Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐOÀN MINH TUẤN, NHÀ VĂN THỦY CHUNG VỚI HÀ NỘI

Nguyễn Vũ Quỳnh
Thứ hai ngày 27 tháng 9 năm 2010 6:31 PM
 
Tôi biết tên ông từ thời đi học vì được đọc nhiều bài của ông viết trên các báo. Song cho đến tận năm 2005 tôi mới gặp được ông ở thành phố Hồ Chí Minh. Đó là nhà văn, nhà báo, nhà biên kịch điện ảnh Đoàn Minh Tuấn ! Đọc báo biết tên là ông tác giả của những thể loại truyện ngắn, ghi chép, ký sự … nhất là ấn tượng đẹp về Bác Hồ, những người nổi tiếng và đất nước. Được đọc những chuyện lịch sử, về Hà Nội thủ đô yêu dấu của ta và của ông, đó là cái may mắn thứ nhất của tôi trước khi gặp nhà văn Đoàn Minh Tuấn. May mắn thứ hai là tôi được nhà văn Triệu Xuân ở Nhà xuất bản Văn Học tặng tôi tuyển tập Đoàn Minh Tuấn, qua quyển sách đó tôi lại càng cảm phục ông. Người hơn 60 năm cầm súng, cầm viết hành trình cùng chữ nghĩa, văn chương để lại cho chúng tôi nguồn tư liệu, nhân văn quý giá mà người đọc như ăn cơm hàng ngày vẫn không thấy chán mà ngon mắt, ngon miệng. Hai điều may mắn ấy, giúp tôi hiểu được phần nào về ông nhà văn, nhà báo lão làng này mà mạnh dạn đến chào và bắt tay ông lần đầu tiên trong cuộc giao ban, báo chí cuối năm 2005. Ông hỏi tôi : - Cậu đang làm ở báo nào ? Tôi thưa với ông : - Thưa bác ! Em làm ở báo Người Hà Nội ! Ông nói tiếp : - Báo Người Hà Nội à, tôi là người được đăng bài trong số báo đầu tiên của báo Người Hà Nội đấy nhé ! Bài “Ông tướng làng Tả Thanh Oai” sau đó cụ Tô Hoài gọi điện vào cảm ơn và dặn nhớ viết đều cho Người Hà Nội. Từ đó đến nay tôi vẫn đọc và cộng tác thường xuyên. À còn bài Kinh thành Thăng Long đăng ở số sau đó.
Tôi nói với ông : - Chắc chắn bác là người viết đầu tiên cho Người Hà Nội ở đất phương Nam này rồi. Hôm nay tôi mới bác viết tiếp cho Người Hà Nội. Bạn không dặn tôi cũng vẵn viết cho Người Hà Nội.
Từ đó đến nay tôi với nhà văn Đoàn Minh Tuấn như anh với em, thỉnh thoảng ông lại gọi điện cho tôi và nhiều khi ông mời tôi đi uống cà phê. Qua tiếp xúc tôi càng tâm phục ông vì ông đã cho người thân, bạn đọc giàu lên về cảm nhận phong phú về tri thức cuộc sống. Ông tâm sự rằng : - Hơn hai mươi năm tôi sống, làm việc và học tập ở Hà Nội, một thời đạn bom, một thời hòa bình ấy đẹp đẽ và cao quý. Hà Nội đẹp, nhân ái, đã nuôi dưỡng tâm hồn, để tôi trở thành nhà văn, nhà báo. Hình ảnh, cảnh quan, con người Hà Nội như đền Hai Bà Trưng, chùa Một Cột, Hồ Gươm, Hồ Tây v.v… hay ngày Bác Hồ và Trung ương về lại thủ đô đã thôi thúc tôi viết Núi sông hùng vĩ về Thăng Long ngàn năm văn hiến. Xin thưa với nhà báo rằng, Hà Nội với tôi là tình yêu và nỗi nhớ vì ở đó ngày trước, nhà tôi ở số 21 Hàng Khay và bà xã Minh Tâm của tôi là người Hà Nội, sau này về thành phố Hồ Chí Minh tôi trả lại nhà cho nhà nước. Hà Nội với tôi là ân tình, là kỷ niệm. Bây giờ mỗi lần ra Hà Nội, ký ức lại ùa về làm ngày xưa trở lại. Hà Nội bây giờ rộng mở, to đẹp hơn nhiều lần, giàu có hơn rất nhiều, tôi chỉ mong Hà Nội bây giờ phải giữ cho được ân tình như xưa và thanh lịch duyên dáng. Phụ nữ Hà Nội bây giờ đẹp và hiện đại nhưng ít duyên dáng hơn các em các chị ngày trước.
Nói về báo Người Hà Nội ông tâm sự rằng : Cụ Tô Hoài là người sinh ra tờ báo Người Hà Nội, tiếng nói của văn nghệ sĩ, tri thức của nhân dân Hà Nội cái tên tờ báo hay quá và ở phạm vi rộng. Các anh phải cảm ơn cụ Tô Hoài ! Tôi được gặp cụ Tô Hoài lần đầu tiên là vào năm 1959, khi ấy bác Nguyễn Tuân dẫn tôi tới nhà bác Tô Hoài từ đó tôi với ông là anh em thân tình. Tờ báo Người Hà Nội của thủ đô ngàn năm văn hiến, không chỉ cho Hà Nội mà phải lan tỏa rộng rãi, muốn lan tỏa rộng rãi đến với công chúng thì nội dung phải phong phú mà Hà Nội là cái nôi của văn hóa, là trung tâm của trí tuệ là kinh đô văn hiến. Tôi mong Người Hà Nội cần có bước đột phá mới và chắc các bạn cũng mong muốn như vậy ! Còn sức để viết, tôi vẫn viết cho Người Hà Nội ! Viết về ân tình của thủ đô. Những khu đô thị mới xung quanh Hà Nội xưa bây giờ rất ít cây xanh…
Đoàn Minh Tuấn nhà văn, nhà báo người con của đất Quảng Ngãi anh hùng bình dị mà kiên cường, nơi chôn nhau cắt rốn của ông nuôi ông lớn lên, cho ông chân cứng đá mềm đi làm cách mạng thì Hà Nội là vườn ươm tâm hồn, bồi bổ cho ông đời người và đời văn, bình thường mà cao cả, giản dị mà sâu sắc, nhân nghĩa mà uyên bác. Ông là người bạn đồng hành cùng báo Người Hà Nội từ buổi đầu tiên cho đến bây giờ, một nhà văn, nhà báo chung thủy với Người Hà Nội với thủ đô văn hiến.