Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TÔI KHÔNG PHẢI LÀ LÊ VĂN NUÔI

Dương Đức Quảng
Chủ nhật ngày 23 tháng 5 năm 2010 5:31 AM

Tôi nghe tên ông đã lâu, dễ cũng ngót nghét 20 năm, từ khi tôi được biệt phái từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh một năm với cương vị Phó Tổng Biên tập báo Tuần Tin Tức của Thông tấn xã Việt Nam phụ trách phía Nam. Trong những cuộc gặp gỡ bạn bè làm báo ở TP Hồ Chí Minh, nhất là những anh em nhà báo quê ở Quảng Nam – Đà Nẵng, tôi được nghe nhiều người nhắc đến tên ông, có lẽ vì biết tôi tuy không phải là người quê Đất Quảng nhưng gắn bó với mảnh đất này như quê hương mình. Họ nhắc đến tên ông, một phần vì ông là một Việt kiều quê ở Quảng Nam mới hồi hương (lúc đó được coi như là một thứ của hiếm), phần lớn hơn vì ông là người quảng giao, chơi thân với nhiều nhà văn, nhà báo không chỉ là người Đất Quảng.
Sau này, tôi có dịp gặp Lương Mậu Ngọc, phóng viên ảnh, một người em mà vợ chồng tôi quý mến từ những ngày ở cùng Thông tấn xã Giải phóng Khu V thời chống Mỹ, được nghe Ngọc kể nhiều chuyện về ông. Đầu năm 1972, ông bị bắt lính, đưa ra Tam Quan, Bình Định. Lúc này Ngọc mới 17 tuổi, học chưa xong tú tài (lớp 12 bây giờ). Gia đình Ngọc là một gia đình buôn bán“có máu mặt”, giầu có nhất nhì Tam Quan hồi đó. Ngọc lại có chị gái xinh xắn, lọt vào mắt xanh của anh lính Cộng hoà đẹp trai, “trông cứ như lính Mỹ” này. Bố mẹ Ngọc cũng quý mến anh, nghe đâu trước cũng trốn lính mà không được. Trong thời buổi chiến tranh “sống chết chả biết thế nào”, nên đã gửi Ngọc cho anh đưa vào Sài Gòn, một mặt là để trốn bị bắt lính ở địa phương, mặt khác là tìm chỗ dạy nghề để Ngọc lo cuộc sống sau này. Ngọc vào Sài Gòn được anh giúp cho học nghề nhiếp ảnh, lại là làm ảnh màu, lúc đó còn rất ít người biết. Học xong, Ngọc về Tam Quan thăm nhà trước khi trở lại Sài Gòn hành nghề thì đúng vào lúc xảy ra cuộc tiến công của quân Giải phóng vào thị trấn này. Tam Quan được giải phóng, Ngọc cùng với một số bạn bè hiếu kỳ cứ bám theo mấy nhà văn, nhà báo Giải phóng để xem họ “hành nghề phóng viên chiến trường” ra sao, mà chỉ nghe đến mấy chữ đó Ngọc đã rất thích. Trong số những nhà văn, nhà báo Giải phóng ấy, Ngọc mê nhất là nhà văn Nguyễn Khắc Phục với tài nói chuyện cuốn hút của anh. Những điều Nguyễn Khắc Phục nói Ngọc đều chưa biết, chưa nghe và đều thấy hay, thấy đúng. Biết Ngọc mới học nghề chụp ảnh, muốn làm phóng viên chiến trường, Phục và mấy nhà văn, nhà báo Giải phóng rủ lên chiến khu là Ngọc trốn nhà đi liền. Chính những ngày trên chiến khu ấy, Ngọc ở cùng đơn vị với tôi, học làm phóng viên ảnh của Thông tấn xã Giải phóng. Tôi, và vợ tôi sau này, thương và quý Ngọc như một người em…
Những chuyện Ngọc kể với tôi về ông “lính Cộng hoà “ này thật ra cũng không làm tôi chú ý lắm, cho đến khi tôi đọc cuốn tự truyện Yêu và Sống của nghệ sĩ múa, diễn viên điện ảnh Lê Vân trong đó có kể về mối tình với ông. Không hiểu sao câu chuyện về mối tình của ông với Lê Vân lại cứ khiến tôi nghĩ ông như là một người bị thua thiệt, bị “bội bạc” trong câu chuyện giống như “xi-nê-ma” này. Lại nữa, khi thấy ông trong vai người hàng binh Bernard của Pháp trong bộ phim truyện Ký ức Điện Biên mà Nguyễn Khắc Phục là người viết kịch bản, tôi có cảm giác ông cứ phải “đầu hàng số phận”, cứ tội tội thế nào ấy. Nhất là sau cuốn tự truyện khiến dư luận ồn ã khen chê, ông không có một lời nào trên mặt báo. Vì thế tôi cứ nghĩ ông già này, sau những chuyện chẳng vui vẻ gì với Lê Vân chắc buồn lắm, cô đơn lắm.
Nhưng tôi đã nhầm. 
 
