Ngồi tít ở Sài Gòn, theo dõi các hoạt động trong 10 ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, liệu có được quyền phát biểu khen, chê không nhỉ? Mà lại theo dõi qua màn hình tivi nữa! Cái ống kính camera có khi tước đi sự sinh động, lung linh, độ hoành tráng; ấy thế cũng có khi ngược lại, nó biết lược bỏ bớt mọi thứ trục trặc, mọi sự lộn xộn, không khớp khao, chướng tai gai mắt của điều dang xẩy ra. Ống kính camera có năng lực xu nịnh, tâng bốc người này, lừa lọc, bịt mắt người khác cũng là chuyện thường tình.…
Cứ mạnh dạn nêu vài nhận xét của riêng tôi, trên trang web của riêng anh bạn tôi-nhà thơ, họa sỹ Trần Nhương, phiến diện, không khách quan, thiếu thông tin chỗ nào, xin bầu bạn xa gần lượng thứ
Mười ngày Đại lễ vèo một cái thế là đã trôi qua. Thương mấy chị, mấy em gái Mường ở Hòa bình lặn lội ra bến xe từ 3 giớ sáng để về Hà Nội dự hội, không biết khi quay lại bản làng sẽ kể điều gì cho con cháu nghe đây? Bật cười vì một chị người dân tộc Dáy mãi đâu tận Hà Giang, Tuyên Quang nhờ Lễ hội, lần đầu trong đời về thăm Hà Nội, được phỏng vấn thấy gì lạ, hồn nhiên, mộc mạc trả lời, mình cứ tưởng chỉ ở trên rừng mới có cây to, bây giờ thấy cây to cũng có ở Hà Nội (!? ). Nên buồn hay nên vui khi nghe một bác xich lô phát biểu, những ngày lễ hội kiếm được nhiều tiền, ví bác cứ thoải mái tăng tiền từng cuốc xích lô, người đi dự lễ hội thét giá bao nhiêu mà chẳng trả, vì chỉ có người giàu mới đủ tiền mua vé tàu xe, thuê khách sạn sống từng ấy ngày ở Hà Nội mà dự Đại lễ…. Chuyện hậu trường 10 ngày này nếu có ai chịu khó gom nhặt chắc sẽ được một tập phóng sự dộc đáo, đặc sắc đây.
Vòng vo thế đấy, xin nêu ngay NHỮNG CÁI NHẤT và NHỮNG CÁI BỜ- ÉT được xếp vào sách Guiness của riêng tôi.
BÀI DIỄN VĂN HAY NHẤT trong số các bài diễn văn mà các quan chức đăng đàn phát biểu trước bàn dân thiên hạ trong 10 ngày Lễ hội thuộc về Bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc Cơ quan UNESCO. Hàm xúc, không theo khuôn mẫu dúc sẵn nào mà rất trí tuệ, mà có tầm văn hóa và sức khái quát cao; mà như cùng người Việt nam chúng ta tự hào với một thủ đô có tới 1000 năm tuổi; lại cũng như trăn trở, nghĩ suy cùng chúng ta về mối quan hệ giữa quá khứ và hiện tại của non sống đất nước này. Tiện thể nói thêm, đây có lẽ là bài phát biểu có sức lay động lòng người thứ 2, sau bài phát biểu của Giáo sư Ngô Bảo Châu tại Hội trường Quốc gia Mỹ Đình trong buổi lễ đón tiếp anh, tính trong nhiều năm trở lại đây.
Buổi lễ khai mạc 10 ngày Đại lễ diễn ra tại Vườn hoa Chí Linh cũng là NGHI THỨC LỄ LẠP LINH THIÊNG, TRANG TRỌNG và XÚC ĐỘNG NHẤT.Cờ phướn, khẩu hiệu đúng độ giữ được hồn thiêng sông núi ngàn năm. Dâng hương trước tượng Lý Thái Tổ. Hai bài phát biểu và một chương trình múa hát vắn gọn nhưng rất chọn lọc. Nếu có điều gì chưa đẹp mắt là ở chỗ, các vị lão thành sau lễ dâng hương, sau hai bài diễn văn, chắc chịu hết nổi, ngồi nữa thì tăng-xông, trụy tim mạch là chuyện dễ gặp. Các vị liền đứng dạy ra về ngay khi bước qua phần văn nghệ, bỏ lại mấy hàng ghế sát kỳ đài trống trơn. Và camera truyền hình hồn nhiên “ chộp” ngay một cú toàn cảnh!
