Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ VĂN DƯƠNG HƯỚNG PHỤC VỤ BẠN ĐỌC

Dương Hướng
Thứ sáu ngày 21 tháng 5 năm 2010 5:46 PM
Nhà văn Dương Hướng có lời: Trang blogs duonghuong đã ngưng hoạt động được một năm, theo nguyện vọng của bạn đọc và một số sinh viên khoa văn, học viên cao học làm luận văn tốt nghiệp có nhu cầu đọc tìm hiểu hai tác phẩm Bến không chồng và Dưới chin tầng trời, do tình trạng sách in lậu chất lượng kém, sai lệch nhiều với nguyên bản đang bán tràn lan trên thị trường, kể từ nay trên trang nhà, tác giả sẽ giới thiệu từng chương hai tác phẩm Bến không chồng và Dưới chin tần trời đẻ phục vụ các bạn. Địa chỉ: http://duonghuongqn.vnweblogs.com/

DƯỚI CHÍN TẦNG TRỜI
Tiểu thuyết
 

CHƯƠNG 1

Con tầu đến từ nước Mỹ
 Ngày đang tàn đi. Bóng chiều làm mặt vịnh tím lại. Những con sóng âm vang liên tiếp trào lên bãi cát tạo thành vệt trắng xoá trong ánh hoàng hôn. Anh bước chầm chậm đếm từng dấu chân mình trên cát, cảm giác như đất trời nghiêng ngả. Trong khoảng không bao la giữa núi và biển anh nhận ra một quầng sáng lung linh của con tàu Star Leo lừng lững giữa trời và nước.
Lời chị Thu Cúc trong điện thoại như một mệnh lệnh: Cậu là nhà văn nhà báo, phải trực tiếp xuống tầu đón Hall và con Ngọc Lan, cậu sẽ mở mang ra khối điều mới mẻ để mà viết.
 Hoàng Kỳ Nam bồn chồn phóng tầm mắt nhìn con tầu Star Leo đang từ từ cập bến với dáng vẻ kiêu sang lộng lẫy. Anh biết đây là một trong những con tàu khách hiện đại nhất thế giới mà Hall đã chọn để đưa Ngọc Lan về Việt Nam lần này- về chính cái bến cảng nơi Hoàng Kỳ Nam đang sống.
Vào giữa hè, trên bến khách du lịch từ khắp nơi hối hả đổ về. Tiếng nhạc từ công viên Hoàng Hôn cuốn hút con người ta cứ lao vào vòng xoáy lốc quay cuồng của thời đại tân kỳ- thời đại mà cả nhân loại đang mê mải đắm chìm trong giàu sang và lạnh lùng với mọi biến cố, mọi tai hoạ đang diễn ra từng ngày từng giờ trên thế gian này. Anh muốn quên đi những tháng ngày lam lũ đã qua, quên đi nỗi khốn cùng của một thời quá khứ. Hãy quên mọi chuyện...để được sống những giây phút thanh thản. Hãy quên...
Những con sóng liên tiếp liếm lên bãi cát ánh lên những đốm sáng của những sinh vật biển đã chết. Chúng đã chết từ bao giờ? Những vỏ  ngao, sò, ốc, lẫn mai sam, mai mực nằm trơ trên cát. Loài sinh vật nhỏ nhoi kia, dù sao chúng cũng đã sống trọn đời với biển. Chúng mặc cho biển vỗ về, giận dữ thất thường, mặc cho biển đổi sắc thay màu theo thời gian nắng mưa giông bão...
 Mải triết lý về số phận loài sinh vật biển, Hoàng kỳ Nam liên tưởng tới thân phận mình, một nhà báo, nhà văn quèn, cuối đời vẫn trắng tay, chẳng làm nên trò trống gì...
 Đến giờ hẹn, Hoàng Kỳ Nam bước lên con đường bê tông vắt qua bãi cát ra cầu cảng. Chiếc cầu cảng vừa mới được khánh thành gấp rút để kịp tổ chức ngày hội du lịch đón chuyến tầu khách quốc tế đầu tiên cập cảng. Trên con tầu Star Leo lúc này hành khách từ khắp các châu lục đang háo hức xếp hàng chờ làm thủ tục đi bờ.
- Mọi thủ tục đã làm xong, mời nhà văn lên tầu! Cậu đại diện hằng hải cố tỏ ra lịch sự bắt tay nhà văn Hoàng Kỳ Nam. Cậu ta có gương mặt lành lạnh, đầy bí ẩn-  sự bí ẩn cũng là do Hoàng Kỳ Nam tưởng tượng ra. Anh đoán chừng có thể cậu ta là nhân viên của phòng an ninh ngoại tuyến. Cơn gió từ biển thổi vào tạo nên cột sóng trắng loá tung lên như những chùm pháo hoa lấp lánh dưới ánh sáng của những chùm đèn cao áp trên cảng.
 Cuộc gặp gỡ giữa Hoàng Kỳ Nam với Hall đã được chị Thu Cúc xếp đặt trước. Hall là cựu binh Mỹ đã từng tham chiến tại chiến trường Nam Việt Nam và bây bây giờ ông ta cũng là nhà văn cựu binh.
Chiến tranh đã qua đi bao năm, quá khứ vẫn dội về ám ảnh Hoàng Kỳ Nam. Và lúc này bước lên con tầu Star Leo, anh ngỡ mình đang đi trên một thành phố của một đất nước xa lạ nào đó chứ không phải xứ sở mình. Trên tầu là cả một thành phố thu nhỏ. Có câu lạc bộ vui chơi giải trí, sân gôn, sân tenis, bể bơi và những phòng khiêu vũ sang trọng. Nam mải mê nhìn vào những hành lang dài hun hút dẫn tới các phòng khách sang trọng sáng rực sắc màu. Trước khi bước vào hành lang, cậu đại diện hằng hải rỉ tai Nam phải nhớ đưa đôi bàn tay qua cái vòi hơi đặt ở bên trái lối đi để làm sạch đôi bàn tay mình. Chiếc vòi hơi lúc nào cũng phun ra thứ dung dịch khử trùng - Một kiểu rửa tay hiện đại. Nam tự diễu mình. Trong chiến tranh, anh đã qua mười năm sống chui rúc trong rừng như loài chuột chũi ăn lá tàu bay lá sắn thay cơm và uống thứ nước đã thấm chất độc rừng Trường Sơn...
Chờ Hall và Ngọc Lan làm xong thủ tục nhập cảnh, Hoàng Kỳ Nam theo cô tiếp viên dẫn vào phòng nghỉ. Cô tiếp viên có mái tóc vàng óng mượt, ánh mắt lơ xanh với nụ cười cởi mở.
- Xin lỗi, cô là người nước nào?
- Tôi là người Nga, cô gái vui vẻ nói.
- Nước Nga thật tuyệt vời, Nam cười thân thiện nói như hát, cố thể hiện vốn kiến thức ngoại ngữ của mình, Việt Nam chúng tôi rất yêu quý nước Nga của các bạn. Hoàn cảnh nào đã đưa đẩy người đẹp có mặt trên con tầu này?
- Tôi theo ba má sang Mỹ từ khi chính quyền Xô Viết tan rã. Cô gái long lanh cặp mắt tiếp chuyện Nam.
- Ông Goorbachop đã phá tan hệ thống chủ nghĩa xã hội liên bang Xô Viết. Hoàng Kỳ Nam nói.
- Đúng vậy, cô gái Nga hào hứng, nói tới Goorbachop có người lại bảo ông ta là một nhân vật vĩ đại đã cứu một loạt các nước đông âu thoát khỏi chế độ cộng sản. Ngược lại có người lại bảo ông ta là tên tội phạm. Cô gái Nga cười cả quyết, còn ba tôi lại bảo ông Goorbachop chẳng phải anh hùng, cũng chẳng phải tên tội phạm- Chính quyền Xô Viết lúc ấy cũng giống như cái cây đã mục rữa, chỉ cần cơn gió nhẹ cũng đổ.
Cô gái Nga hào hứng kể về số phận mình, số phận dân tộc mình dửng dưng.
- Ước mơ lớn nhất của cô bây giờ là gì?
- Đối với tôi, điều quan trọng bây giờ có được việc làm trên con tầu này là niềm hạnh phúc. Ngày còn nhỏ tôi đã từng mơ ước được đi khắp thế giới. Và bây giờ thế giới đã là một nhà, ước mơ của tôi đã thành hiện thực.
- Chúc cô hạnh phúc, Nam nói, và anh chợt nhận ra cái ước mơ của một cô gái ở một đất nước Xô Viết vĩ đại cũng thật nhỏ nhoi, cô chỉ mong được tự do đi làm thuê cho thiên hạ.
Cô gái Nga tận tình hướng dẫn Nam cách dùng các thiết bị máy lạnh, cách mở tủ quần áo, mở buồng tắm hơi, cách phun dầu tắm dầu thơm vào bồn. Nam ngỡ ngàng trước đời sống xa hoa dư thừa nơi đây. Trên bàn gương có quá nhiều loại mỹ phẩm, sữa tắm, dầu gội, nước hoa với đủ loại nhãn mác nổi tiếng thế giới, Hoàng Kỳ Nam không biết mình nên dùng loại mỹ phẩm nào cho phù hợp với mình. Chiếc tủ trong buồng tắm treo đủ loại áo khoác, khăn tắm dệt bằng sợi bông trắng muốt. Nụ cười tươi rói của cô gái Nga khuất sau cánh cửa. Anh ngâm mình trong bồn nước ấm thơm nức. Trước khi gặp Hall, người cựu binh Mỹ, mình lại một lần nữa phải khử trùng toàn thân. Hoàng Kỳ Nam lại tự diễu mình. Quả là thời đại vần xoay quá nhanh, quá sức tưởng tượng của Nam. Anh không ngờ tên giặc Mỹ ngày nào giờ bỗng thành bạn mình.
 Từ phòng tắm bước ra, cả người anh thơm phức. Hoàng Kỳ Nam khoan khoái bước ra ban công. Chiếc điện thoại anh đang cầm trên tay bỗng rung lên hiện rõ số máy của Đại gia Đào Kinh. Giọng Đào Kinh choi chói trong máy, Hoàng Kỳ Nam tưởng tượng rõ gương mặt Đào Kinh đang háo hức: Cậu gặp được thằng cha người Mỹ và đứa con lưu lạc của cậu chưa? Báo tin để cậu biết, con Thanh Măng đã dụ được bố đẻ Trần Tăng nó về dự cuộc gặp mặt ngày mai rồi đó, lúc này cả bí thư chủ tịch tỉnh đang tiếp ông ta. Bằng mọi giá cậu phải đưa được ông khách của cậu về chỗ tớ nhá! Tớ  cho nghỉ miễn phí ở Trung tâm du lịch Hoàng Thiên Long. Tớ muốn ông bạn Mỹ của cậu được biết đến Hoàng Thiên Long của tớ, biết cái đất nước hình chữ S của chúng ta bây giờ đã đi tới bến bờ nào. Mẹ kiếp, Đào Kinh cười hơ hớ, nghe nói tay này tuy là nhà văn nhưng hắn ta đang có dự án làm ăn liên doanh với mình đấy. Cậu nên nhớ, thế giới ngày nay nhiều nhà văn rất giỏi làm kinh tế, lại giàu có chứ chả như cánh nhà văn Việt Nam các cậu đã đói lại hay sĩ. Cậu làm tốt việc này tớ sẽ có thưởng. Thế nhé! Chào. Chúc thành công.
Hoàng Kỳ Nam còn đang ngỡ ngàng trước những lời của đại gia Đào Kinh reo réo trong chiếc điện thoại cầm tay của anh thì cậu đại diện hằng hải đến nói:
- Dạ thưa, khách của ông đã làm thủ tục xong đang đợi ông ở phòng khách.
Hoàng Kỳ Nam đi theo cậu đại diện hằng hải. Vừa bước vào cửa phòng khách, anh sững người bởi vòng tay mềm mại của người con gái lao vào ôm chầm lấy anh. Cho dù đã chờ đợi giây phút này từ lâu, Hoàng Kỳ Nam vẫn thấy quá bất ngờ. Anh không tưởng tượng cô bé Ngọc Lan giờ đã là một cô gái kiều diễm, giống Thương Huyền như tạc.
- Ngày con bước chân đi, con không dám nghĩ lại có ngày con được gặp lại ba, Ngọc Lan sụt sùi xúc động.
- Thì bây giờ cha con ta đã gặp nhau, mọi chuyện sẽ tốt đẹp con à.
- Con trông ba khoẻ, mập hơn ngày xưa, Ngọc Lan đưa tay gạt nước mắt, ngước lên nhìn kỹ khuôn mặt Hoàng Kỳ Nam: Con xin giới thiệu với ba đây là ông Hall, cha đỡ đầu của đứa em con bên Mỹ. Ông Hall đây cũng đã sang Việt Nam từ thời còn chiến tranh. Và ông cũng là bạn của má con...
