TNc: Các cụ dạy Nhận lời thì nói, nhận gói thì mở. Tôi nhận được thư ngỏ của họa sĩ Đinh Quang Tỉnh xin được cho lên trang nhà ngay.
Vừa qua tôi có đọc bức thư ngỏ bác Trần Nhương GỬI ÔNG CHỦ TỊCH THÀNH PHỐ HÀ NỘI trong đó bác có “dâng” yêu cầu: “Sau đại lễ, Hà Nội nên công khai cho dân biết số kinh phí chi cho đại lễ là bao nhiêu? Đây là tiền của dân, dân phải biết. Hà Nội nên làm gương về việc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Tôi thấy đề nghị mà bác nêu ra rất hay, rất đúng và rất trúng nhưng cũng rất khó thực hiện bởi lẽ khoản tiền quá lớn mà các đầu việc “vẽ” ra để “kỷ niệm đại lễ 1000 năm” cũng quá nhiều, không thể một sớm một chiều mà thống kê, hạch toán rành rọt mọi chi phí được. Tôi đồ chừng phải mất nhiều năm, có thể sau khi tất cả các vị trong ban tổ chức đại lễ về hưu hết cũng chưa chắc đã có con số báo cáo cuối cùng.
Do đó, trước mắt chúng tôi - những người dân Hà Nội vô cùng mong đợi ông Chủ tịch Thành phố Hà Nội công bố số tiền “tiết kiệm của 29 điểm không bắn pháo hoa mừng đại lễ” đã chuyển vào cấp cứu Miền Trung hay chưa? Nếu đã chuyển thì tổng số tiền là bao nhiêu? Hình như sau thông báo không bắn pháo hoa để dành tiền cứu trợ đồng bào miền Trung đã rơi vào trong “im lặng đáng ngờ”!
Hay là do bất cẩn làm cháy hết pháo hoa rồi! thì tiền lấy ở đâu? Bằng cách nào mà pháo hoa thành mỳ gói, thành gạo, thành nước sạch…những thứ rất cụ thể mà đồng bào miền Trung đang mong đợi từng giờ.
Xin đừng móc thêm ở “hầu bao” công quỹ nữa(!)
Rất mong bác Trần Nhương nếu có dịp gửi tiếp “thư ngỏ” cho ông chủ tịch thành phố, thì bỏ dùm ý kiến này của tôi vào bì thư nhé, đừng quên đấy. Đa tạ bác Trần Nhương trước.
Thêm một việc nữa, thành tích lớn lao của ông Chủ tịch thành phố Hà Nội chỉ đạo chỉnh trang thành phố Hà Nội cho đẹp đẽ hơn để chào mừng đại lễ là không thể phủ nhận được. Những con đường mới to đẹp đã kịp hoàn thành trước ngày đại lễ…
Tuy nhiên, có 1 ngôi nhà không biết đây có phải là di tích lịch sử không? mà mấy đời Chủ tịch thành phố Hà Nội không thể “giải phóng mặt bằng” được. Đó là số nhà 27 Tôn Đức Thắng (phố Hàng Bột cũ), tọa lạc liền kề ngã tư phố Tôn Đức Thắng-Cát Linh. Ngôi nhà mấy chục mét vuông không những chiếm toàn bộ vỉa hè mà còn lấn ra đường nhựa gần 1 mét(!). Đây là tác nhân chính gây ra nạn ùn tắc ở nút cổ chai này.
Nhân dân khu vực sở tại đã nín thở mong chờ dịp đại lễ 1000 năm nhất định ông Chủ tịch thành phố sẽ “quyết liệt” giải tỏa “cái lô cốt” chướng mắt này. Nhưng quả là thất vọng - Nó vẫn đứng thi gan cùng tuế nguyệt. Nếu ô tô của ông có dịp đi ngang qua đây thì phiền ông đảo mắt nhìn ngang nhất định sẽ tỏ tường.
Ông mà chỉ đạo “giải phóng” được ngôi nhà số 27 phố Tôn Đức Thắng này thì hàng vạn người dân tham gia giao thông trên con đường huyết mạch Hà Đông – Hà Nội sẽ đội ơn ông vô cùng.
Có vài nhời tâm huyết kính mong ông Chủ tịch thành phố Hà Nội để tâm xem xét. Kính chúc ông mạnh khỏe để hoàn thành trọng trách cao cả mình. (Tôi gửi kèm theo mấy tấm ảnh để làm bằng)
Cảm ơn bác Trần Nhương thật nhiều.
HS. Đinh Quang Tỉnh