BUỔI CA NHẠC TRUYỀN HÌNH GÂY XÚC ĐỘNG VÀ GIÀU CHẤT PHÓNG KHOÁNG HÀ NỘI NHẤT là chương trình do nhà báo Lại Văn Sâm dẫn dắt có sự xuất hiện của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, các nhạc sỹ Trần Tiến, Phú Quang, Dương Thụ…Mềm mại, đi vào lòng người, quá khứ và hiện tại đan xen nhau một cách có liều lượng mà không khẩu hiệu sống sít, gượng gạo.
MÀN TRÌNH DIỄN NGHỆ THUẬT HOÀNH TRÁNG NHẤT, CÓ SỨC KHÁI QUÁT CAO, HÀI HÒA GIỮA SẮC MÀU, ÁNH SÁNG, ĐỘI HÌNH CHƯA TỪNG CÓ TIỀN LỄ chính là đêm văn hóa ca nhạc diễn ra tại sân vận động Mỹ Đình, kết thúc 10 ngày Lễ hội. Vượt qua tính sơ lược, ấu trĩ của món ăn quen “Sân khấu hóa lịch sử” có cội nguồn từ Trung quốc với những điệu “Nông Tác Vũ”, với vở vũ kịch “Lửa hận rừng dừa” cấy mầm vào nước ta những năm 1950, người có mặt tại Sân vận động Mỹ Đình đêm 10 tháng 10 chắc không hề thắc mắc vì sự thiếu vắng những điều dễ dàng tìm thấy trên những tấm pano, áp phích, trong những tài liệu tuyên truyền, để vui sướng, mãn nguyện trước Cái Đẹp, Cái Bay bổng. Cái Mộng mơ- những thứ đặc sản của riêng Hà nội- do sắc màu, ánh sáng, âm thanh tạo nên.
BỘ PHIM ĐƯỢC LÀM VỚI MỘT NGÂN SÁCH TÙNG TIỆM, NHƯNG NÓI ĐƯỢC NHIỀU NHÂT. XÚC TÍCH NHẤT VÀ THUYẾT PHỤC NHẤT VỀ QUÁ KHỨ 1000 NĂM tuyệt nhiên không phải là những bộ phim truyện gây nên những cuộc cãi cọ, chửi bới nhau vì “ tranh ăn” rất đáng xấu hổ ngay trước khi bấm máy, mà chính là hơn 50 tập phim tài liệu KÝ SỰ THĂNG LONG do Ban Chuyên đề Đài truyền hình Việt nam triển khai rất sớm, ngay từ đầu năm 2009. Vượt qua khó khăn vì vốn sử liệu, hiện vật hết sức nghèo nàn- đặc biệt là những gì có thể lọt được vào ống kính máy quay; biết dựa vào yếu tố phỏng vấn các nhà nghiên cứu lịch sử có tiếng tăm; với thời lượng cho phép, mỗi tập phim như một giờ lên lớp về lịch sử của Tổ tiên rất sinh động, rất rành rõ mà đầy sức truyền cảm.Mong Bộ Giáo dục-Đào tạo biết bỏ ra những khoản tiền thích đáng cho việc “ nhân bản” hơn 50 tập “Ký sự Thăng Long” để bổ xung cho những giờ Lịch sử khô khan, thiếu sức hút các em học sinh, đang tồn tại hiện nay.