Người cựu binh Mỹ có đôi mắt lơ xanh nhìn Hoàng Kỳ Nam, hai cánh tay lốm đốm tàn nhang đầy lông tơ với những ngón tay to sụ nắm chặt lấy bàn tay Hoàng Kỳ Nam thân thiện. Được chứng kiến cảnh hai cha con Hoàng Kỳ Nam gặp nhau, Hall biểu lộ niềm xúc động chân thành. Hoàng Kỳ Nam bảo cậu đại diện để ông và người cựu binh Mỹ nói chuyện không cần phiên dịch. Vốn ngoại ngữ bao năm khổ luyện, Hoàng Kỳ Nam được dịp thể hiện. Anh nói rất chậm, cố phát âm cho chuẩn để tiếp chuyên Hall.
 - Xin hân hạnh được giới thiệu, tôi là Hoàng Kỳ Nam…
 Người cựu binh vừa lắng nghe vừa bật nút chai whisky rót vào cốc mời Hoàng Kỳ Nam.
- Chúc sức khoẻ ông Nam, tôi là Hall, chúng ta cùng nâng cốc mừng cuộc gặp mặt này. Hall trịnh trọng, tôi được biết về ông qua Ngọc Lan, chúng ta đều là nhà văn, là hai người lính ở hai bờ chiến tuyến năm nào. Quả là thời cuộc đã đổi thay vô cùng lớn lao. Hôm nay chúng ta gặp được nhau quả là điều kỳ diệu. Ông có nghĩ thế không?...
- Đúng thế, cuộc gặp gỡ của chúng ta hôm nay mang ý nghĩa của cả thời đại, Hoàng Kỳ Nam nhìn Hall, đó là điềm lành, là niềm vui ông Hall ạ, nó đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử hai nước Việt Nam và Mỹ.
Người cựu binh Mỹ lại hào hứng bắt tay Hoàng Kỳ Nam lần nữa. Cậu đại diện hàng hải ngồi lặng lắng nghe mà không nói lời nào. 
- Tôi đã mong chờ giây phút này từ lâu lắm rồi ông Nam, Hall nói, từ ngày tôi trở lại Việt Nam lần đầu đưa Ngọc Lan sang Mỹ cho hai chị em nó được gần nhau. Rất may có bà Thu Cúc giúp đỡ. Qua bà Thu Cúc và con Ngọc Lan, tôi mới biết ông lại chính là tác giả của cuốn tiểu thuyết “Rừng Chết” mà tôi đã được đọc qua bản dịch của người bạn tôi. Mục đích chuyến sang Việt Nam lấn này, bằng mọi cách phải để con Ngọc Lan gặp được ông. Hall xúc động  nói.
Hoàng Kỳ Nam quyết định chưa nói rõ để Hall biết sự thật Nam không phải là cha đẻ của Ngọc Lan.
 - Cám ơn tấm lòng nhiệt thành của ông Hall, Nam nói, tôi rất vui chúng ta lại được gặp nhau, ông đã mang đến cho tôi một tình cảm vô cùng quý giá. Ngọc Lan luôn là nỗi mong chờ bấy lâu của tôi.
- Nó là một cô gái xinh đẹp, Hall nói, ông có thấy nó giống Thương Huyền của ông xưa?
- Nó thì xinh đẹp, còn Thương Huyền, mẹ nó đã thân tàn ma dại rồi thưa ông Hall. Hoàng Kỳ Nam xúc động nói rõ sự thật nghiệt ngã. Ông Hall không thể hiểu được nỗi bất hạnh của Thương Huyền đâu. Nỗi đau lớn nhất của người mẹ đã không giữ nổi chính đứa con mình đẻ ra. Ngọc Lan, con không thể hiểu nổi, mẹ con đã phát điên khi con sang Mỹ.
- Ba, ngày ấy con còn nhỏ, giờ con biết lỗi của con rồi. Ngọc Lan sụt sùi khóc.
- Tôi thực sự không ngờ bệnh tình Thương Huyền lại trầm trọng đến thế. Hall thanh minh. Chuyện đó ta sẽ bàn sau, chúng ta hãy cùng nâng cốc mừng ngày vui hôm nay, cầu mong cho Thương Huyền mau khỏi bệnh...
 Cậu đại diện hàng hải ý tứ lảng ra hành lang. Cô gái Nga bê vào đĩa hoa qủa đã được chế tác gọt tỉa rất công phu thành những hình hoa lá rất đẹp mắt mời mọi người bằng nụ cươì rất duyên. Câu chuyện giữa Hall và Ngọc Lan với Hoàng Kỳ Nam phải bỏ dở vì đã đến giờ tầu đón khách vào bờ. Theo kế hoạch đã tính trước, Hoàng Kỳ Nam sẽ đưa Ngọc Lan và người cựu binh Mỹ đi thăm thành phố. Ngày mai sẽ có cuộc gặp mặt đồng hương với đoàn cán bộ xã Chiến Thắng tại trung tâm du lịch Hoàng Thiên Long do đại gia Đào Kinh lo liệu. Cuộc gặp mặt đồng hương ngày mai mục đích vận động bà con quyên góp kinh phí để tổ chức cho buổi lễ đón nhận danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang xã Chiến Thắng sao cho thật hoành tráng. Tối qua, Hoàng Kỳ Nam đã nhận được điện của mẹ Yến Quyên báo trước trong đoàn cán bộ xã ngày mai do Tuyết dẫn đầu. Từ ngày Hoàng Kỳ Nam và Tuyết ly hôn, Tuyết vẫn giữ chức chủ tịch xã. Cuộc gặp mặt sáng mai còn có cả nhân vật đặc biệt quan trọng, đó là Trần Tăng, một cán bộ cao cấp nhà nước từ Thủ Đô cũng sẽ về dự.
Vừa lên khỏi cầu tàu, Hoàng Kỳ Nam đã nhận ra cha con Đào Kinh và Đào Thanh Măng đang đứng đợi. Măng lộng lẫy bộ váy dài mầu mận chín, nàng nở nụ cười rõ tươi nắm chặt tay Nam. Đào Kinh trịnh trọng bắt tay Hall nồng hậu như một chính khách:
- Xin mời ngài lên xe.
Cậu đại diện hàng hải làm xong phận sự cáo từ ra về. Chiếc xe con mầu đen bóng lao vút vào trung tâm thành phố. Ngồi trong xe, Thanh Măng cười hơn hớn nhìn Nam:
- Chắc anh Nam thấy bất ngờ đúng không? Bố Đào Kinh đã điện cho em ra đón anh đấy. Giọng Măng véo von. Anh có nghĩ cuộc hội ngộ này mà có cả bố Trần Tăng em nữa thì thật tuyệt vời đúng không? Bố Trần Tăng đang mắc họp Quốc hội nhưng em đã thuyết phục được cụ nhận lời cùng em xuống đây. Đào Thanh Măng nói và chủ động nắm cổ tay Ngọc Lan. Chuyện của Ngọc Lan, cô đã được nghe kể nhiều lần rồi, hấp dẫn và ly kỳ như chuyện tình báo í.
- Thì rõ là chuyện tình báo đấy thôi, Hoàng Kỳ Nam nói, chiến tranh, chuyện gì mà chẳng xảy ra. Ngọc Lan à, đây là cô Măng, bạn cùng làng với ba đó. Con còn nhớ bác Đào Vương không?
- Con nhớ, bác Vương là bạn chiến đấu của ba đúng không? con đã gặp bác ấy hai lần trong bữa liên hoan mừng chiến thắng ở nhà ngoại con và một lần ở trên rừng.
- Đúng vậy, bác Vương ấy chính là anh ruột của cô Măng đây. Hoàng Kỳ Nam ngập ngừng không dám nói ra sự thực Đào Vương lại chính là bố đẻ của Ngọc Lan.
- Thôi, xin mời nhà văn cùng ngài khách quý lên xe về khách sạn nghỉ đã, Đào Kinh nói nhỏ không để cho Ngọc Lan nghe thấy.
- Thằng này nó có biết tiếng Việt không đấy?
- Không đâu, Hoàng Kỳ Nam nói, ông có thích chửi ông ta, để tôi dịch?
- Cái cậu này rõ là... cậu phải giới thiệu tớ với ông ta sao cho thật oách vào đấy.
- Không cần phải giới thiệu nhiều đâu bố ạ, Đào Thanh Măng nói, bố cứ dẫn ông ta đi thăm tất cả các công trình đầu tư của bố và của con là đựơc. Trăm nghe không bằng mắt thấy.
- Tất nhiên là thế rồi, Đào Kinh hào hứng, nhưng dù sao cậu Hoàng Kỳ Nam phải giới thiệu tường tận cả vị thế và tiềm lực hiện nay của chúng ta nữa chứ. Lực đã mạnh, thế lại chắc, ví dụ như danh tiếng bố đẻ Trần Tăng con chẳng hạn...
Từ lúc lên xe, Hall ngồi lặng ngắm nhìn thành phố. Tới trung tâm bưu điện, Hall ngạc nhiên thấy cảnh người xe ùn ùn đổ dồn vào môt khu phố đông nghẹt.
- Nay là đêm Nôen, thưa ông Hall, mọi người đi lễ nhà thờ đấy. Nghe Hoàng Kỳ Nam giải thích, gương mặt Hall chợt sáng lên. Hall yêu cầu muốn được đến thăm nhà thờ.
- Nhà thờ thành phố này đã đổ từ tám hoánh còn có gì mà thăm với nom. Đào Kinh nói. Về Hoàng Thiên Long uống rượu chả sướng.
 Hall không vui khi nghe Đào Kinh nói, Măng nháy mắt với Đào Kinh phải chiều Hall. Đào Kinh cho xe đỗ lại dưới chân dốc núi Đạo để mọi người lên nhà thờ.
- Thôi được, mọi chuyện do cậu quyết định, hai bố con tớ về trước. Khi nào về, cậu a lô để tớ đến đón. Đào Kinh nói, đưa tay vẫy chào mọi người rồi cho xe lao về trung tâm du lịch Hoàng Thiên Long.
Nam dẫn Hall và Ngọc Lan hòa vào dòng người đổ về khu phố nhà thờ. Mấy đứa trẻ lang thang ăn xin nhũng nhẳng bám theo sau Hall xin tiền. Hoàng Kỳ Nam móc ví cho mỗi đứa một nghìn đồng chúng mới chịu buông tha.
- Tại sao ông lại bỏ mẹ con Ngọc Lan? Hall bất ngờ hỏi, Thương Huyền là người phụ nữ Việt Nam tuyệt vời nhất mà tôi  được gặp.
- Tôi vẫn yêu cô ấy, Hoàng Kỳ Nam nói, âu cũng do hoàn cảnh chiến tranh mỗi người một phương. Thưa ông Hall, chuyện của chúng tôi, Ngọc Lan rõ hơn cả. Ngọc Lan ơi, con có hiểu cho hoàn cảnh của ba?
- Bao nhiêu năm nay, con cũng chỉ mong có được ngày gặp lại ba má.
 Người cựu binh Mỹ lại xúc động. Tới cửa nhà thờ, Nam kéo Hall đứng tách khỏi đám đông đang chen lấn xô đẩy. Trong sân nhà thờ, một dàn nhạc công vận đồng phục trắng tinh đang phồng má thổi kèn đồng cho các cô gái đồng trinh xếp thành từng hàng hát thánh ca. Tiếng hát ngân lên vang vọng cả khoảng trời đêm. Ngôi nhà thờ lớn lộng lẫy đã bị bom đánh sập mái từ thời chiến tranh giờ chỉ còn trơ lại đơn độc mỗi cái tháp chuông lừng lững giữa bầu trời cao vời vợi. Dù nhà thờ chỉ còn mỗi cái tháp chuông trơ trụi nhưng dân xứ đạo ở đây vẫn gửi gắm đức tin vào chúa, năm nào cũng tổ chức lễ giáng sinh cầu chúa ban phước lành cho dân xứ đạo được sống an bình tốt đời đẹp đạo. Hall đứng ngẩn ngơ nghe thánh ca, mắt ông ta nhìn lên khoảng không mênh mông trên ngọn tháp nhà thờ. Ngọn tháp chuông sừng sững chọc thẳng vào trời đêm. Phía sau ngọn tháp là cả toà nhà đã sập mái, còn trơ ra những bức tường tróc lở mốc meo theo thời gian.
- Tại sao ngôi nhà thờ này không có mái? Hall hỏi hồn nhiên.
- Một quả bom, ông hiểu không? (Nam định nói “bom Mỹ” nhưng sợ Hall chạnh lòng) Một quả bom đã nổ tung trên mái nhà thờ từ hồi chiến tranh, thưa ông Hall. Đến chúa cũng đành ngậm ngùi nhìn các con chiên tử nạn trong cái đêm kinh hoàng ấy. Chiến tranh đã qua bao năm, dân xứ đạo ở đây vẫn chưa xây dựng lại được ngôi nhà thờ này.
