Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHUYỆN KHÔNG NHỎ..NHƯ CON THỎ ĐÂU(4)

Tô Hoàng
Chủ nhật ngày 26 tháng 9 năm 2010 8:53 AM
 Bấy lâu nay khi báo viết, báo mạng tỏ ý âu lo về phần “ hồn Việt “ của bộ phim “Đường tới thành Thăng Long” dư luận đã tỏ ý muốn biết đồng đạo diễn người Việt Tạ Huy Cường là ai? Rồi gương mặt của Tạ Huy Cường bên cạnh gương mặt của đạo diễn Trung Quốc Cận Đức Mậu xuất hiện trên các trang báo càng không thể làm yên lòng người quan tâm.
May sao, đạo diễn Tạ Huy Cường đã cất lên tiếng nói trong bài trả lời phỏng vấn trên số báo “ Thể thao & Văn Hóa” cuối tuần ( số 39 từ ngày 24 đến 30/9/2010).
 Sơ qua về gốc gác nghề nghiệp của Tạ Huy Cường, “ Thể thao& Văn hóa” cho biết: “ Tạ Huy Cường tốt nghiệp Đại học Sân khấu-Điện ảnh vào năm 2001, đứng tên đạo diễn một số gameshow truyền hình”. Từ ngày Tạ Huy Cường ra trường đến nay đã gần 10 năm, lại vào giữa thời kỳ phim truyện truyền hình nhiều tập bung nở như ngô rang, đạo diễn rất “đắt hàng”  đến độ như các nhà sản xuất phim ở Sài gòn thường nói, “tìm được đạo diễn giao phim còn khó hơn nhiều tìm diễn viên ngôi sao”. Tạ Huy Cường chưa hề bắt tay làm một bộ phim nào( kể cả phim điện ảnh lẫn phim truyền hình), có thể vì anh kỹ tính chưa chọn được một kịch bản ưng ý hoặc vì anh không ưa cái cơ chế “ vắt chanh “ trong việc làm phim ở các đài truyền hình hiện nay. Tạ Huy Cường làm đạo diễn gameshow của Đài truyền hình Việt nam hay đài truyền hình các tỉnh? Báo không nói rõ. Cũng chả sao! Bây giờ cả nước có gần 90 kênh truyền hình, kênh nào chả phát sóng 24/24 giờ một ngày. Riêng ở Sài gòn nghe nói đã có tới 400 cơ sở tham gia làm phim truyện truyền hình. Tạ Huy Cường làm gameshow ở đâu thì có gì quan trọng?
 Ấy thế nhưng đọc bài trả lời phỏng vấn của đạo diễn Tạ Huy Cường trên báo “ Thể thao&Văn hóa” số vừa nêu tôi bỗng giật thột  ngay ở khả năng diễn giải điều muốn nói của ông đạo diễn người Việt mình.
 Bạn đọc bài trả lời phỏng vấn của ông Cường đi. Trước hết là câu cú, mệnh đề chính, phụ đến các dấu chấm phẩy ông ta dùng rất thỏai mái, tùy tiện. Xin đơn cử một ví dụ thôi :” ..Cho đến tháng 3 /2009, khi biết UBND TP Hà nội quyết định không làm bộ phim này nữa thì anh em chúng tôi quyết định thực hiện ước mơ của mình, đặc biệt là anh Sơn, rất tâm huyết để làm bằng được bộ phim về vị vua triều Lý của chúng ta, và thế là anh Sơn chấp bút hình thành kịch bản mặc dù anh ấy là người ngọai đạo của làng nghệ thuật thứ bảy”. Còn nêu ra đây nhiều câu nữa lẫn lộn giữa văn nói và văn viết như vậy!
Hay đây là lỗi của phóng viên khi ghi lại những câu trả lời của anh Tạ Huy Cường chăng? Tôi vẫn còn khả năng biện hộ cho anh.
