TRONG ÂM HƯỞNG SỬ PHÚ YÊN,
NHỚ TÊN TRƯỜNG CŨ TRẦN CAO VÂN Ở TAM KỲ
quân sư của Võ – truyền đơn đỏ (1)
dù cũi Phú, Bình, ngục Quảng Nam
Côn Đảo, lưu đày, lòng chẳng khác
chí ngời khởi nghĩa lắng sen Tâm (2)
học đón Duy Tân như Trị – Tĩnh (3)
đầu rơi, Cống Chém ngập hờn căm (4)
ai người Mai – Hãn tìm xương lấp
cải táng trong đêm Huế tối tăm? (5)
nhà sư mãi sáng Trung Thiên dịch
Trời với Đất thân, Người xứng tầm (6)
mấy thuở đuổi thù, bao thuở kính
chuông chùa Đá Trắng vọng ngàn năm (7).
TXA.
10-10-10 (HB10 – 2010)
(1) Theo A. Laborde, “Tỉnh Phú Yên” (BAVH., 1929): Võ Trứ (1855? – 1900?) dán và rải truyền đơn màu đỏ với nội dung Cần vương (cũng có thể hiểu là nhân danh vua Thành Thái?).
(2) Hồ Tịnh Tâm (Huế), 1916, nơi Trần Cao Vân (1866-1916) và Thái Phiên tìm gặp vua Duy Tân.
(3) Các căn cứ của triều đình kháng chiến (1885-1888): Tân Sở (Quảng Trị), Hương Khê (Hà Tĩnh) và còn dự kiến một sơn phòng ở Thanh Hóa.
(4) Cống Chém (An Hòa, Huế).
(5) Theo vài tài liệu, bà Trương Thị Dương, người Quảng Trị -- xứ non Mai sông Hãn –, đồng chí của Trần Cao Vân, đã âm thầm cải táng di cốt ông cùng Thái Phiên vào năm 1925.
(6) Tác phẩm lập thuyết của Trần Cao Vân, chỉ mới phổ biến trực tiếp bằng trò chuyện và bằng bài thơ “Vịnh Tam tài”: Thiên (tả, thượng) – Nhân (trung) – Địa (hữu, hạ), cũng cùng ý tưởng thể hiện trong bài thơ tuyệt mệnh: “Đứng giữa Trời – Đất, không dựa vào Thượng đế”, đề cao vai trò chủ thể của Con Người.
(7) Chùa Đá Trắng (Từ Quang) ở Tuy An, Phú Yên.