Hall thở dốc, kéo tay Nam và Ngọc Lan lách ra khỏi đám đông. Lũ trẻ lang thang bụi đời lại lếch thếch bám theo Hall xin tiền. Hall không ngần ngại móc túi lấy ra những đồng tiền lẻ ông ta đổi từ khi làm thủ tục đi bờ chia hết cho lũ trẻ.
Về tới trung tâm du lịch Hoàng Thiên Long, Kinh đã chuẩn bị sẵn bữa tiệc đêm thịnh soạn chiêu đãi khách.
- Từ chiều vận động nhiều chắc ăn ngon miệng, Kinh nói và tự giới thiệu các món ăn trên bàn. Xin mời mọi người cứ tự nhiên, tôi là tôi chỉ thích mỗi món cháo hoa.
 Măng múc cho bố nuôi muôi cháo còn nóng rẫy thơm phức, miệng cười xuýt xoa:
- Anh Nam biết không, món cháo củ cải mặn này bố em bị dì Mai Tầu đầu độc nên bây giờ nghiện đấy.
- Cậu Nam đừng có tin, Đào Kinh cười chống chế, nó chưa ở với người ta ngày nào đã nói giọng dì ghẻ con chồng rồi.
- Con nói sai sao, Măng cong cớn, từ ngày bố bỏ mẹ con ở làng Đoài đi theo dì Mai Tầu, con thấy bố bị Tầu hoá trăm phần trăm.
- Con nói thế là không công bằng, Đào Kinh cũng cười, cả tỉnh này, cả nước này, rồi đến cả thế giới này sẽ Tầu hoá chứ đâu phải mình bố.
Ngọc Lan dịch cho Hall nghe câu nói của Đào Kinh, Hall bỗng nhìn Kinh bằng ánh mắt khâm phục:
- Ông đây nói đúng, hàng hoá Trung Quốc đã tràn ngập cả sang Mỹ. Chúng ta không thể đánh giá thấp người Tầu. Sự thâm sâu có sẵn trong máu của người Tầu nên thời đại nào cũng xuất hiện những nhân vật kỳ tài như Tần Thuỷ Hoàng, Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân... Hall bỗng cao hứng cạn hết ly rượu trên tay say sưa: Sự vĩ đại thường đi đôi với tội ác. Vạn Lý Trường Thành chồng chất máu xương thần dân Trung Quốc. Hít Le lẫy lừng tên tuổi bằng chủ nghĩa phát xít giết người. Con người sẽ còn phải chịu khốn khổ bởi bao nhiêu thứ chủ nghĩa, đảng phái, tôn giáo. Ta chưa bàn tới chuyện đúng sai chính tà, nhưng xét tới cùng, tất cả các nhà độc tài trên thế giới này đều nổi tiếng bằng máu xương công sức và nỗi khốn cùng của đồng loại. Có một điều kỳ lạ loài người vẫn u mê ngu muội tôn sùng tới mức cuồng tín những nhà chính trị độc tài với những mỹ từ cao sang khiến  bất kể kẻ nào muốn chống đối đều kinh hãi.
- Ông Hall nói quá hay. Đào Kinh nâng cốc rượu nhìn Hall, tôi nghe cháu Ngọc Lan nói những quan điểm tiến bộ của ông mà thấy mở mang đầu óc. Nhà văn nhà báo Hoàng Kỳ Nam của chúng tôi đây còn phải học hỏi nhiều.
Đào Kinh tán dăm ba câu lấy lòng Hall rồi bàn tới chuyện đầu tư liên doanh.
- Các ông cứ tự nhiên bàn chuyện làm ăn, Hoàng Kỳ Nam nói, hai cha con tôi xin phép về phòng riêng.
- Không đươc, Đào Kinh vung tay cả quyết, Ngọc Lan phải ở đây phiên dịch cho tớ. Thời gian còn dài, hai cha con cậu sẽ tha hồ tâm sự.
- Thôi đươc, con hãy giúp ông Đào Kinh, ba về phòng trước. Nam gật đầu chào Hall rồi đứng dậy về phòng.
 Măng quay sang ôm Ngọc Lan vào lòng thân thiện:
- Cháu cô càng uống trông càng xinh, Măng lịch sự đứng dậy xin phép Hall và bố Kinh về phòng mình. Măng bước nhanh theo Nam trên hành lang. Măng ríu rít kiêu hãnh dẫn Nam dạo quanh trung tâm Hoàng Thiên Long để anh thưởng thức ngắm nhìn phong cảnh hữu tình và những công trình kiến trúc xây dựng nơi đây. Khu Hoàng Thiên Long về đêm rực rỡ sắc màu như trên thiên đình nơi Ngọc Hoàng trị vì. Hoàng Thiên Long là một thế giới vui chơi độc đáo, tân kỳ và hiện đại nhất khu vực. Những con đường nhựa bóng loáng chạy vòng xoáy ốc lên các đồi cây xanh nối nhau tầng tầng lớp dẫn vào các điểm vui chơi giải trí: Nhà Biểu diễn cá heo mái cầu vồng mầu xanh nước biển lừng lững một khoảng trời thành phố. Từ rạp xiếc, vườn thú, công viên nước, khu khách sạn cao cấp đều được thiết kế rất hợp theo địa hình phong thuỷ nơi đây.
Đi loanh quanh một lát, Măng lại dẫn Nam ra bãi tắm ngắm biển.
- Biển thì mãi mãi đẹp mê hồn, còn con người thì mỗi ngày một già đi, Măng nói, em sống mãi ở thủ đô ngột ngạt, giờ đứng trước biển mới thấy mình thanh thản. Măng hít sâu làn gió mát, nắm cổ tay Nam kéo anh cùng ngồi xuống chiếc ghế đá có mái che bằng lá cọ xoè ra như chiếc ô lớn. Bất ngờ Măng hỏi: Anh vẫn ở căn tập thể khu năm tầng sao?
- Còn biết đi đâu?
- Em hỏi thật anh, lý do gì anh ly hôn với chị Tuyết? Một nữ chủ tịch xã tiêu biểu xinh như  mộng. Ngày còn ở quê đi học, em cứ nghĩ anh Vương nhà em yêu được chị Tuyết. Thế mà đùng một cái, anh lại là người chiến thắng. Rồi đến nay anh lại đang tâm bỏ người ta. Còn anh Vương nhà em thì bây giờ...
- Anh Vương nhà cô thích tất cả đám con gái làng Đoài. Từ cái Muôi, cái Muỗng cái Thìa con bà Cháo, cho đến đám cái Tươi, cái Thảo, cái Hoà bên xóm Đình, anh cô đều đã rủ rê tán tỉnh hết lượt. Còn anh, đúng là đã cưới Tuyết, xét trên  mọi phương diện, Tuyết đều hoàn hảo, nhưng anh phải thú nhận, mình chưa bao giờ yêu Tuyết. Chuyện tình cảm thật khó lý giải. Tại sao yêu, tại sao ghét? Cũng như em, tại sao em lại đẩy chồng con em vào Sài Gòn, còn mình thui thủi ở ngoài này?
- Anh nói đúng, chuyện tình cảm chẳng ai tính toán được. Có phải đó là duyên phận. Thằng con trai em nó bảo phương án tốt nhất bố mẹ không ra toà ly hôn thì nên để mỗi người sống một nơi. Cả hai đứa con em, chúng đều không chịu nổi bố mẹ. Chúng bảo em là người đàn bà quá nhiều tham vọng, còn bố chúng lại là người đàn ông nhu nhược. Em không tham vọng sao bố con chúng có được cơ ngơi bề thế như ngày nay. Em không tham vọng sao đối phó được với những thủ đoạn lọc lừa của những siêu cao thủ trong cái thành phố Sài Gòn đầy sôi động hiện nay. Em không tham vọng làm sao cả hai ông bố, Trần Tăng và Đào Kinh của em có được cái vương quốc Hoàng Thiên Long lộng lẫy này. Còn cả anh nữa, anh cũng là người đàn ông đầy tham vọng đấy thôi. Em tham vọng tiền tài, còn anh tham vọng ái tình. Anh đã có Tuyết rồi, có hẳn một cô chủ tịch ẵm trong lòng lại còn đa mang cái cô Thương Huyền cách xa ngàn dặm. Em nghe anh Vương nói cái cô Thương Huyền của anh đẹp như nàng Kiều. Em nhìn con Ngọc Lan là em tin mẹ nó đẹp đến nhường nào. Cái tên Thương Huyền nghe cũng thật dễ thương. Gái tham tài trai tham sắc, em biết anh đam mê cái cô Thương Huyền cũng là lẽ thường tình của cánh mày râu các anh, nhưng rốt cuộc tới cuối đời anh vẫn trắng tay, trắng tay cả về tình và tiền, tối đến vẫn một mình trong căn hộ tập thể lem nhem như quán trọ. Em nghe bố Đào Kinh bảo ở thành phố này anh vẫn chưa có người đàn bà nào ngoài cái bóng hồng nhan trong kia? Thật đáng thương cho anh! Làm sao anh phải khổ vậy. Hồi còn ở quê em cũng mang lòng yêu anh, ngưỡng mộ anh, nhưng lại mặc cảm thân phận hèn mọn của mình nên không dám. Và em cũng thừa biết chẳng bao giờ anh lại yêu đứa con gái hèn kém như em.
- Bây giờ em đã là nữ doanh nhân thành đạt. Nam nắm bàn tay Măng an ủi, anh về làng nghe họ bảo em là người đàn bà giàu nhất nước Nam ta.
- Anh có dám bỏ cái cơ quan “thùng rỗng kêu to’’ để về Hà Nội với em không? Em sẽ cho anh tất cả tình và tiền em có. Em sẽ sang tên anh ngôi biệt thự Tây Hồ, để thằng chồng và thằng con của bố Trần Tăng em khỏi nhòm ngó. Chúng nó thính như mũi chó Béc, chỉ cần nghe phong thanh em ly hôn là chúng lao vào cắn xé. Em thực sự buồn chán cứ phải sống mãi trong cảnh giàu sang nhung lụa mà cái tình bạc phếch như vôi. Đến đứa con mình đẻ ra chúng cũng coi thường. Cuộc đời thật đen bạc. Măng bỗng ôm choàng lấy Nam nức nở. Anh Nam, em yêu anh, thú thực em đang cần anh. Em đã phải tính toán mãi với hai ông bố Đào Kinh và Trần Tăng của em mới thiết kế được cuộc hội ngộ này đấy.
 Nam thấy ngạt thở bởi vòng tay xiết chặt với cơ thể nóng bừng run rẩy của Măng. Nam bỗng thương hại cô bạn gái cùng thời chân đất mắt toét làng Đoài xưa. Măng đâu hiểu trong đầu Nam không bao giờ nghĩ Măng lại có thể là người tình của mình. Nam đang khó nói ra sự thực con Ngọc Lan lại chính là cháu gái của Măng. Đào Vương chính là bố đẻ của Ngọc Lan. Trong lúc Măng đang cô đơn, Nam không nỡ để Măng buồn tủi. Nam vuốt nhẹ mai tóc Măng an ủi:
- Cô phải nghĩ cho hai đứa con cô, đừng buông thả thế, anh không thể...
- Em mà buông thả với anh sao? Măng đẩy Nam khỏi vòng tay mình vẻ giận dỗi, em thực sự thương anh, đàn ông đến với em chả thiếu nhưng toàn loại hám tiền vờ vịt chẳng thằng nào thực tình. Anh đã nói thế, em hiểu anh vẫn còn mơ tới bóng dáng người đẹp Thương Huyền trong kia. Em nghe nói con Ngọc Lan lần này về nước sẽ đưa mẹ nó sang Mỹ đúng không? Anh nên để cho người ta đi thì hơn. Hay anh định cùng con Ngọc Lan sang Mỹ?
- Anh mà sang Mỹ được sao? Đến như Thương Huyến có cả hai đứa con bên ấy mà cô ấy cũng đâu muốn đi Mỹ. Hall, bạn cô ấy lần này sang đây cũng vì chuyện đó. Tay Hall xem ra cũng rất có tình với Thương Huyền.
- Anh có ghen không?
- Cô không hiểu được Thương Huyền đâu. Thương Huyền không yêu Hall, họ có mối quan hệ đặc biệt từ hồi chiến tranh...
 Khi Nam và Măng từ bãi tắm về đã thấy Hall và Ngọc Lan ngồi đợi ở phòng khách. Hall có vẻ khác thường. Hall đã uống qúa nhiều, mặt đỏ gay.