Nhưng đến khi anh Cường động chạm tới các khái niệm liên quan đến  nghề nghiệp của người đạo diễn, tôi không thể bênh vực cho anh được nữa. Trả lời câu hỏi, trong phim “Đường tới thành Thăng Long” nhiệm vụ của anh là gì bên cạnh đạo diễn Trung quốc, Tạ Huy Cường trả lời:” Về câu chuyện lịch sử thì chúng ta khác nhiều so với Trung quốc nên từ cách đi, đứng, ăn, nói, nghi thức và văn hóa của con người cũng khác nhau. Hầu hết diễn viên trong phim còn trẻ, chưa làm phim cổ trang bao giờ, do vậy trước khi bấm máy, công việc của tôi là tập diễn xuất họ..”. Có lẽ anh Tạ Huy Cường muốn nói như thế này: Xét về phương diện lịch sử, trong cốt kịch phim có rất nhiều điều chúng ta khác với Trung quốc như…”. Anh Cường nói: “ từ cách đi, đứng, ăn, nói, nghi thức và văn hóa..”. À thì ra đi, đứng, ăn, nói, nghi thức- theo anh Cường với văn hóa là hai phạm trù khác nhau. Anh Cường nói công việc của anh trước khi bấm máy là “ diễn xuất họ” ( tức diễn viên). Khái niệm này chắc chưa đạo diễn nào nói với diễn viên! Vẫn trả lới câu hỏi trên, anh Tạ Huy Cường nói:” ..Còn khi quay chung trên trường quay tôi vẫn phải chú ý đến diễn xuất của diễn viên vì đạo diễn Cao Đức Mậu không hiểu tiếng Việt”. Làm việc chung mà vẫn phải chú ý là thế nào? Và cái lý phải chú ý càng kỳ khôi. Đạo diễn Trung quốc không biết tiếng Việt, còn anh Tạ Huy Cường có biết tiếng Hoa không để có thể giúp nhau chỉ đạo diễn xuất? Tiếp theo, trả lời câu hỏi, vì sao anh Tạ Huy Cường khẳng định bộ phim anh vừa làm là “phim cổ trang đúng nghĩa” mà Cục Điện ảnh Việt nam lại yêu cầu hõan chiếu để sửa chữa vì bối cảnh và phục trang đã “Trung quốc hóa”, Tạ Huy Cường giải thích :”…Trong phim, chúng tôi đã cố gắng nghiên cứu và đưa các họa tiết, hoa văn đặc trưng của Việt nam vào như rồng, vân mây, màu sắc, voi, các lọai đèn, bản đồ, bức rèm trên tường, bình phong, cờ…và đặc biệt là nghi thức triều đình, động tác tay, chân khi gặp người cấp trên ngang hàng mình hoặc cấp dưới, những vấn đề này chúng tôi nghiên cứu rất kỹ”. Anh đạo diễn Việt mình thích nói gộp lại cho gọn, cho nhanh chăng khi  xếp cả các lọai đèn trên tường, các nghi thức triều đình..vào khái niệm các họa tiết, các hoa văn? Nhưng anh còn đi xa hơn đặt ra yêu cầu các họa tiết, các hoa văn phải ghi cả động tác tay, chân khi gặp người cấp trên, ngang hàng mình hoặc cấp dưới. Cái khái niệm cấp trên cấp duới ở thời buổi lịch sử đã xa cách nay cả ngàn năm là ra sao nhỉ?
Còn có thể dẫn ra thêm những ví dụ như vậy. Cuối bài trả lới phỏng vấn , đạo diễn Tạ Huy Cường hy vọng, sau khi chúng ta xem hết 19 tập phim của anh chúng ta sẽ hiểu” tòan cảnh phim” như thế nào? Khái niệm “ tòan cảnh” trong ngữ cảnh này cũng là phát minh mới của đạo diễn Tạ huy Cường đây!
Người viết những dòng này hiện đang tham gia giảng dậy sinh viên đạo diễn điện ảnh của Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh TP Hồ Chí Minh và phân hiệu phía nam của Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà nội . Một trong những giờ lên lớp ngay ở năm học đầu chúng tôi khuyên các em phải tập cách diễn đạt ngắn gọn , mà rành rõ, cụ thể, chính xác; tránh cách ăn nói dấp dính hay như các cụ nói là “ cắn hạt cơm không vỡ”. Bởi lẽ chỉ có những ý tưởng, những dự định bản thân đã thật thông tỏ, đã nghĩ chín trong đầu mới tìm được cách diễn tả minh xác, cụ thể, có sức truyền cảm mà thôi. Bởi lẽ mỗi lời người đạo diễn phát ra là phương tiện để chỉ huy, thuyết phục và buộc diễn viên, quay phim, họa sỹ thiết kế.. sẽ phải làm theo mệnh lệnh của mình. Còn nếu như….
Chuyện ẩu tả, gặp chăng hay chớ trong việc làm phim bây giờ bàn dân thiên hạ lan chuyền đã nhiều. Kịch bản hay hoặc dở không quan trọng,  muốn được quay thành phim, điều tiên quyết nhà sản xuất phải thỏa thuận được phần trăm chia chác với bên đài truyền hình. Một tập phim truyện sẽ chiếu trên màn ảnh tivi trong 45 phút ông chủ bỏ tiền làm phim chỉ cho phép quay tối đa trong một ngày rưỡi. Diễn viên tự lo trang phục, hóa trang lấy. Diễn viên cũng không thèm ngó ngàng tới kịch bản, lời thọai của nhân vật, đứng trước máy quay sẽ có người nhắc. Biên kịch, đạo diễn bàn nát nước mới đi đến thống nhất chọn nữ diễn viên Kiều nọ, Mai kia theo họ mới hợp ngọai hình, tính cách của vai nữ chính. Ông chủ bỏ tiền làm phim gạt phắt dự định của cả biên kịch lẫn đạo diễn để giao vai đó cho một cô gái lạ hoắc lạ huơ. Hỏi ra mới hay, cô ta là gái nhẩy ông chủ vừa làm quen ở vũ trường Been hay Queen gì đó tối hôm trước…
Nơi nào, lãnh địa nào của đời sống, của xã hội bây giờ chẳng gặp những chuyện xằng bậy, nhăng nhố, gian trá, lung tung phèng kiểu “ treo đầu dê, bán thịt chó”? Huống hồ chuyện làm phim – thiên hạ khuyên can tôi vậy.
Nhưng mà “Đường tới Thăng Long” là bộ phim ra mắt vào dịp Đại lễ 1000 năm Thăng long- Hà nội ? Lại là phim lịch sử nói về một thời liệt oanh của Tổ tiên chúng ta? Thêm nữa, đây là phim hợp tác( mỗi bên bao nhiêu phần trăm?)với ông bạn “bành trướng”? Liệu ông bạn có ăn hiếp ta không ?
24/9/2010

Ghi chú ảnh: 
Đạo diễn Trung Hoa Cận Đức Mậu ( trái) và đạo diễn Việt Nam Tạ Huy Cường( phải)