MỘT TRÁI TIM VĨ ĐẠI
(Về bài thơ “TỐNG NGUYỄN TRÚC KHÊ XUẤT LỴ THƯỜNG TÍN
KIÊM TRÍ LÊ HY VĨNH LÃO KHẾ” của Cao Bá Quát)
Phiên âm:
Cố nhân phân thủ Hà thành lộ
Thiên lý đăng xa nhãn như cố.
Bệnh trung vô tửu tống quân hành
Vọng đoạn giang đình thụ sắc mộ.
Thuỷ quân thích hạt tòng bạ thư
Tiền vi Thạch An, hậu Phù Cừ.
Thạch An giai sơn dữ sơn lạ
Phù Cừ giai thuỷ dữ thuỷ cư.
Nhân chi dục an các kỳ tính
Ngã dĩ vật nhiễu hành hữu dư.
Lưỡng bang sự dị chinh nhược nhất
Ngọa nhi tri chi hà dụ như?
Tức kim bị mệnh lai tư địa
Giản yếu hề cư thị quân ký.
Văn nhã danh hương cổ hữu vân
Tài phú sở mệnh kim tắc dị.
Tam tỉnh tiếp liên giang dã gian
Bách công thác xử binh dân lý.
Y quan chi tộc bán thanh lưu
Tỉnh ấp chi hào đa cố lỵ (lại)
Nội ngu đố dịch, ngoại tham quan
Thượng uý vương chương, hạ thanh nghị.
Ngô tào Phan doãn hữu di âm
Tạc nhật Ứng Hoà do cận sị (sự)
Tử chân luyện đạt cánh hà ngôn
Sỹ hoạn tam quy yết tọa gian.
Bảo chướng, kiển ty tòng thức triệt,
Ưng chiên, loan phượng định thuỳ nan?
Bả bút tặng quân thỉnh quân biệt
Ức ngã nhân chi hoàn hữu thuyết:
Thử bang cổ vị phù danh nhân,
Tiều Ẩn, Ức Trai dĩnh song tuyệt
Trượng phu sinh bất năng phi can chiết hạm vị thế phù cương thường
Tọa thị đương đạo kiêu sài lang
Bạch đầu trù cẩm ô cố hương!
Phục bất năng thuẫn tỵ ma mặc, phi hịch định tứ phương
Đê đầu oải ốc khi bất xương
Mộ niên tử chẩm nhi nữ bàng
Túng nhiên địa hạ quy lai kiến nhị tẩu
Diện hậu, tâm quy, thần thảm thương!
Toạ niệm thử sự thành khái khang
Y ngô lão hỹ hà sở vương?
Quân lại, thỉnh phòng Nhị Khê dữ Cung Hoàng
Đăng nhị tẩu chi từ đường
Vị ngã tái bái khuynh tiêu tương
Thả báo cố nhân Lê Hy Vĩnh
Đạo ngã bảo tại, bất tử duy mệnh cuồng!
Dịch nghĩa:
TIỄN NGUYỄN TRÚC KHÊ RA NHẬN CHỨC TẠI PHỦ THƯỜNG TÍN, ĐỒNG THỜI GỬI CHO ÔNG BẠN GIÀ LÀ LÊ HY VĨNH
Cố nhân chia tay trên đường Hà thành,
Nghìn dặm lên xe, mắt trông như cũ.
Tôi đang ốm, không có rượu tiễn bạn lên đường
Trông nơi giang đình xa tít, sắc cây sẫm tối.
Kể từ lúc bạn mặc áo vải theo việc văn thư
Trước làm ở huyện Thạch An, sau ở huyện Phù Cừ
Thạch An rặt núi thì vui với núi
Phù Cừ rộng sông thì ở với sông.
Ai cũng muốn yên, đó là bản tính của mọi người
Ta không nhiễu dân thì mọi việc xong xuôi cả.
Hai huyện công việc khác nhau, nhưng chính sách như một
Chỉ nằm mà cai trị, vẫn đâu ra đấy.
