Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MARIO VARGAS LLOSA-CHỦ NHÂN MỚI CỦA GIẢI NOBEL VĂN HỌC

Trần Hậu (tổng hợp)
Thứ sáu ngày 15 tháng 10 năm 2010 9:23 AM

Cùng với Gabriel Garcia Marquez,  nhà văn Peru nổi tiếng Mario Vargas Llosa được xem là một trong hai cây đại thụ của làng văn học Mỹ Latin. Ông sinh năm 1936, là tác giả của hàng chục cuốn tiểu thuyết, kịch, phê bình văn học, có đóng góp lớn cho sự phát triển tư tưởng của nhân loại. Chiếm số lượng lớn trong các công trình của ông là những tác phẩm về đề tài lịch sử - chính trị: Thời đại của anh hùng, Nhà xanh, Chiến tranh nơi tận cùng thế giới, Cuộc đời thực của Alejandro Mayta. Ngoài ra, ông còn là tác giả những cuốn tiểu thuyết như: Đối thoại trong nhà thờ, Lời khen dành cho mẹ ghẻ, Những cuộc phiêu lưu của cô gái xấu xí. Nhân dịp Mario Vargas Llosa vừa được trao tặng giải Nobel văn học, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một số nét về cuộc đời và văn nghiệp của ông.
  Trái với mọi điều mong đợi, năm nay Ủy ban Nobel trao giải văn học cho nhà văn Peru vĩ đại Mario Vargas Llosa, một lần nữa khiến mọi người ngạc nhiên, kể cả tác giả. Thế là những dự báo của giới chuyên môn lại không thành hiện thực. Họ hướng về châu Âu, châu Phi, Cận Đông và thậm chí nước Nga, đưa vào danh sách ứng cử viên cả Evgeny Evtushenco và Bella Akhmadulina. Tuy nhiên không ai nghi ngờ rằng Llosa, người thường xuyên có mặt trong danh sách ứng cử viên các loại giải thưởng, xứng đáng với giải Nobel. Dù chỉ là vì ông sở hữu một tài năng hiếm hoi và gần như đã mai một trong thời đại chúng ta - tài năng kể chuyện.
Những năm gần đây các quyết định của Viện Hàn lâm Thụy Điển thường gây ra nhiều thắc mắc trong giới văn học. Không chỉ các nhà phê bình, mà cả các độc giả bình thường cũng nhận thấy rằng sự lựa chọn của các viện sĩ đã vượt quá giới hạn, đơn cử việc trao giải cho Herta Muller (2009) va Jean-Marie Gustave Le Clézio (2008). Sự lựa chọn kỳ cục này được thể hiện ở chỗ đại bộ phận độc giả, trong đó có những bộ óc khá uyên bác, mới chỉ nghe thấy lần đầu tên tuổi các vị này tại lễ thông báo những người đoạt giải. Giờ đây rốt cuộc giải thưởng văn học cao quý được trao cho một nhà văn thực sự nổi tiếng, một trong những đại biểu xứng đáng của nền văn học thế kỷ XX.
Gần đây nhất, nền văn học tiếng Tây Ban Nha ca khúc khải hoàn vào năm 1989 và 1990, khi nhà văn Tây Ban Nha Camilo José Cela, sau đó là nhà văn Mexico Octavio Paz được trao giải Nobel. Từ đó đến nay Mario Vargas Llosa đã xuất bản ít nhất ba cuốn tiểu thuyết, góp phần đưa ông tới chiến thắng huy hoàng hôm nay. Năm 1993, cuốn Chết ở Andes” – khúc biến tấu về chủ đề thần thoại Hy Lạp - được xuất bản. Năm 2000 ông công bố tiểu thuyết  “Bữa tiệc của con dê”, trong đó Llosa trở lại với một trong những đề tài quen thuộc của mình – suy ngẫm về chế độ độc tài trong bối cảnh nước cộng hòa Dominican. Cuối cùng, năm 2006 bất ngờ xuất hiện “Những cuộc phiêu lưu của cô bé xấu xí” - cuốn tiểu thuyết thoạt đầu tưởng quá đa cảm, nhưng dù sao vẫn hết sức hấp dẫn.
Như vậy, những năm gần đây trong danh sách các ứng cử viên giải Nobel có triển vọng nhất, Mario Vargas Llosa là một trường hợp ngoại lệ. Trong số những tác giả đã đoạt giải ít người có được một di sản văn học đồ sộ và uy tín như ông. Ở một chừng mực nào đó, tầm cỡ nhà văn của Llosa hiển nhiên đến mức việc trao giải Nobel cho ông, dường như chỉ là một dấu hiệu quan tâm thừa. Không thể hiểu được - hoặc là Mario Vargas Llosa xứng đáng với giải Nobel, hoặc là ngược lại.
Llosa bắt đầu sự nghiệp văn học khá sớm, cuốn tiểu thuyết đầu tay “Thời đại của anh hùng” xuất bản năm 1963, khi nhà văn mới 27 tuổi, đã gây tiếng vang lớn. Cơ sở của cuốn tiểu thuyết là những trải nghiệm trong thời gian ông học tập ở Học viện quân sự Lima. Tác phẩm này được các nhà phê bình đánh giá cao, nhưng cũng gây ra khá nhiều tai tiếng và sự bất bình của các tướng lĩnh, vì nó chỉ trích mạnh mẽ chế độ quân sự Peru, họ  coi nó là sản phẩm của một “đầu óc bệnh hoạn”. Bắt đầu từ thời điểm đó Llosa chinh phục tất cả những đỉnh cao văn học mới một cách khá nhanh chóng. Cuốn tiểu thuyết thứ hai “Nhà xanh” ra đời năm 1965, kể về một nữ tu sĩ trẻ trở thành một gái điếm, khẳng định vị thế của Mario Llosa là một trong những nhà văn tinh tế nhất về mặt kỹ thuật của nền văn học Mỹ Latin; còn cuốn thứ ba, tiểu thuyết “Đối thoại trong nhà thờ”, được xuất bản năm 1969, khi ông 33 tuổi, cũng nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Cuốn sách phơi bày sự tàn nhẫn của chế độ độc tài, và giới phê bình mô tả đây là tác phẩm cay đắng nhất của ông do thấm đẫm sự tuyệt vọng. Sau đó, Mario Vargas Llosa còn sáng tác rất nhiều tác phẩm nổi tiếng với đề tài về hệ thống chính trị phức tạp và lịch sử biến động của Mỹ Latin.
