Kỷ niệm tròn tuổi 90 nhà văn Tô Hoài (27-9-1920-2010)
I - Trang viết bậc thày
Trước những năm 60 của thế kỷ trước, tôi cư ngụ ở một nhà số chẵn phố Nguyễn Gia Thiều (gần Hồ Thuyền Quang). Bên dẫy số lẻ trước mặt có một ông già nhỏ bé, luôn mặc bộ quần áo màu chàm. Nhờ đi họp khu phố, nghe bà con xì xào, tôi mới biết đó là cụ Vi Văn Định, từng là Tổng đốc Hà Đông, Tổng đốc Thái Bình khét tiếng một thời về tính hách dịch. Khi làm quan ở Thái Bình, buổi trưa ai lê guốc ngoài đường mà trong dinh nghe được là quan Tổng đốc cho lính bắt vào đánh, còn ở Hà Đông, quan ghét bèo Nhật, đến làng nào trông thấy bèo Nhật là quan bắt nọc lý trưởng, phó lý ra đánh đòn giữa sân đình.
Nhân vật như từ “cổ tích” ai hay lại nhỏ bé, hiền khô, rất chăm đi họp với bà con dân phố chúng tôi. Tôi rời khu phố ấy đi ở nơi khác, nhân vật “cổ tích” ngỡ mất dạng, chỉ còn le lói trong ký ức, không ngờ, tôi vẫn được gặp lại cụ trong trang văn của Tô Hoài với một sắc thái lạ:
“ Tôi trông thấy trong nhà thường đi ra một ông lão người nhỏ thó, mặt và râu nhợt nhạt, áo sơ mi trong áo vét tử tế nhưng đã cũ. Cụ ra vỉa hè, ngồi xuống vén ống quần. Mấy đứa trẻ như đã rình đằng kia, vừa chạy lại vừa la “Chúng mày ơi! Lại xem cụ đái... cụ sắp đái...” Nghe chúng nó gọi nhau thế, cụ lại đứng lên, thong thả đi vào trong. Nhưng quả là có hôm khác tôi trông thấy cụ ngồi xuống, vạch quần ra đái tự nhiên. Người già cũng như trẻ con, đứng đâu đái chẳng được. Ta nhìn nhiều cũng đã quen. Chỉ còn ngượng, nếu khi nào đưa khách nước ngoài từ sân bay vào thành phố, thỉnh thoảng trông thấy các chị đi trên đê, đương gồng gánh tong tả, lại xắn quần, đứng giạng háng ra.
Cô Đàng công an hỏi tôi:
- Cụ ấy trước là cán bộ cao cấp đấy, bác đã bảo các cháu phải lễ phép chưa?
- Cô biết cụ là cán bộ gì...
- Trong sổ hộ khẩu tên cụ là Vi Văn Định...
- À thế thì cụ là quan đế quốc không phải cao cấp ta.
Ra cái cụ gầy còm lù khù ấy là Vi Văn Định. Cụ lại ra vỉa hè, lừ đừ thong thả đi.
- Chào cụ Vi!
Ông cụ nguớc mặt. Tôi nói:
- Tôi đã đuổi đám trẻ con hỗn với cụ, cụ cứ đái tự nhiên.
(trang 219- 220 Chiều chiều của Tô Hoài, NXB Hội nhà văn, 1999)
Cách viết của nhà văn Tô Hoài cứ tưng tửng như đùa mà ý nghĩa nhân văn thật lớn. Cô công an hộ khẩu quá trẻ, chưa biết Vi Văn Định là ai, đồng nghiệp của cô thấy cũng không quan trọng gì với ông “quan đế quốc”, mặt và râu đã nhợt nhạt như dĩ vãng của ông ta nên chưa cần nhắc nhở đó là “kẻ thù giai cấp ngày xưa”, nên chắc cô cũng nghĩ được như nhà văn “Người già cũng như trẻ con, đứng đâu đái chẳng được.” cho nên không lề luật gì với ông cụ đã lẫn, (căn nhà tử tế như thế, có toa lét tiện nghi là tất nhiên, việc gì phải đái đường!), cô chỉ quan tâm sự hỗn láo của trẻ nhỏ với người già nên nhắc nhở ông đại biểu dân phố Tô Hoài “bác đã bảo các cháu phải lễ phép chưa?”
