượng tiêu cực… nhưng lờ đi cái tích cực ở tổ quốc mình (nó có, dù ít nhưng vẫn có). Những người như vậy không lương thiện, dù họ sống trong môi trường dân chủ. Những người như thế, tung hô anh, vô tình lại làm anh mất giá.
Anh Trần Mạnh Hảo là người yêu tự do dân chủ, (tự do dân chủ ai mà chẳng yêu), nhà thơ cấp tiến. phản tỉnh. Nhưng khi đọc các bài phê phán đồng nghiệp của anh, và gần đây nhất là bài viết về “Dị Hương”, tôi thấy anh không xứng đáng với sự tung hô ngưỡng mộ đó.“ (hết trích)
Nếu tôi không nhầm thì cả tôi và Tuấn là chưa bao giờ đi Mỹ cả. Đơn giản chúng tôi rất nghèo, không ai đài thọ, tiền đâu mà đi ngao du Mỹ quốc?. Tôi gặp ông Tuấn lần đầu tiên là ở Hannover vào lễ Vu Lan năm 1994 (Tuấn đi cùng Trần Kế Hoạch (Yên Phong); Đinh Văn Lý; Đỗ Quyên (Đỗ Ngọc); Nguyễn Thế Việt; Hồ Quang Chinh...). Người giới thiệu Tuấn với tôi là anh Dũng già (lúc đó trông coi thư viện cho Chùa Viên Giác). Sau đó tôi còn tới cả “sào huyệt“ của Tuấn lúc đó ở Mainz (lúc đó Đinh Văn Lý là hội trưởng hội người Việt Đông âu ở Mainz). Chúng tôi cũng chạc tuổi như nhau (tôi hơn Tuấn 1 tuổi) nên cũng dễ gần. Tuấn say mê thơ (văn chương), tới đâu Tuấn cũng cổ xuý cho văn chương chữ nghiã. Dạo đó Tuấn sang sống hẳn ở Đức để khuấy động phong trào làm báo. Gặp ai Tuấn cũng mời chào tham gia Ban Biên tập (BBT) các báo Tuấn đang làm với một câu rất ấn tượng “muốn được công nhận tỵ nạn... bạn phải tham gia viết báo... có viết báo thì mới có bằng chứng để bổ xung hồ sơ xin tỵ nạn (HSTN) chính trị ...“ (Thời điểm đó có điều luật §.82 tương tự như điều §.88 bây giờ) nên Tuấn dùng ngay cái Pass tỵ nạn chính trị ở Szech (Tiệp) của Tuấn (từ thời Tuấn làm tờ “Điểm Tin Báo Chí“ ở Tiệp) để chứng minh cho các đối tượng mà Tuấn chào mời ... khiến nhiều người cũng rất tin. Bất cứ ai dù có viết bài được hay không, nếu có tên trong Ban Biên tập (BBT) đều phải đóng tiền để “nuôi“ báo. Những ai muốn có bài (dù không biết viết) thì Tuấn sẵn sàng viết hộ (bồi dưỡng tuỳ tâm chứ Tuấn cũng không đòi) và ghi tên (và kèm cả ảnh) của người đó... để lấy bằng chứng nộp bổ sung cho HSTN.
Kết qủa việc làm này trên thực tế thì giai đoạn đầu cũng có người được công nhận theo điều §.51 (Pass Đức màu xanh, hai sọc đen - Tạm dung vì lý do chính trị) nên dịch vụ “báo chí Đông âu“ dạo đó cũng khá “ăn khách“. Sau này Trung tâm xét duyệt tỵ nạn (Zindorf) và các toà án hành chính ở các tiểu bang của Đức cũng biết được trò “tháu cáy“ của người Việt xin TNCT “dỏm“ nên nhiều người theo đuổi “nuôi“ báo Đông âu khá lâu, khá tốn kém mà vẫn bị bác đơn thậm chí trục xuất... nên chỉ sau dăm ba năm gặt hái... các tờ “lá cải“ như thế đã dần dần tự tiêu vong. Hình ảnh ấn tượng nhất mà tôi không phai mờ về Tuấn là một chàng trung niên chưa vợ (Tuấn danh xưng nhà thơ mà vụng tán gái lắm cơ nên bị muộn vợ chăng?). Tuấn luôn ăn vận trung thân với cái áo Bludông màu xám, khăn len sọc xám quấn mấy vòng liền quanh cổ, chân đi giầy thể thao da nâu, nước da xám, hai mắt to như choán gần hết khuôn mặt vuông, xương với cặp môi thâm đen (vì Tuấn nghiện thuốc lá rất nặng) trông khá lam lũ. Nhưng Tuấn lại là con người rất hiền lành, dung dị và không cầu kỳ trong giao tiếp với mọi người. Cái vụ “đi Mỹ“ của Tuấn có lẽ chưa chính xác. Mà Tuấn có gặp một số “chính khách“ người Việt ở Mỹ sang Đức “gây dựng phong trào“ thì đúng hơn. Những người Tuấn Hâm mộ về văn chương và tư tưởng là Bùi Minh Quốc, Hà Sỹ Phu, Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Trần Mạnh Hảo; Phạm Thị Hoài... Những nhà văn trí thức “phản tỉnh“ (như Tuấn đã dẫn).