Llosa sớm trở thành “nhà sưu tầm”các giải thưởng văn học danh giá: với “Thời đại của anh hùng” ông được nhận giải thưởng của Hội các nhà phê bình văn học Tây Ban Nha, còn “Nhà xanh” cho phép ông trở thành người đầu tiên đoạt giải thưởng quốc tế mang tên Rómulo Gallegos.  
Đề tài chủ yếu và duy nhất trong các tác phẩm của Llosa luôn luôn là tổ quốc Peru của ông: thiên nhiên Peru, huyền thoại Peru, những con người Peru, lịch sử Peru và toàn bộ châu Mỹ Latin. Bi kịch của con người sống dưới các chế độ độc tài được nhà văn chuyển tải rõ nét nhất từ hiện thực vào văn học trong các tác phẩm “Đối thoại trong nhà thờ”, “Chiến tranh nơi tận cùng thế giới” và  Bữa tiệc của con dê .
Llosa không chỉ quan tâm tới chính trị mà còn tham gia vào đời sống chính trị của đất nước: năm 1990 ông quyết định ra tranh cử tổng thống Peru, nhưng bị chính trị gia Alberto Fujimori đánh bại. Sau đó ông rời khỏi Peru, và năm 1993 ông nhận quốc tịch thứ hai của Tây Ban Nha. Dù sao cho đến tận bây giờ ông vẫn tiếp tục tham gia vào đời sống chính trị của đất nước.
Tuy nhiên, sự quan tâm tới chính trị và các chế độ độc tài châu Mỹ Latin chỉ là một trong những môtíp chủ đạo trong văn xuôi của nhà văn. Chiếm vị trí quan trọng trong đó là tình yêu và tác phẩm, chẳng hạn như cuốn “Dì Hulia và nhà văn quèn” (1977), viết về bước khởi đầu trên con đường văn học của nhà văn và mối quan hệ với người vợ đầu tiên, hay cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông “Những cuộc phiêu lưu của cô gái xấu xí”. Nếu nói về thể loại non-fiction của Llosa thì một trong những tác phẩm chủ yếu của ông là “Những bức thư gửi nhà tiểu thuyết trẻ”, trong đó tác giả trình bày các nguyên tắc viết văn của mình kết hợp với cái nhìn độc đáo về nền văn học thế giới.  
Viết về Mario Vargas Llosa, chúng ta không thể không nhắc tới Gabriel Garcia Marquez, người bạn cũ về sau trở thành đối thủ của ông. Đề tài luận án của Llosa bảo vệ năm 1971 ở Madrid viết về Garsia Marquez. Mối quan hệ của họ là một bí mật lớn và đầy kịch tính. Họ gặp nhau năm 1967 và trở thành đôi bạn thân vì có nhiều điểm chung. Năm 1971, sau hai năm tìm hiểu “Trăm năm cô đơn”, Llosa đã công bố một tiểu luận biểu dương tác phẩm này. Đến lượt mình, Marquez trở thành cha đỡ đầu của người con trai thứ hai của Llosa. Tuy nhiên năm 1976, tình bạn của hai nhà văn đã đổ vỡ: trong một lần gặp nhau tại một rạp chiếu bóng ở Mexico, Llosa bất ngờ đấm vào mặt Marquez và nói: “Làm sao cậu còn dám đến gặp tớ sau khi đã làm điều đó với Patricia ở Barcelona”. Kết quả của vụ ẩu đả này là một vết tím bầm rất lớn dưới mắt Marquez. Sau đó hai nhà văn không nói chuyện với nhau đã 34 năm. Cho đến nay không một người nào trong họ tiết lộ nguyên nhân của vụ ẩu đả, chỉ biết rằng đó là “chuyện riêng tư”, còn Patricia là vợ của Llosa, họ cưới nhau năm 1965. Sự bí ẩn đó đã làm nảy sinh một trong những huyền thoại sống động và nổi bật nhất trong giới văn học, trở thành đề tài cho nhiều bộ phim tư liệu.
Điều đặc biệt thú vị là Viện Hàn lâm Thụy Điển kịp trao giải cho Llosa vào thời điểm hiện nay, khi mà trong số các ứng cử viên giải Nobel ngày càng nhiều các nhà văn thế hệ mới. Nhà văn thú nhận rằng tên ông được nhắc tới trong danh sách những người có khả năng đoạt giải nhiều đến nỗi từ lâu ông không  nghĩ về giải Nobel nữa. Thậm chí khi nghe tin mình được trao giải, Llosa tưởng như một trò đùa: bởi trước đây ông đã từng bị đùa như vậy. Vả chăng, cho dù các quyết định của Ủy ban Noel những năm gần đây có gây ra nhiều tranh cãi đến đâu thì không ai có thể phủ nhận uy tín của giải thưởng văn học lớn nhất hành tinh này.