Ngủ đi anh, giấc ngủ hiền
Tay em năm ngón gãy miền phù vân
Ngủ đi anh, giấc trong ngần
Mặc trăng sao cứ xoay vần đêm thâu
Rưng rưng em hát lời ru
Thu mưa, gói gió, buộc sầu cho anh!
À ơi! Anh ngủ nha anh…
Tóc buông chạm tóc trắng xanh trộn đời
Bao nhiêu là kiếp luân hồi
Chỉ xin có được một đời của nhau
Ngủ ngoan, đừng nhớ niềm đau!
Bên anh nâng giấc ngọt ngào tình ru…
Lâm Thị Thanh Trúc
Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm
Châu Thành – An Giang
Người Việt từ khi còn trong bụng mẹ đã quen thuộc với những lời ru của bà, của mẹ… Những lời ru thấm đượm tình người, thấm nhuần đạo sống, chuyên chở bao mơ ước về một ngày mai tươi sáng của một mầm sống nhỏ, của những đối tượng được ru. Đối tượng được ru không chỉ có riêng đứa con thơ, mà còn có thể cả người chồng, người em… Những lời ru ấy không chỉ dừng lại ở việc dạy con mà rộng hơn nó còn đề cập tới cả việc dạy chồng, dạy đời… cách khuyên giải của người phụ nữ vừa khiêm nhường, vừa sâu sắc nhưng cũng rất mực kín kẽ và tế nhị…
Nhưng đây là ru tình. Ngay từ câu lục đầu bài thơ đã ẩn chứa một nỗi niềm với đối tượng được ru là: “Anh” với mong muốn “Anh” sẽ có một “Giấc ngủ hiền”. Ở đây tác giả ru “Anh” vào “giấc ngủ hiền”. Người đọc không khỏi ngẫm nghĩ: tại sao lại là “giấc ngủ hiền”, trong khi “hiền” đối lập với “ác”. Phải chăng đây là những cái ác nghiệt của sóng gió cuộc đời? Để đến mức người ru phải bền bỉ đến mức: “Tay em năm ngón gãy miền phù vân”. Ôi chao, giữa cuộc đời mây bay gió thổi vẫn còn mãi một sự nhẫn nại hy sinh vô bờ bến. Đến câu bát, “lời ru” được hé mở hơn với mong ước Anh sẽ có một: “giấc trong ngần”, mặc cho con tạo xoay vần điên đảo.
Người ru ấy đâu hẳn đã có hạnh phúc đong đầy đôi tay, bởi cậy chị ru Anh trong nỗi xúc động, nỗi xót xa phải kìm nén bằng tất cả nghị lực và tình yêu thương mà vẫn “rưng rưng” với mong muốn: “Thu mưa, gói gió, buộc sầu cho anh!”. Câu thơ mới đọc tưởng như có gì khiên cưỡng bởi sự phá cách, nhưng khi đã đồng cảm mới thấy sự phá cách kia lại như một điểm nhấn, tỏa sáng một tấm lòng vị tha, nhân ái, chịu đựng và hy sinh vô bờ bến. Cái cách thay đổi tiết tấu mang lại một giá trị thẩm mỹ cho lời ru. Người ru tình hội tụ và tỏa sáng những nét đẹp, cáo quí và tinh tế của những người mẹ Việt Nam tự bao đời.
Đến câu: “Tóc buông chạm tóc trắng xanh trộn đời”, người đọc cảm nhận người ru và đối tượng được ru kia có một khoảng cách nhất định về tuổi tác nhưng không có khoảng cách về tâm hồn, bởi người ru tình dẫu còn trẻ cũng đã phải trải bao đớn đau vò xé tâm hồn. Hình tượng thơ “Tóc buông chạm tóc trắng xanh trộn đời” không chỉ nói lên điều đó mà nâng lời ru lên một vị thế mới, đó là sự đồng điệu tuyệt vời. Người ru ru bằng sự trải nghiệm, chắt từ trong bể khổ đa đoan mình từng nếm trải những khao khát rất thật, rất phụ nữ, chị gửi lòng mình trong lời ru: “Bao nhiêu là kiếp luân hồi”, “Chỉ xin có được một đời của nhau”. Câu thơ không chỉ là ước mong của riêng chị nữa, mà là ước vọng của bao đôi trai gái, ước vọng của muôn đời.
Nếu như đầu bài thơ người ru, ru Anh vào “giấc ngủ hiền” thì cuối bài thơ, với: “Ngủ ngoan, đừng nhớ niềm đau!”, ta càng thấu hiểu và cảm thông cho lời ru tình trong đớn đau đã trải vẫn ngời lên một khát vọng một tình yêu chân chính. Có lẽ thế mà không ai nỡ hỏi: Anh – người có được tình yêu trong sáng và cao quí kia là ai, bởi có người đàn ông chân chính nào không ước một ngôi nhà bình yên, nơi có người bạn đời thủy chung, nhân hậu, luôn: “Bên anh nâng giấc ngọt ngào tình ru…”. Và ai đó dù một lần thôi có được một: “giấc ngủ hiền”, một: “giấc trong ngần” như thế thì đã hạnh phúc lắm rồi!
Ngày 22.2.2011
Trần Vân Hạc