- Có phải ông và cô con gái ông Kinh đây là người tình của nhau không? Hall nói, tay vung lên, cao giọng, khi nào Thương Huyền khỏi bệnh, tất cả chúng ta sẽ về thăm cái làng Đoài quê ông một chuyến. Tôi nói điều này mọi người có tin không, hồi chiến tranh chính tôi là người lái máy bay trực tiếp rải chất độc xuống các cánh rừng khu năm đấy. Hall bỗng ho sụ sụ mấy tiếng rồi hạ giọng, tuổi trẻ thật ngông cuồng. Giá chúng ta ngày ấy đụng nhau, chắc chắn phải cùng nổ phát súng căm thù vào đầu nhau đúng không? Súng đã nổ, không biết điều gì sẽ xảy ra? Có thể một trong hai chúng ta đã phải chết ngỏm rồi. Đúng thế! Phải chết. Chính chúng ta mới là kẻ đáng phải chết! Chúa đã lầm lẫn ha...ha... Và chúa cũng đã lầm lẫn để cuộc đời xô đẩy Thương Huyền tới con đường cùng quẫn. Chúa đã nhận ra lỗi lầm nên Chúa đã ban tặng cho chúng ta cùng gặp một người phụ nữ tuyệt vời như Thương Huyền. Nhưng chúng ta đã làm được gì cho nàng? Chính chúng ta lại là những người có tội. Đời đời con cháu chúng ta sau này sẽ thấy rõ sự xuẩn ngốc của chúng ta, chúng sẽ nguyền rủa chúng ta. Cũng may là thế giới này còn có được người phụ nữ tuyệt vời như Thương Huyền, nàng đã sinh được cho chúng ta con Ngọc Lan đây, ông thấy chưa, nó đẹp như một thiên thần, nó giống Thương Huyền mẹ nó như đúc. Các người có biết không, tôi với Thương Huyền ngày xưa đã nhiều lần bay tít lên bầu trời cao, tôi bay để cho Thương Huyền hát lên những bài hát rất hay. Lời bài hát kêu gọi những chiến binh cộng sản như ông Nam quay về với chính nghĩa quốc gia ha ha... Thật nực cười, bây giờ ngẫm lại mới thấy nực cười cho cái mỹ từ “Chính nghĩa quốc gia”ngày ấy nghe rõ hay ho.
- Ba Nam ơi, ông Hall say rồi, Ngọc Lan nói nhỏ với Nam, ba đưa ông Hal về phòng Nghỉ đi. 
- Con cứ để ông Hall dốc hết nỗi lòng, Hoàng Kỳ Nam nói, ông Hall giờ đã là nhà văn của nước Mỹ, phải đi nửa vòng trái đất tới được nơi ông ta đã một thời chiến đấu vì một cuộc chiến tranh vô nghĩa để đến bây giờ mới bừng tỉnh và ân hận. Nam quay sang nói với Măng, hai cô cháu đi nghỉ trước đi, để anh tiếp chuyện với Hall.
Măng và Ngọc Lan về phòng nghỉ, Hoàng Kỳ Nam nhìn gương mặt Hall phấn khích. Nam nắm chặt bàn tay Hall:
- Cám ơn lời nói chân tình của ông. Cuộc gặp mặt giữa hai chúng ta hôm nay đã mang lại cho tôi nhiều điều mới mẻ. Tổng thống Mỹ Bút sắp sang thăm Việt Nam nay mai, hy vong mối quan hệ hai nước trong tương lai sẽ ngày càng tốt đẹp. Ông cho phép tôi hỏi, hồi chiến tranh, ông có quen đại tá Đỗ Hiền, chỉ huy trưởng trung tâm tâm lí chiến phi trường Đà Nẵng không?
 Hall sững người, nắm tay Hoàng Kỳ Nam:
- Ông Đỗ Hiền, đại tá Đỗ Hiền a? Chính ông ấy là chỗ quen biết thân tình với tôi từ hồi còn ở phi trường Đà Nẵng đấy.
- Đỗ Hiền chính là cậu tôi. Cậu tức là em trai của mẹ tôi ông hiểu không? Nam giải thích, ông cậu tôi di cư vào Nam theo chính quyền Sài Gòn từ năm năm tư, tới năm bảy lăm chạy sang Mỹ, sắp tới ông cậu tôi cũng sẽ cho cả gia đình về Việt Nam, về làng Đoài. Và xin thưa với ông Hall, nếu ngày xưa ông đã là cộng sự của Thương Huyền, hẳn ông biết sự kiện bài báo “Cuộc gặp gỡ bất ngờ” đăng trên tờ Tin Sáng của Thương Huyền?
Hall như bừng tỉnh nhìn Hoàng Kỳ Nam ngỡ ngàng:
- Sự kiện bài báo của Thương Huyền ngày ấy viết về đại tá Đỗ Hiền, trưởng trung tâm tâm lý chiến phi trường gặp người anh rể trong nhà ngục. Câu chuyện ly kỳ cả thế giới đều biết.
- Ông có biết người anh rể của đại tá Đỗ Hiền là ai không? Chính là bố Hoàng Kỳ Trung của tôi đấy thưa ông Hall.
- Ôi quả là câu chuyện thần kỳ, Hall laị một lần nữa sững sờ nắm tay Nam xúc động.
- Chiến tranh chẳng có chuyện gì không xảy ra. Bố tôi giờ là thiếu tướng quân đội nhân dân Việt Nam đã hưu rồi, đang ở làng Đoài với mẹ tôi. Thưa với ông Hall, ngày mai mẹ tôi cũng ra đây với đoàn cán bộ xã. Tôi đang tưởng tượng ra cảnh nay mai bố tôi đường đường là một thiếu tướng quân đội nhân dân Việt Nam sẽ đón người em vợ là kẻ đã phản bội Tổ quốc trở về ra sao đây? Chuyện này thật thú vị thưa ông Hall. Riêng chuyện này chúng ta có thể viết cả cuốn tiểu thuyết.              
- Đúng thế, thưa ông Nam, chiến tranh đã cắn xé gia đình ông làm hai nửa. Cuối cùng chúa cũng đã nhận ra lỗi lầm, Hall reo lên, nếu chiến tranh còn kéo dài đến hôm nay thì chuyện gì sẽ xảy ra?
- Cha, vậy là sáng mai con sẽ được gặp bà nội? Ngọc Lan bước vào cửa reo lên khi đã nghe rõ câu chuyện của Nam và Hall.
- Ngọc Lan, con chưa ngủ sao, sáng mai con sẽ được gặp bà nội. Hoàng Kỳ Nam cố tỏ ra tự nhiên nói với Ngọc Lan.
Suốt đêm Hoàng Kỳ Nam nghĩ về Thương Huyền, gần sáng mới thiếp đi. Có tiếng gõ cửa, Nam bừng tỉnh. Đại gia Đào Kinh xuất hiện với gương mặt rạng rỡ:
- Mời nhà văn nhà báo dậy ăn sáng, tớ đã bố trí đúng chín giờ, đoàn khách ở quê sẽ đến nơi, ta chỉ làm trong vòng một tiéng, mười giờ, nếu ông khách người Mỹ của cậu đồng ý, chúng ta sẽ đi Hà Nội, con Măng sẽ lo đón tiếp cậu chu đáo. Khi nào về, còn thời gian, tớ mời đoàn ra cửa khẩu quốc tế thăm công trình tớ đang đầu tư xây dựng. Trong tương lai, tớ muốn hợp tác làm ăn với những người bạn Mỹ. Cậu nên nhớ nước Mỹ vẫn luôn là thần tượng của cả nhân loại...
Nam còn đang loay hoay với chiếc bàn cạo râu trong phòng tắm, Hall bước vào nói đồng ý đi cả hai tuyến Hà Nội và cửa khẩu quốc tế biên giới Việt Trung. Hall còn gợi ý với Hoàng Kỳ Nam cố thu xếp cùng với ông ta vào Đà Nẵng thuyết phục Thương Huyền sang Mỹ chữa bệnh. Bệnh tình của Thương Huyền cần phải được chữa trị ngay, để lâu sẽ nguy hiểm. Nhìn nét mặt Hall đầy căng thẳng, Nam biết từ khi đi thăm ngôi nhà thờ đổ về, Hall như vỡ ra điều gì đó. Bất ngờ Hall lại hỏi Nam:
- Ông có thực sự còn yêu Thương Huyền không?
Hoàng Kỳ Nam không thể giải thích để Han hiểu được tình cảm của mình với Thương Huyền.
- Chuyện của tôi và Thương Huyền không chỉ đơn thuần là tình yêu, thưa ông Hall. Nam nói, và nếu tôi không lầm, cả ông cũng rất yêu Thương Huyền đúng không?
- Một người đàn bà đẹp như Thương Huyền, đàn ông khó giữ mình. Hall thành thực, tôi đam mê cô ấy ông Nam ạ. Tôi đam mê nhưng vẫn hiểu rằng mình không có quyền được yêu cô ấy. Ông không hiểu được đâu, mỗi lần tôi đưa cô ấy bay lên trời cao, nghe cô ấy hát, đêm đến tôi lại mất ngủ. Trong chiến tranh, lính lái chúng tôi ai cũng mắc chứng bệnh mất ngủ. Có đêm tôi đã tưởng tượng mình biến thành những con sâu, những con sâu gặm nhấm lá rừng, ông có hiểu không? Và mỗi lần tôi cất cánh từ phi trường Đà Nẵng bay lên cánh rừng xanh bạt ngàn từ Khâm Đức vào Trà My để rải thứ chất độc giết người ấy, thứ chất độc ấy giết hết cả những con sâu cái kiến... Thật lạ lùng, con người ta cũng thật lạ lùng, vừa phi thường vừa tầm thường phải không ông. Tôi cứ nghĩ đến một ngày nào đó có thể loài người cũng sẽ biến hoá thành sâu bọ hết, những loài sâu bọ gặm nhấm lá rừng...
- Ông thực sự muốn đưa Thương Huyền Sang Mỹ sao? Nam bất ngờ hỏi.
- Điều này vô cùng quan trọng, Hall nói, hai chúng ta đều yêu thươngý cô ấy, cô ấy phải được chữa khỏi bệnh ông Nam ạ.
- Thưa ông Hall, Nam nói- tới bây giờ chúng ta cần thành thầt nói về quá khứ, cho dù một quá khứ đầy tội lỗi, một quá khứ đau buồn. Căn bệnh của Thương Huyền là do thời đại tạo nên. Thật khủng khiếp khi con người ta mất lòng tin! Ông hiểu íý tôi nói không? Thương Huyền là nạn nhân của chiến tranh-cuộc chiến chiến tranh đẫm máu mà người Mỹ các ông đã gây nên.
- Cả ông cả tôi, và cả trái đất này đều là nạn nhân của chiến tranh. Hall cao gịong- Con người ta ai cũng có một thời ngây thơ khờ dại. Có những dại khờ rất đáng yêu, lại có những dại khờ gây nên tội lỗi. Và có cả những dại khờ, những sai lầm chỉ của một người, nhưng đã làm suy vong cả một dân tộc. Và ngược lại, một dân tộc mắc sai lầm sẽ giết chết đi cả những thiên tài, giết chết đi cả những anh hùng hào kiệt.
- Ông có quan điểm gì khi hai nước Việt Nam và Mỹ bình thường hoá quan hệ? Hall hỏi.
- Đó là cái phúc của chúng ta. Nam nói, ông không thể hiểu thấu những gì đất nước chúng tôi đã trải qua. Cái giá quá đắt con người phải trả vì những tư tưởng ngông cuồng và cả sự ngu dốt nữa.
- Ông nói đúng, không dễ gì cả tôi và ông lại có được ngày này. Không dễ gì chúng ta lại có được cái bắt tay cởi mở  thân tình như lúc này.
- Thưa ông Hall, nói tới chuyện bắt tay hữu hảo thì cách đây gần nửa thế kỷ ông nội tôi cũng đã từng biết làm ăn buôn bán với cả người Pháp, người Nhật và người Tầu.
- Thế mới biết cái quý giá và khát khao nhất của loài người vẫn là tự do và hoà bình. Hall hưng phấn xiết chặt tay Hoàng Kỳ Nam.
Nam không ngờ cuộc gặp gỡ với Hall và Ngọc Lan đã mở ra bao điều mới mẻ để anh quyết định những việc hệ trọng sau này.
