Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÂU CA DAO SAI HAY NGƯỜI ĐỌC HIỂU SAI?

Nhà nghiên cứu văn học Trần Đình Thu
Chủ nhật ngày 26 tháng 9 năm 2010 6:04 PM
      
Nhà văn Hoàng Tiến vừa đưa ra một lời bàn thú vị đối với câu ca dao “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Với sở học đơn sơ của mình về văn học dân gian, xin có đôi lời trao đổi lại cùng tác giả.
Về vấn đề địa danh trong câu ca dao:
Tác giả Hoàng Tiến viết:
“Người Tràng An ở câu ca dao này tức để chỉ người Thăng Long, người Đông Đô, người Hà Nội đấy, với niềm kiêu hãnh vẻ đẹp thanh lịch truyền thống của mình. Có biết đâu nói như thế là rất sai lầm.”.
Sai lầm theo tác giả Hoàng Tiến là người ta không gọi Hà Nội – Thăng Long là Tràng An.
Đúng là chưa có lúc nào vùng đất Thăng Long – Hà Nội được gọi là Tràng An, nhưng chúng tôi cho rằng câu ca dao không nói đến Thăng Long – Hà Nội mà nói đến Huế. Tràng An ở đây là để chỉ Huế. Khoảng từ năm 1925 - 1930, ở Huế còn có tờ báo Tràng An, một tờ báo từng đăng thơ của Phan Bội Châu và Hàn Mặc Tử xướng họa với nhau. Chúng tôi chưa tìm hiểu được sâu hơn về nguồn gốc của từ Tràng An này nhưng nghĩ rằng Tràng An là chỉ kinh đô Huế chứ không phải kinh đô Thăng Long.
Về vấn đề nội dung:
a. Mối quan hệ giữa “hoa nhài” và “người Tràng An”
Tác giả Hoàng Tiến viết: “…cho nên tự ví mình với loài hoa nhài, thì hỏi có gì là đáng tự hào, kiêu hãnh, trong tâm thức của người đời”. 
Ở đây tác giả đã hiểu sai. Câu ca dao không hề ví người Tràng An với hoa nhài. Chúng ta cần thấy, câu ca dao này có hai mệnh đề độc lập nhau “Hoa nhài – hương thơm” và “Người Tràng An – thanh lịch”. Người ta chỉ đặt hai mệnh đề này cạnh nhau trong một câu ca dao để so sánh mà thôi. Tác giả Hoàng Tiến đã xác định sai cấu trúc câu ca dao nên thành ra “Người Tràng An – hoa nhài”.
Cũng cần nói thêm về hoa nhài. Vì loài hoa này có một hương thơm rất mạnh nên khi muốn chỉ đến hương thơm của hoa, người ta lấy ngay hoa nhài vì nó điển hình. Và câu ca dao cũng chỉ thuần túy nói đến hương thơm thôi, nhưng Hoàng Tiến lại hiểu qua sự thanh khiết, sự cao quý, một cách hiểu không tinh tế khi đọc ca dao tục ngữ.
b. “Người Tràng An” và chuyện thanh lịch.
Đây là một câu ca dao nói lên sự tự hào về mặt đẳng cấp, về mặt xuất xứ nguồn gốc, đúng với tư duy của thời phong kiến.
Tác giả Hoàng Tiến viết:
“Đã thiếu thanh nhã và bất lịch sự mà còn tự hào là người Tràng An (với nghĩa kinh đô, thủ đô của một nước), thì chỉ là loại người vô học, kiểu anh chị nơi đầu ô bến bãi, ngà ngà say, vỗ ngực trước đám đông, nói phun bọt mép: cái vứt đi của người thành thị chúng tao còn hơn chán vạn cái hay ho của bọn nhà quê chúng mày.”.
Đúng là ngày nay thì như thế thật. Loại người “vô học, kiểu anh chị nơi đầu ô bến bãi, ngà ngà say, vỗ ngực trước đám đông, nói phun bọt mép” thì dù ở đâu cũng bị khinh bỉ. Nhưng Hoàng Tiến không thể lấy ngày nay để giải mã một câu ca dao xưa như thế. Tư duy “không thanh lịch cũng người Tràng An” là tư duy phong kiến, ngày nay nó còn phù hợp với chúng ta chứ không phải nó sai. 
Ý nghĩa của câu ca dao này thật ra quá rõ: đã là hoa nhài rồi, thì dù một cây nào đó không có hương thơm cũng vẫn được coi là hoa thơm. Đã sinh trưởng ở đất Tràng An (kinh đô) rồi thì dù thế nào cũng tự hào là người kinh đô (không phải người nhà quê).
Ca dao tục ngữ, trải qua thời gian, nhiều câu không còn phù hợp với tư duy hiện đại, chẳng hạn câu “Cá không ăn muối cá ươn / Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Cần lưu ý, “không phù hợp” chứ không phải là tác giả dân gian đã sai khi sáng tác ra nó. Vài lời trao đổi cùng nhà văn Hoàng Tiến.
     Sài Gòn tiết cuối thu.
TĐT (chủ trang web binhchonthohay.com)