Mấy ngày vừa rồi, cả gia đình tôi vào nghỉ ở Cửa Đại, Hội An. Năm nay vợ chồng Đà Trang, cậu con trai cả của tôi “ăn theo” vợ chồng anh vợ cậu, tổ chức cho cả hai gia đình bên nội, bên ngoại đi nghỉ “xa xa một chút”, nên tất cả kéo vào đây. Con trai tôi làm ở Văn phòng Đại diện báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh tại Hà Nội, quen biết ông sau ngày ông chia tay Lê Vân, thuê nhà ở một mình tại Hà Nội. Những ngày tháng ấy, căn nhà ông mở rộng cửa đón các nhà văn, nhà báo đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi sở thích đến chơi, nhiều khi ăn ở tại nhà hàng mấy ngày liền. Sau khi cuốn tự truyện Yêu và Sống của Lê Vân xuất bản, ông rời Hà Nội vào Hội An mua đất làm nhà, không một lời “thanh minh thanh nga” gì về những điều Lê Vân kể về mối tình của hai người trong cuốn tự truyện. Ông hẹn con trai tôi có dịp vào Hội An thì ghé qua ông chơi. Vì thế, lần này vào Cửa Đại, Hội An, sau mấy năm không gặp, con trai tôi gọi điện cho ông. Ông tự lái chiếc xe ô tô riêng, màu trắng, không thuộc dòng xe được coi là “mốt” của những đại gia hay nghệ sĩ giầu có, sành điệu hay sử dụng, đến khách sạn nơi chúng tôi nghỉ để mời vợ chồng con trai tôi, đều là nhà báo, đến nhà ông. Biết tôi cũng có mặt tại đây, ông mời cả tôi đến chơi.
Lần đầu tiên gặp ông, cái cảm nghĩ của tôi về ông già “cô đơn” và “tội tội thế nào ấy” sau chuyện tình với Lê Vân bỗng dưng biến mất. Trước mặt tôi là một ông già cao lớn, khoẻ khoắn, trông “như Tây”, ria mép hung hung, cắt khéo, cái miệng rộng và cười tươi, đôi mắt vẫn tinh anh, sắc sảo, nhất là chất giọng vẫn đặc sệt “Quảng Nôm”. Ông vận bộ đồ trông khá lạ mắt, áo lụa xanh cộc tay in hoa, quần soóc, chiếc mũ “phớt” bằng cói lệch trên đầu. Sau cái bắt tay hết sức tự nhiên, ông tự giới thiệu ngắn gọn về mình như thể tôi và ông đã biết rõ về nhau, rồi kể với tôi mới gặp “cậu em” Lương Mậu Ngọc. Ngọc đưa cho ông xem mấy tấm ảnh vợ chồng tôi chụp chung với Ngọc ngày 29-3, kỷ niệm 35 năm giải phóng Đà Nẵng khi chúng tôi có mặt tại thành phố này. Ông nói vui với tôi: “Năm 1972 ấy, ông già Ngọc không những gửi Ngọc cho tôi mà gửi luôn cả bà chị Ngọc cho tôi!”
Tôi hiểu ông già này không hề buồn, không hề cô đơn như tôi nghĩ. Trái lại, trong câu chuyện với tôi, bất kể đề cập đến vấn đề gì ông cũng tìm được cho mình một câu nói hài hước khiến người tiếp chuyện ông  có cảm giác cái buồn, sự cô đơn hình như không đọng lại trong con người ông.
Trong ngôi nhà rộng rãi, thoáng đãng và lộng gió bên bờ con sông chảy qua Hội An nước xanh biếc đổ ra Cửa Đại ông trò chuyện với tôi về công việc và về “cuộc sống tự do hiện nay” của ông. Ở tuổi gần 70, ông sống một mình trong căn nhà 2 tầng rộng rãi, với khuôn viên 500 m2 trồng đủ loại cây cứ mọc tự do, dường như không có người chăm sóc. Vợ chồng con trai tôi mời ông đi ăn cơm trưa, ông từ chối. Ông bảo lâu nay ông toàn đi ăn cơm bụi, nhà ông không thuê người phục vụ, nấu nướng vì “tôi sống tự do, không muốn phiền ai”. Ông vẫn thích lãng du hết nơi này đến nơi khác, nay Hà Nội, mai TP Hồ Chí Minh, và vẫn mê làm phim, đóng phim như cậu con trai của ông bây giờ. Cậu con trai của ông, sinh ở Liverpool, Vương quốc Anh, lần đầu về nước đóng phim Ký ức Điện Biên cùng bố nói tiếng Việt chưa sõi, nay đã về hẳn Việt Nam, trở thành một diễn viên có hạng, đóng nhiều “phim thị trường”, ăn khách. Cậu con trai của ông lúc ở Hà Nội, lúc ở TP Hồ Chí Minh, có về Hội An, thăm bố là về với cả đoàn làm phim hơn chục người, ở vài ngày rồi lại đi, chẳng mấy khi hai cha con ở lâu cùng nhau. Ông bảo với tôi bây giờ ông là người tự do, không để điều gì vướng bận trong đầu. Chả biết có phải như vậy mà ông “sống vui, sống khoẻ” như các cụ già thường chúc nhau, sau những chuyện buồn, mà có lúc tôi cứ thấy “tội tội thế nào ấy”.
Trước khi chia tay, ông kể với tôi câu chuyện “Tôi không phải là Lê Văn Nuôi!” với giọng đầy hài hước. Chả là khi mới về nước, ông quen biết nhiều nhà báo quê Quảng Nam và hay đi lại giao du với nhiều nhà báo làm việc ở báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh. Vì thế có người đã nhầm ông với ông Lê Văn Nuôi, Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ lúc đó. Thậm chí có lần Hải quan thành phố cũng nhầm khi ông làm thủ tục nhận đồ gửi từ nước ngoài về. Ông đã phải viết giấy mà thưa rằng: “Tôi không phải là Lê Văn Nuôi. Tôi là Lê Nuôi”. Nhìn ông cười sảng khoái sau khi kể câu chuyện ấy, bất giác tôi lại nhớ tới một bài hát vui mà trước đây ca sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hiếu thường hát: Tôi là Lê...anh nuôi!.  

