Đọc mấy bài xung quanh câu ca: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An khá thú vị, có ý kiến bác hẳn câu ca trên, một số tác giả có ý bênh vực : “cần lưu ý, không phù hợp chứ không phải là tác giả dân gian đã sai khi sáng tác ra nó”.
Xin có mấy ý bàn thêm:
Câu ca xuất hiện ở nơi nào, được lưu truyền sử dụng rộng rãi ở nơi nào thì chính là một “tác phẩm” dân gian của vùng ấy. Sao lại cứ phải dẫn Huế mới gọi là Tràng An, Trường Yên (Ninh Bình) mới là Tràng An, trong khi từ Tràng An đã chuyển nghĩa chỉ kinh đô mà Thăng Long- Hà Nội- kinh đô thời Lý, Trần, Lê-Trịnh…, có thời gian dài hơn cả.
Sao chỉ nghĩ hoa nhài là loại hoa con đĩ? Cô gái xinh đẹp lấy phải anh chồng không ra gì, thành ngữ có câu: bông hoa nhài cắm bãi phân trâu. Hẳn khi nói câu này không ai nghĩ cô gái bất hạnh kia là con đĩ. Hoa sen, hoa cúc là hoa quân tử, hoa bằng lăng: tình yêu thuỷ chung, hoa quỳnh hoa nhài: hoa lẳng lơ đĩ thõa, hẳn không phải là ý niệm chung cho mọi tầng lớp. Tư duy bình dân có nét riêng.
Một số bạn đọc chưa lật trở các chiều của câu ca, chưa nắm vững các chỗ giản lược, những chữ ẩn.
Câu thứ nhất, muốn nói: Hoa nhài chẳng thơm thì cũng là hoa nhài. Câu thứ hai đầy đủ : Người Tràng An dẫu không thanh lịch (còn khiếm khuyết nào đó) thì vẫn là người Tràng An. Hai chữ thanh lịch, dân gian thường dùng trong các thành ngữ: trai thanh gái lịch, ăn mặc thanh lịch, ăn nói lịch thiệp… nghiêng về phía hình thức và nếp sống văn hoá, con mắt cái tai thấy được, đã phần nào nói lên đạo lý nhưng chưa đề cập đến những nét cơ bản nhất của cốt cách. Câu này có thể dùng, tự nói về mình, tự tôn mình, tôn vùng đất kinh kỳ thường có văn hoá trội hơn trong cả nước, nhưng cũng có thể là câu nói của người tứ trấn ca ngợi vẻ đẹp của người kinh kỳ. Ví dụ, anh nọ lấy được cô vợ người Hà Nội, cô nàng có tật nhược, có kẻ chê cười, nhưng cũng có người rộng lòng nói: Chẳng thơm cũng thể… Dân gian thường vận dụng ca dao tục ngữ một cách tế nhị. Có khi chỉ là quần áo không thật tươm tất, nói cười to, không đúng chỗ… cũng là không thanh lịch. Không hẳn như mấy thầy phác vẽ, đẩy đến chót mút của vấn đề. Những con người không thanh lịch cứ phải là “loại vô học”, “vỗ ngực”, “loại du thủ du thực”, “sĩ diện vô lối”, kẻ ngồi ở quán phở “ăn hùng hục, vung vãi, khạc nhổ”… Ôi, câu ca Chẳng thơm cũng thể hoa nhài thanh lịch thế mà các thầy bình tán, rộng mở đến mức đó. Nghe, con trẻ dễ mất tinh thần, kinh hãi lắm. Bỗng dưng câu ca ấy có tội. Không lẽ, các nhà báo, nhà đài, nhà giáo, nhà viết sách về nghìn năm Thăng Long mấy chục năm qua đã sử dụng câu ca trên, gà mờ ấm ớ cả?
Ca dao thường được làm từ thể hứng thể tỷ:
- Thiếp xa chàng như rồng xa mây
Như con chèo bẻo xa cây măng vòi.
- Ước gì em hoá ra dơi
Bay đi bay lại trên nơi anh nằm.
- Mình nhớ ta như cà nhớ muối
Ta nhớ mình như cuội nhớ trăng.
Cô nàng tự ví mình như con chim chèo bẻo, như con dơi, anh chàng ví mình là cuội… Bây giờ đọc lại, hẳn ai cũng cho rằng, ví von thế thật dại dột, ngốc nghếch. Dân dã hồn nhiên vậy, nếu cứ bắt bẻ thì hẳn nhọc sức. Mỗi câu ca dao thường được ra đời, được sử dụng trong hoàn cảnh nhất định, khi nó tồn tại dài dài phải có cái lý đúng của nó. Có những câu có mặt trái. Có những câu đúng thời này mà không đúng thời nọ. Vấn đề là sử dụng cho đúng hoàn cảnh.
Thiết nghĩ, người dân Hà Nội (nhất là chị em phụ nữ) vẫn có thể tự hào với câu: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An. Có câu ca ấy, người dân thủ đô sẽ luôn được nhắc nhở tu tâm dưỡng tính, cảnh tỉnh, phát huy truyền thống, phấn đấu ứng xử thanh lịch và đượm hương nhài thanh khiết…
VI LAN