Ngày nay, phụng mệnh đến đất này
Là “giản” hay là “yếu”, bạn đã biết rõ
Trước người ta cho đây là đất văn vật có tiếng,
Nhưng nay chủ trương về thuế khoá thì lại có khác,
Sông ngòi và đồng ruộng giáp liền ba tỉnh
Thợ thuyền trăm nghề ở lẫn với lính với dân,
Những nhà khoa hoạn, một nửa là dòng dõi thanh bạch,
Những kẻ hào trưởng trong làng xóm, phần nhiều là người làm việc cũ,
Trong thì phải lo bọn sai dịch mọt già, ngoài thì lo đám quan lại tham nhũng,
Trên thì sợ phép lệnh nhà vua, dưới thì sợ dư luận.
Bọn chúng ta có bác Phan làm tri huyện đã có tiếng tốt để lại
Việc ở Ứng Hoà ngày trước cũng chưa xa gì,
Còn bạn là người đã thành thạo sáng suốt, không phải nói nữa.
Ba điều châm quy của quan trường, đã được dán lên chỗ ngồi
“Bồi đắp” hay là “bòn rút”, bạn đã thấu suốt đằng nào phải,
Làm “chim diều chim cắt”, hay làm “chim loan, chim phượng”,
bạn đã nắm chắc đằng nào khó hơn.
Tôi nay viết bài tặng bạn để đưa bạn lên đường
Nhân tiện tôi muốn nói thêm điều này nữa:
Phủ đó, xưa đã có tiếng là nhiều danh nhân
Tiều Ẩn và Ức Trai là hai nhân vật tuyệt vời.
Tài trai sống ở đời đã không làm được việc phơi gan bẻ gãy chấn song,
giữ vững cương thường,
Lại ngồi nhìn bọn lang sói nghênh ngang,
Đến lúc tuổi già thì mặc áo gấm ban ngày về bôi nhọ quê hương
Cũng không làm nổi việc mài mực ở mũi lá mộc, truyền hịch định bốn phương,
Chỉ cúi đầu luồn mái nhà thấp, nhụt cả khí phách,
Đến lúc già thì gối đầu vào vợ con mà chết,
Giả sử hạng người ấy xuống suối vàng có gặp hai cụ
Thì cũng mặt dày, trống ngực đánh, thần sắc rũ rượi ra mà thôi!
Ngồi nghĩ đến chuyện ấy mà dạ những bùi ngùi.
Than ôi! Tôi già rồi, còn trông mong gì nữa?Bạn về đấy,
xin hãy đến thăm làng Nhị Khê và làng Cung Hoàng
Bước lên nhà thờ của hai cụ
Vì tôi mà lạy xuống hai lạy, dâng lên chén rượu
Và cũng báo cho bạn cũ tôi là Lê Hy Vĩnh biết
Rằng tôi còn khoẻ, không chết, chỉ mắc chứng điên mà thôi!
“Tiễn Trúc Khê…” của Cao Chu Thần, là bài thơ viết theo thể cổ phong, một thể thơ cho phép ngòi bút được tự do tung tẩy, không bị câu thúc gò bó về niêm luật như thơ luật Đường, lại câu ngắn câu dài tuỳ theo ý tình, theo cung bậc cảm xúc. Chính ở thể cổ phong, cùng với thể “ca”, kích cỡ tâm hồn Cao Bá Quát mới có nhiều cơ hội hơn, để thăng hoa, toả sáng minh triết nhân văn, cùng cốt cách ngang tàng của người anh hùng muốn vung kiếm xông thẳng lên trời xanh mà đòi tự do, đạp đổ bất bình…
Nguyễn Trúc Khê, chưa rõ là ai, nhưng chắc chắn là một trong những người bạn thân thiết của Cao. Ông này thi đỗ, được bổ nhiệm làm quan trấn trị ở Thường Tín, nay thuộc Hà Nội.
