Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VIẾT SAI BÀI THƠ NGUYÊN TIÊU CỦA BÁC TRÊN TẠP CHÍ VĂN NHÂN

Phạm Ngọc Khảnh
Thứ sáu ngày 25 tháng 2 năm 2011 6:37 PM
 
     Đọc bài Ý nghĩa của ngày rằm tháng Giêng hay tết Nguyên Tiêu của Đỗ Đình Thọ trên tạp chí Văn Nhân số Xuân Tân Mão 2011 - Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định:
     Phần nói về bài thơ Nguyên tiêu của Bác: Chúng ta đều biết đêm Rằm tháng Giêng năm Đinh Hợi (1947) Bác Hồ và các vị lãnh đạo Trung ương Đảng hội họp bàn kế hoạch kháng chiến chống Pháp trên một chiếc thuyền ở thượng nguồn chiến khu Việt Bắc. Hội họp xong thuyền của Bác Hồ ra về trong đêm Rằm, trăng tỏa sáng. Bác đã làm bài thơ Nguyên tiêu bằng chữ Hán để kỷ niệm cuộc họp lịch sử đó.
    ... Toàn văn như sau:
     Xuân dạ Nguyên tiêu nguyệt chính viên
     Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên
     Âm ba, thâm sứ đàm quân sự
     Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền 
     Thực ra bài thơ Nguyên Tiêu của Bác viết vào Tết Nguyên Tiêu - Rằm tháng Giêng năm Mậu Tý (1948) trên dòng sông Phó Đáy, tỉnh Tuyên Quang nơi có những di tích lịch sử Tân Trào, lán Nà Lừa Bác ở, chứ không phải chung chung chiến khu Việt Bắc năm Đinh Hợi 1947.
     Để tiện bàn luận xin trích dẫn bài thơ của Bác:
     Phiên âm:
     Kim dạ Nguyên Tiêu nguyệt chính viên
     Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên
     Yên ba thâm xứ đàm quân sự
     Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.
     Dịch nghĩa:
     Đêm nay, Rằm tháng Giêng, trăng vừa tròn
     Sông xuân, nước xuân liền với trời xuân
     Sâu trong khói sóng, bàn việc quân
     Nửa đêm trở về ánh trăng đầy thuyền.
     Ở đây trong bài thơ Đỗ Đình Thọ đã viết sai ba từ:
     Xuân dạ - Nguyên bản là Kim dạ. Kim dạ mới có nghĩa là đêm nay; còn xuân dạ chỉ là đêm xuân.
     Âm ba - Nguyên bản là Yên ba, yên là khói, ba là sóng - khói sóng. Còn chữ âm ba là âm thanh phát ra làm rung động không khí như làn sóng nước. Một đằng là hình tượng, một đằng là âm thanh, khác nhau một trời một vực.
     Thâm sứ - Nguyên bản là thâm xứ. Cặp từ thâm sứ thì chẳng biết dịch thế nào, vì sứ có nghĩa chỉ người đi sứ - sứ giả, sứ đoàn, sứ bộ, sứ quân... mà đem ghép với thâm (sâu) thì chẳng ăn nhập gì.
      Ba từ sai lầm dẫn trên đã làm méo mó, dị dạng, sai lạc bài thơ, hồn thơ của lãnh tụ, không thể xem thường được.
      Trước nhất Tạp chí Văn Nhân phải có ngay lời xin lỗi độc giả cả nước và nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc làm sai trái này.