Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LỜI GIỚI THIỆU TẬP SÁCH VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI TRONG NHÀ TRƯỜNG

PGs nhà văn Vũ Nho
Chủ nhật ngày 23 tháng 5 năm 2010 5:01 AM

Cho tập sách Văn học nước ngoài trong nhà trường của Nguyễn Thị Lan, nhà xuất bản Hội nhà Văn, 2010

Mỗi dân tộc cùng với nền văn học của mình không thể không biết đến các dân tộc với những nền văn học khác.  Văn học nước ngoài (VHNN) là một bộ phận hữu cơ với mỗi nền văn học, là một bộ phận kiến thức quan trọng cần được truyền thụ cho học sinh - các thế hệ công dân tương lai.
Việc giao lưu giữa nước ta và bạn bè trên thế giới đang được mở rộng, VHNN ngày càng có vị trí xứng đáng trong chương trình Ngữ văn của nhà trường Việt Nam. Nếu như trước đây VHNN giới thiệu trong nhà trường chủ yếu là văn học Trung Quốc, văn học Pháp, văn học Nga xô viết thì gần đây điều đó đã được điều chỉnh lại: vừa mở rộng (nhiều nước hơn), vừa cân đối hài hòa (cân bằng hơn về thể loại, về các nền văn học).
VHNN trong nhà trường hay và khó. “Hay” vì đó là những tác giả, tác phẩm tiêu biểu  của văn học các nước có giá trị tư tưởng và nghệ thuật đặc sắc. Chính vì vậy VHNN đem lại nhiều hứng thú cho người dạy, người học. “Khó” vì có một khoảng cách với chúng ta về không gian, thời gian, về sự khác biệt văn hóa. Muốn hiểu một tác phẩm VHNN trước hết phải hiểu đời sống xã hội, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, đặc tính và tư duy thẩm mỹ của dân tộc đó.
Với cương vị là giảng viên VHNN của trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương ngót ba thập kỷ, gần như cả cuộc đời dạy học nhà giáo Nguyễn Thị Lan đã yêu mến và say mê nghiên cứu VHNN. Chị đã công bố thành quả của mình trong bài giảng với các em sinh viên, trong các trang viết trên tạp chí, báo viết và báo mạng. Bây giờ nhìn lại Nguyễn Thị Lan đã có một tập hợp dày dặn gồm những bài viết về văn học Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ, Nga, Pháp, Đan Mạch, Tiệp Khắc. Trong cuốn sách này “từ một góc nhìn” của người giảng dạy và yêu thích VHNN trong nhà trường, Nguyễn Thị Lan đã viết về những tác giả, tác phẩm gây ấn tượng sâu sắc với chị. Trong quá trình nghiên cứư, tác giả đã tiếp thu nhiều thành tựu của lý luận, phê bình văn học đặc biệt là thi pháp học và văn học so sánh để vừa đi sâu vào từng tác giả, tác phẩm cụ thể vừa có thể có cái nhìn đối chiếu, so sánh, khái quát giữa các tác giả, tác phẩm và các nền văn học.
Thi pháp học hiện đại là một ngành mới của nghiên cứu văn học được phát triển và khẳng định ở thế kỷ XX. Đây là một hướng nghiên cứu cần thiết để người đọc nâng cao năng lực chiếm lĩnh các giá trị của văn học, hiểu văn tinh tế hơn, sâu hơn và có ý thức hơn. Đặc biệt với độc giả là giáo viên, sinh viên, học sinh, thi pháp học càng cần thiết. Trong gần một phần ba các bài viết của mình, Nguyễn Thị Lan đã tập trung viết về “thi pháp không gian nghệ thuật” - một trong những phạm trù hình thức nghệ thuật của tác phẩm.
Nghiên cứu so sánh giữa các nền văn học cũng là một hướng nghiên cứu còn nhiều tiềm năng và triển vọng. Trong hướng nghiên cứu ấy, Nguyễn Thị Lan đã tìm hiểu con người và thế giới nghệ thuật của các tác giả ở những nền văn học khác nhau để tìm ra những nét tương đồng và dị biệt ở họ, ít nhiều cung cấp được những thông tin thú vị cho bạn đọc.
Khi những người chuyên viết về VNHH ở nước ta không nhiều, những người nghiên cứu về VHNN trong nhà trường lại càng ít ỏi thì cuốn sách của nhà giáo Nguyễn Thị Lan là một tài liệu tham khảo cần thiết và hữu ích cho mọi người, nhất là các em học sinh, sinh viên, các nhà giáo và những người yêu thích VHNN.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách tâm huyết của nhà giáo Nguyễn Thị Lan - một bút danh không xa lạ với bạn đọc trên tạp chí, báo viết và báo mạng.
Hy vọng bạn đọc sẽ có điều kiện đồng cảm và chia sẻ với cây bút nữ của tỉnh Đông: mềm mại, sâu lắng, giàu trắc ẩn.
Hy vọng những trang viết chân thành, đằm thắm và không ít chỗ tinh tế của nhà giáo - nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Lan sẽ mang lại những niềm vui , niềm khoái cảm thẩm mỹ cho bạn đọc.
Hy vọng bạn đọc sẽ yêu VHNN trong nhà trường hơn khi lật từng trang sách…
Hà Nội mùa đông năm 2009
PGS.TS, nhà văn Vũ Nho