Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐOÀN NHÀ VĂN NGA "XÔNG ĐẤT" HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM

Phương Nguyên
Thứ năm ngày 24 tháng 2 năm 2011 9:07 AM

         Không khí hoạt động Ngày Thơ Nguyên tiêu lần thứ IX chưa hết  dư âm thì sáng ngày 22 tháng Hai-2011, trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam lại mở rộng cửa đón đoàn nhà văn Nga sang thăm và làm việc, thực hiện chương trình giao lưu, dịch thuật văn học giữa hai nước. Trưởng đoàn là nhà thơ Vadim Fedorovic Terekhin, thứ trưởng Bộ Văn hoá Liên bang Nga, cùng đi có nhà văn Bawukin Oleg Mtrofanovic, trưởng Ban đối ngoại Hội nhà văn Nga và nhà văn Buktop Alexevic Linnic Tổng biên tập báo Ngôn từ.

Về phía chủ nhà, ông Lê Xuân Tùng nguyên ủy viên Bộ chính trị, bí thư Thành ủy Hà Nội, từng là lưu học sinh  Liên Xô cũ dự tiếp đoàn   nhà văn Nga cùng chủ tịch Hội nhà văn Hữu Thỉnh và các nhà văn nhà thơ, dịch giả văn học…

          Nhà thơ Hữu Thỉnh nhiệt liệt chào mừng các nhà văn Nga, những đồng chí và hiện là những người bạn thân thiết nhất của các nhà văn Việt Nam. “Hôm nay các bạn sẽ thấy được những tình cảm tốt đẹp nhất, và lòng tri ân dành cho nước Nga…” 

          Nhà thơ Vadim Fedorovic trưởng đoàn khai mở, theo ông, lịch sử mọi dân tộc đều bắt đầu từ ngôn ngữ, nước Nga, bằng nền văn học của mình đã nói với thế giới về nước Nga với những Puskin, L.Tônxtôi, Đôxtôiepxky…Thế hệ đi sau chúng tôi cố gắng truyền lại cho bạn đọc thế giới những tài năng đó.Văn học Nga sẽ là sợi dây nối quan hệ chúng ta. Những tư tưởng vĩ đại trong văn học, ngôn ngữ sắc hơn cả gươm, có thể nâng cấp nhân phẩm, cũng có khi hạ thấp phẩm giá con người… Tôi muốn nhắc lại lời kêu gọi: Các nhà văn thế giới hãy liên kết lại!   Cuộc chiến đấu của các bạn, nhân dân Nga cũng rất tự hào có một dân tộc Việt Nam như thế!              

          Tổng biên tập báo Ngôn từ B.A.Linnic phát biểu chân thành: Sau 18 năm tôi lại sang Việt Nam, Việt Nam có sức hấp dẫn khiến từ lâu tôi đã muốn quay trở lại. Văn học Nga thì đang trong tình thế không đơn giản. Tình yêu con người, đất nước, cuộc sống vẫn được phản ánh qua văn học, nhưng 20 năm trở lại đây, văn học còn đi theo một hướng khác, không chỉ tôn vinh trái tim khối óc mà còn tô vẽ cả phần hạ cấp của con người. Chúng tôi có trên 6.000 hội viên Hội nhà văn Nga vẫn giữ được truyền thống nhân văn.

  Nhà thơ Bằng Việt, phó chủ tịch Ủy ban toàn quốc các Hội LHVHNT, chủ tịch Hội đồng thơ Hội nhà văn VN, từng học khoa  luật ở Liên Xô, chân thành tâm sự: “Sức mạnh của nền văn hoá và con người Nga đã giúp tôi sức mạnh để làm được một số việc có tính chất cầu nối cho hai  nền văn học. Nước Nga với nền văn hoá văn học vĩ đại của mình tôi tin sẽ vượt qua những khó khăn của sự hoán chuyển vừa qua, để trở lại là chính nó từng lẫy lừng trong lịch sử văn học nhân loại.  

Nhà văn Bùi Bình Thi: “Không có văn học Xô Viết thì không có tôi. Những năm 60 chúng được dịch rất nhiều. Dù sống trong nghèo khổ, tôi vẫn đọc được hết những tác phẩm dịch của các bạn. Văn học Nga đã tiếp sức cho chúng tôi. Đôxtôiepxki là thần tượng của tôi…Hồi sang Nga tôi mê Ôđetxa. Tôi đã viết xong cuốn tiểu thuyết Ôđetxa-một cuộc tình. Văn của L. Tônxtôi là cả một lục địa!