Vâng, chính ông là Lê Nuôi, một người chồng cũ của nghệ sĩ múa, diễn viên điện ảnh Lê Vân được nhiều người biết đến sau cuốn tự truyện Yêu và Sống ồn ã một thời.
 
 
Cha ông người Đức, mẹ ông người Quảng Nam, quê ở Điện Ngọc, Điện Bàn - mảnh đất có “Bẩy dũng sĩ Điện Ngọc” nổi tiếng thời chống Mỹ. Vì thế ông có khuôn mặt, cái mũi và đôi mắt “như Tây”, đóng phim thành “người Tây” thật, nhưng vẫn giữ được chất giọng Quảng Nôm và cá tính, bản sắc hay cãi của người Đất Quảng! Ông đã từng theo học ở Pháp, có vợ người Đức, nhiều năm sinh sống và làm việc ở Canada trước khi về Việt Nam.

Còn bây giờ, như ông nói “tôi là người tự do”, tự do trong khuôn khổ của một người đàn ông tài hoa, đào hoa, người có sức hấp dẫn và quyến rũ ghê gớm như một nhà báo đã viết, dễ làm động lòng nhiều người phụ nữ đẹp, mặc dù ông đã ở vào tuổi không thể còn gọi là trẻ trung. Ông không sống ẩn dật như một tu sĩ, mà sống lãng tử như cách sống của người nghệ sĩ, trong ngôi nhà của ông như ẩn mình nơi phố Hội! 
 
 Ảnh: Ông Lê Nuôi (bên phải) và tác giả