Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LẮNG NGHE NGUYỄN PHAN QUẾ MAI

Phạm Xuân Nguyên
Thứ hai ngày 27 tháng 9 năm 2010 12:33 PM
 
Nguyễn Phan Quế Mai (sinh năm 1973) vừa xuất hiện trên thi đàn, vừa in tập thơ thứ hai, đã được nhận giải thưởng văn học năm 2010 của Hội Nhà văn Hà Nội. Sau nhiều năm ở nước ngoài, Nguyễn Phan Quế Mai về sống và làm việc ở Hà Nội. Sự trải nghiệm chia sẻ cuộc sống của dân mình, nước mình từ những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ đã làm lắng đọng , sâu sắc hơn những câu thơ của chị.
So với tập thơ đầu tay Trái Cấm (2008), tập thơ được giải thưởng Cởi gió (2010) đã cho thấy cất lên một giọng thơ Nguyễn Phan Quế Mai đằm thắm, tinh tế. Bài Nói cùng con ở tập này đem lại cảm xúc nguyên sơ của tình mẫu tử, của sự phát hiện lớn lao từ những người con, những con người ra đời làm mới lại, trong trẻo lại thế giới, cuộc đời. Ở chùm thơ mới của Nguyễn Phan Quế Mai mà Tuổi Trẻ Chủ Nhật giới thiệu, người đọc có thể thấy được nội lực nội tâm của nhà thơ này, một nội lực đủ nung chảy cảm xúc làm thành bài thơ xúc động và tê buốt, dù khi chị viết về quá khứ hay hiện tại.
Đó là nỗi đau về cội nguồn và thân phận của những đứa trẻ bị bứng khỏi quê hương bản quán ở cuối cuộc chiến tranh (Babylift). Đó là niềm cảm phục tiếc thương những cô gái anh hùng tuổi trẻ mà “hoa không ngăn nổi mình hóa dòng tang trắng” (Đồng Lộc). Chiến tranh, qua hai bài thơ này, đã được nhìn bằng con mắt thơ từ độ lùi hơn 30 năm nhìn sâu vào khía cạnh nhân bản. Đó là một nhát cắt thực tế cuộc sống hôm nay, như một mẫu điều tra xã hội học, giữa bên trong và bên ngoài tấm kính dày của một khách sạn, để cho thấy hai phạm trù sự thật có cùng một xuất xứ nông dân (Hai phạm trù sự thật). Hai phạm trù đó là thuận chiều hay nghịch cảnh, nhà thơ nén cảm xúc và ý nghĩ của mình để sự việc tự nói lên.
Thơ không có hôm qua và hôm nay, cũ hay mới về đề tài. Cái quyết định của thơ là nội tâm nhà thơ có mạnh để chiếu được luồng sáng tinh thần vào thực tế làm rung chuyển, lay động được tâm thức người đọc. Nguyễn Phan Quế Mai hứa hẹn tiếp tục là một giọng thơ có điệu riêng được lắng nghe.
NÓI CÙNG CON
(cho MF và JF)
Soi vào mắt con, mẹ thấy cả một trời xanh cứu rỗi
Quỳ xuống và tin, ngây thơ trong trẻo còn tồn tại trên đời
 
Tóc con rẽ ngôi
Chỉ đường mẹ quay về thời thơ ấu
Hàng hàng ngô khoai xanh như tóc con
Bạt ngàn lúa lúa thơm như tóc con
 
Mẹ lại lên năm. Trò chơi trốn tìm
Đằng sau cửa nấp, mẹ tìm thấy mẹ
Tay con be bé
Mở cửa thiên đàng
---
Thênh thang thênh thang tiếng con cười nói
Líu lo líu lo tiếng con hờn dỗi.
 
Con là người lớn, mẹ là trẻ con
Trái đất thoắt vuông trái đất thoắt tròn
Ta chạy thênh thang đồng lộng lộng gió
Châu chấu cào cào hoa vàng hoa đỏ
Ta ôm nhau ngủ cùng trăng cùng sao
Hoa vàng hoa đỏ châu chấu cào cào
---
Đồng hồ báo thức
Mặt ngày vệu vạo
Rùng rùng chuyển động người vấp phải nhau
Bụi đường khói xe
Cũ kỹ
Nát nhàu.
 