Cả hai vị có trách nhiệm với việc đẹp nhà sạch phố đều đặt sự tôn trọng người già lên trên hết. Ý nghĩa nhân văn lớn, nhưng ngôn ngữ giản dị, ngắn gọn đời thường của nhà văn khiến ta phải bật cười: “À! Thế thì cụ là quan đế quốc, không phải cao cấp ta! “ ông Đại biểu dân phố lại còn mời cụ ...đái bậy “Tôi đã đuổi đám trẻ con hỗn với cụ, cụ cứ đái tự nhiên!” Nào phải chữ nghĩa to tát gì mới nói được điều nhân ái, nét đẹp thường ngày của người dân!
II – Bài học từ hai trang giấy nhỏ
Bên cạnh sự nổi tiếng về viết, nhà văn Tô Hoài còn nổi tiếng với sự đọc khá rộng các cây bút trẻ “mình đang bơi nên cũng muốn xem chung quanh các bạn bơi như thế nào?” Và hễ có dịp là nhắc nhở về sự tuỳ tiện chữ nghĩa cụ gặp phải. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã được cụ hỏi “ Nếu đảo câu Tôi và Lâm Thị Mỹ Dạ đến thăm... bằng Lâm Thị Mỹ Dạ và tôi đến thăm... thì có khác gì không? Thanh Nhàn (và tôi) giật mình: Ừ nhỉ! Đặt bạn lên trước, rõ ràng là tôn trọng Mỹ Dạ hơn, mình khiêm tốn hơn chứ!
Nhưng việc ấy chỉ thành ấn tượng, khi tôi được nhà văn đàn anh đích thân chỉ bảo. Tôi biết thì giờ của cụ rất quý nên khi tặng sách cụ, tôi phải nói thêm
“ Vì được bác hỏi thăm đến cuốn sách nên mới dám tặng, lúc nào rảnh bác hãy đọc...”
Quả thật tôi cũng không dám mong đợi hồi âm gì. Thế mà chưa tới mười ngày, đã nhận được hai trang giấy nhỏ, tôi đếm được đúng mười cái gạch đầu dòng, tức mười ý kiến cụ chỉ ra cho, cụ mở đầu:
“Tôi đã đọc xong Những gương mặt - những trang đời (*). Tôi đã được biết thêm nhiều chi tiết thú vị của các bạn văn dưới ngòi bút tình cảm của Vân Long. Có một số chi tiết bàn thêm với Vân Long , có thể nếu có cái đúng thì tốt cho khi tái bản” Thật cảm động về sự chí tình, sự khiêm tốn và cách động viên của nhà văn đàn anh. Sau đó, cụ nhặt ra từng hạt sạn ở từng chữ, từng dòng:
--Trang 39, trích câu của Trần Lê Văn: khăn xếp thay bằng khăn quấn, phải bỏ chữ bằng đi thì mới chính xác và rõ nghĩa, vì khăn xếp ra đời sau khăn quấn. Nhưng câu văn ấy lại không phải của Vân Long. (Quả nhiên khi tôi kể lại với nhà thơ Trần Lê Văn, ông thừa nhận ngay: Đúng! Tôi viết chữ bằng là thừa, ông này (Tô Hoài) tinh thật!)
- Trang 152: Báo Vệ quốc quân sư đoàn 304, tiền thân báo Quân đội Nhân dân (là chưa ổn) báo của sư đoàn, của quân khu chỉ có thể góp phần là tiền thân báo Quân đội Nhân dân, mà chỉ có báo Sao Vàng, báo Vệ Quốc đoàn ở Trung ương mới trực tiếp là tiền thân của Quân đội nhân dân...”
- Trang 212, tôi biết, theo tôi biết thôi, có thể không đúng: hoà bình lập lại, Sao Mai ở Nhà thờ Tin Lành thì chưa có bà hai, khi sắp đi khai hoang bà hai mới lên, (sau Thôn Bầu thắc mắc 1957 và trước ký sự Tìm đất 1966).
- Trang 104: mười năm tôi ăn nằm với Hải Phòng, nếu Vân Long đã rõ chữ dân gian ăn nằm là giao hợp thì tôi không có ý kiến gì.
Có nghĩa là cụ không bắt lỗi, nếu người viết đã hiểu nghĩa thường dùng trong dân gian mà cố ý dùng khác đi để làm mới nghĩa chữ đó thì chấp nhận được, do dốt mà dùng sai thì cụ nhắc v..v...