Rõ là giọng thơ thân tình. Hai người, dường như đã quá hiểu nhau về tài học, về tài năng và đức độ. Về thời điểm diễn ra cuộc tiễn đưa, chưa minh xác, nhưng có thể ước đoán rằng đó là thời điểm mà Cao đã trở về sau chuyến “dương trình hiệu lực” đi Tân-gia-ba, được trả tự do, rồi tạm làm việc ở bộ Lễ, sau đó được thả về quê. Cao có ngôi nhà nhỏ bên hồ Tây, do vợ ông dựng, trước khi Cao bị bãi chức, thả về. Có lẽ ông Trúc Khê bạn cũ, trước khi đi nhậm chức đã đến thăm Cao. Và cuộc tiễn đưa người bạn lên đường đi nhậm chức ở Thường Tín, diễn ra tại Hà thành. Và ở chính ngôi nhà Cao đang ở. Cao viết:
“Cố nhân chia tay trên đường Hà thành / Nghìn dặm lên xe…Tôi đang ốm, không có rượu tiễn bạn lên đường / trông nơi giang đình xa tít, sắc cây sẫm tối”…Một cuộc tiễn đưa, thực tình là cũng không lấy gì làm vui vẻ cho lắm, bởi hai hoàn cảnh là trái ngược: Cao đang rất khó khăn, đến mức không biết xoay đâu ra chút rượu mà tiễn bạn lên đường. Đã thế, lại còn “đang ốm”, đành phải “tiễn chay”, “trông nơi giang đình xa tít, sắc cây ảm đạm sẫm tối”, thấy nao nao buồn. Ông Nguyễn Trúc Khê đi nhậm chức ở Thường Tín, không phải là xa xôi lắm, nhưng chia tay vẫn là “nghìn dặm” xa xôi, bởi đó là quãng đường của tâm cảm. Khác với cuộc tiễn đưa của Lý Bạch với Mạnh Hạo Nhiên đời Đường bên Tàu, xa xôi quá, đất trời rộng lớn quá, ít có cơ hội gặp lại, nên tiễn biệt thường là vĩnh biệt, nên buồn mênh mông, sầu vô tận…
Rồi Cao ca ngợi thành tích “cai trị” của bạn mình, rằng ông Nguyễn đã từng làm quan ở Thạch An (Cao Bằng), ở Phù Cừ (Hưng yên), nơi nào ông Nguyễn cùng làm tốt chức phận của mình: “Thạch An lắm đá thì vui với đá / Phù Cừ lắm sông thì ở với sông”… Ở đâu thì cũng chỉ “nằm mà cai trị, vẫn đâu ra đấy”, vì biết thương dân, hợp lòng dân, thuận lẽ trời, thì công việc êm đẹp, chả khó khăn gì: “Ta không nhiễu dân là mọi việc xong xuôi cả”, đơn giản bởi vì “Ai cũng muốn yên, đó là bản tính của mọi người”!
Chỉ với mấy câu thơ ca ngợi thành tích làm quan của bạn, mà thấy đầy đủ cái sự cái lý ở đời: chính sách hợp lòng dân, vì dân, thì công việc sẽ hoàn toàn trôi chảy. Theo đó, Cao cũng đồng thời thực hiện một ý tưởng khích tướng, rằng bác làm quan trị dân như thế là tốt rồi, thế thì ở nơi trị nhậm mới sắp tới, lẽ nào bác lại không làm tốt như thế? Thật là ý vị và khéo léo. Một sự khéo léo chân thành, và một quan điểm thương dân, lo dân thiết thực, trong sáng.
