Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CON NGƯỜI CẦN SÁNG SUỐT ! MINH TÍN HAY MÊ TÍN ?

Bùi Công Tự
Thứ tư ngày 23 tháng 2 năm 2011 9:52 PM

Mấy ngày qua báo chí đã đăng nhiều tin bài và hình ảnh miêu tả sự lộn xộn với những tệ lậu diễn ra tại các lễ hội. Giới trí thức đã lên tiếng kêu gọi “Nhà nước cần có thái độ và hành động kịp thời trước khi tình hình trở nên không thể cứu vãn” (SGTT VN). Bản thân tôi không có điều kiện đi tới các nơi lễ hội nhưng cũng có nhiều suy nghĩ.
Thôi khỏi bàn chuyện người đi du xuân, đi xem cho vui. Ta bàn đôi điều thuộc về tâm linh con người.
Trong rất nhiều cái quyền của con người, có quyền tin hay không tin. Niềm tin của mỗi con người, mỗi tộc người cũng rất khác nhau. Có người tin Chúa Giesu, có người tin Thánh Ala, có người hướng về Đức Phật (niệm Phật). Cũng có người tin nơi bà thầy bói hay ông thầy mo, hay một nhà ngoại cảm nào đó. Miễn sao mọi người đừng xúc phạm niềm tin của nhau là được rồi.
Làng quê tôi tương truyền có xác một cô gái trôi sông. Ông thuyền chài đưa cái xác đó lên bờ. Trong khi ông đi tìm manh chiếu thì chỉ chốc lát mối đã xông một đống đất to như một nấm mồ cho người xấu số. Thế là tại nơi đó mọc lên “Miếu Cô” rất linh thiêng. Các cô gái trong vùng ai đến khấn vái ra về đều lấy được tấm chồng danh giá. Nhà tôi ở gần cái miếu đó nên chị gái tôi cũng lấy được ông chồng làm chân chạy thư cho ủy ban xã, hằng ngày ra vào cửa quan.
Có thể bạn hỏi tôi: “Niềm tin của anh như thế nào ?” Xin thưa trong một bài thơ tôi đã viết:
Tôi – Con người thế tục
Đức tin không nhiều
Tôi chỉ tin những người tôi yêu
Và những người
Tôi linh cảm họ là người tử tế.
Trước khi nghỉ hưu tôi làm việc trong ngành địa chất, chủ biên vài phương án, báo cáo tìm kiếm thăm dò mỏ. Để tìm ra mỏ chúng tôi phải căn cứ vào các tiên đề, dấu hiệu địa chất. Phải đi lộ trình, đo vẽ, khoan khoáy, khai đào, lấy mẫu phân tích thí nghiệm. Tuyệt nhiên không có chuyện cầu trời khấn đất như các vị khởi công xây dựng ngày nay. Tất nhiên công việc cũng đòi hỏi chúng tôi phải có đầu óc phán đoán, tưởng tượng để định hướng. Ví dụ dự đoán vỉa quặng chạy theo phương nào mà cắm lỗ khoan cho chính xác. Mấy chục năm hành nghề như thế, nó làm cho tôi trở thành một người chỉ biết tin vào những gì được chứng minh xác đáng bằng lý luận hoặc bằng thực tiễn. Tôi nghi ngờ những điều mà trong nhận thức tôi cho là vô lí, hoang tưởng, mù mờ.
Vâng, thưa bạn, tôi làm sao tin được là cái người tầm thường như tôi lại có thể ứng với một ngôi sao trên trời. Rồi mỗi năm lại được chiếu bởi ngôi sao khác nhau. Gặp ngôi sao lành thì dâng lễ tạ ơn. Gặp ngôi sao dữ thì phải mời thầy cúng giải hạn. Tôi không thể tin chỉ căn cứ vào ngày giờ chui ra từ bụng mẹ mà phán được cả cuộc đời một con người. Tôi cũng không thể tin được sự may rủi lại phụ thuộc vào đồng xu xấp ngửa hay một con bài tú lơ khơ mà tôi rút ngẫu nhiên trong tay bà thầy bói. Tôi cũng không thể tin được khi người con đốt đi cái xe Mer bằng giấy hồ thì người cha ở dưới suối vàng có ngay cái xe Mer bằng thật để vi vu lên thiên đàng. Tương tự tôi cũng không thể tin ai đó có trong tay mảnh vải vàng in dấu triện đỏ xin được ở đền đức thánh Trần thì bản thân họ hay con cháu họ sẽ được phát quan. Nếu sự thành công của đời người dễ dàng thế thì khổ công học hành phấn đấu là dại quá ư ?