Con gọi mẹ về trời xanh cứu rỗi
Gột rửa khói bụi, mẹ lại lên năm
Đuổi đom đóm bay dưới trời sao trăng.
BABYLIFT*
Nhấc bổng, quăng vào một thế giới khác
Một xứ sở khác, một vòng tay khác
Những phận trẻ thơ ngơ ngác
Da bốc khói cuộc di tản
Họ đã về. Tóc không vàng. Da không trắng. Miệng không tiếng Việt
Không bơ sữa nào có thể trả lời cho câu hỏi dài hơn 35 năm, sâu hơn 12.775 ngày
“Tôi là ai?”
Không vòng tay cưu mang nào ướm vừa vòng tay cha mẹ
Không xét nghiệm DNA nào có thể nối họ với cội nguồn
Mái tóc đen không nghĩ bằng tiếng Việt
Babylift
Lật 12.775 tờ lịch bằng nước mắt
Đi qua 35 năm bằng nỗi đau
Những câu hỏi vẫn trừng trừng mở mắt.
18/4/2010
*‘Operation Babylift’ (Chiến dịch Không vận Cô nhi) được tiến hành rầm rộ vào những ngày cuối cùng của Chiến tranh Việt Nam. Theo thông tin từ phía Mỹ, hơn 3.300 em nhỏ được cho là trẻ mồ côi đã được đưa khỏi miền Nam Việt Nam hồi cuối năm 1975, và được nhận làm con nuôi ở Hoa Kỳ và một số nước khác như Australia, Pháp và Canada. Tuy nhiên, một số em nhỏ trong số đó hoàn toàn không phải là trẻ mồ côi.

ĐỒNG LỘC
Hoa không ngăn nổi mình
     chảy dòng tang trắng
Cỏ không ngăn nổi mình
     trào nấm mộ xanh
Tôi
     nhỏ bé hơn hoa
     thấp hơn cỏ
     nghiêng mình
Con gió trắng
    bay qua đồi cát
Con gió trắng hát mười bài hát: Võ Thị Tần, Hồ Thị Cúc, Võ Thị Hợi, Nguyễn Thị Xuân, Dương Thị Xuân, Trần Thị Rạng, Hà Thị Xanh, Nguyễn Thị Nhỏ, Võ Thị Hà, Trần Thị Hường
Mười suối tóc mười cung đàn ngân hát
Xanh
Xanh
Xanh
Nắng gió
Ngút ngàn
Mười dải mềm nối một dải Trường Sơn
Mười ánh mắt đã thành ánh sáng
Hoa không ngăn nổi mình hóa dòng tang trắng
Chảy về trời trong tiếng hát chị tôi.
Đồng Lộc, tháng 3/2010

HAI PHẠM TRÙ SỰ THẬT
Trong khách sạn Metropole, hai người đàn ông ăn cá hồi nhập khẩu từ Na-uy, hào sống và thịt bò Úc, nước lọc Pháp, xúc xích Đức
Cửa kính rộng phản chiếu hình ảnh họ, và những cô phục vụ mặc quần áo từ thời cổ xưa, chắp tay lễ phép
Mặt bên kia cửa kính, một người đàn ông bơm xe đạp, hy vọng phập phồng trong buổi trưa nắng gắt
Và người đàn bà dép lê đang góp nhặt từng đồng từ bún đậu mắm tôm.
Tất cả cùng xuất xứ nông dân
Thuộc về hai phạm trù sự thật
Không có gì ở giữa họ ngoài tấm cửa kính dày
              và một dòng xe cộ đang trườn đi, hối hả.
Hà Nội, 3/9/2010
BÀI THƠ CHƯA THỂ ĐẶT TÊN
Nâng bát cơm trên tay, những hat gạo gặt từ cánh đồng bà tôi nằm xuống
Từng hạt gạo ngọt thơm, như lời ru của bà, người tôi chưa hề biết mặt
Tôi hình dung khuôn mặt bà mềm mại, khi bà được chôn vào trong lòng đất,
                              áo quần tơi tả, da dính chặt vào xương
Trận đói năm bốn lăm, làng tôi đói mồ chôn xác chết
Mồ bà không ai biết
Bát cơm đắng miệng cha tôi 65 năm
65 năm sau, cha và tôi đứng trước mộ bà
Lần đầu tiên tôi nghe cha gọi “Mẹ””
Cánh đồng lúa sau lưng cha run rẩy

Hai chân tôi gắn chặt vào bùn
Nghe trong khói hương, hồn bà lan tỏa, bám sâu vào đất, mọc rễ vào ruộng đồng
Bà se sẽ hát ru gọi lúa trổ đòng
         
Nâng bát cơm trên tay, tôi đếm từng hạt gạo
Từng hạt óng ánh mồ hôi của những người thân tôi còng lưng gieo gặt
Từng hạt óng ánh thơm lời ru của bà tôi đơm lên từ lòng đất
Ngoài kia
                trong hoàng hôn,
                             lời ru bà tôi vẫn se sẽ trổ đòng…
Yên Mô, Ninh Bình, tháng 5/2010
Nguồn: Tuổi Trẻ Cuối tuần, số ra ngày 26/9/2010