 
 
CHƯƠNG 2
Thiên Đường Hoàng Thiên Long
Chiếc xe cảnh sát dẫn đường hú còi rú rít lao vào khu du lịch Hoàng Thiên Long. Một chiếc xe mầu đen bóng loáng đi sau đỗ xịch trước đại sảnh nhà khách. Đào Kinh chuẩn bị đón tiếp Trần Tăng giống nghi thức đón nguyên thủ quốc gia. Đào Kinh coi đây là một sự kiện quan trọng của mối quan hệ đầy mâu thuẫn lâu nay giữa Đào Kinh và Trần Tăng. Đã hai chục năm, Đào Kinh và Trần Tăng- hai kẻ tình địch đã không gặp nhau. Có được cuộc gặp mặt giữa Trần Tăng và Đào Kinh lần này, Đào Thanh Măng, nhân vật “Cầm cân nảy mực” giữa hai ông bố đã phải khôn khéo làm trọng tài dàn xếp cả tháng nay. Măng bảo cả hai cụ đều đến tuổi cổ lai hi rồi còn phải ngại ngần chi. Măng sòng phẳng đến tàn nhẫn. Nó bảo nhất hai cụ, của cải và ái tình trên đời này đã đổ hết cho hai cụ rồi. Đành rằng ông bố nuôi Đào Kinh ngày đầu tuy phải chịu gian nan tù tội, nhưng cuối đời đã được bù đắp quá nhiều. Con Măng luôn tỏ ra tinh tường lọc lõi lại khôn ngoan trước hai ông bố. Nó dụ bố đẻ Trần Tăng nên về thăm khu du lịch Hoàng Thiên Long của bố nuôi Đào Kinh nó. Nó khoe với Trần Tăng, bố Kinh con đã làm được một việc thần kỳ đấy. Từ hai bàn tay trắng bỗng chốc thành tỷ phú. Bố về Hoàng Thiên Long, bố sẽ trẻ ra, sẽ khoẻ hơn và hiểu thêm cuộc đời này lại có những duyên kỳ ngộ, có những bất ngờ thú vị: bố sẽ được gặp lại cô Yến Quyên này, bố sẽ gặp được nhà văn nhà báo Hoàng Kỳ Nam, gặp đoàn cán bộ xã Chiến Thắng do chị Tuyết làm trưởng đoàn ra thăm thành phố. Bố còn nhớ chị Tuyết không? Con Măng lấy làm sung sướng cười rinh rích thấy Trần Tăng nhận lời về Hoàng Thiên Long gặp Đào Kinh. Măng háo hức điện cho bố nuôi Đào Kinh: Bố phải chuẩn bị tổ chức đón bố Trần Tăng con thật long trọng, bố phải làm cho ông ấy nghiêng mình khâm phục hai bố con ta. Con tin bố sẽ làm đẹp chuyện này.
 Đào Kinh bị con Măng kích động. Ông hơi bất ngờ thấy Trần Tăng đến cuối đời lại chịu về gặp lại mình. Chúa sơn lâm lìa rừng đã lâu, nay trở về sẽ lại làm kinh động muôn loài. Đào Kinh khoái chí về ý nghĩ của mình. Kinh biết, bên tỉnh uỷ và uỷ baínẽ phải tiếp Trần Tăng theo nghi lễ một cán bộ cao cấp trở về. Nơi đây Trần Tăng đã một thời từng lập nên nhiều chiến tích lẫy lừng thiên hạ.
Trước giờ hẹn, Đào Kinh bố trí cả đội bảo vệ ăn mặc đồng phục mầu trắng, đầu đội mũ kê pi trắng viền vàng đứng xếp thành hai hàng danh dự  đón Trần Tăng. Chiếc xe mầu đen bóng vừa đỗ xịch trước cửa đại sảnh Hoàng Thiên Long, cánh cửa xe bật mở, hai vệ sĩ lực lưỡng đỡ Trần Tăng từ trong xe bước ra. Trần Tăng đứng sững giây lát đưa mắt quan sát cảnh tình xung quanh. Đôi mắt sâu đã mờ đục của Trần Tăng nhìn mà như không nhìn gì cả. Trần Tăng bước chậm từng bước kiêu hãnh vào phòng khách với vẻ thư thái tĩnh tại. Ông khẽ phẩy tay ra hiệu hai vệ sĩ lui ra ngoài. Theo yêu cầu của Trần Tăng, Đào Kinh chỉ được gặp Trần Tăng trong phòng riêng, không quay phim chụp ảnh, không ghi âm phỏng vấn chi hết. Suốt cuộc đời Trần Tăng đã quá nhiều ống kính quay phim chụp ảnh và những lời phỏng vấn ngọt ngào.
Đào Kinh ngồi đợi Trần Tăng trong phòng riêng với tâm trạng vừa thấp thỏm vừa thoả nguyện quan sát từng dáng vóc bước đi, từng ánh mắt, nét mặt Trần Tăng. Đào Kinh cũng hết sức lịch lãm, đứng dậy thong dong bước tới bắt tay Trần Tăng.
- Mời anh ngồi. Anh vẫn như xưa, có khác chỉ là sự già đi. Đào Kinh nói.
- Còn cậu, Trần Tăng nói, cậu thay đổi quá nhiều, không còn chút dấu tích lem nhem của Đào Kinh làng Đoài xưa. Quả đúng lời con Măng nói, rõ ra dáng một đại gia, một tỷ phú. Thật kỳ lạ. Lúc đầu tôi không tin, người như cậu lại thành tỷ phú? Giọng trần Tăng run rẩy, thều thào thiếu hơi sức của tuổi già nhưng lời lẽ vẫn chất chứa quyền uy.
- Cuộc đời này có rất nhiều bất ngờ đấy anh Tăng ạ. Đào Kinh kiêu kỳ thủng thẳng thay đổi thái độ, tôi không nghĩ lại có ngày chúng ta gặp nhau anh Tăng ạ. Xin thành thực với anh một điều, mấy chục năm nay tôi luôn muốn thoát khỏi anh mà không được. Anh luôn là cái bóng song hành bên tôi. Anh là một nhân vật kỳ tài với thiên hạ, nhưng với tôi, thật là lạ, trong suốt cuộc đời này, tôi lại luôn căm thù anh. Căm thù mà vẫn phải chịu khuất phục, chịu chấp nhận anh. Chúng ta luôn là bóng hình của nhau.
- Tôi luôn biết điều đó! Trần Tăng vẫn giữ vẻ thản nhiên, những ngón tay liên tiếp gõ nhịp lên thành ghế giấu nỗi xúc động run rẩy của mình. Cậu suốt đời vẫn chưa bao giờ thoát khỏi sự tăm tối của thằng nông dân làng Đoài. Tôi đã nói với cậu điều này cách đây mấy chục năm trước. Cho dù bây giờ cậu có là tỷ phú, nhận thức về chính trị xã hội của cậu vẫn mù mờ trì độn. Cậu tưởng thoát khỏi tôi mà cậu được như thế này a? Tới nước này tôi cũng chẳng cần giấu cậu. Cậu tưởng cậu tài ba lắm sao? Cậu tưởng cậu qua mặt được tôi chuyến cậu tổ chức đưa người vượt biển ngày ấy sao? Ngày ấy cậu khôn ra như người khác, tôi đâu bắt cậu vào tù. Tôi đã bảo suốt đời cậu vẫn chỉ là thằng nông dân. Trong tay mới có tý tiền, tý vàng đã lại hoắng lên ta đây giàu có bất cần đời. Không vì con Măng, tôi đã tiêu tan đời cậu từ lâu rồi. Tôi có thể cho cậu vào tù bất cứ giờ nào. Những việc cậu làm lâu nay đem xử bắn cũng không oan.
- Vậy là lâu nay tôi luôn bị ông săn lùng?
- Cậu lại trả ơn tôi thế đó. Trần Tăng cười kẻ cả. Sao cậu không chịu hiểu tôi săn lùng cậu để làm gì? Để giúp đỡ cậu đấy thôi, để trả ơn công lao cậu nuôi nấng con Măng. Tôi không săn lùng, làm sao biết cậu làm chuyện gì? Cậu tưởng tất cả những dự án đầu tư, những công trình xây dựng của cậu thành công tốt đẹp lâu nay là do tài năng của cậu sao? Cậu vẫn mãi mãi ngây thơ. Phải công bằng mà nói, Trần Tăng dịu giọng, cậu có điểm mạnh luôn có ý chí khát vọng làm giàu, lại cộng thêm một mối hận thù sâu sắc trong lòng với tớ nên phải liều mình bất chấp hiểm nguy. Chính những điều đó đã góp phần làm nên công danh sự nghiệp của cậu. Nó giống như Dương Lễ cho Lưu Bình ăn bát cơm hẩm với quả cà ôi vậy.
Đào Kinh ngây người nghe Trần Tăng nói thản nhiên. Quả thực đối mặt trước Trần Tăng bao giờ Đào Kinh cũng thấy mình bé nhỏ. Đào Kinh lúc này tiếng tăm lẫy lừng thiên hạ về sự làm ăn phát đạt. Không hiểu có phép thần thông biến hoá gì mà chỉ trong mấy năm, Đào Kinh từ một thằng tù đã phất lên như diều. Đào Kinh được xếp hạng một trong những nhà tỷ phú nổi tiếng, báo chí cả nước xô vào ca ngợi hết lời. Trong diễn văn khai mạc hội nghị thi đua của chủ tịch tỉnh có đoạn viết: Đào Kinh đã làm vẻ vang cho tỉnh nhà. Khu trung tâm du lịch Hoàng Thiên Long mang tầm quốc tế, đón đầu mọi xu hướng phát triển của thời đại. Trung Tâm du lịch Hoàng Thiên Long là một đặc khu kinh tế chúng ta cần có một chính sách ưu đãi đặc biệt để nó phát triển... Có kẻ ghen ăn tức ở đoán chừng Đào Kinh dính líu vào vụ Năm Cam, hoặc nằm trong đường dây tội phạm quốc tế. Có thể bọn Mapia đã dựng lên Đào Kinh để chúng rửa những đồng tiền bẩn. Kinh phớt lờ mọi chuyện đồn thổi của thiên hạ. Có kẻ lại tỏ ra tinh tường bảo đấy là tiền của mấy vị chóp bu có máu mặt “cổ phần” đứng đằng sau điều hành chỉ đạo. Cánh nghệ sĩ lại nói theo lối ví von, Đào Kinh giống như nhân vật siêu nhân được cài đặt trong các chương trình trò chơi trên vi tính làm trẻ con mê mẩn. Lại có những nhà tư tưởng lớn biết nhìn xa trông rộng phân tích cặn kẽ cho đây là một trong những đường hướng xã hội tiến bộ của tương lai mà “các cụ” đang chuẩn bị cho con cháu kế thừa quyền lực êm thấm để dần đưa đất nước đi theo con đường tư bản: Chuyển đổi mà không mất đi, hoà nhập mà không hoà tan. Phải như thế mới giữ ổn định an ninh chính trị an toàn xã hội. Phải như thế mới không có chuyện lật đổ, chém giết, đổ máu. Đất nước này đã chịu quá nhiều đau khổ, dân tình chẳng ai muốn đổ máu nữa. Nước Nga Xô Viết sụp đổ là bài học xương máu. Phải như thế quyền lợi của các cụ mới không bị mất đi mà luôn được sinh sôi nảy nở ngày một lớn mạnh. Chính quyền không nằm trong tay các cụ thì nằm trong tay con cháu các cụ đi đâu mà mất. Con cháu các cụ có đưa dân tộc này tới đâu là do chúng nó. Chúng nó được ăn được học, được đào tạo bài bản từ các trường đại học nổi tiếng nhất thế giới như Ha Vớt Mỹ thì làm sao chúng không đủ tài để điều hành đất nước? Thế mới thấy các cụ nhà ta rõ tài. Những kẻ thiển cận chớ có ty toe chọc ghẹo chỉ tổ vướng chân các cụ, chỉ tổ gây rắc rối cản trở bước tiến của xã hội. Khu du lịch Hoàng Thiên Long của Đào Kinh chỉ là một trong hàng trăm ngàn công trình khác rải khắp mọi nơi trên đất nước này đang được đầu tư theo mô hình của những tập đoàn kinh tề tư bản lớn hiện nay. Mọi công trình trong mọi lĩnh vực đều đã được tính toán xếp đặt sẵn mọi đường đi nước bước. Những con Siêu Nhân như Đào Kinh chỉ làm mỗi nhiệm vụ diễn theo đúng kịch bản đã được dàn dựng hết sức công phu, hết sức bài bản, và hết sức sáng tạo, lại rất phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Nếu đúng vậy, đây quả là một sân khấu lớn, một vở diễn lớn chưa từng có trong lịch sử dựng nước giữ nước của dân tộc Việt. Lời đồn cũng chỉ là lời đồn, từ những kẻ lắm tiền nhiều của đến những thành phần nghèo khó buôn thúng bán mẹt cũng háo hức đua nhau nườm nượp ra vào Hoàng Thiên Long một lần cho biết. Rồi các cuộc hội thảo trong nước, quốc tế, đến những cuộc liên hoan ca nhạc, phim ảnh, thi đấu thể thao, thi hoa hậu, thi thời trang, thi tài trí thanh lịch đều được Hoàng Thiên Long đăng cai tổ chức thành công tốt đẹp. Hoàng Thiên Long vừa được tiếng được lời. Hoàng Thiên Long gắn liền với tên tuổi Đào Kinh, gắn liền với những lời đồn thổi, những câu chuyện giật gân nửa hư nửa thực được truyền từ người này qua người khác và đến tai Trần Tăng. Ngồi đối diện với Đào Kinh lúc này, Trần Tăng luôn quan sát từng cử chỉ thái độ lời lẽ của Đào Kinh. Quả thực Đào Kinh đã lột xác hoàn toàn. Thằng Đào Kinh bị Trần Tăng cho dân quân bắt nhốt một đêm trong chuồng trâu năm nào giờ ngồi trước mặt Trần Tăng như một ông hoàng.
