Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CŨNG LÀ CON SỐ 1000

Dương Đức Quảng
Thứ năm ngày 14 tháng 10 năm 2010 6:27 AM

Thế là mười ngày Lễ hội 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội đã trôi qua. Song dư âm của mười ngày Lễ hội ấy thì vẫn chưa kết thúc. Chắc sẽ còn nhiều bài viết, nhiều ý kiến trên báo, nhất là trên báo mạng về những ngày Lễ hội này. Người khen có, người chê có, mỗi người đều có cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm khác nhau về sự kiện 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội này. Người trong nước có, người ngoài nước có, người có mặt tại Lễ hội có, người từ xa nhớ về, viết về Hà Nội có. Có người khen hết lời nhưng cũng không thiếu người chê thậm tệ, chê đến mức tưởng như đó không phải là Hà Nội, là thủ đô của cả nước. Âu cũng là lẽ thường tình, bởi trăm người trăm ý, dễ gì áp đặt cho nhau.
Nếu có ai hỏi tôi có ấn tượng gì nhất về mười ngày Lễ hội ấy thì quả thật tôi cũng khó trả lời. Nhưng tôi biết, dù không phải là người quê Hà Nội, thì tôi luôn coi Hà Nội là mảnh đất thiêng liêng và thân thuộc nhất của đời mình. Hà Nội là nơi tôi sinh ra, là nơi tôi lớn lên, cho đến bây giờ đã ở ngưỡng tuổi “xưa nay hiếm”, và có lẽ cả cho đến lúc nằm xuống để về với mẹ tôi như mẹ tôi đã nằm xuống nơi đây từ năm tôi chưa đầy 5 tháng tuổi thì Hà Nội vẫn rộng lòng hải hà, rộng vòng tay nhân ái đón tôi về. Dẫu không phải lúc nào cũng “phố nhỏ, ngõ nhỏ, nhà tôi ở đó” như lời bài hát rất nổi tiếng về Hà Nội của nhạc sĩ Lê Vinh, bởi có tới hơn mười năm xa Hà Nội trong thời chiến tranh, nhưng với tôi bao giờ Hà Nội cũng là nhà, là quê, là nơi tôi đón nhận biết bao yêu thương và cũng là nơi tôi “nghe tiếng sông Hồng thở than” trước biết bao điều còn chướng tai gai mắt mà tất cả người Hà Nội và những ai yêu Hà Nội đều không mong muốn. 
Vì thế 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ngoài những niềm vui với một Hà Nội truyền thống và đổi mới, khang trang hơn, to đẹp hơn trước, dù có khắt khe đến mấy cũng không thể phủ nhận được, tôi cũng có nỗi buồn vì trong dịp Lễ hội này có nhiều cái “1.000 ăn theo” rất đáng trách và có “những cái 1.000” lẽ ra Hà Nội nên làm trong dịp này thì lại không làm hoặc không làm được. Tôi không đến mức dị ứng với tất cả những công trình, dự án có tên gắn với 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và không thể tin ai đó đưa ra con số 94 nghìn tỷ chi cho Lễ hội đều lấy từ ngân sách, “từ tiền thuế của dân”, phần lớn là để chi cho ăn chơi hoang phí hoặc chạy vào túi quan tham,  nhưng quả thật có quá nhiều cái 1.000 ăn theo đáng bị lên án, đã hoặc định lợi dụng dịp Lễ hội này để kiếm chác. Tôi đã có bài viết trên blog của mình không tán thành cái dự án làm 5 chiếc cổng chào “hoành tráng” ăn theo 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội ở cửa ngõ Thủ đô, như đã từng có lần góp ý với vị chủ tịch tỉnh Tuyên Quang không nên xây lễ đài cố định ở Tân Trào để tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 vì sẽ rất lãng phí. Tôi cũng đã từng gặp người của đơn vị đẻ ra cái dự án kỳ quái “chôn kỷ vật của người Hà Nội cho 1.000 năm sau” khi đến một đơn vị kinh tế để vận động tài trợ cho dự án này…Rất may cái dự án xây 5 cổng chào “hoành tráng” ở 5 cửa ô Hà Nội và dự án “chôn kỷ vật” lạ lùng kia đã không được thực hiện, nếu không thì tai tiếng do những việc làm phù phiếm hoặc kỳ cục trong dịp Lễ hội này còn lâu mới có thể gột rửa sạch.
