Trong một số bài viết về đại lễ nghìn năm Thăng Long Hà Nội có tác giả nói rằng người dân rất phàn nàn về những cái loa công cộng mở hết công suất những bài hát ngợi ca như tra tấn họ. Sáng nay vô Blog Quê Choa thấy bức ảnh chụp cơn lũ miền Trung nhà cửa nước ngập tút lút, nhô mỗi tý chóp nhà, nhưng cặp loa công cộng vẫn vươn cao trong lũ như thách thức.
Vài năm trước đây, tôi thường phải đi công tác liên tục từ huyện Long Phú tỉnh Sóc Trăng lên Tỉnh lỵ Sóc Trăng. Cứ chạy khỏi trung tâm huyện chừng hai cây số là lại nghe tiếng loa công cộng treo trên trụ điện mé kênh oang oang cho dừa chuối, ếch nhái nghe, vì đường vắng teo teo…
Thế rồi mới tháng 7 này, tôi vào thăm anh bạn thân ở thôn Tiền Phong, xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa mới thật cám cảnh. Sáng chưa tỏ mặt người tôi đang mơ màng bỗng giật bắn người vì tiếng loa công cộng. Chao ơi, cái miệng loa to bằng miệng chiếc nồi cơm điện, treo trên cột bê tông, cách anh bạn tôi chừng năm mét chĩa thẳng vào cửa nhà, oang oang sáng, oang oang trưa, oang oang tối. Bố ai mà chịu cho thấu, điên mất!
Ấy thế mà anh bạn tôi chỉ cười, cười như …mếu. Anh bảo: Trước kia nó chĩa theo hướng dọc con đường thôn này nhưng không hiểu sao một bữa anh đi vắng nó đổi hướng chĩa thẳng vào nhà anh như …ám. Nói xong anh lại cười như mếu.
Tôi hiểu, bạn tôi từ quê Nam Định vào đây tá túc lập nghiệp nên yếu thế, đành …nhẫn. Chứ phải tôi, đề nghị dời loa đi một hai lần không được là tôi sẽ kiện ông treo loa chứ không thể lơ đi được.
- Thứ nhất, nếu ông bảo rằng dùng loa để tuyên truyền chủ trương chính sách của Nhà nước, thì xin thưa rằng không có luật pháp nào bắt người dân phải nghe tuyên truyền kiểu như thế, một kiểu tuyên truyền cách nay đã 60 năm. Thuở mà người dân nào có đài bán dẫn phải khai báo đăng ký mới được phép sử dụng. Mỗi tháng người nghe đài trình báo mới được mua một cặp pin Văn Điển.
- Thứ hai, chĩa loa vào nhà dân mà oang oang như thế là vi phạm quyền tự do chính đáng của người dân. Trẻ em có quyền được sống yên tĩnh, người già, người ốm yếu bệnh tật có quyền được sống yên tĩnh. Người làm ca kíp có quyền được nghỉ ngơi.
- Hệ thống loa công cộng chỉ nên còn, cùng lắm là ở vùng sâu, vùng xa để cán bộ xã thôn thông báo những công việc cần thiết tới người dân vào những giờ hợp lý.
Thời @ này, người dân đã biết cách tiếp nhận thông tin rất chọn lọc( kể cả vùng nông thôn), chứ không còn cảnh người ta nói gì nghe nấy. Mấy ông đọc diễn văn trên Tivi, mấy ông phát biểu trong phiên họp quốc hội dài dòng vòng vo là người ta chuyển kênh ngay lập tức. Giải Bóng đá vô địch Ngoại hạng Anh hay đến không dám chớp mắt nhưng gặp ông bình luận viên VTV nói nhạt, vô duyên, người xem cũng chuyển kênh ngay lập tức.
Ở quê tôi, mấy ông thôn trưởng xã trưởng vẫn dùng loa thông báo công việc đồng áng, hội hè, mừng thọ cho các cụ nhưng là loa thùng di động. Những ngày chay người ta cho loa nghỉ, dân khen nghi ngút.
Ngày nay người dân ít chịu sự hướng dẫn định hướng thông tin của người khác. Bởi vì không còn có bất kỳ ai có khả năng độc quyền thông tin nữa. Tivi phát sóng hàng trăm kênh, phủ sóng kín mít trái đất. Hàng triệu, hàng tỉ website trên mạng Internet. Điện thoại di động có thể chát, nghe nhạc, truy cập mạng, gửi Email, nghe radio…
Tôi nhớ, lúc 12g30 trưa 6.10.2010 cháy kho pháo hoa Mỹ Đình, 14 giờ gõ vào Google sau 2 giây cho ra 98 nghìn kết quả cùng mấy chục Video clip. Vậy thì các trang báo mạng lề phải đã lên bài sự kiện này phải gỡ xuống đâu có giải quyết được vấn đề gì, hay chỉ làm nhiễu thông tin mà thôi.
Nhà nước ta đã thành lập Nhà nước điện tử, Chính phủ điện tử. Mỗi vị quan chức Chính phủ đã thấy có một máy tính xách tay hoành tráng để trước mặt lúc họp hành. Thế thì không có lí do gì các vị lại cứ để cấp dưới duy trì cách tuyên truyền đường lối, chính sách chủ trương của nhà nước bằng các phương tiện thông tin cổ lỗ sĩ, phản cảm và không mấy hiệu quả nữa, như mấy cái loa công cộng này. Chả lẽ không có cách nào khác?
Sài Gòn, 13.10.2010
V.D.C