- Nghe nói mấy năm nay cậu có cơ hội kiếm được những người đẹp?
- Chuyện vặt mà anh. Cùng cảnh đàn ông anh còn lạ. Nghĩ lại cái thời khốn khó, anh khao khát mê muội Yến Quyên, anh dụ dỗ vỗ về con Tuyết, anh giải sầu với mụ Cam Quýt Mít Dừa nhà tôi cũng là lẽ thường tình. Chẳng giấu gì anh, hương sắc với tôi giờ quá dư thừa. Chỉ có anh tôi mới dám thổ lộ chuyện này. Có lẽ trời bù lại cho tôi những tháng năm anh bắt tôi ngồi tù. Anh có bao giờ để ý đến những cuộc thi hoa hậu, thi người mẫu thời trang, thi ca nhạc Sao Mai, Sao Hôm? Thật mê hồn khi được gần gũi những gương mặt rạng rỡ của những cô gái đã trải qua bao vòng thi, qua bao cặp mắt tuyển chọn của giám khảo mới đạt được danh hiệu cao quý khiến cả triệu triệu con tim xúc động. Thượng đế đã ban tặng cho những cô gái có gương mặt thánh thiện và thân hình tuyệt mỹ đến thế quả đáng giá ngàn vàng. Chính tôi cũng không dám mơ có ngày mình lại có thể được hưởng cái diễm phúc trời cho ấy. Gặp lại anh hôm nay, tôi muốn chúng ta phải có một giao ước bền vững xoá bỏ mọi chuyện cũ. Những chuyện cũ nó luôn làm ta day dứt mệt mỏi. Còn sống ngày nào, anh phải biết hưởng thụ những gì tươi tốt của đất trời ban tặng cho chúng ta.
- Hồi này cậu nói năng nghe cứ như triết gia. Trần Tăng gật gù ngả người trên thành ghế.
- Tôi có được học hành chi mà triết gia triết vào, Đào Kinh đối đáp chan chát, tôi luôn được nghe bọn văn sĩ, bọn ca sĩ hót như khướu thế nên cũng quen. Đào Kinh thanh minh, anh ở cao trên giời chỉ rành việc cung đình, việc trần gian địa ngục sao anh hiểu bằng tôi. Đào Kinh tỏ ra sành điệu rót mời Trần Tăng ly rượu, loại thượng hảo hạng đấy, mời anh thưởng thức. Thứ này rất tốt cho tuổi già chúng ta. Đào Kinh cạn ly, khẽ khà một tiếng khoan khoái.
Trần Tăng cầm ly rượu ngần ngại, cậu lại dụ dỗ tớ chuyện gì nữa đây?
- Mời anh cạn ly đã, Đào Kinh cười, tuổi cánh mình bây giờ còn gì vui thú hơn là được thư giãn cho gân cốt khoẻ ra, tinh thần sảng khoái. Đào Kinh ấn chuông, một thanh niên mặc đồ trắng bước ra ân cần dẫn Trần Tăng vào phòng Matsage đặc biệt. Đào Kinh tiễn Trần Tăng tới cửa “động tiên” căn dặn, anh cứ nghỉ ngơi thư giãn, chúng ta sẽ còn tiếp tục làm việc đàm đạo sau.
Đào Kinh bước đi, bốn cô gái trẻ nõn nà lồ lộ tấm thân trần từ cõi tiên lao tới như thể ăn tươi nuốt sống con mồi. Những ngón tay thon mềm mơn man lột hết áo quần trên người Trần Tăng. Trong khoảnh khắc khói sương lan toả mùi thơm thảo dược làm cơ thể Trần Tăng nóng dần lên. Trước mắt Trần Tăng mờ ảo bóng hình tiên nữ lúc ẩn lúc hiện trong mây khói. Bằng những động tác thuần diệu, thoắt một cái những bàn tay mềm dẻo nuột nà như diễn viên xiếc nâng bổng Trần Tăng lên cao rồi đặt nhẹ lên tấm đệm và bắt đầu tắm cho Trần Tăng theo bài bản được kết hợp các liệu pháp y học cổ truyền Trung Hoa. Vừa thực hiện các động tác khởi động xoa bóp trên người Trần Tăng, các nàng tiên vừa giảng giải công dụng của từng động tác, nắn bóp bấm huyệt.
- Trước tiên phải phun hơi ấm mùi lá thơm cho cơ thể nóng lên, giọng một cô gái thủ thỉ, tuổi tác thủ trưởng cao, cần phải giữ nhiệt độ cân bằng. Và trước khi vào bồn tắm phải làm cho cơ bắp, gân cốt giãn nở, huyết áp lưu thông, tim mạch điều hoà. Vừa nói, cô gái vừa ra hiệu cho ba cô đứng ở ba vị trí bên trái bên phải và trước mặt cúi xuống thực hiện những động tác xoa bóp thuần thục bấm vào các huyệt trên khắp cơ thể Trần Tăng. Trần Tăng cảm nhận rõ niềm sung sướng râm ran từ những ngón tay mềm nuột mơn man lướt trên da thịt mình. Trong màn sương trắng mờ trước mắt Trần Tăng, bóng hình bốn tiên nữ nhập nhoà ẩn hiện. Trần Tăng đã từng trải qua không biết bao cuộc tình, biết bao cuộc truy hoan sa đoạ, nhưng chưa lần nào đạt tới tầm cao nghệ thuật một cách diệu nghệ công phu mà sang trọng như lần này. Tay Đào Kinh này cũng thật là sành điệu.
Trần Tăng níu tay cô gái có vẻ như chỉ huy hỏi, các nàng tiên học được những bài thuốc thần tiên này ở đâu đấy?
Cô gái nhoẻn cười, đây là bí quyết của người Tầu đấy thủ trưởng ơi. Ông chủ đã mời thầy về mở lớp đào tạo, chỉ ở đây mới có độc chiêu này. Xin thưa với thủ trưởng, bất kỳ vị khách nào đã vào đây đều tâm phục khẩu phục đấy ạ.
Tiếp đến bài hai, tạo niềm khoái cảm. Đèn mầu từ bốn phía bật lên, căn phòng bừng sáng, tiếng nhạc êm nhẹ ru ta vào cõi mơ màng. Mùi thơm dâm dương phả ra từ đâu đó tạo niềm đê mê. Thân hình tuyệt tác của bốn nàng tiên lúc này mới thực sự tươi mát, sống động sáng rõ trước mắt Trần Tăng. Những cặp vú non nây nẩy trắng hồng, với những đôi chân thon dài mịn màng săn chắc quấn quýt, chà xát lên khắp cơ thể Trần Tăng tạo nên sự hưng phấn tột độ. Bản năng trỗi dậy chôn vùi lý trí bởi những động tác gợi dục tinh tế cong người uốn dẻo như những diễn viên balê của  bốn cô gái đạt tới tầm cao nghệ thuật. Trần Tăng cảm nhận rõ từ hơi thở thổn thức, từ tiếng cười rúc rích, tiếng rên xiết gầm gừ đầy nhục dục của bốn con thiêu thân đang đốt cháy cơ thể mình. Con quỷ ái tình lâu nay ngủ yên bỗng bùng lên điên cuồng, Trần Tăng lần lượt ôm xiết lấy từng tấm thân ngọc ngà đang quằn quại quanh mình. Một cuộc truy hoan sa đoạ trần tục đang diễn ra như ở một thế giới hồng hoang xa xôi nào đó chứ không phải chốn trần gian ô trọc này. Và sau đó mọi công đoạn tiếp theo là xông hơi giải độc, tắm trong bồn sục, sấy khô, Trần Tăng thấy người nhẹ bẫng lâng lâng như bay như mơ trong cõi thần tiên. Khi các nàng tiên dìu ra phòng khách, Trần Tăng nhận ra gương mặt Đào Kinh rạng rỡ đón chào. Các em có làm anh vừa lòng không?
- Cậu là con quỷ láu cá. Trần tăng cười mãn nguyện, tớ không ngờ từ một thằng nhà quê chân đất làng Đoài, cậu lại nghĩ ra được những món ăn chơi tuyệt chiêu độc nhất vô nhị.
- Anh cứ làm như lạ lắm, tôi biết thừa các sếp lớn còn được thưởng thức các món còn tuyệt hảo hơn nhiều.
- Cậu mà nghĩ thế là nguy, mọi chuyện đều có giới hạn. Chơi bời đến đâu cũng phải giữ gìn và lo tính làm ăn lâu dài. Trần Tăng lại nghiêm giọng vờ vịt, hôm nay tớ về đây mục đích chính là thoả thuận với cậu công việc đầu tư xây dựng trung tâm thương mại mà con Măng đã bàn sơ qua, tớ rất ủng hộ. Tớ nhắc lại với cậu cần lưu ý cạnh tranh làm ăn trên địa bàn gần gũi với nước láng giềng lớn phải thận trọng kẻo lại trắng tay.
- Anh thì lúc nào cũng đề phòng, Đào Kinh cười nhạo, những việc anh đề phòng trước kia đều đi ngược lại xu thế phát triển của thời đại. Anh phải về sống gần gũi với dân tình anh sẽ hiểu. Họ sống nó đơn giản, tình cảm chân chất chứ không âm mưu to lớn gì đâu. Những chuyện nọ chuyện kia thường là do các nhà lãnh đạo các anh hay suy diễn tưởng tượng ra. Những người dân lao động họ chỉ cần có cuộc sống yên bình ở bất kỳ nơi đâu, bất kể quốc gia nào, bất kể chế độ nào.
- Cuối cùng cậu vẫn lộ ra là thằng nhà quê. Cậu chỉ học được cách ăn chơi sa đoạ là giỏi. Trần Tăng nổi nóng, hai tay bật bật run rẩy. Cậu có biết tôi đã vì con Măng nên mới tin tưởng trao quyền cho cậu làm ăn mở mang ra được như ngày nay. Con Măng nó nể cậu nên không dám nói, trong làm ăn, không biết nhìn xa trông rộng, không nhạy bén về chính trị xã hội, không nhận định chính xác về thời cuộc thì có ngày đứng đường.
Đào Kinh không ngờ mình lại bị Trần Tăng mắng mỏ coi thường như đứa trẻ. Đào Kinh nén giận rót đầy hai ly rượu nói, anh uống cạn với tôi chén rượu này đã, keng nào, từ nãy tới giờ tôi đã nghe anh chỉ bảo, và bây giờ tôi muốn hỏi anh một câu mong anh dừng giận.
- Cậu nói đi.
- Suốt cuộc đời quan chức, đã có ai dám góp ý phê bình anh thẳng thắn chưa?
- Mình có phải thánh đâu, chuyện công việc đấu tranh góp ý phê bình cũng là một trong những nhiệm vụ của công tác cán bộ.
- Đối với cương vị lãnh đạo của anh, tôi nghi ngờ sự góp ý trung thực của mọi người. Chẳng ai dại gì dám gây sự với anh.
- Cậu hồi này cũng có vẻ chính trị gớm.
- Tôi chẳng cần biết chính trị chính em gì. Tôi chỉ biết rõ những gì tôi đã trải qua mắt thấy tai nghe. Tôi nói anh không được giận, cuối đời rồi, hưu rồi mà sao anh sống vẫn khách khí. Với tôi, người đã biết quá rõ về anh mà anh còn thế nói chi người khác. Với tôi anh còn ngại ngần gì mà không sống cho thoải mái. Anh thành thực với tôi, tôi chân tình với anh. Anh tưởng tôi vẫn là thằng nông dân làng Đoài quê kệch không hiểu gì chuyện thâm cung bí sử trong chốn quan trường của các anh sao. Chẳng qua thời thế, thế thời phải thế. Anh cũng thế, tôi cũng thế, chúng ta đều thế. Đối vói anh, để có được đỉnh cao quyền chức danh vọng, anh đã phải trải qua bao gian nan vất vả toan tính mưu kế cao sâu. Còn tôi cũng vậy, tuy chẳng có quyền lực gì nhưng tôi lại có cách sống riêng của tôi. Anh tưởng tất cả những thành công trong kinh doanh của tôi đều do anh tạo nên sao? Anh làm sao hiểu được giây phút tôi bước chân từ trại tù ra với hai bàn tay trắng phải làm thuê cho ổ điếm của ba đứa con gái nhà bà Cháo để có miếng ăn qua ngày. Quả là cái nghề mạt hạng, xấu xa ghê tởm đúng không? Nhưng tôi xin thưa với anh, gia đình mẹ con bà Cháo xưa ở làng Đoài đói khát nghèo khổ quá không sao chịu nổi lối làm ăn bất công của cái gọi là phong trào hợp tác nên phải bỏ làng ra biên giới làm ăn. Trong mấy năm con cái bà ấy trưởng thành lấy chồng, nuôi con gia đình hạnh phúc. Đánh đùng một cái, thời thế đổi thay, chia rẽ vợ chồng con cái họ mỗi người một nơi. Mẹ con bà Cháo lại bơ vơ, tưởng được nương nhờ vào gian nhà của gia đình Người Hoa họ cho tôi. Ai ngờ tôi bị anh bắt ngồi tù, mấy mẹ con bà Cháo cũng bị anh tìm cách đẩy ra đường để chiếm đoạt ngôi nhà người Hoa họ đã cho tôi. Trong cảnh tình như vậy, họ không đi làm điếm để kiếm sống thì cũng phải đi giết người cướp của mới có miếng ăn.
