Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MỘT CHÚT VỀ TRẦN DẦN VÀ MỘT TẬP BẢN THẢO

Lê Hoài Nguyên
Thứ năm ngày 27 tháng 5 năm 2010 5:00 PM
 
Những ngày đầu đầu đổi mới tôi được giao chuẩn bị báo cáo về tình hình số văn nghệ sĩ trong vụ Nhân Văn Giai phẩm để đề xuất với Trung ương việc giải quyết chế độ chính sách cho các ông.
Tôi hay lại nhà Trần Dần vì số 7 Vũ Lợi rất gần cơ quan tôi.
Tôi hay ngồi với Trần Dần, có lúc im lặng rất lâu, ngắm cuốn sách Phân tâm học  bằng tiếng Pháp của Kar Jung cũng im lặng nằm trên tay ông. Một ông già nhỏ bé gương mặt nhàu nát vì dấu vết của quá nhiều biến cố đau đớn đi qua. Giọng nói cũng đã yếu ớt, thều thào chậm rãi. Chỉ có cặp lông mày và đôi mắt là con nguyên vẻ quắc thước, nhất là đôi mắt, đôi mắt sáng và sâu.
Thế rồi cái gì phải đến cũng đến. Hội Nhà văn làm quyết định khôi phục hội tịch cho các ông Trần Dần, Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh, Lê Đạt, Phùng Quán. Thực ra không phải là khôi phục hội tịch. Cả năm ông chỉ bị khai trừ có thời hạn người thì 2 năm, người 3 năm kèm theo là treo bút trong thời gian đó. Rồi kỷ luật đã hết nhưng không ai đứng ra đề nghị cho các ông trở lại sinh hoạt bình thường. Cứ lãng quên như vậy và các ông tưởng như bị lãng quên...
Năm ông tổ chức một cuộc gặp mặt cảm ơn những người đã làm cái thủ tục này. Một buổi chiều mùa hè năm 1988 sau giờ làm việc, một chiến sĩ của tôi, anh Quốc Minh kéo tôi đạp xe về phía hồ Tây. Thì ra là nhà Phùng Quán. Trên cái chòi ngắm sóng đãcó bốn ông, chỉ thiếu Hoàng Tích Linh vì đang ốm nặng. Còn có Nguyễn Khải, đang là Phó Tổng thư kí thường trực Hội Nhà văn, Xuân Thiều đang là Chánh Văn phòng hội. Với vẻ xởi lởi vốn có, Phùng Quán xoa hai tay vào nhau : Gọi là có chén rượu nhạt cám ơn các anh. Gọi là liên hoan như ngôn ngữ thông thường của người Việt, nhưng các ông nghèo nên chỉ có một rá bún, một tô thịt bò xào, một vò rượu ủ trong rổ lá chuối khô. Nguyễn Khải đáp lễ rất thành thật: Các bác không phải cám ơn, đây là lời tạ lỗi của một người em.
Quả thật tôi chưa thấy có một cuộc gặp nào mà không khí vui vẻ như thế, như cả nước, cả giới văn nghệ sĩ đang ngây ngất vì không khí đổi mới. Các ông đòi nghe bài thơ Người đốt lửa không ngủ của tôi. Lê Đạt khen bài thơ hào sảng và đề nghị sửa hai câu cuối.                  
Ngày mai
Ta đốt lửa
Thành
Sáng mai
Ta đốt lửa
Đến nay trong số 8 người này, các ông Dần, ông Đạt, ông Quán, ông Khải, ông Thiều và đại tá Quốc Minh đã mất. Ông Cầm vừa mới mất. Tôi đã gác kiếm  nghỉ hưu đi chơi với anh em.
Trong các tập hồ sơ nhàu cũ từ những năm 60, 70 tôi thấy mấy cuốn sổ tay khổ nhỏ chép tay các tập thơ mới của Trần Dần. Đây là các tập Tờ vụn, Jờ joạcx, Sổ bụi... mãi đến năm 2008 mới ra mắt bạn đọc trong tuyển tập Trần Dần Thơ. Các cán bộ thuộc cấp của tôi gần như không hiểu các bài thơ đó là thế nào. Tôi cho rằng Trần Dần rất sòng phẳng, tự ông nộp các tập bản thảo chép lại này cho cơ quan quản lí để người ta biết ông đang làm gì. Ông không dấu diếm công việc sáng tác của mình, kể cả cái việc thể nghiệm thơ có vẻ như là quái gở .
Ở một cặp khác dày cộp là bản thảo bản dịch tiểu thuyết Những người chân đất của Stancu nhà văn Rumani, bản thảo tiểu thuyết thơ Cổng Tỉnh, tiểu thuyết Những ngã tư, những cột đèn.