Sở dĩ tôi phải dài dòng văn tự như thế để thấy rằng việc trao đổi luận bàn về học thuật, về văn chương thì nên tránh tình trạng “bỏ bóng đá người“. Vì dù trọng tài có thiên vị hay không nhìn thấy thì còn bao khán giả (độc giả) còn chứng kiến nữa. Đọc được những dòng Trần Ngọc Tuấn đã dùng như thượng dẫn với các “chính khách“ người Việt (mà Tuấn đã gặp ở Đức) đến từ Hoa Kỳ và cả Trần Mạnh Hảo là tôi không sao hiểu nổi. Vì như thế là tiền hậu bất nhất.
Tôi biết nhân thân của Tuấn là rất tuyệt vời (bố mẹ Tuấn người Quảng Ngãi tập kết ra Bắc và Tuấn ra đời cũng trong dịp đó-1955). Nhưng Tuấn đã từ bỏ truyền thống đỏ rực của gia đình mà nộp đơn xin TNCT ở Szech (tức là phải có lý do chính đáng quay lưng lại với chế độ trong nước thì mới được Tiệp công nhận TNCT ). Vậy Tuấn có lý gì lại đi chê bơi một người như Trần Mạnh Hảo? Nếu không tin cứ hỏi cụ cựu đại tá Bùi Tín ở Pháp (người biết khá rõ về Tuấn) xem Tuấn có sánh được với TMH không mà chê bơi?
Viết những dòng này tôi không hề có ý định “dìm hàng“ với bất kỳ ai. Đặc biệt với Tuấn vì tôi và Tuấn cho tới lúc này cũng không hề có mẫu thuẫn gì. Nhưng sự thật thì ta không nên né tránh. Nếu ai không tin cứ hỏi nhà thơ Đỗ Ngọc (bút danh Đỗ Quyên hiện đang sống ở Canada) hay về thành phố Mainz (Đức) hỏi Đinh Văn Lý xem những điều “ôn cố tri tân“ trên có đúng hay không. “Sông có khúc người có lúc“ chả ai không có lỗi lầm, sai quấy. Tôi cũng vậy dù không tham gia vào cái BBT của bất kỳ tờ báo nào của Đông Âu hay hải ngoại, nhưng tôi cũng từng xin TN như Tuấn. Cũng như biết bao cán bộ chiến sỹ QĐND và CAND hay con em cán bộ cao cấp của đảng và nhà nước ta đi sang Đông âu học tập và lao động... khi bức tường Berlin vỡ... chạy sang Tây Đức.... muốn được định cư lâu dài... đành phải làm đơn xin TNCT... để được ở lại... để lao động kiếm tiền gửi về giúp đỡ gia đình và xây dựng quê hương! Đảng và nhà nước cũng chả ghét bỏ hay cố chấp gì... khi số tiền hàng năm do Việt Kiều gửi về tới gần chục tỷ USD. Nhưng bốc phét như Tuấn (với những bà con thuyền nhân) khi ở sang Đức làm báo Đông âu rằng, Tuấn là con trai của thượng tướng Trần Văn Trà nổi tiếng thì thật không nên (những người mà Tuấn khoe vẫn còn sống ở Đức). Cũng như đã cầm bút thì nghĩ gì viết nấy một cách sạch và ngay thẳng chứ không viết hộ viết thuê (dù cũng có lúc là giúp không nhận tiền thù lao) như Tuấn thì thật chả hay ho gì. Cùng sống ở Đức, tôi biết nhà văn Nguyễn Văn Thọ không hề xin TNCT. Ông Thọ hàng chục năm dòng đứng bán quần áo dưới trời tuyết mưa giá lạnh kiếm tiền nuôi thân, mua đất và xây nhà khang trang ở HN. Đêm về cơm nước xong ngủ vài tiếng cho lại sức rồi nửa đêm lén thức dậy viết văn. Mấy chục truyện ngắn đã ra đời trong thời gian lao động miệt mài như thế! Thiết nghĩ đó cũng là tấm gương cho những ai yêu văn chương chữ nghiã suy ngẫm. (Xem bộ phim “Thời đẹp nhất“ đã phát trên VTV của Chu Hoà và Nguyễn Như Vũ). Hoặc gần đây thấy bác Trần Nhương khoe “ ... vẽ mỏi cỡ hàng trăm bức chân dung ký hoạ“ cho độc giả chỉ trong một ngày Nguyên Tiêu ở Văn Miếu hôm rằm tháng Giêng vừa rồi (chắc hôm đó bác vớ bẫm... nên mới khoe “nhạy cảm lắm“ như thế chứ, he he). Qua đó tôi thấy kính phục những lao động của những người cầm bút chân chính hết lòng vì độc giả như các bác.
Lời cuối, cũng như suy nghĩ của nhà văn Phạm Viết Đào, tôi sẽ tìm đọc cả hai cuốn “Hội Thề“ (của Nguyễn Quang Thân) và “Dị hương“ của Sương Nguyệt Minh! Tới lúc đó mới dám đưa ra những cảm nghĩ cá nhân của mình để trao đổi với cả hai ông Trần Mạnh hảo và Trần Ngọc Tuấn được.
Điều mong mỏi của tôi là các nhà văn, nhà thơ xứ mình luôn giữ ngòi bút cho thẳng thướm như “Lời mẹ dặn“ mà nhà thơ Phùng Quán đã bày tỏ cách đây hơn nửa thế kỷ. Mong lắm thay!
CHLB Đức, ngày 23.02.2011
Gia Văn