- Cậu định xử tội tớ đấy à?
- Tôi không muốn nhắc lại chuyện cũ đau buồn, nhưng anh cứ vờ vịt khiến tôi không chịu nổi. Lúc này anh đã có mọi thứ, sao anh không thành thực với chính mình. Tôi cũng chẳng tốt đẹp gì, nhưng còn sống ngày nào tôi mong muốn sống sao cho thành thực và suy ngẫm lại mọi chuyện quá khứ lỗi lầm một cách nghiêm túc. Đã bao giờ anh dám tổng kết mọi lỗi lầm của mình chưa? Có những lỗi lầm mọi người biết, lại có những lỗi lầm không ai biết. Có những chuyện mình gây tai hoạ cho người khác mà mình không biết, hoăc biết mà vờ như không biết. Tiện có chén rượu được uống với anh hôm nay, sau mấy chục năm chúng ta mới lại có dịp gặp lại, tôi nói với anh những điều máu thịt sau đây, anh phải suy ngẫm lại một cách đúng đắn. Trong cả cuộc đời anh thành công được là nhờ vào quyền lực. Nhưng để có được quyền lực, anh đã mắc sai lầm, cả cuộc đời anh là một chuỗi sai lầm tội lỗi. Tôi bỏ qua chuyện anh đã ngủ với nàng Cam Quýt Mít Dừa của tôi, vì nàng vừa đĩ thoã vừa ngu muội. Nhưng anh phải thấy rõ chuyện anh không chiếm đoạt nổi Yến Quyên nên đã cố tình dồn đẩy ông bà Hoàng Kỳ Bắc vào tội chết là một tội ác trời không dung đất không tha. Anh ngẫm kỹ mà xem, mọi chuyện đường đi nước bước hôm nay của chính phủ, ông Hoàng Kỳ Bắc đã đi trước cả mấy thập kỷ, từ chuyện làm ăn cày cấy buôn bán, đến chuyện đối nội đối ngoại, đối nhân xử thế với xóm với làng. Một con người đầy tài ba nghĩa khí, có tâm có đức như thế, anh lại đem ra xử bắn. Tôi cũng không sao hiểu nổi chính mình ngày ấy cũng lại điên cuồng nghe lời anh cầm súng bắn Hoàng Kỳ Bắc. Sai lầm lớn nhất đời tôi đã bắn Hoàng kỳ Bắc. Nhưng suy cho cùng, ngày ấy tôi không bắn Hoàng Kỳ Bắc thì anh cũng sẽ bắn vào đầu tôi đúng không? Hớ hớ... thời thế mới quẩn quanh quanh quẩn vậy, tôi với anh lại có ngày được ngồi với nhau thế này hớ hớ...
- Cậu say rồi, nói chuyện cũ làm chi, chính cậu đã nói, thời thế thế thời phải thế. Tớ không thế, cậu không thế, sao chúng mình được thế ha ha...
- Đã thế sao anh còn diễn với tôi làm gì? Cần gì phải diễn, ta cứ thành thực với nhau, thành thực hết mọi chuyện để sống cho thoải mái. Anh có thừa nhận với tôi những điều tôi kết tội anh hoàn toàn đúng.
- Biết rồi, khổ lắm nói mãi, tôi có tội, cậu cũng có tội, cả thời đại chúng ta có tội.
- Chưa hết đâu, đấy mới chỉ là một tội, còn tội nữa tôi chưa nói, anh là kẻ đã làm tan hoang gia tộc Hoàng Kỳ Bắc, tan hoang làng xóm quê nhà để lấy thành tích tiến thân. Anh ve vãn Yến Quyên không được, anh quay ra dụ dỗ con dâu cô ấy, con Tuyết ngày ấy nó trẻ người non dạ nên mới nghe lời anh. Nếu chiểu theo luật pháp, phải đem anh ra xử bắn vì tội giết người, tội ngủ với vợ bộ đội. Anh cứ ngẫm kỹ xem, ai đời, cả hai bố con người ta đi chiến đấu, xông pha nơi hòn tên mũi đạn, anh là cán bộ cỡ lớn được ở hậu phương yên bình lại dám làm chuyện bất lương đến thế mà anh vẫn coi đó là lẽ đương nhiên thì quả là điều bất công.
- Chà chà, cậu nhiễm cái lối quy chụp nâng cao quan điểm từ khi nào vậy? Trần Tăng cười nhạo. Lại học lỏm ở mấy thằng nhà văn nhà báo nó tuyên truyền chứ gì?
- Thế thì đã sao, Đào Kinh phẩy tay bất cẩn, điều tôi nói cũng chỉ để anh biết chứ tôi chẳng có quyền đem anh ra xử tội mà anh phải chống chế. Chỉ có điều tôi thấy cuộc đời này rõ bất công. Kẻ có tội đầy mình như tôi với anh bây gìơ lại có đầy đủ mọi thứ tiền tài danh vọng, gái đẹp, kể cả ca sỹ măng non, hoa hậu các loại muốn lúc nào cũng có. Ngược Lại, gia tộc Hoàng Kỳ Bắc rực rỡ huy hoàng đến như thế, mà bây giờ tan hoang. Hoàng Kỳ Trung lên đến cấp tướng, nàng dâu Yến Quyên đẹp như Kiều, mà suốt cả cuộc đời phải lận đận long đong. Còn thằng Hoàng Kỳ Nam, phải công bằng mà nói nó là một nhà văn, nhà báo có tài, hào hoa  thế mà cuộc sống của nó với con Tuyết cũng chẳng ra sao. Bao năm nay nhà cửa gia tộc Hoàng Kỳ tan hoang tiêu điều, nghe nói tướng Hoàng Kỳ Trung cũng đã nghỉ hưu, lát nữa anh sẽ được gặp lại Yến Quyên, người mà anh đã khát khao cả đời vẫn chưa chinh phục nổi trái tim nàng.
- Đấy là do số trời định đoạt, các cụ đã dạy, khôn chết, dại chết, chỉ biết là sống. Trần Tăng nói, trời cho ai người ấy hưởng, còn sống ngày nào ta vẫy vùng cho thoả thích ha ha... Cậu có kiếm được cô hoa hậu, á hậu nào cho tớ giải sầu đêm nay? Cậu đã kết tội, tớ nhận hết, nhận hết. Dù có chết cũng không hối tiếc điều chi.
- Được, ít ra anh thành thực thế tôi thấy còn nghe được. Đào Kinh cười nhạo, tay bấm điện thoại gọi, Kiều Nhung à, Đào Kinh đây, hơn một giờ nữa đến Hoàng Thiên Long ngay nhé, có khách quý đấy, được được, anh chiều hết, đến nhé!
- Cậu rõ là thằng láu cá, muốn biến tớ thành kẻ suy đồi. Thôi được, cậu muốn sao cũng được, miễn đừng chơi khăm thằng già này.
- Trời đất thánh thần anh còn không sợ, sợ gì thằng Đào Kinh làng Đoài chơi khăm.
Có tiếng xe rù rì lao vào đỗ ngoài tiền sảnh, Đoàn khách cán bộ xã Chiến Thắng đã tới, Trần Tăng và Đào Kinh đã nhận ra Tuyết và Yến Quyên từ trên xe bước xuống. Bóng dáng hai người đàn bà làng Đoài thuộc hai thế hệ chợt xao động tâm trí Trần Tăng. Thấu rõ nỗi lòng Trần Tăng lúc này, Đào Kinh khoái trá, khẽ rỉ tai Trần Tăng: Ông từ Hà nội cất công về đây qủa không uổng chút nào chứ?
- Tớ không ngờ cậu biển đổi thành tay láu cá đến vậy. Sao cậu không bảo con Măng nó cho mẹ nó đi cùng Yến Quyên ra đây có hay không. Để cho bà Cam biết rằng, thằng Đào Kinh khố rách áo ôm ngày nào giờ đã là đế vương.
- Thằng Vương nhà tôi nó không cho bà ấy ra đây với tôi. Đào Kinh chợt buồn nói, ông không biết nó đã tuyên thề từ mặt tôi sao? Nó bảo mẹ con nó có phải đi ăn mày cũng không bao giờ thèm nhờ vả tôi. Nó coi tôi là thằng bố khốn nạn nhất trên đời này.
- Nó từ cậu cũng có cái lý của nó. Trần Tăng nói nhanh khi Tuyết đã dẫn đoàn khách vào tới cửa.
 Phút gặp gỡ ban đầu tay bắt mặt mừng giữa đoàn cán bộ xã với bà con đồng hương xa quê diễn ra trong phòng khách sang trọng của Trung Tâm du lịch Hoàng Thiên Long. Hoàng Kỳ Nam nhìn từng gương mặt người làng Đoài, anh hiểu rõ thân phận mỗi người họ đều có những mối quan hệ ràng buộc về gia đình, họ tộc, làng xã. Họ vừa yêu thương, ganh ghét lại cả căm thù nhau. Tất cả đang diễn ra trước mắt Hoàng Kỳ Nam sống động như một sân khấu lớn dành cho các nhân vật làng Đoài. Hoàng Kỳ Nam vội vã đến chào mẹ và Tuyết rồi ngồi xuống cạnh mẹ.
- Mẹ ơi, cháu Ngọc Lan từ bên Mỹ cũng vừa mới sang đây, Hoàng Kỳ Nam nói nhỏ vào tai mẹ, con vẫn chưa cho cháu biết sự thực mọi chuyện. Kể cả ông Đào Kinh cũng chưa hề biết Ngọc Lan chính là cháu nội của ông ta.
- Rõ tội nghiệp, nó mãi từ bên Mỹ về mà  cha con, ông cháu vẫn không được nhận nhau sao?
- Mẹ cứ bình tĩnh, Hoàng Kỳ Nam nói, chuyện này con phải bàn với Vương đã, với lại Thương Huyền, mẹ nó vẫn đang bệnh, không dễ gì nói ra điều bí mật này được. 
Xem chừng các nhân vật quan trọng đã có mặt đầy đủ, Đào Kinh trịnh trọng bước lên trước bục gỗ gõ bục bục vào chiếc micô, đưa mắt nhìn mọi người:
- Kính thưa ông Trần Tăng, nguyên uỷ viên trung ương, nguyên chủ tịch tỉnh, cán bộ cách mạng tiền bối của xã Chiến Thắng chúng ta xưa...kính thưa bà Yến Quyên cựu cán bộ xã, phu nhân của thiếu tướng Hoàng Kỳ Trung, người anh hùng của thời đại, và thưa cô Tuyết chủ tịch cùng đoàn cán bộ các ban ngành trong xã ra thăm thành phố và gặp mặt bà con đồng hương xã Chiến Thắng chúng ta. Đặc biệt hơn, trong buổi gặp mặt hôm nay còn có nhà văn, nhà báo Hoàng Kỳ Nam. Đào Kinh đưa mắt nhìn Hoàng Kỳ Nam vẻ đắc ý, xin thưa với bà con, xã Chiến Thắng chúng ta cũng thật tự hào có được một nhà văn, nhà báo tên tuổi như Hoàng Kỳ Nam. Chúng ta còn tự hào hơn nữa, Hoàng Kỳ Nam đây lại chính là con trai của bà Yến Quyên và thiếu tướng Hoàng Kỳ Trung. Quả thực đây là một gia đình tiêu biểu cho xã nhà. Xin thưa với bà con, nhà văn Hoàng Kỳ Nam hôm nay cũng rất bận phải tiếp một vị khách cũng rất đặc biệt đó là một nhà văn người Mỹ. Đặc biệt hơn nữa nhà văn cựu binh Mỹ này một thời cũng đã tham chiến tại Việt Nam ta. Có lẽ lát nữa chúng ta cùng mời vị khách quý này dự tiệc cho vui. Tôi nghe nói vị khách này rất muốn về thăm quê hương làng Đoài chúng ta, muốn tìm hiểu, quê hương đất nước con người Việt Nam. Xuất phát từ tấm lòng yêu quê hương, những người sống xa quê như chúng tôi ai cũng tự hào mong muốn cho quê hương giàu mạnh, nhân dân no ấm, hạnh phúc. Tôi đại diện cho bà con đồng hương xã nhà đang sinh sống tại thành phố này xin chân thành chúc sức khoẻ tất cả mọi ngươi chúng ta đến dự buổi gặp mặt vui vẻ hôm nay. Trong buổi gặp mặt này, đặc biệt còn có ông Trần Tăng đã không quản ngại đường xa, tuổi cao, phải bỏ cả buổi họp Quốc hội để về đây trao đổi, bàn tính, cố vấn cho đoàn cán bộ xã nhà cùng với nhân dân tổ chức cho buổi lễ đón nhận danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang xã Chiến Thắng chúng ta sao cho thật long trọng, thật hoành tráng và thành công tốt đẹp. Mọi công việc cụ thể xin mời cô Tuyết bí thư đảng uỷ xã lên có ý kiến.
