Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KÍNH NHỜ NHÀ THƠ TRẦN MẠNH HẢO GIẢNG GIẢI GIÚP

Bùi Công Tự
Chủ nhật ngày 27 tháng 2 năm 2011 9:24 AM
 
Đọc Trannhuong.com, tôi thấy các ông Phạm Quang Trung và Trần Mạnh Hảo là những người những người rất hay chữ.
Ví dụ khi ông Pham viết đại ý câu "chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân" là của Nguyễn Trãi. Thì chỉ ít giờ sau, ông Trần phản bác lại, chỉ rõ rằng cái ý ấy là ở trong câu "Dân như nước, đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân" của một triết gia Trung Quốc ngày Tuân Tử. Ông còn chua rõ Tuân Tử sinh năm 313 và mất năm 235 trước Tây lịch.
Tôi thì thấy trong cái lịch sử tù mù của loài người, nhất là những việc xảy ra cách nay vài nghìn năm, khó mà biết chính xác. Cho nên tôi gộp tất cả những lời hay ý đẹp từ xa xưa ấy cho một tác giả chung có tên là Nhân Loại.
Mà chẳng phải xa xôi gì, mới mấy chục năm trước thôi, trong một bài báo Bác Hồ viết câu:
Dễ trăm lần không dân cũng chịu
Khó vạn lần dân liệu cũng xong
Câu thơ ấy trong bài báo của Bác Hồ thì tất nhiên ai cũng bảo của Bác. Nhưng ít năm sau có người đưa ra bằng chứng rằng đó chính là thơ của nhà thơ "ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân" Thanh Tịnh, viết từ hồi kháng chiến chống Pháp. Thật ra Thanh Tịnh biết Bác Hồ dùng thơ của mình, ông âm thầm tự hào rằng ý mình giống như ý Bác. Người ta nhầm thơ Thanh Tịnh là thơ của Bác Hồ thì Thanh Tịnh càng vinh dự chứ sao ?
Vậy thì câu thơ:
Dễ trăm lần không dân cũng chịu
Khó vạn lần dân liệu cũng xong
Ai bảo của Bác Hồ cũng đúng, vì ở trong bài báo của Bác Hồ. Mà ai bảo của Thanh Tịnh cũng đúng vì đã đăng ở.....năm ...... và chính Thanh Tịnh cũng xác nhận.
Cho nên cuộc sống cần minh bạch còn văn chương nếu không minh bạch chút ít cũng chẳng sao. Có điều phải công nhận các ông Trần Mạnh Hảo và Phạm Quang Trung là người hay chữ. Vì các ông là người hay chữ nên tôi nảy ra ý tưởng từ nay có câu chữ gì khó hiểu thì mang nhờ hai ông giảng giải.
Số là tôi hay bị bà xã càm ràm: "hứa hươu hứa vượn". Đọc báo lại thấy có người đề xuất đánh thuế thật nặng những người "hứa hươu hứa vượn". Chả hiểu câu này ý tại ngôn ngoại thế nào mà ghê thế ? Xin kính nhờ ông Trần Mạnh Hảo - người giỏi tiếng Việt - giảng giải giúp. Lần sau có câu tiếng Hán từ thời Chiến Quốc sẽ xin nhờ ông Phạm Quang Trung giảng giải.
Trân trọng cám ơn.
TP Hồ Chí Minh, ngày 26/02/2011