Nghĩ mà thấy thật thương cho chú gà nhỏ. Nó cất tiếng gáy le te le te mồ côi lẻ loi, giữa phố phường ồn ào xe cộ và người đi lại.
Tiếng gà gáy trưa nghe sao mệt mỏi, trĩu nặng cả hai mí mắt. Lâu lâu lại xen tiếng chó ẳng ẳng ắc ắc. Tiếng trống trường thì thùng thì thòm. Tiếng trẻ con nhí nháo í ới xa xa vọng lại.
Tiếng chú gà buồn thương nhất. Buồn thương mất trọn một ngày. Nỗi buồn vắt cong, vút lên hình cầu vồng. Tiếng gà bắn ra muôn ngàn hạt nước mắt hiền khô của người nông dân lầm lụi.
Thấy trong sách bảo rằng khi nào gà trống bị ngứa cổ, là nó cất tiếng gáy. Thực ra là nó ho. Người ta gọi là gà gáy cho lịch sự. Nếu nói gà ho khiióóc khiióóc như người, thì đơn điệu và tội nghiệp quá. Đằng này, gà lôi ho có giai điệu. Có lên bổng xuống trầm. Có nhịp phách nhanh chậm. Có nhấn nhá. Có dấu lặng. Có chấm than… Bởi thế người ta mới nói gà gáy cho sang. Chứ nói gà ho, nghe thô tháp cụt lủn và vô lý quá.
Dân nhà quê chúng em lạ gì tiếng gà tiếng chó. Thế mà trưa nay nằm khườn trên giường, nghe gà gáy chó sủa đâm ra sốt ruột.
Không sốt ruột sao được. Sống trên đời ai mà chả có bầu có bạn. Bạn thân lâu ngày gọi là bạn chăn trâu. Bạn mới làm quen, gọi là bạn sơ sơ. Bạn vừa mới nhón tay cầm chén trà, gọi là bạn còn đang chờ cho tình ngấm. Bạn “ba que xỏ lá” là bạn đã từng ...
Trong thành phố, chỉ toàn người với người. Làm gì có tiếng gà cục ta cục tác mà sang chơi thăm nhau. Người ta nuôi gà là để làm cảnh. Mà phải gà lôi, chim trĩ. Hoặc quá lắm là gà rừng. Quá nữa là gà ri. Thân nhỏ bằng nắm tay người lớn. Gà cất tiếng gáy là món quà của rừng núi, của làng quê nguyên thủy. Thế thôi. Vả lại, dân thành thị họ ít ăn thịt gà. Người ta chỉ thích ăn chơi toàn những con giời ơi đất hỡi. Nào những loài những con trong rừng, hoặc dưới biển. Thời bây giờ, ăn những con, những rau như thế nó mới gọi là sạch sẽ hoàn toàn. Bởi có bao nhiêu cái khôn trên giời dưới đất, đều chảy về thành thị hết rồi.
Tiếng gà trưa nghe đau buốt suốt cả buổi chiều nay. Nó cũng giống như mình. Đem cái thân ra mua vui cho thiên hạ. Hồi cất tiếng gáy còn tròn vành rõ chữ, còn ngon ngọt vâng dạ thì người ta nhớ, người ta khen. Nhưng đã đến ngày về hưu, tiếng gáy bắt đầu héo. Văn chương thơ phú cũng thế thôi. Lúc được lúc không. Bài dở nhiều hơn bài hay là “chuyện thường ngày ở huyện”. Nhiều người ví sáng tác thơ phú như đi câu. Không phải khi nào cũng được con cá sộp. Nhiều lúc trở về nhà với hai bàn tay trắng. Kha khá người cả đời đi câu chả được con gì. Cái giá phải trả cho đời của người nghệ sỹ nghĩ cho cùng thật đắng. Đắng như mật gấu. Thậm chí còn hơn mật gấu.
Kiếp sau nếu được làm lại. Chắc em vẫn làm nghệ sỹ. Cái nghiệp khổ cho mình và sướng cho người.