Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGƯỜI VIẾT NHIỀU TÁC PHẨM VĂN HỌC VỀ BÁC HỒ CHƯA PHẢI LÀ HỘI VIÊN HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM

Đàm Quỳnh Ngọc
Chủ nhật ngày 26 tháng 9 năm 2010 3:26 PM
 
Cách đây hơn chục năm, một hôm vào lúc sắp tan tầm buổi mai, một người đàn ông tuổi trung niên, dáng nhỏ, da hơi đen, tóc muối tiêu cắt cao, ăn mặc gọn gàng, đi đứng nhẹ nhàng, nói năng lịch thiệp: 
- Tôi gặp cô một chút có được không?
Ông xin gặp tôi? Tôi chưa thấy người nào đến công sở lại nói xin phép. Tôi chỉ là một cán bộ bình thường chứ có phải quan chức đâu mà xin phép. Vả lại, cho dù là quan đi chăng nữa thì làm việc ở công sở cũng phải lấy tinh thần phục vụ nhân dân làm hàng đầu chứ. Lúc ấy tôi nghĩ như vậy, mãi sau này thì hiểu đó là cách giao tiếp có học của người khách. Tôi cười mời ông ngồi, ông giới thiệu:
- Tôi là Chu Trọng Huyến, làm việc nghiên cứư lịch sử, địa lý của tỉnh. Tôi muốn tặng cô quyển sách.
Ông lần túi vải lấy ra hai quyển sách không còn mới đều viết về Bác Hồ, được dán nilon cẩn thận: Những mẩu chuyện về thời niên thiếu Bác Hồ (NXB Sự thật 1980) Chuyện kể từ làng Sen (NXB Kim Đồng 1980). Tôi nghĩ vào thời điểm này sách đang quí hiếm, mới gặp lần đầu mà đã được cầm sách tặng của ông thì lòng tự hỏi mình đã làm được gì cho ông mà có sự ưu ái vậy? Như hiểu được suy nghĩ của tôi, ông nói: “ Biết cô chịu khó viết và ham đọc, những cây bút viết của tỉnh mình còn ít, nên tôi tặng để cô xem cho vui chứ về vật chất có đáng gì”. Câu trả lời đơn giản của ông làm tôi cảm động mãi. Nghề nghiệp của mình cũng có người biết đến và quan tâm trân trọng đến thế sao? Hay là từ trước tới nay được nhiều người biết đến mà mình chưa hiểu? Vì đã trưa, thời gian không còn nhiều, không trò chuyện được lâu. Ông chỉ nói chuyện say sưa  khoảng mươi, mười lăm phút về những ý tưởng, những quyển sách ông đang ấp ủ viết về Bác Hồ. Qua cách nói chuyện đầy lòng đam mê, tâm huyết, cách diễn giải của ông về những tư liệu về Bác mà ông có được, tôi có thể khẳng định ngay rằng thành công hơn cả trong sự nghiệp của ông là viết về Bác Hồ. Mặc dầu tôi được biết về ông qua báo chí, ông đã có nhiều đầu sách viết về danh nhân: Nơi Nguyễn Du viết Truyện Kiều ( NXB Khoa học Xã hội 1991) Nguyễn Công Trứ con người và sự nghiệp ( NXB Khoa học Xã hội 1995) Phan Bội Châu ( Truyện, NXB Nghệ An 1998) Đôi mắt quan thái sư; Nguyễn Xí; Tiếng bom Sa Điện; Tính cách người Nghệ; Truyện lịch sử về Xô Viết; Hoa trên cát…
Đó là chuyện mười mấy năm về trước. Sau này còn được gặp ông, cũng có lúc tôi tới nhà riêng ở xóm Mẫu Đơn, xã Hưng Lộc, Thành phố Vinh để nói chuyện văn chương. Thực ra tôi nghe ông nói là chính, tôi thì đã nghĩ được gì cho ra hồn đâu mà nói. Trong ngôi nhà cấp 4 đơn sơ ẩm thấp với bàn học ngổn ngang của những ng ư ời con đang tuổi học hành, khiến ngôi nhà càng chật chội thêm. Vậy mà ông vẫn cố gắng dành gian phòng rộng nhất để chứa đựng sách báo làm tư liệu cho những cuốn sách, những công trình nghiên cứu về Bác Hồ kính yêu ông đang ấp ủ. Ông xuất thân là một giáo viên tốt nghiệp Sư phạm Trung cấp từ trong kháng chiến và tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội từ năm 1963. Hơn chục năm đứng trên bục giảng với vai trò người thầy đã đem lại cho ông nhiều vốn sống, kiến thức của cuộc đời. Cũng bắt đầu từ môi trường giáo dục, những tư liệu về Bác ông sưu tầm được, nhất là phong cách đạo đức của Bác Hồ, theo năm tháng nghiền ngẫm, đã ngấm dấn, in tạc vào ông, tạo cho ông phong cách, lối sống chuẩn mực. Ông làm việc khoa học, đúng giờ giấc, chỉn chu, chưa bao giờ sai hẹn với bạn bè, đồng nghiệp, và người thân. Cũng từ năng khiếu văn chương và uy tín từ phong cách làm việc, năm 1966 ông được Tỉnh uỷ Nghệ An điều về làm việc tại Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng. Cuốn sách đầu tiên: “Suốt đời vì Đảng” in chung với nhà thơ Minh Huệ, Trần Hữu Thung là tập hồi ký cách mạng do Nhà xuất bản Thanh Niên in ấn năm 1969. Có thể coi là thành công mở đầu cho việc cầm bút của ông.
