Núi Nùng và sông Cái là núi và sông tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội. Ca dao cổ có câu: “Nùng sơn, Long đỗ đây đây / Tam sơn núi đất cao tầy khán sơn”.
Đại Nam nhất thống chí chép rằng: “Núi Nùng ở trong thành, có tên nữa là núi Long Đỗ. Lý Thái Tổ đóng kinh đô, dựng chính điện ở trên núi, đời Lê gọi là điện Kính thiên, đời Nguyễn đặt làm hành cung, vẫn gọi theo tên cũ, đến năm Thiệu Trị thứ ba, đổi thành điện Long Thiên, Điện Đình xây bệ cao chín bậc, tả hữu có hai con rồng, dài hơn một trượng, chế tác từ đời Lý, đến nay đôi rồng đá vẫn còn. Tương truyền, đời Lê Thống Nguyên, nhà Mạc cướp quyền, khi Mạc Đăng Dung bước lên bệ điện Kính thiên tọa lạc trên đỉnh núi Nùng, Dung bị rồng đá hiển linh cắn rách long bào. Mạc Đăng Dung nổi cơn lôi đình bèn sai lính lấy chày vồ bổ rồng, nay vẫn còn vết tích trên thân rồng đá!
Gần một thế kỷ qua, vườn Bách Thảo trong đó có núi Nùng không những là một thắng cảnh đẹp mà còn là nơi ghi dấu ấn của nhiều sự tích, huyền tích lịch sử bao thế kỷ thăng trâm của Hà Nội. Nhưng nay, “Bách thảo, bách thú” đã dời về công viên Thủ Lệ. Nơi đây đã như bị lãng quên, heo hắt… Trong khi nhà quản lý chưa biết dùng mảnh đất “vàng” này vào việc gì; May mà họ chưa dám cho thuê mặt bằng để mở quán bia hơi, nhậu nhẹt mà quyết định làm nơi “tập kết” các loại rồng, sau khi rồng đã “hoàn thành công vụ”.
Nguyên sở tại đã có một đôi rồng tạc bằng đá từ đời Lý, phục ở chân Núi Nùng và một đôi do nghệ nhân uốn tỉa công phu thành đôi rồng cây cảnh rất đẹp. “Tứ long” thiết nghĩ cũng đã là đủ cho khuôn viên khiêm nhường này.
Phải chăng tên cũ của núi Nùng là núi Long Đỗ (rồng đậu hay rồng cư ngụ) mà mới đây, núi Nùng đã đón thêm một đôi rồng “nhựa” nữa sau khi nó đã “hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang “chầu” tượng Lý Thái Tổ ở Bờ hồ Hoàn Kiếm, đôi rồng nhựa to quá cỡ, không biết để đâu cho vừa nên đành “khuân” về “đỗ” ở chân núi đầy cổ tích này!
Ảnh rồng ở núi Nùng
Lại nữa, sau khi đôi rồng Gốm sứ Bát Tràng của 2 nghệ nhân Lê Đức Kế và Nguyễn Văn Bình được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận là đôi rồng gốm sứ lớn nhất Việt Nam, cũng đang “chầu” nhau bên con đường nội bộ trong công viên vắng vẻ, buồn thiu kế bên núi Nùng(!)…
Nhân đây, xin nói thêm về đôi rồng Gốm sứ Bát Tràng “độc nhất vô nhi” hiện nay. Rồng được thiết kế mô phỏng theo đúng hình tượng của rồng thời Lý, được lắp ghép bởi 6.500 chiếc đĩa, 4.000 chiếc cốc và hơn 5 tấn mảnh sứ, tổng cộng nặng tới 60 tấn, tất cả các loại gốm này đều được tráng men ngọc – một loại men sứ quý hiếm ở thời Lý. Với chiều dài 15,6m, điểm cao nhất 8,2m, mình rồng không vảy, chân 3 móng, miệng ngậm viên ngọc lớn…Có thể khẳng định đây là một công trình văn hóa đậm nét dân tộc, cần được giới thiệu rộng rãi đến công chúng và tôn trọng một kỷ lụcđộc đáo đã được ghi nhân tại Đại lễ 1000 Thăng Long – Hà Nội.
Theo tôi, đôi rồng Gốm sứ Bát Tràng kỷ lục này nên được chọn đặt ở một vị trí thích hợp trên con Đường gốm sứ ven Sông Hồng sẽ phù hợp mọi nhẽ, vừa tô đậm, làm đẹp thêm con đường “kỷ lục thế giới” vừa để mọi người có điều kiện chiêm ngưỡng một kỷ lục Việt nam, một sản phẩm thể hiện tài năng của các nghệ nhân làng gốm Bát Tràng.
Còn với đôi rồng “nhựa” kia; Sau khi đã dùng “xong việc”, thì cũng nên “hóa” nó đi, không cần “tận dụng” để bay lại ở chân núi Nùng như hiện nay, rất khiên cưỡng và phản cảm.
Vườn Bách thảo có núi Nùng là đất thiêng, núi thiêng, Hà Nội chưa có điều kiện phục dựng lại công trình kiến trúc theo mẫu Điện Càn Nguyên đời Lý, thì cũng nên đầu tư thành một công viên sinh thái để phục vụ nhân dân. Chứ như hiện nay, “năm thì mười họa” mới tổ chức một vài sự kiện, dần dà sẽ biến nơi đây thành cái kho chứa “hàng tồn” thì thật lãng phí và vô trách nhiệm.