Song có những cái 1.000 đáng lẽ ra Hà Nội nên làm trong dịp Lễ hội này thì lại không có. Chẳng hạn, đó là các công trình, dự án xoá đói, giảm nghèo mang tên 1.000, ví như 1.000 căn nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, cho người nghèo ở các xã, huyện của Hà Nội còn khó khăn; 1.000 chiếc xe đạp cho các cháu học sinh nghèo đến trường; 1.000 suất học bổng cho các em sinh viên nghèo vượt khó; 1.000 suất ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo đang điều trị trong các bệnh viện … chẳng hạn. Đó có phải tốt biết bao không? Chỉ với một quyết định của lãnh đạo TP Hà Nội là không bắn pháo hoa ở 28 địa điểm như kế hoạch ban đầu để dành tiền hỗ trợ đồng bào các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị bị lũ lụt tàn phá là ngay lập tức đã được dư luận đồng tình, ủng hộ. Nó mạnh hơn nhiều lần những tiếng loa công cộng được mắc khắp phố phường Hà Nội, ngay trước cửa nhiều cơ quan, trường học, công ty, công sở… của Trung ương và Hà Nội trong suốt mười ngày liền cứ oang oang lời đọc của các phát thanh viên phường về 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, bất chấp cả trong giờ làm việc của các cơ quan, đơn vị đó.
Trước một tháng ngày Lễ hội Thăng Long – Hà Nội, tôi có dịp tham dự lễ bàn giao 1.000 căn nhà cho 1.000 hộ gia đình nghèo ở tỉnh Trà Vinh, trong đó có hàng trăm hộ đồng bào nghèo dân tộc Khơ Me do Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam tài trợ, với số tiền là 20 tỷ đồng. Sau lễ bàn giao này, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam còn tiếp tục dành hàng chục tỷ đồng nữa để xây thêm 1.000 căn nhà cho các hộ nghèo còn lại của tỉnh Trà Vinh từ nay đến cuối năm. Con số 1.000 ấy cứ làm tôi suy nghĩ mãi. Có lẽ bởi các vị lãnh đạo tỉnh Trà Vinh có quan hệ tốt và có cách làm hay, biết dựa vào sức mạnh kinh tế của các doanh nghiệp để vận động hỗ trợ đồng bào nghèo trong tỉnh vượt qua khó khăn, khắc phục đói nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Mặc dù tỉnh Trà Vinh không có Lễ hội 1.000 năm như Lễ hội 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, nhưng tỉnh đã có các công trình, dự án mang con số 1.000 thật ý nghĩa và thật thiết thực đối với mỗi người dân.
Hà Nội cũng đã có nhiều công trình, dự án do các đơn vị kinh tế tài trợ vào dịp Lễ hội 1.000 năm, như Xây lại rạp Kim Đồng do Tổng Công ty Dầu khí đảm nhận hay dự án cải tạo môi trường Hồ Sen thuộc quận Tây Hồ do chính Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam đảm nhận với tổng số tiền 18 tỷ đồng để tặng Thủ đô…Tôi hiểu Hà Nội và Trà Vinh là hai địa phương khác nhau, số hộ nghèo và mức nghèo của các hộ này ở hai nơi khác nhau, song chắc chắn mỗi nơi không chỉ có 1.000 hộ nghèo mà còn hơn. Vì thế, giá trong dịp Lễ hội vừa qua, Hà Nội có được vài công trình, dự án mang con số 1.000 đầy ý nghĩa, như xây 1.000 ngôi nhà cho người nghèo mà tỉnh Trà Vinh đã làm thì quý biết bao!
 

Nguồn; Blog Đầu Gối (http://vn.myblog.yahoo.com/dd_quang1945)