Được khua chiêng, gõ trống từ sớm, khá om xòm ầm ĩ, nhưng trái với sự chờ mong HOẠT ĐỘNG LỄ HỘI ÍT CHỊU ĐẦU TƯ CHẤT XÁM NHẤT,BÊ NGUYÊN SI MẪU HÌNH CÓ SẴN, CÔNG THỨC, HỜI HỢT NHẤT chính là BUỔI DIỄU BINH,DIỄU HÀNH diễn ra tại Quảng trường Ba Đình sáng hôm kết thúc 10 ngày Lễ Hội. Dù ai cũng nhớ ngày 10 tháng 10 là ngày Giải phóng Thủ đô, nhưng cuộc diễu binh diễu hành này trang nghiêm, long trọng như mong muốn, chỉ vì nó là một nghi lễ của Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà nội. Từ xuất phát điểm ấy, tự hỏi cái ngọn đuốc truyền thống kia là để truyền ngọn lửa thiêng từ tay ai đến với tay ai; từ đâu đến đâu? Vô chủ, vô khách. Lại cóp-pi y trang thủ tục quen thuộc của các thế vận hội.Trớ trêu hơn njữa, ngọn lửa kia sao không được thắp lên vào ngày đầu Đại lễ mà lại bùng sáng hôm kết thúc Đại lễ. Và châm đuốc lên rồi, bao giờ sẽ tắt ngọn đuốc đây? Đội ngũ diễu binh thì quân phục của Hải Lục Không quân không thể nào phân biệt nổi. Sắc phục của Bộ đội, Công an, Cảnh sát cũng mũ kêpi, cũng quân hàm, quân hiệu na ná y như nhau. Mà ông Tướng đứng trên xe dẫn đầu đội hình nom sao nhỏ thó quá, bây bấy quá nhỉ ?Còn đội ngũ các cựu chiến binh nữa? Đấy là những người lính kinh qua trận mạc, sống sót trở về. Họ là những tấm huân chương sống trên lá Quân kỹ của Lưc lượng Vũ Trang, là niềm tự hào, là tình yêu của cả dân tộc. Sao không để những người chiến binh kiên cường, quả cảm này đi trong hàng ngũ diễu binh mà lại đưa xuống hàng ngũ diễu hành quần chúng?
Đội ngũ diễu hành Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà nội tội chưa, xưa cũ y xì như các lần diễu hành các dịp Quốc Khánh, mồng 1 tháng 5 diễn ra trên quảng trường Ba đình cách đây 30, 40 năm về trước. Mà lại sơ sài, nộm tạm, qua quýt hơn nhiều.Vẫn nửa cái bánh răng cưa là Đội ngũ Công nhân. Vẫn bó lúa, con bò – biểu tượng cho Nông dân. Vài thanh nan tre uốn cong xuyên qua mấy cục đất tròn tròn-mô hình phân tử chạy quanh hạt nhân nguyên tử- biểu trưng của trí thức. Ra vốn liếng tri thức của tầng lớp trí thức nước ta chỉ giới hạn vậy thôi sao?
Điều kỳ lạ, diễu binh, diễu hành mừng Đại lễ 1000 năm đất Đế Đô sao những màn mở đầu thiếu vắng bóng Rồng thiêng, cờ xí , biểu trưng của các triều đại có công dựng nước và giữ nước? Sao thiếu vắng hẳn cái trang trọng, linh thiêng mang tiếng đồng vọng của Lịch sử như đã diễn ra vào buổi sáng khai mạc Lễ hội tại Vườn hoa Chí Linh?
Điểm sơ sơ là thế, kỹ càng hơn lại sợ bị chửi bới vì chấp nhặt, vì khó tính.
Mà này, ngẫm cải hay, cái chưa hay lẫn cái dở, bỗng thảng thốt giật mình mà chợt nghĩ rằng diễn biến của những ngày Lễ hội khiến mình muốn trào nước mắt, muốn nhẩy cẫng lên hò reoi, muốn phanh ngực áo, chạy ào ra đường phố , vỗ vào ngực mà hét to: “ Tôi là người Hà nội đây!”lại chính là GIÂY PHÚT BIẾT TIN THỦ ĐÔ GIẢM 29 TRÊN 30 ĐIỂM BẮN PHÁO HOA, GIÀNH TIỀN CỨU GIÚP MIỀN TRUNG TRONG CƠN LŨ LỤT!
Sống tại Sài gòn đã trên hai mươi năm, đã quen lời ăn tiếng nói của bà con cô bác Nam Bộ, tôi chỉ biết thốt lên: Kỳ quá ta! Nếu như…Nếu như..Thì còn vui sướng. mát lòng mát dạ hơn nữa sao đây?
T.P HCMinh ngày 11 tháng 10 năm 2010