III - Hiện thực đời sống, hiện thực văn chương
Ngày 25 tháng 11 - 2005, tôi dự buổi hội thảo khoa học Để có tác phẩm hay do Hội Văn Nghệ và Chi hội nhà văn Hải Phòng tổ chức. Nhiều nhà văn cho rằng sang giai đoạn mới, phương pháp hiện thực XHCN và cách viết hiện thực chưa đủ để các nhà văn sáng tạo. Có người nhắc đến một tổ chức quốc tế đã bình tác phẩm Đôn Kihôtê của nhà văn Xecvăngtét là tác phẩm hay nhất mọi thời đại. Thế mà nhân vật Đôn Kihôtê được nhà văn “bịa” hoàn toàn từ đầu thế kỷ 17, nhà văn cần phải thông qua cái nhìn thấy để víết cái cảm thấy v...v..
Về Hà nội, gặp nhà văn Tô Hoài, tôi kể sơ sơ tình hình hội thảo. Cụ cười hóm hỉnh, đại lượng: “Ông Xecvăngtét có được Đôn Kihôtê cũng nhờ làm nghề thu thuế đi khắp đất nước. Hiện thực bao giờ chẳng là cái gốc của đời sống. Cao Hành Kiện có Linh Sơn cũng do chuyến về thăm vùng phía bắc Trung Hoa. Có ngồi một chỗ mà bịa được đâu! ..Vả lại, người ta có thể biến tôi với ông thành...quỷ cũng được, nhưng phải có cái gì nhận ra Tô Hoài, Vân Long chứ!”
Rồi cụ nhận xét tình hình văn học của mình đang “phá ra” như Trung Quốc, nhưng khác Trung Quốc là chưa có được những tác phẩm định hình.
Một lần khác, tôi phỏng vấn cụ:
-- Thưa bác, mấy năm gần đây thỉnh thoảng lại nghe tin bác nhập Viện, không rõ những bệnh nào dám cắt ngang dòng văn đầy chất sống của bác?
Nhà văn Tô Hoài (T.H.):
-- Cảm ơn ông, nói chung thì là bệnh già, ở tuổi tôi gần đây phải chung sống với huyết áp cao, tiểu đường và bệnh gút. Còn dòng văn của mình, nó cũng là sự sống! Khi mình còn nghĩ ngợi, chả có gì cắt ngang được nó, phải nằm trên giường bệnh thì nó chảy trong đầu, khi ngồi dậy được thì nó ra mặt giấy.
V.L.
-- Tôi đọc bài Một cách sống trong tuổi già của ông Vương Trí Nhàn, ông nhận xét xác đáng: “Dù người ta có là Tô Hoài đi nữa thì vẫn phải già” và “Có thể nói, ở phương diện làm nghề, nhà văn này già từ rất sớm, và bây giờ không thể già hơn” vừa nói được sức viết lâu dài hiếm có, vừa nói được tính chuyên nghiệp sớm hình thành của nhà văn, trong khi nhiều người trong bọn nhà văn hậu sinh chúng tôi, mang tiếng là nhà văn mà được chăng hay chớ, pha tạp rất nhiều công việc “phi văn học”...Bác có thể cho độc giả biết lịch làm việc hàng ngày hiện nay của bác...
T.H.
-- Với tôi, viết bây giờ cũng như thể dục tinh thần ấy mà! Sau giờ điểm tâm buổi sáng, tôi ngồi vào bàn viết, mỏi thì đứng dậy thư giãn đôi chút. Buổi chiều, sau 2 giờ tôi đi bộ ra ngoài nếu trời đẹp, thời tiết xấu thì đi quanh trong nhà, buồng nọ sang buồng kia, lúc ấy thì tính giờ, tính phút, độ 30 phút...Buổi tối thì
nghe đài, xem TV rồi đi nằm sớm một chút, chưa ngủ được thì nhớ lại chuyện cũ, dự kiến việc làm hôm sau...Chẳng còn viết được nhiều như trước đâu…
V.L.
-- Thưa bác, là người có tiếng đọc nhiều của anh em viết trẻ, như có lần bác đã nói “mình đang bơi phải biết chung quanh họ bơi như thế nào”, bác có nhận xét gì về một số cây bút trẻ đang được công luận chú ý gần đây?