               Nhà thơ Vân Long ôn lại chuyến đi Nga của nhóm nhà văn Lò Ngân Sủn, Nguyễn Đức Hiền và ông năm 1996, nối lại tình giao hảo sau khi Hội nhà văn Liên bang Xô Viết chia thành mấy Hội, đã gặp nhà văn Bawukin Oleg từ hồi ấy. Ông nói: Về Thơ, sức truyền cảm, truyền sức  sống của các nhà thơ Nga cho nền thơ Việt cũng “ghê gớm” không kém gì ở văn. Những Puskin, Exênhin, Maiakôpxky và nhất là Olga Béc-gôn qua loạt bài nhà thơ Bằng Việt dịch đầu tiên. Có thể nói nếu Xuân Diệu tiêu biểu cho sức lãng mạn trẻ trung thời Thơ Mới thì thế hệ thơ chống Mỹ cũng được Bằng Việt mở đầu bằng giọng thơ trữ tình giầu chất trí tuệ của ông. Thế hệ nào thơ cũng cần chất lãng mạn để bay lên! Cũng bằng chất giọng mới và trẻ này, Bằng Việt cảm thông và chuyển tải được thơ Olga Bécgôn qua những bản dịch làm thế hệ trẻ say mê. Nhà thơ Vân Long xin lỗi các dịch giả có mặt để nói: nếu không có một tâm hồn thơ đồng điệu để Bằng Việt dịch Olga Bécgôn, thơ của nữ thi sĩ này không thể chinh phục được độc giả trẻ yêu thơ ở Việt Nam đến thế! Ông đọc bài thơ Gợi nhớ hồi đến S.Peterbourg để dẫn chứng tác động dây chuyền từ nữ sĩ Nga qua dịch giả Bằng Việt đến ông: Theo sương mù từ vịnh Phần Lan/ Cánh hải âu bay vào thành phố/Một tiếng chim xa gợi nhớ: /”Ngôi sao cháy bùng trên sóng Nhêva” (thơ của Olga Bécgôn)/Thơ của thời trong trẻo đến ngây thơ/ Chép tặng em thiên đường tuổi trẻ/ Lặn lội tháng năm khi tuổi đời vừa xế/ Anh tìm về thành phố của Olga/.Anh đâu còn là anh thuở ấy/ Nước Nga này đâu phải nước Nga xưa!/ Dòng Nhêva trôi, nước không trở lại/ Câu thơ bay rạo rực với sương mờ…

          Nhà thơ Hữu Thỉnh: Đúng là sự sống bắt đầu bằng ngôn ngữ. Tờ báo nổi tiếng ở Nga hiện nay là báo Ngôn từ. Tôi thông báo để các bạn biết: Tiếng Nga đang được tiếp tục giảng dạy, nghiên cứu ở Việt Nam.

          Nhà thơ Terekhin đọc bài thơ ngắn Xin đừng bỏ quên tôi, đại ý: Tôi chỉ là nhà thơ bình thường, nhưng xin nước Nga, đừng có bỏ quên   tôi!  Nhà văn Linnic thông báo tình hình văn học Nga, trong đó có cuốn tiểu thuyết nhà văn Raputin viết trong 10 năm, viết về chuyển biến con người Nga thời hiện tại. Nhà văn Oleg Bawukin cho biết các tác phẩm bị cấm thời Xô Viết nay được in lại tràn lan…

Nhà thơ Đỗ Trung Lai nêu hai câu hỏi: Với những tác phẩm xấu, Hội nhà văn Nga có biện pháp nào ngăn chặn? Có hai Hội nhà văn, hai Hội khác nhau và giống nhau thế nào?

Nhà văn Linnic trả lời: Biện pháp hành chính thì không thể có được! Biện pháp của chúng ta chỉ có thể là viết hay hơn ở phần văn học đích thực. Trong xã hội Nga hiện nay, khó tránh khỏi thứ văn học thấp kém. Ngôn ngữ Nga đang bị…xâm lược! Hội của những nhà văn Nga có xu hướng thân phương Tây nên dễ được tài trợ. Họ được cấp căn hộ rất hiện đại ở Mascơva. Hội nhà văn Nga của chúng tôi thì đề ra hoạt động gì cũng gặp khó khăn do thiếu kinh phí…Oleg Bawukin còn lo rằng: Bây giờ ở Nga còn biết đến các nhà thơ lớn của các nước bạn, nhưng mươi năm nữa e không còn ai nhớ! (nếu công việc không tiến thêm những bước mới)

          Chủ tịch Hội Nhà văn Hũu Thỉnh không hề sa vào bi quan như những ý kiến trên, ông khéo léo kết luận cuộc toạ đàm:

          --Chúng ta đang ở mùa gặt của tình hữu nghị! Tuy chúng ta nghèo nhưng sẽ có nhiều cách thực hiện tốt: Khâu quan trọng ưu tiên hàng đầu là dịch tác phẩm của nhau. Chúng tôi đã thành lập được Trung tâm dịch thuật. Thế giới hiện có hai quyền lực song hành:quyền lực cứng thường ở trong tay các nước giầu: họ thiết lập quyền lực kinh tế, chính trị…quyền lực mềm như ngoại giao, văn hoá, chủ nghĩa nhân văn (ý thức hệ của toàn nhân loại) trong tay ta, chưa bao giờ ta bỏ quên quyền lực này!                         

            Như để yên lòng khách, cuối cuộc họp chị Vũ Minh Nguyệt, một người giỏi và yêu tiếng Nga đã ký tặng cuốn sách mới xuất bản mà chị dịch và cho in        song ngữ 8 nhà thơ Nga, trao tặng các nhà văn Nga và một số bạn văn.   
 

 Bài do PN gửi cho TNc. Ảnh copy từ web HNVVN