Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỮNG BÀI THƠ CỦA NGUYỄN DUY IN TRONG SÁCH GIÁO KHOA

Họa sỹ Đinh Quang Tỉnh
Thứ ba ngày 12 tháng 10 năm 2010 5:58 AM
Ngày ngày 11 tháng 10, tại hội trường L’Espace - Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội, đã tổ chức buổi tọa đàm về thơ Nguyễn Duy với sự đồng chủ trì của nhà thơ Nguyễn Duy, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên và tiến sĩ văn học Chu Văn Sơn.
Sau các hoạt động mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, có lẽ đây là buổi họp mặt vui và hào hức đến cảm động. Đông đảo bạn đọc, bạn yêu thơ Nguyễn Duy đã đến dự tọa đàm. Nhiều lứa tuổi, nhiều trình độ khác nhau, nhưng đông đảo nhất vẫn là các bạn trẻ, những người yêu thơ và quan tâm đến thơ Lục bát của Nguyễn Duy.
Nhiều nhà phê bình đánh giá cao thơ Nguyễn Duy trong thao tác làm mới thể thơ lục bát Việt Nam hiện đại. Mặt khác, các đề tài nhân sinh và tư duy thời cuộc trong thơ Nguyễn Duy cũng là chất liệu kết nối nhiều tâm hồn đồng điệu.
Đặc biệt, nhân cuộc tọa đàm này, Tiến sĩ văn học Chu Văn Sơn đã thông báo một tin rất vui, được xem là một giải thưởng lớn mà “Nhân Dân” đã tặng cho nhà thơ Nguyên Duy. 3 bài thơ “Tre Việt nam”, “Ánh trăng” và “Đò Lèn” đã được tuyển chọn để in vào sách giáo khoa cho cả 3 cấp học phổ thông. Sách giáo khoa “Tiếng Việt” cấp Tiểu học và Sách giáo khoa “Ngữ văn” cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Có lẽ ít nhà thơ Việt Nam nào được chọn nhiều thơ in sách giáo khoa như nhà thơ Nguyên Duy. Xin chúc mừng ông và giới thiệu toàn văn 3 bài thơ nói trên để bạn đọc tham khảo.
 
1/ Sách GK Tiếng Việt cấp tiểu học

TRE VIỆT NAM

Tre xanh
Xanh tự bao giờ
Truyện ngày xưa đã có bờ tre xanh
Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên luỹ, nên thành tre ơi
Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù cát sỏi đá vôi bạc màu
Có gì đâu, có gì đâu
Mỡ màu ít chắt dồn lâu hoá nhiều
Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù
Vươn mình trong gió tre đu
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành
Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh
Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm
Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay vin tay níu tre gần nhau thêm
Thương nhau tre chẳng ở riêng
Lũy thành từ đó mà nên hỡi người
Cho dù thân gãy cành rơi
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho con
Nòi tre đâu chịu mọc cong
Mới lên đã thẳng như chông lạ thường
Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc tre nhường cho con
Măng non là búp măng non
Đã mang dáng thẳng, thân tròn của tre
Năm qua đi, tháng qua đi
Tre già măng mọc có gì lạ đâu
Mai sau,
mai sau,
mai sau…
Đất xanh, tre mãi xanh màu tre xanh!
 
2/ Sách GK Ngữ văn cấp Trung học cơ sở

ÁNH TRĂNG

Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ
Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa.
Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường.
Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn.
Ngửa mặt lên nhìn mặt
Có cái gì rưng rưng
Như là đồng là bể
Như là sông là rừng
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.
 
3/ Sách GK Ngữ văn cấp Trung học phổ thông

ĐÒ LÈN

Thuở nhỏ tôi ra Cống Na câu cá
níu váy bà đi chợ Bình Lâm
bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật
và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần
Thuở nhỏ tôi lên chơi đền cây Thị
Chân đất đi đêm xem lễ Đền Sòng.
Mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm
Điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng.
Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
bà mò cua, xúc tép ở đồng Quan
bà đi gánh chè xanh Ba Trại
Quán cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn
Tôi trong suốt giữa đôi bờ hư thực
giữa bà tôi và tiên phật thánh thần
cái năm đói củ giong riềng luộc sượng.
cứ nghe thơm mùi huệ trắng, hương trầm
Bom Mỹ giội nhà bà tôi bay mất
đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền
Thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn
Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại
dòng sông xưa vẫn bên lở bên bồi
Khi tôi biết thương bà thì đã muộn
Bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi!
Lá thu Người đi tìm hình của nước
Họa sỹ Đinh Quang Tỉnh