Những điều Cao dặn dò ông Trúc Khê ở phần tiếp theo, cho thấy sự hiểu biết sâu sắc của Cao về vùng đất mà ông Trúc Khê sắp đến trị nhậm. Đó là một địa danh nổi tiếng văn vật, có truyền thống văn hoá lâu đời, địa linh, nhân kiệt. Đó cũng là một vùng đất giàu có, dân cư đông đúc, phong phú sản vật, thuận tiện giao thông…Nhưng thời thế thì đã khác xưa rồi. Cao nhấn mạnh với ông quan mới, rằng chính sách về thuế khoá của triều đình hiện đang đè nặng lên vai dân chúng, và đương nhiên cuộc sống của người dân sẽ khổ cực như thế nào, chẳng nói ra thì bạn cũng rõ! Cao cũng không nói toạc ra một điều dường như khó nói, rằng dân chúng đang bất bình, còn chức sắc sở tại thì tìm cách chống đối triều đình và bọn quan tham nhũng một cách âm thầm, kín đáo: “Những nhà khoa hoạn, một nửa là dòng dõi thanh bạch / Những kẻ hào trưởng trong làng, phần nhiều là người làm việc cũ / trong thì phải lo bọn sai dịch mọt già, ngoài thì lo đám quan lại tham nhũng / trên thì sợ pháp lệnh nhà vua, dưới thì sợ dư luận”…Thật là trên đe dưới búa. Trấn trị một địa phương như thế, đâu phải là dễ, đâu phải “chỉ nằm mà cai trị” là mọi việc đều thông?
Nêu thuận lợi và khó khăn như thế, nhưng mà không phải để doạ bạn, khiến bạn phải lo sợ mà thêm nghĩ ngợi. Cao lại dùng mẹo khích tướng, rằng như thế thôi, cũng chả có gì đáng ngại, bởi vì bạn đã là người từng trải, “đã thành thạo, sáng suốt không phải nói nữa”, còn “bọn chúng ta có bác Phan làm tri huyện đã có tiếng tốt để lại”, còn phải lo gì mà bác cũng không thể làm được một vị quan sẽ để lại tiếng tốt? Thật là chí lý! Thật là tình lý đâu ra đấy. Và chí tình biết mấy! Cao rõ ràng không phải chỉ vì cái danh của bạn, không phải chỉ lo cho cái danh của bạn, mà Cao lo cho dân đấy! Tấm lòng đại nghĩa của Cao, chắc rằng Ông Trúc Khê không thể không ghi nhận chân thành.
Lại dường như vẫn chưa là đủ, Cao còn dặn dò thêm, phân tích thêm, về mấy điều “châm quy” của kẻ làm quan. Ba điều châm quy ấy, chính là Thanh, Kiệm, Cần (Thanh liêm, tiết kiệm và cần cù). Kẻ làm quan phải biết sợ hãi răn mình, luôn phải treo ba chữ ấy trước ghế ngồi nơi làm việc, như một tín đồ phải thuộc nằm lòng những điều răn của Chúa, hoặc những điều giới luật của nhà Phật. Mấy chục năm trước, kẻ viết bài này cũng được thấy khẩu hiệu “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” treo ở các nơi công sở, bây giờ hình như không thấy treo ở đâu nữa! Sợ rằng bạn có thể bị cuốn theo thói đời, nên Cao khuyên bạn nên cân nhắc cho kỹ, giữa việc “phấn đấu” để làm quan trong sạch, như “chim loan chim phượng”, hay là đắm chìm vào ô trọc, để chấp nhận làm “chim diều chim cắt”? Cân nhắc giữa việc “bồi đắp” hay là “bòn rút”…Và Cao lại khích tướng: “Bạn đã nắm chắc đằng nào khó hơn”! Hoặc như: “Là Giản hay là yếu, bạn đã biết rõ”…
Hình như vẫn chưa là đủ, Cao còn “nhân tiện muốn nói thêm điều này nữa”, rằng phủ đó, tức nơi mà bạn sắp tới, “từ xưa đã có tiếng là nhiều danh nhân / Tiều Ẩn ( Chu Văn An) và Ức Trai (Nguyễn Trãi) là hai nhân vật tuyệt vời”! Phải chăng, Cao gián tiếp nhắc nhở bạn mình hãy theo gương những bậc tiền bối vĩ đại ấy mà tự vượt lên mình, hay ít nhất là cũng giữ được mình trong sạch trước thời thế nhiễu nhương?...