Thưa bạn, đức tin của tôi như thế đó. Nếu thích bạn cứ gọi tôi là kẻ vô thần đáng khinh bỉ. Có thể thân xác tôi, trí tuệ tôi, tâm hồn tôi tầm thường quá, không thể tiếp cận cõi linh thiêng thần bí. Nhưng tôi không coi tôi là kẻ vô thần. Tôi theo đạo thờ cúng tổ tiên, tổ tiên dân tộc và tổ tiên dòng tộc. Lòng tôi thành kính biết bao khi thắp nén hương, dâng mâm ngũ quả lên bàn thờ gia tiên, tưởng nhớ những bậc sinh thành. Tôi cũng hay đến thăm các chùa, nhưng không vào dịp lễ hội, chắp tay lễ phật và sau đó tìm gặp các nhà sư đàm đạo. Lòng tôi hướng về những khát vọng chân thiện của tôn giáo này. Đôi khi tôi cũng vào thăm các nhà thờ đạo Thiên Chúa. Lòng rung động khi tiếng nhạc bài thánh ca vang lên. Hình ảnh Chúa và Đức Mẹ thật đẹp. Và không biết từ bao giờ tôi đã thuộc lòng mười điều răn của chúa, trong đó có những điều như “không lấy của người, không ham muốn vợ người”. Tôi cũng thích câu ăn năn “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi bề”.
Như vậy tôi tự nhận mình cũng là phật tử và là bạn của các con chiên. Tôi biết rằng mỗi tôn giáo là một học thuyết, rất cao cả. Mọi người đến với tôn giáo bằng tấm lòng thành. Nhưng tôi cũng nhận ra rằng trên con đường đến với các đấng chí tôn, không phải kẻ tu hành nào cũng đắc đạo. Cũng có nhiều nhà tu hành lầm lạc, họ thực thi những điều mê tín, chạy theo quyền lực, danh vọng tiềm tang hoặc làm chính trị. Trong nhân dân ta cũng có nhưng người buôn thần bán thánh, lợi dụng tôn giáo để lừa gạt, thỏa mãn dục vọng tầm thường của họ. Có điều đáng buồn là rất nhiều người không phân biệt được chính hay tà, bị lừa gạt mà không hay.
Thưa bạn đọc, trước mặt tôi đây, trên màn hình máy tính là những tấm hình chụp tại nơi phát ấn đền Trần (Nam Định). Tôi nhìn các khuôn mặt méo mó trong ảnh, phần nhiều còn trẻ tuổi mà thốt lên: “Trời, sao khốn khổ thế !”. Họ đến chốn này bởi có lòng tin. Với người này là minh tín, với người kia là mê tín. Bởi trình độ nhận thức của con người là khác biệt. Vì vậy, theo thôi nghĩ, xã hội rất cần có định hướng cộng đồng, giúp cho mỗi cá nhân xác định được là nên gửi gắm niềm tin, niềm ước vọng vào nơi đâu ? Vai trò của nhà nước, của giới trí thức và đặc biệt là của các nhà tu hành chân chính quyết định cho việc định hướng tín ngưỡng này.
Một điều tôi muốn nói them là chúng ta cần phân biệt rõ những hoạt động tôn giáo có tính tâm linh với những hoạt động nghiên cứu về tôn giáo, về tâm linh của giới khoa học, lịch sử và văn hóa.
Chúng ta có niềm tin, niềm tin cần thiết lắm cho cuộc đời. Nhưng phải là minh tín chứ không là mê tín. Con người hãy tỉnh táo!
TP Hồ Chí Minh, ngày 22/02/2011.