T.H. (vẫn dè dặt như mọi lần đụng đến vấn đề này)
-- Tôi đọc anh chị em trẻ xem mỗi người viết như thế nào, chưa có ý kiến gì nhiều. Cụ thể có thể nói: Các anh chị ấy mở ra nhiều cách, nhưng chữ nghĩa thì ...chểnh mảng lắm! Vị nào cũng gọi bố mẹ là “họ”, chữ này rất lạnh! Còn sex thì thiên hạ thiếu gì! Kim Bình Mai, Liêu Trai thiếu gì sex. Còn Bóng đè sex cả với ông cha (cười)... Thơ mới bây giờ như cái người say rượu, câu được, câu không. Phải đổi mới, phải khác đi, nhưng khác thế nào? Giải thưởng Hội nhà văn VN thì lúng túng quá!...Ngày trước Hữu Thỉnh tặng tôi Thư mùa đông, tôi viết mấy câu nhận xét, đưa cho Văn Nghệ Quân đội không in, tôi đưa thẳng cho Hữu Thỉnh và bảo: Nếu cậu cũng không in, tôi sẽ vứt đi, không in ở đâu nữa. Thế mà Thỉnh vẫn cho in trên báo nhà, thế là cao tay!...
V.L
-- Nhân bác nói về chữ nghĩa còn “chểnh mảng” của các bạn trẻ, đúng là nếu tác giả tìm được những chữ “độc” riêng cho trang viết của mình thì sẽ tạo được lời ăn tiếng nói riêng, từ đó hình thành tính cách nhân vật rồi hình thành bút pháp riêng của nhà văn. Tôi ghi lại những chữ “độc”, câu “độc” mới chỉ thấy Tô Hoài dùng. Tả buổi chiều thì “trong nhà nhoè nhoẹt xâm xẩm” , về sinh hoạt thì “Tôi quen ăn uống lôm loam sống xít”, “Tạng tôi cơm nước lúc nào cũng đểnh đoảng vậy thôi!”, tác phong ông đội trưởng cải cách “nói đến đoạn hăng, ông băm bổ, bàn tay liên liến”,một ông trung nông cố làm vẻ già nua để trốn đi dân công thì “Hai con mắt còn nhưng nháu thế kia, tôi đoán không thể lão đã lên ngôi cụ mà lão chỉ là người chơi nuôi râu”...Đại khái như vậy cũng đã làm nên văn phong riêng của bác mà chúng tôi phải học cả đời!... Độ này bác còn tham gia công tác xã hội ngoài giờ viết?
T.H.
-- Thỉnh thoảng, với những việc được nhờ không ai làm được thì mình phải làm, như hôm gần đây, bên làng tôi (Nghĩa Đô giáp Nghĩa Tân, nơi nhà văn đang cư ngụ) được giấy khen là nơi có di tích văn hoá cổ truyền, có nghề làm giấy sắc phong, nhưng khi các nhà nghiên cứu hỏi cách thức làm giấy dó thì không cụ nào trong làng biết, họ lại nhờ đến tôi. Ôi cái loại giấy đó quý lắm ông ạ! ( sắc phong: như bằng khen ngày nay, do vua ban cho những người có công với dân với nước được coi là các phúc thần, các thành hoàng làng ...) Giấy đẹp và bền hàng trăm năm vì làm từ vỏ cây dó, một thứ giấy tuyệt vời!
Phòng viết của cụ ở Nghĩa Đô là căn phòng xây thêm ra ngoài vuờn, trông như cái lô cốt, mùa rét đóng cửa thì bịt bùng lắm. Nhưng khi ngồi bên bàn viết tiếp tôi, cụ mở cánh cửa sổ phía trong. Hoá ra bên ngoài là một con phố nhỏ, bên kia đường là một quán nước có mấy công nhân xây dựng quần áo lấm lem vôi vữa, đang tranh cãi gì hăng hái lắm. Nếu cụ mở nốt cửa kính, chắc sẽ nghe được họ nói gì. Hoá ra nhà văn vẫn “đặt bàn viết giữa cuộc đời” như Vương Trí Nhàn từng viết, mặc dầu cụ không còn tham gia công tác đường phố như trước!
( *) Những gương mặt - những trang đời (chân dung văn nghệ sĩ, NXB Thanh Niên 2001, giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội 2002. tái bản 2006)