Dặn dò rồi, phân tích, động viên, khích lệ đủ điều rồi, Cao như cảm thấy đã tạm ổn, thi sỹ quay về than thở với chính mình, lại như một lần nữa nhấn mạnh thêm với bạn, về trách nhiệm của kẻ sỹ: “Tài trai sống ở đời đã không làm được cái việc phơi gan bẻ gẫy chấn song, giữ vững cương thường / lại ngồi nhìn bọn lang sói nghênh ngang / đến lúc tuổi già thì mặc áo gấm ban ngày về bôi nhọ quê hương / cũng không làm nổi việc mài mực ở mũi lá mộc, truyền hịch định bốn phương / chỉ cúi đầu luồn mái nhà thấp, nhụt cả khí phách”…
Đến đây, giọng thơ đã bứt khỏi những nhấn nhá giãi bày kể lể thân tình, bỗng vút lên hào sảng, bi tráng. Đó chính là tâm sự bi phẫn của người anh hùng ôm mối hận lớn, muốn đem ngọn giáo bất bình khuấy vào nghiên mực, “truyền hịch định bốn phương”, muốn “san phẳng bức thành phía đông đi lại càng hay”. Những câu chứa chất hào khí cứ nối tiếp dâng lên như sóng biển, lay động, xao xuyến lòng người. Tác giả cũng không ngần ngại lên án, mỉa mai nhưng kẻ làm quan mà hèn đớn nhu nhược, “chỉ biết cúi đầu luồn mái nhà thấp, nhụt cả khí phách”; lại mỉa mai những kẻ tiểu nhân tầm thường, vênh vang kệch cỡm, “mặc áo gấm ban ngày, chỉ bôi nhọ cố hương”. Bọn họ sống nhởn nhơ đấy, mà khác nào như đã chết! “Giả sử bọn người ấy xuống suối vàng có gặp hai cụ (Tiều Ẩn và Ức Trai) thì cũng mặt dày, trống ngực đánh, thần sắc rũ rượi ra mà thôi”!
Cuối bài thơ, âm điệu bỗng dưng chùng xuống. Cao Than thở với bạn mình, rằng “Tôi già rồi, than ôi, còn trông mong gì nữa? / Bạn về đấy, xin hãy đến thăm làng Nhị Khê và làng Cung Hoàng / bước lên nhà thờ hai cụ / vì tôi mà lạy xuống hai lạy, dâng lên chén rượu”…Cao nhờ vả, xin bạn hãy vì mình mà làm một nghĩa cử đẹp đẽ của kẻ hậu sinh, tôn vinh hai bậc tiền bối, hai vĩ nhân đã làm vẻ vang cho lịch sử dân tộc. Nhờ một việc, tưởng như là bình thường, nhưng Cao cũng qua đó ngầm nhắc nhở bạn mình một cách tế nhị, mà sâu sắc. Một người đầy chữ nghĩa thánh hiền và thông minh bản lĩnh như ông Trúc Khê, không thể không hiểu ra cái thâm ý của họ Cao!
Lại còn cái giọng cợt đùa, nhờ ông Trúc Khê báo cho người bạn cũ là Lê Hy Vĩnh biết, “rằng tôi còn khoẻ, chưa chết, chỉ mắc chứng điên mà thôi!”…
Quả là Cao chưa chết thật. Sau cuộc tiễn đưa bạn lần này, Cao vẫn “điên”, nhưng đó là cái “điên” của người tỉnh. Cao đứng dậy, lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa, nhằm “xoay bạch ốc lại lâu đài / ném thanh khâm sang cẩm tú”, thực hiện một giấc mơ vĩ đại, dẫu chưa thành công.
“Tiễn Nguyễn Trúc Khê…” là một bài thơ khá dài, thể hiện tập trung thiên tài, tư tưởng, thái độ sống và tầm nhìn đi trước thời đại của Cao Bá Quát. Chủ nghĩa yêu nước thương dân ở Cao cũng biểu hiện cụ thể ở đây, sáng láng tinh thần nhân văn đẹp đẽ. Mới hay, con người cá nhân, khi được bộc lộ hết mình, bộc lộ một cách trung thực, sẽ cháy lên, sẽ toả sáng thành con người thời đại. Văn chương lớn, bao giờ cũng đồng nghĩa với tâm hồn lớn!
Hà Nội 2-6-2010