Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THÀY GIÁO ĐỖ VIỆT KHOA ĐÌ - EN

Vũ Duy Chu
Thứ bẩy ngày 22 tháng 5 năm 2010 4:58 PM
 
Ngày 9.7.2006 thày Đỗ Việt Khoa lên Tivi trong Chương trình Người đương thời. Tôi bảo vợ tôi: Thày Khoa này Đì-en rồi em ơi. Vợ tôi nói như quát lên: Anh lúc nào cũng mang tâm lí của kẻ chiến bại, chán. Ông Phó Thủ tướng Nhân bắt tay thày Khoa kia kìa, tặng hoa kia kìa. Rồi Tivi quốc gia làm hẳn một chương trình hoành tráng kia kìa. Chả lẽ…
Tôi chỉ nói với vợ một câu duy nhất: Muốn biết thắng bại ra sao, xin xem hồi sau sẽ rõ.
Hôm nay, sau 4 năm sự kiện thày Khoa, tôi bảo vợ: Em vào chính web Người đương thời, vào VietNamnet… mà xem cái sự Đì-en của thày Đỗ Việt Khoa như thế nào. Vợ tôi xem xong lặng người đi, không thể nói được câu gì.
***
Việt Nam thuộc nhóm nước có tỉ lệ ngân sách chi cho giáo dục cao nhất thế giới. Việt Nam cũng là nước đặc biệt vì có ông Phó Thủ tướng kiêm luôn chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo. Nghĩa là quyền bính Thượng phương bảo kiếm của ông tiền tươi thóc thật, quyết cái rụp, không phải chờ xin ý kiến chỉ đạo gì nữa. Việt Nam cũng là nước người dân quan tâm đến giáo dục nhất thế giới. Bởi đứa trẻ từ lúc đi mẫu giáo, rồi vào học lớp một bố mẹ chúng đã phải đơn từ hồ sơ, xin xỏ, học thêm, học kèm, thi thố rồi. Người dân quan tâm đến giáo dục nhất thế giới bởi họ phải gồng mình đóng đủ thứ tiền trường lớp cho con cái. Thế thì trong vòng 12 năm, từ 1998 - 2010 Nhà nước tăng dần đầu tư cho Giáo dục từ 13% lên 20% tổng chi ngân sách Nhà nước để làm gì thế?
Sự kiện thày Khoa xin nghỉ dạy đang làm nóng dư luận. Ông Phó Thủ tướng gặp may, vừa nhậm chức Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đã có ngay thày Đỗ Việt Khoa lĩnh ấn tiên phong chống tiêu cực trong ngành giáo dục. Thật là không thể cãi vào đâu được, khi thày Khoa có đủ tang chứng vật chứng về chuyện gian lận thi cử và bệnh thành tích( Thành tích cũng là một thứ bệnh, kể cũng lạ!) của trường Vân Tảo( Hà Tây cũ). Người ta bảo: Nói không với bệnh thành tích và gian lận thi cử là con đẻ của thày Đỗ Việt Khoa, còn Phó Thủ tướng chỉ là bà đỡ. Thiên hạ nói lắm cái đúng dựng tóc gáy. Nếu chuyện nói không với tiêu cực là con đẻ của ông Phó Thủ tướng thì có thể thày Khoa đã không Đì-en!
Người ta nói, người ta bình luận rất nhiều về cách thức thày Khoa chống tiêu cực, nào là không đúng cách, là manh động, là lặt vặt… Thử hỏi, đã có ai trong ngôi trường ấy, ngoài ngôi trường ấy công khai quyết liệt đứng về phía thày Khoa để bảo vệ cái đúng hay chỉ đứng nhìn, rồi “cờ ngoài bài trong”? Thực trạng xã hội ta hiện nay, rất nhiều kẻ tự nhận mình là kẻ sĩ, là trí thức đã im lặng để hưởng lợi trước cuộc đấu tranh đơn độc chống lại cái xấu của người khác. Tệ hơn nữa, nhiều kẻ còn ngụy trang sự hèn nhát của mình bằng câu” Gái góa lo việc triều đình”.
Thế rồi ông Phó Thủ tướng “Hai không, Bốn không” rốt cuộc cũng bye bye chức Bộ trưởng Bộ GD & ĐT. Ông đành bỏ dở mấy cái Không mà ông khởi xướng hồi mới nhậm chức. Và bỏ dở những việc khác nữa. Người ta có quyền hỏi ông đã làm được những gì cho ngành giáo dục nước nhà. Nhưng người ta hỏi người ta vậy thôi, chứ có ai hỏi ông đâu. Một câu hỏi khó kèm theo bốn quyền trợ giúp thì ông cũng chịu, không trả lời được.
Còn thày Đỗ Việt Khoa kính mến thì đã làm đơn xin nghỉ việc. Thày buồn một thì nhân dân chúng tôi buồn mười thày ơi. Nhưng khi nào rảnh rỗi thày hãy xem bộ phim tài liệu Xin đừng khinh bỏ nhau của đạo diễn Như Vũ (trong Blog Gocomay), thày nhé. Bộ phim đoạt giải Cánh Diều vàng năm 2009. Thày giáo Nguyễn Đức Thìn, nhân vật chính trong phim, giáo viên trường cấp 2 Tam Sơn, Bắc Ninh có số phận thật kì lạ. Xem xong bộ phim này, vợ tôi thốt lên: Ối giời ơi, thày Đỗ Việt Khoa còn may mắn chán…
Thế là xong, vợ tôi đã bắt đầu ngấm liều thuốc AQ mất rồi.
Còn tôi phải mượn hai từ The End của tiếng Anh đặt tên bài viết này cho đỡ bi.
Sài Gòn, 5.2010
V.D.C