Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRI ÂN TRÍ SĨ YÊU NƯỚC NGUYỄN KHẮC NHU

Trần Vân Hạc
Thứ hai ngày 27 tháng 9 năm 2010 9:55 PM
 

Sáng ngày 26.9.2010 tại thôn Song Khê, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, quê hương của cụ Nguyễn Khắc Nhu, một chí sĩ yêu nước Việt Nam thời cận đại, một trong những cột trụ của Việt Nam Quốc dân đảng thời kỳ trước 1930, các cấp lãnh đạo địa phương và gia tộc họ Nguyễn Khắc trong cả nước, bà con nhân dân xã Song Khê cùng các thầy cô giáo và các em học sinh trường tiểu học và trường trung học cơ sở mang tên Nguyễn Khắc Nhu cùng nhiều đại biểu của những nơi cụ Xứ Nhu từng dạy học, chiến đấu đều về dự với lòng thành kính, đã long trọng tổ chức lễ đón bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh: “Địa điểm lưu niệm nhà yêu nước nguyễn Khắc Nhu”. Đây là một sự kiện trọng đại không chỉ của gia tộc Nguyễn Khắc và nhân dân Bắc Giang mà còn là niềm tự hào của những người dân đất Việt yêu nước thương nòi, luôn biết hướng về nguồn cội, để sống, phấn đấu vì một đất nước hòa bình, dân chủ, công bằng và bác ái. 
Cụ Nguyễn Khắc Nhu sinh năm 1881, xuất thân trong một gia đình Nho học, thuở nhỏ ông theo học khoa cử, năm 1912 đi thi Hương đứng đầu cả xứ Bắc Kỳ nên đương thời gọi là Đầu Xứ Nhu, gọi tắt là Xứ Nhu. Cụ không chỉ là một lãnh tụ của Việt Nam Quốc Dân đảng, với chức vụ trưởng ban lập pháp, người có vai trò quan trọng trong đường lối đấu tranh vũ trang của Việt Nam Quốc Dân đảng, mà còn là một nhà thơ chân chính. Mỗi trang, mỗi dòng như chính cuộc đời bi hùng của Cụ, chứa chan tinh thần yêu nước, thương nòi.  Đánh giá về vấn đề này, phó viện trưởng Viện sử học, tiến sỹ Nguyễn Ngọc Mão đã viết: “Cụ nhận thức rõ muốn lôi kéo mọi người đứng lên chống Pháp thì phải có sự hiểu nhiều, biết rộng, mà không có con đường nào hữu ích hơn là học tập… Cụ không những là một lãnh tụ chủ chốt của Việt Nam quốc dân đảng mà còn là người luôn quan tâm đến đổi mới phong tục tập quán, cải tạo hương thôn theo khuynh hướng dân chủ tư sản, phát triển tiểu thủ công nghiệp…”.
 Ngày 9 tháng 2 năm 1930, Cụ trực tiếp chỉ huy trận đánh tập kích đồn binh Hưng Hoá và phủ lị Lâm Thao. Cuộc tập kích bất thành, bản thân Cụ bị trúng đạn nhưng vẫn tìm đường trốn thoát. Giữa đường Cụ dùng lựu đạn tự tử nhưng không chết và bị quân Pháp bắt được. Trên đường giải về trại giam, Cụ nhảy xuống sông tự trầm, nhưng lại bị quân Pháp vớt được và đem về giam tại Hưng Hóa. Tại đây, ngày 11 tháng 2 năm 1930, Cụ đập đầu vào tường giam tự tử để bảo toàn khí tiết, hưởng dương 49 tuổi.
 “Địa điểm lưu niệm nhà yêu nước nguyễn Khắc Nhu” mà theo kế hoạch của địa phương, nay mai sẽ được xây dựng thành khu di tích lịch sử văn hóa đã dựng tượng Cụ bên ngôi trường tiểu học và trường trung học cơ sở mang tên Nguyễn Khắc Nhu, nơi ươm những hạt mầm tương lai cho quê hương Song Khê. Các thầy cô giáo, các em học sinh hàng ngày như vẫn được nghe lời Cụ nhắc nhở: “Bích quải địa dư đồ, Tổ quốc giang sơn hà xứ tại?/ Đường tôn nho giáo học, Nam cương tử đệ kiếp tông dư?”, có nghĩa là: “Trên vách treo bản đồ, Tổ quốc non sông đâu đó nhỉ?/ Trong nhà tôn nho học, cháu con đất nước nối dòng chăng?” – (câu đối treo trên tường lớp học, cùng bản đồ thế giới lúc sinh thời còn đi dạy học của cụ Xứ Nhu).
Trong buổi lễ trọng đại ấy, ông Đào Văn Dư, chủ tịch xã Song Khê nhấn mạnh: “Quê hương Song Khê tự hào có một người anh hùng dân tộc như cụ Xứ Nhu. Đảng bộ và nhân dân Song Khê phải đoàn kết phấn đấu hơn nữa để xứng với tiềm năng và truyền thống của một Song Khê của các danh nhân văn hóa, văn vật, danh hương; một Song Khê của nhà yêu nước Nguyễn Khắc Nhu, của chiến sỹ cách mạng Ninh Văn Phan và những người con đã hy sinh vì quê hương đất nước; một Song Khê của đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang; một Song Khê nhân dân giầu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”.
Còn bà Nguyễn Thị Thúc, con gái cụ Xứ Nhu, năm nay đã 92 tuổi, từ thành phố Yên Bái về dự đã xúc động nói: “Tôi mừng lắm, vì gần hết cuộc đời không ngờ lại được chứng kiến một niềm vinh dự to lớn cho quê hương, dòng tộc. Tôi vô cùng biết ơn các cấp lãnh đạo đã đánh giá đúng mức công lao của cha tôi với quê hương đất nước. Mong sao con cháu khắp mọi miền tiếp bước ông cha, làm rạng rỡ cho giống nòi”!
Lễ đón bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh: “Địa điểm lưu niệm nhà yêu nước nguyễn Khắc Nhu” có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục truyền thống mang tính đạo lý của dân tộc: “Uống nước nhớ nguồn” và phấn đấu vì một ngày mai tươi sáng cho mỗi người dân, đặc biệt cho thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của quê hương đất nước!
Bắc Giang 26.9.2010
         Trần Vân Hạc