Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỪNG THƠM NHƯ THẾ NỮA NHA

Phạm Thành
Thứ hai ngày 27 tháng 9 năm 2010 6:17 AM

  Bác Trần Nhương thân mến!
 Phạm Thành viết bài này đã lâu. Nhân có Nhà văn Hoàng Tiến bàn đến, có Trần Đình Thu phản biện, Phạm Thành xin góp vui bằng cách gửi bài viết này đến bác Trần Nhương, nhờ bác post lên trannhuong.com cho mọi người đọc thương thức thêm một loại “ gia vị” khác của “ Chẳng thơm…”.
 

Lâu nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng, hay lấy câu: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người tràng An”, để nói cái hay, cái hơn về văn hoá, thanh lịch của người Thủ Đô. Tôi cho rằng, hiểu như vậy là không đúng với nghĩa thực của câu ca này. Ta hãy xem trong hoàn cảnh nào trong quan hệ giữa người với người để chủ thể thốt ra câu ca này.
 Thông thường người có chữ, có văn hoá, cao hơn là các bậc trí giả, dẫu có người nào đó chê mình, dù là chê sai, cũng chấp tay cung kính lắng nghe. Người lao động chất phác thường lấy trung thực làm gốc, thấy gì, nghĩ gì thì nói nấy, không thể hoa mỹ, bỏng bẩy, kiểu “ Nói đây chết cây Hà Nội” được. Thốt ra câu như là đốp vào mặt người chê mình, tôi đồ rằng, chỉ có ở phường tiểu thương, phường du thủ du thực, phường đào kép, phường trọc phú nhưng lại kém văn hoá mà thôi. Và vì vậy, “ Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dâu không thanh lịch cũng người Tràng An” , là câu nói của người Thủ Đô thuộc một trong những phường người mà tôi kể trên.
 Nó ra đời ở qúan xá, cửa hàng buôn bán, nơi vui chơi giải trí, hội hè. Chẳng hạn, tại một quán phở nào đấy, một người nhà quê thấy một người Thủ Đô đang ăn uống hùng hùng, vung vãi, khạc nhổ như người mắc bệnh lao, liền phê bình anh ta, ăn uống gì mà như trâu húc mã. Anh người Thủ Đô này, nếu có văn hoá, có lịch sự nhận cậu phê bình của anh nhà quê để vui vẻ sửa mình, thì chẳng thể có câu thưa lại: “ chẳng thơm cũng thể hoa nhài…”; còn nếu anh ta sĩ diện dởm, cho mình là người Thủ Đô, cái gì cũng hơn anh kia, thì nhất định anh ta sẽ hằm hằm đáp trả: cái thằng nhà quê kia, Đây, “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài…”, nhá.
 Hay ở một con phố nào đó, người nhà quê ở lẩn với người Thủ Đô. Người nhà quê thấy con cái người Thủ Đô gặp người mắt cứ trợn lên, ăn nói thì thiếu chủ ngữ… anh nhà quê chân thật, lên tiếng, nhắc nhở. Nếu người Thủ Đô thấy đó là khuyết điểm của mình trong việc dạy con cái, xin tiếp thu để bảo ban con cái, thì cũng không thể thốt “ ngọc” ra câu: “ Chẳng thơm…”. Còn nếu anh ta lại cho rằng, người phê bình là thứ nhà quê mới một mùa ở Thủ Đô mà dám lên tiếng dạy dỗ mình, thì đương nhiên mặt cau lại và miệng thốt ra: Đây, “ Chẳng thơm cũng thể hoa nhài…” nhá.
 Hay, một người nhà quê lên Thú Đô chơi, thấy người Thủ Đô hay ăn mặc hở hang, váy ngắn gọn lên tận bẹn, lên tiếng phê bình. Nếu người Thủ Đô tiếp thu thì “ ngọc” cũng thể thốt ra : “ Chẳng thơm…”; còn nếu trong đầu vẫn nghĩ, mình là người Thỉ Đô chính hiệu, Thủ Đô gốc, cái gì cũng phải hơn người tứ xứ, ắt cũng cong cớn lên mà thốt ra “ngọc”: Đây, “Chẳng thơm…” nhá!
 Trong cuộc sống, bất cứ quan hệ gì giữa người với người đều mang yếu tố văn hoá. Người có văn hoá là người biết ứng xử có lễ, nghĩa. Tuy nhiên, ngôn ngữ của loài người là từ lao động mà ra. Do vậy, khi xã hội đi vào chuyên môm hoá lao động, thì cũng dần hình thành ngôn ngữ mang tính đặc thù. Chẳng hạn, dân sinh ra ở lò gạch, dạng như Chí Phèo, dù có lên lãnh đạo xã hội ở cỡ nào, thì  ngôn ngữ tục tằn thường vẫn gắn trên miệng; dân thành thị tiểu thương thì mở mồm ra là khách sáo, xã giao, hoặc là cong cớn, đanh đá; nghề làm thầy thì mở mồm ra là đạo đức,  mực thước; dân làm chính trị mở mồm ra là lắt léo, khoa trương, đa nghĩa…
 Bởi vậy, tôi cho rằng, câu ca: “ Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” là câu đáp của một người Thủ Đô nào đấy thuộc tầng nấc hay sĩ diện vô lối, hay tự ái, tự ti, tự ghê vố lối mà tạo thành, quyết không phải câu của những hạng người đứng đắn, có văn hoá. Hiểu đúng nghĩa của câu ca này, để những người Thủ Đô  thuộc cấp lãnh đạo, thuộc nghề tuyên huấn chớ lấy câu: “ Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Trang An” làm thước vàng, thước ngọc để giao giảng, răn dạy về văn hoá, về thanh lịch, đạo đức cho người Thủ Đô ta, kẻo không lại đem cái xấu xa dạy người chân chính, đem vàng luyện thành đồng thì… buồn cười lắm!
Xin người Thủ Đô ta đừng thơm như thế nữa nha!
Tháng 8.2007
P.T