Tuyết bước lên cầm chiếc micô từ tay Đào Kinh với vẻ từng trải khẽ nở nụ cười hào hứng:
- Kính thưa bà con, buổi gặp mặt hôm nay tôi thấy ở đây còn một nhân vật quan trọng nữa mà ông Đào Kinh chưa giới thiệu, đó là cô Măng, một nhà doanh nghiệp tài ba, một phụ nữ trứ danh của làng Đoài chúng ta đấy ạ.
Tuyết dẫn dắt chương trình rất bài bản, cô đưa ra các vấn đề cần bàn bạc trong cuộc gặp mặt hôm nay thật thấu đáo. Có lẽ cuộc hôn nhân giữa Nam và Tuyết tan vỡ đã làm cho Tuyết lạnh lùng, bản lĩnh hơn. Nam nhận ra Tuyết cư xử với mẹ Nam thản nhiên như chưa hề có chuyện quan hệ mẹ chồng nàng dâu giữa hai người. Hoàng Kỳ Nam hơi băn khoăn, lẽ ra trong chuyến đi này mẹ Yến Quyên nên để cho bố Hoàng Kỳ Trung đi mới phải. Bố Nam chẳng gì cũng là vị tướng, duy nhất của xã nhà. Có lẽ đây là do sự sắp đặt của Tuyết và Đào Kinh.
Nam đưa mắt nhìn Trần Tăng. Số an nhàn, Trần Tăng đi đến đâu cũng được xếp vào vị trí “ Thái thượng hoàng” ông chỉ việc ngồi cho oai, cho sang để nghe mọi người giới thiệu tán dương tâng bốc cho sướng miệng. Hồi còn giữ chức chủ tịch tỉnh, một ngày Trần Tăng xuất quỷ nhập thần ở khắp mọi nơi, từ tỉnh xuống huyện, xuống xã, rồi lên tới trung ương, đi đến đâu Trần Tăng cũng rung rinh thể hiện một sức mạnh tề thiên đại thánh muốn gì được nấy đánh đâu được đấy của mình. Chả vậy, ngày Nam vào chiến trường, cả đến Tuyết và cô Cam, vợ Đào Kinh cũng phải lăn lóc vào vòng tay Trần Tăng. Nhìn Trần Tăng nay đã tới tuổi ngoài bẩy mươi, tóc bạc trắng, ngồi toạ lạc trên chiếc ghế đặc biệt- (Đào Kinh bảo đấy là kiểu ghế của Nhật Hoàng) trông Trần Tăng giống vua Càn Long trong phim chiếu trên VTV3.
 Trần Tăng khẽ lắc lư gật gù đưa ánh mắt nhìn mọi người, nhìn Yến Quyên. Từ khi Yến Quyên bước vào cửa phòng khách, Trần Tăng đã chủ động nắm đôi bàn tay Yến Quyên, đôi bàn tay nuột nà một thời đã làm rung động trái tim Trần Tăng. Bàn tay ấy giờ nhăn nheo khô gầy. Trần Tăng nhìn vào mắt Yến Quyên, hiểu chuyện đau buồn của quá khứ vẫn chưa nguôi trong lòng người đàn bà đẹp. Yến Quyên vẫn lạnh lùng trước ánh mắt Trần Tăng.
Tuyết là người thấu hiểu được tâm trạng Trần Tăng lúc này, cô đưa mắt nhìn Trần Tăng. Từ ngày ly hôn với Hoàng Kỳ Nam, Tuyết không gặp Trần Tăng, chỉ biết tin ông qua ty vi báo chí và thi thoảng Măng về thăm mẹ, bà Cam lại le te khoe với Tuyết về Trần Tăng “Lão khốt gửi lời thăm tôi và cô đấy! Tôi già rồi chẳng nói làm gì, còn cô, đã bỏ thằng Nam rồi, sợ chó gì, bữa nào con Măng về, cô đi với nó lên Hà Nội gặp lão. Chẳng gì cô với lão đã một thời tình nghĩa mặn nồng, cô không muốn lão giúp để đi khỏi đất làng Đoài này cho sướng cái thân, thì cô cũng nhờ lão quan tâm tới dân làng mình. Đấy cũng là bổn phận người cán bộ được dân tin cậy. Chính những lời dạy dỗ gợi ý của bà Cam, Tuyết mới cần giữ mối quan hệ thân tình với Trần Tăng. Chính vì vai trò trách nhiệm của một chủ tịch xã trước dân làng, Tuyết mới nhiệt tình cùng đoàn cán bộ ra thành phố cùng Đào Kinh tổ chức buổi gặp mặt vui vẻ này.
- Mọi kế hoạch chuẩn bị cho ngày lễ đón danh hiệu anh hùng, đảng uỷ và uỷ ban đã lo tính thật kỹ càng chu đáo. Tuyết nói, tất cả bà con xã nhà ra đi trên khắp mọi miền đất nước, kể cả kiều bào từ Anh, Pháp, Mỹ, Canađa, chúng tôi đều trân trọng mời về dự. Đặc biệt là ông Trần Tăng, tuy không là người xã nhà nhưng ông đã có công lớn trong kháng chiến, trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, xây dựng phong trào hợp tác xã, quan tâm giúp đỡ cán bộ và nhân dân, đưa xã Chiến Thắng chúng ta luôn đứng đầu huyện. Trong cuộc gặp mặt này, xin ông cho vài lời chỉ bảo.
Trần Tăng vẫn rung rinh yên vị trên chiếc ghế “Nhật Hoàng” nở nụ cười mãn nguyện. Vẫn giọng nói âm vang quyền uy với những ngôn từ khúc triết, Trần Tăng nói:
- Chúng ta tự hào là những người con xã chiến Thắng, lịch sử đã ghi nhận công lao to lớn của chúng ta, chúng ta xứng đáng được hưởng vinh quang này. Chúng ta phải xác định cho thấu đáo nguyên nhân có được danh hiệu anh hùng hôm nay là do công sức, mồ hôi nước mắt của toàn dân và cả máu xương của những người đã hy sinh nơi chiến trận. Xã chúng ta rất cần phải tổ chức ngày hội này cho thật tốt. Trong điều kiện nhà nước còn khó khăn, kinh phí chi cho buổi lễ còn hạn chế, chúng ta kêu gọi tất cả mọi người hãy thể hiện tấm lòng vì quê hương, đóng góp cả tinh thần vật chất để giúp ban tổ chức thực hiện tốt trách nhiệm vô cùng lớn lao này. Chúng ta đã có những mạnh thường quân về kinh tế như nhà tỷ phú Đào Kinh, mạnh thường quân về tinh thần như nhà văn nhà báo Hoàng Kỳ Nam, đề nghị nhà văn phải giữ vai trò phát ngôn quảng bá, hướng cho dư luận nhận thức đúng đắn về sự kiện trọng đại này. Tôi vừa nghe các đồng chí lãnh đạo tỉnh nói, nhà văn cũng đang tham gia viết lịch sử tỉnh nhà?
- Xin lĩnh hội ý kiến ông Trần Tăng, Tuyết hào hứng nói, xã Chiến Thắng của chúng ta cũng đang có ý định viết sử đấy ạ, tôi thay mặt đảng uỷ, uỷ ban xã cũng có lời mời nhà văn cùng tham gia. Đề nghị nhà văn cho biết ý kiến.
Nam miễn cưỡng đứng lên.
- Tôi xin được đáp lại thiện ý của ông Trần Tăng và đồng chí chủ tịch xã, Hoàng Kỳ Nam nói, tôi cũng đang có ý tưởng viết hẳn một cuốn tiểu thuyết dài, phản ánh thật trung thực đời sống xã hội trong suốt quá trình lịch sử nước nhà nói chung và quê hương làng xã mình nói riêng, nếu được tham gia tìm hiểu viết sử xã nhà thì qủa thực đây là dịp tốt đối với tôi.
Nam không ngờ ý kiến của mình lại được mọi người vỗ tay hoan hô tán thưởng.
Cuộc họp kết thúc, Đào Kinh trịnh trọng mời mọi người sang phòng bên dự tiệc. Trần Tăng chủ động đến ngồi cạnh Hoàng Kỳ Nam, ông cao giọng nói:
- Cả xã Chiến Thắng có mỗi cậu là nhà văn nhà báo, cố mà viết cho hay nhưng đừng có chửi Đảng, chửi chúng tớ là được. Giới văn nghệ sĩ các cậu cũng rách việc lắm, lập trường giai cấp chẳng vững vàng chi cả. Tôi rất bất bình với mấy nhà xuất bản vừa qua thiếu cảm quan chính trị, ăn phải bả bọn phản động dịch cả những cuốn sách có nội dung bôi bác như cuốn “Báu vật của đời” cuốn “Đàn hương hình” đều của tay Mạc Ngôn, Mạc Ngoa nào đó người Trung Quốc. Nhà văn quái gì mà chả có lý tưởng gì cả, chỉ thích tả mông vú đàn bà, và tả nghệ thuật giết người...
Nhà doanh nghiệp Đào Kinh dẫn Hall và Ngọc Lan vào bàn tiệc. Mọi việc diễn ra ngoài sức tưởng tượng của Hoàng Kỳ Nam. Đào Kinh trịnh trọng:
- Xin được giới thiệu với tất cả quý vị chúng ta, đây chính là ông Hall, là bạn của nhà văn nhà báo Hoàng Kỳ Nam mà tôi đã giới thiệu. Còn đây, một nhân vật nữa cũng cực kỳ quan trọng- Đào Kinh cười ngập ngừng đưa mắt nhìn Ngọc Lan, nhìn Hoàng Kỳ Nam- Lẽ ra lời giới thiệu này tôi phải để cho anh Hoàng Kỳ Nam, nhưng có lẽ nhà văn của chúng ta còn e ngại nên tôi mạnh dạn xin được giới thiệu, cô Ngọc Lan đây chính là con gái của nhà văn Hoàng Kỳ Nam chúng ta đấy ạ. Sở dĩ tôi nói ra sự kiện này, bởi cuộc sống của chúng ta giờ đây đã khác xưa, mọi suy nghĩ, nhận thức cũng khác xưa. Kính thưa bà con, tôi xin được tiết lộ một bí mật, nhà văn nhà báo của chúng ta từ ngày ly hôn đến nay vẫn chưa chọn được bóng dáng giai nhân nào hơn được đồng chí chủ tịch của chúng ta đây nên bây giờ đã vào tuổi sắp hưu mà vẫn phòng không một bóng đấy ạ. Hôm nay bỗng dưng lại có được người con gái như cô Ngọc Lan đây mãi từ bên Mỹ về nhận bố, tôi cho đó là một niềm hạnh phúc cho Hoàng Kỳ Nam, cho gia đình ông bà Yến Quyên và tướng Hoàng Kỳ Trung, và cũng là niềm vui cho tất cả chúng ta ngồi đây. Tôi nói điều này đồng chí Tuyết nên thông cảm. Tất cả chúng ta ai cũng ít nhiều chịu đau thương mất mát trong cuộc chiến tranh vừa qua, nhưng trong trường hợp của nhà văn Hoàng Kỳ Nam thì chiến tranh đã để lại cho anh một cô con gái tuyệt vời. Hiện giờ vợ chồng cô Ngọc Lan đang sống bên Mỹ. Tôi tin sau chuyến về Việt Nam lần này, vợ chồng cô Ngọc Lan cũng sẽ có dự định trở lại góp một phần công sức xây dựng quê hương làng Đoài chúng ta ngày càng tươi đẹp.
Tiếng Đào Kinh vang lên, mọi ánh mắt ngỡ ngàng nhìn Nam, nhìn Ngọc Lan đầy nghi hoặc. Có thật nhà văn Hoàng Kỳ Nam đã có đứa con gái lớn chừng này sao?