Tôi bỏ ra vài ngày ngồi đọc. Những người chân đất  thì đã được xuất bản với tên người dịch khác. Cổng Tỉnh không có vấn đề gì. Những ngã tư, những cột đèn thì quá tốt.
Một anh ngụy binh sau khi quân Pháp rút chạy khỏi Hà Nội, không đi theo chúng mà ở lại làm lại cuộc đời mình. Anh tìm mọi cách vượt qua các định kiến xã hội hăng hái tham gia công tác bảo vệ trị an khu phố. May mắn có một người cảnh sát khu vực nhân hậu giúp đỡ anh. Anh đã tìm thấy hạnh phúc cho mình, cho cái tổ ấm của anh. Ở chỗ ngã tư, anh đã nhìn thấy những cột đèn.
Tìm hiểu, tôi được biết năm 1963 ông Trần Dần đã đến cơ quan công an đề nghị tạo điều kiện cho ông được đi tìm hiểu thực tế sáng tác, phục vụ cho thành phố một công việc có ích. Thế là ông được bố trí tìm hiểu công tác cải tạo những người lính Việt trong quân đội Pháp đang sống tại các khu phố trong thành phố. Người cảnh sát khu vực đã giúp đỡ ông tận tình sau trở thành nguyên mẫu của nhân vật trong tiểu thuyết chính là ông Hoành lúc đó đang là Phó Giám đốc Công an Hà Nội. Năm sau 1964 ông hoàn thành tiểu thuyết.
Tôi đề xuất với cấp trên trả lại bản thảo cho ông Dần. Tôi thấy Những ngã tư, những cột đèn có nội dung về công tác bảo vệ trật tự an ninh của ngành công an nên gợi ý ông Dần để tôi gặp các nhà xuất bản xem có xuất bản được không.
Rất tiếc là ở vào thời điểm đó Những ngã tư, những cột đèn lại chưa thích hợp, những tập bản thảo như thế lại chưa được coi là thứ kỷ vật quý giá. Các anh Lữ Huy Nguyên, Lê Tri Kỷ, Vũ Tú Nam Giám đốc các nhà xuất bản Văn học, Công an, Hội Nhà văn không thể nhận lời. Một phần chưa có tiền lệ cho các cuốn sách như thế. Mãi đến 1991 trường ca Bài thơ Việt Bắc của ông mới được in ở Nhà xuất bản Tác phẩm mới. Đấy là cuốn sách đầu tiên được in lại của ông.
Tôi buồn rầu đem tập bản thảo trả lại Trần Dần, nói với ông hãy đợi một thời gian. Sau vài tháng ông khoe với tôi cuốn Tạp chí của Hội Văn học Nghệ  thuật Hà Sơn Bình. Các anh ở Hà Sơn Bình đã mạnh dạn in 2 chương Những ngã tư, những cột đèn.
Tôi được đọc một bức thư của Trần Dần gửi một đồng chí lãnh đạo sau ngay 30- 4- 1975.
Rồi đám cháy tắt. Đất nước dập tắt cái đám cháy ngoại xâm ấy. Mỹ cút...Tôi hy vọng...vấn đề cuộc đời tôi lại đặt ra, ít nhất cũng với tôi, vợ con, gia đình, ở ngưỡng cửa của Đất nước chiến thắng...Tôi vẫn hy vọng. tôi còn ít nhiều năm tháng. Còn một phần đời. Một phần đời, một ngày cũng đáng sống. Dù một buổi chiều. Nhất là trong khi ngày ấy, buổi chiều ấy, phần đời ấy dù là bé bỏng nhưng nằm ở ngưỡng cửa Khải hoàn môn...
Tôi hy vọng. Tôi còn một phần đời. Để sống nó. Để làm việc.Con cái. Sự gây dựng. Sự chuộc lại...Tôi xin sự giúp đỡ. Sự rộng lượng. Ở các anh. Ở tổ chức.
Ngày hôm nay mọi thứ thay đổi nhanh quá. Mà các giá trị quá khứ vẫn đang trong hành trình kết tinh...Vẫn còn phải đi tìm các kỷ vật bị bỏ quên...
Tập bản thảo của Trần Dần có thể mang lại cảm giác xa xôi nhưng nó làm cho ta bâng khuâng. Ta bùi ngùi nhớ đến ký ức một thời có những người như ông đã sống , đã tin và nhìn con người, những người nhỏ bé lam lũ với một tấm lòng yêu thương, một mong muốn cho họ được có hạnh phúc, có tự do...
Tôi rất vui vì tập bản này thôi không nằm nữa, sắp được đến với bạn đọc, những người yêu mến Trần Dần.
Tháng Ba Canh Dần