Sau thời gian đi nhiều, ghi chép nhiều, miệt mài làm việc nghiên cứu lịch sử, địa lý về quê hương, cuốn sách: Chuyện từ làng Sen ( NXB Kim Đồng 1980) của ông được phát hành trên toàn quốc với số lượng in rất lớn, sau đó còn được ba nhà xuất bản khác cùng in lại theo yêu cầu của công chúng. Theo đà phấn khởi đó, ông làm việc có kế hoạch khoa học hơn, đam mê hơn, tích cực làm việc với “…niềm vui mỗi ngày lại đến”,“Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”. Những năm sau, với kết quả làm việc đã ưng ý, ông cho ra đời hàng trăm bài báo về danh nhân xứ Nghệ, địa danh, hàng chục cuốn sách viết về Bác Hồ, tính cho đến ngày hôm nay là 13( mà tôi nghĩ số lượng sách của ông chưa phải dừng lại ở đấy) có chất lượng, những cuốn sách của ông đều được các Nhà xuất bản đặt hàng trước: Cuộc đời không ngắn ngủi ( NXB Phụ nữ 1989). Hồ Chí Minh quê hương và gia thế (NXB Nghệ An 1990). Hồ chí Minh thời trai trẻ ( NXB Nghệ An 2000- 2004). Hồ Chí Minh những cuộc gặp gõ như định mệnh( NXB Thuận Hoá 2007) Chuyện kể về gia thế Hồ Chí Minh ( NXB Thuận Hoá 2007). Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp (  NXB Thông tấn 2007). Bác Hồ thời học trò thông minh (NXB Thuận Hoá 2008 ) Từ Krem lin đến Pắc Bó ( NXB Nghệ An 2008) Bác Hồ của chúng em ( NXB Kim Đồng 2009)
Với sức lao động bền bỉ, chăm chỉ như kiến tha lâu cũng đầy tổ. Ông đã hai lần được Uỷ ban Liên hiệp Văn học Nghệ thuật toàn quốc tặng thưởng. Ngôi nhà cấp 4 của ông giờ đã xây dựng lại thành ngôi nhà hai tầng khang trang thoáng mát do các con ông góp sức làm nên. Ông đã có gian phòng lớn chứa đựng được nhiều tư liệu nghiên cứu qua các thời kỳ, đủ loại sách báo, kể cả sách báo bằng tiếng Pháp, tiếng Trung. Bây giờ có điều kiện làm việc tân tiến và hiện đại, ông sưu tầm và viết trên máy tính bằng tiếng Hán. Những người con của ông đã trưởng thành có địa vị trong xã hội. Năm người con là năm tấm bằng đại học và sau đại học. Ông thường nói, nếu như không có thời bao cấp thì làm sao các con có điều kiện học hành được như ngày hôm nay.
Trong sự nghiệp của Chu Trọng Huyến không thể không kể đến một “bóng hồng” xuyên suốt cuộc đời ông. Đó là người phụ nữ, là đồng nghiệp của ông thời kỳ cùng đứng trên bục giảng, cô giáo xinh đẹp ngày xưa giờ còn vương nhiều nét duyên của một thời xuân sắc. Bà tên là Trần thị Thiềng. Những lần nói chuyện với tôi, ông chưa bao giờ quên khẳng định vai trò của người vợ, bạn đời son sắt, cùng xây tổ ấm.
Ông là người luôn chân thành với bạn bè, với đồng nghiệp. Những lúc khách đến chơi rồi ra về, ông thường đưa ra tận đường lớn, đứng chờ khách đi được một quãng xa mới quay vào nhà, bao giờ cũng vậy.
2010
Đ. Q. N